|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: Những vần thơ... nghịch
Tác giả: Phan Văn Minh
Có anh bạn làm thơ, một phút cao hứng vỗ ngực tự xưng là đệ tử ruột của... Bùi Giáng. Anh em hãi quá, bèn chấp tay thỉnh nguyện: “Vậy thì kính huynh, xin hạ cố cho nghe một vài bài của Bùi sư phụ được không?” - “ Lâu quá, không nhớ trọn bài nào” - “Vài câu cũng được!” - “Còn hai con mắt khóc người một con” - “Còn câu nào nữa không?” - “Hết!”.
Đệ tử ruột mà như thế thì đúng là... phản đồ!
Nhưng thôi bỏ qua chuyện đó! Ở đây muốn mời bạn đọc cùng “lêu lổng” vài phút cùng những câu thơ được nhiều người nhớ đến, được phổ biến một cách rất “xã hội hóa” đến mức nhiều khi thành khẩu ngữ, thành “chế ngữ” ở những nơi không cứ là môi trường thơ. Những câu thơ như thế không hẳn đã hay nhưng có một đặc điểm chung là nghe rất lạ, rất... nhột tai, giống như khi nghe một hợp âm nghịch trong bản nhạc... Anh “đệ tử ruột” của Bùi tiên sinh nhớ được câu thơ ở trên có lẽ vì nó... nghịch, nghĩa là không giống với logic nhận thức thông thường. Bởi làm sao mà khóc được chỉ bằng một con mắt trong khi con kia vẫn ráo hoảnh? (Câu thơ này có người đã giễu nhại rằng: hoặc là vì nghĩ mình may mắn còn cả hai con mắt nên khóc... thương hại cho người bị chột một con mắt, hoặc là khóc nhớ người yêu cũ bây giờ đã có... một đứa con). Bùi Giáng còn nhiều câu thơ nghe “giật ngược” kiểu này vẫn thường được truyền khẩu:
- Hỏi rằng người ở quê đâu?
Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà.
(Chào nguyên xuân)
- Hỏi tên: Rằng biển xanh dâu
Hỏi quê: Rằng mộng ban đầu đã xa...
(Tự sự)
Nhà thơ Đồng Đức Bốn, người được Nguyễn Huy Thiệp suy tôn là truyền nhân “y bát” thơ lục bát từ Nguyễn Du (!?), có bài thơ Ăn mày vào chùa gợi nhiều liên tưởng:
Đang trưa ăn mày vào chùa
Sư ra cho một lá bùa rồi đi
Lá bùa chẳng biết làm chi
Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày.
(Về với mẹ ta thôi - NXB Hội Nhà văn - 2000)
Cái sự “nghịch” của bài thơ là ở chỗ “Lá bùa chẳng biết làm chi”. Vậy mà người cho vẫn cho, kẻ nhận cứ nhận.
Nguyễn Nhật Ánh, trước khi trở thành một nhà văn với nhiều tác phẩm thuộc loại best seller, vốn là một nhà thơ. Anh cũng có nhiều câu thơ tinh nghịch, kể cả thơ tán gái:
Hôn em không cứ hôn bằng môi
Có thể là hôn một chỗ ngồi
Có thể là hôn hai chỗ đứng
Hay là hôn một chiếc gương soi...
Mới đầu chỉ hôn vậy cho em đỡ ngượng, tuy chưa chắc đã thích. Nhưng hôn xong anh lại... đòi bồng:
...Có thể anh bồng em ra biển
Thổi sóng vào trong hai lỗ tai...
Như thế thì em rất... nhột. Cho nên con gái cứ mê thơ anh cũng như rất khoái cách trả lời “trớt quớt” của Anh Bồ Câu (Một bút danh của N.N.A.) ở mục “Vườn hồng” trên báo Thanh Niên. Nhớ thời còn trẻ, khi về quê nghe tin người yêu cũ đi lấy chồng, Ánh liền “xuất khẩu” ngay một bài, trong đó có hai câu:
Một chiều trở lại bến sông Thu
Nghe em lấy chồng... á cái đù!...
Quả là cái cốt cách dân Quảng, cả đời ưa đùa nghịch, đùa cả trong những hoàn cảnh rất “nỗi niềm”, đùa như Thủ Thiệm trước khi nhắm mắt: “Hết rồi! Chỉ còn cái con c...”, tỉnh khô như Phan Khôi ở giai đoạn quẫn bách nhất của đời mình: “Làm sao cũng chẳng làm sao, dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi, làm chi cũng chẳng làm chi, dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao”.
Những câu thơ có “hợp âm lạ” có thể tìm thấy khá nhiều trên thi đàn của “quê hương xứ dân gầy” miền Trung, từ những câu “ngất ngưỡng” của Nguyễn Bắc Sơn (Phan Thiết):
Có khi nghĩ trời chỉ sinh ta là đủ
Bởi đám đông quậy bẩn nước hồ đời
Nhưng lại nghĩ trời sinh thêm bè bạn
Để quàng vai ấm áp cuộc rong chơi...
(Mai sau dù có bao giờ)
đến những câu tỉnh táo, khôn ngoan của Thuận Hữu (Hà Tĩnh):
Ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ
Đừng có trách chi những phút xao lòng.
(Những phút xao lòng)
và những câu nghịch theo kiểu triết lí, không rõ trong bài nào, hình như là của Nguyễn Quyến (Thanh Hóa):
...Mắt là mắt của người ta
Tôi đem khép mở như là mắt tôi...
Vào thời những năm 90 của thế kỉ trước, hai câu thơ này được truyền miệng và vận dụng rất nhanh trong nhiều hoàn cảnh thành những câu thơ... chế, đại loại như:   
- Bia là bia của người ta, anh mời anh mọc như là bia anh (Uống bia chùa).
- Đùi là đùi của người ta, anh liếc anh lác như là đùi anh (Ngắm gái).
- Buổi là buổi của người ta, anh nói dai nhách như là buổi anh (Phát biểu)...
Cũng vào thời đó, nhà thơ Nguyễn Tấn Sĩ ở Quảng Nam là người rất ưa “chế” văn thơ thành những câu... trật đường ray, nghe xong không thể cấm cười. Anh có nguyên một góc hài hước “Tự nó thành điển” trên tuần báo Quảng Nam-Đà Nẵng Chủ nhật” (cũ), chuyên bình chú những câu tục ngữ, danh ngôn, khẩu hiệu kinh điển bằng cách bóp méo, cắt khúc chữ nghĩa. Chẳng hạn: “Góp ý kiến = Góp ý cho... kiến”; “Lương y kiêm từ mẫu = Lương mà y như thế thì cũng xin từ biệt mẹ mà ra đi”... Thơ anh hồi đó rất... quậy. Trong bài Hát lại một câu ca, anh “chế” lại bài ca dao Nụ tầm xuân theo kiểu ngẫu hứng tửng từng tưng: “Này lên cây bưởi hái hoa, Này ra vườn cà hái nụ...”. Riêng tôi vẫn có ấn tượng thú vị nhất với hai câu:
Trèo lên tìm một chỗ ngồi
Bước xuống còn đâu chỗ đứng...
Trong bài Hành phương Nam, nhà thơ Thu Bồn lại có kiểu than thở lạ đời:
Bao năm xa xứ người thương nhớ
Trăng sáng mà em áo vẫn cài...
Có lẽ tâm hồn nhà thơ đã được mặc định rằng hễ cứ sáng trăng lên là các nàng đều...  “nuy khuyến mãi” cả chăng?
Trong “văn hóa đọc thơ”, có một điều cũng khá “nghịch” là không chắc những bài thơ hay của những nhà thơ nổi tiếng sẽ luôn được nhiều người nhớ và nhắc đến. Trái lại, những câu thơ không hẳn đã xuất sắc, tác giả có thể khuyết danh, có khi đã bị người đời lãng quên hoặc chưa được coi là một nhà thơ chính danh lại được “công chúng thơ” hồ hởi đón nhận. Những câu thơ như vậy được truyền tụng bất chấp sự phán xét về cảm xúc, về nghệ thuật, về thi pháp. Chúng chỉ cần bất ngờ, nổi trội ở yếu tố “nghịch”.
Yêu anh đi, anh rất giàu
Ngoài tiền ra thứ gì anh cũng có
Hồng của hoa và xanh của cỏ
Cả Ngân hà đều ở trong anh.
Yêu anh đi, anh cũng thông minh
Ngoài trái tim em thứ gì anh cũng biết
Hoa có từ hương, chim sinh ra từ tiếng hót
Và em sinh ra từ nỗi nhớ của anh...
(Chưa rõ tác giả)
Rõ là vừa nghịch lại vừa ngông. Nhưng nhiều khi cái sự “nghịch” được biểu hiện vì nó quá... “thuận”, quá hiển nhiên theo kiểu “thơ con cóc”:
Bâng khuâng đứng giữa lầu ba
Trên là lầu bốn dưới là lầu hai...
(Chưa rõ tác giả)
Có khi là do trò chơi chữ theo kiểu “trường phái thơ Bút Tre”:
Nhớ nhung về thị xã Phan
Thiết tha tơ tưởng cô hàng nước măm (mắm)
Có lẽ không ngoa khi bảo rằng Bút Tre (Đặng Văn Đăng, 1911-1987) là nhà thơ số một của Việt Nam, xét theo tiêu chí số lượng câu thơ được nhiều người nhớ đến; và là nhà thơ duy nhất tạo được một “trường phái” riêng -trường phái thơ Bút Tre- với khá nhiều đặc điểm về “thi pháp” như “vắt dòng”, “cưỡng từ đoạt nghĩa”, “sửa dấu ép vần” “lục bát... tức vận”...:
- Kia kìa một đám rau xanh
Đó là rau muống nấu canh đấy... chứ!
- ...Vườn khuya gió mát trăng thanh
Thấy em nằm để cửa. Mình anh lo!
và thậm chí còn có cả các chi phái “Bút Tre dân gian”, “Bút Tre già”, “Bút Tre trẻ”, “Hậu Bút Tre”:
- Mời anh vào quán Kara
Oke em đã mở ra sẵn sàng
- Mai sau về với ông bà
Nấp sau nải chuối ngắm gà khỏa thân.
*
*    *
Những câu thơ “nghịch” có thể tìm thấy rải rác đây đó bất chợt trên cánh đồng thi ca cổ kim ở nhiều hình thái khác nhau, từ ca dao, thơ vỉa hè, thơ “bình dân học vụ” cho đến văn chương hàn lâm bác học. Cho dù tầm vóc thế nào, một đại thụ sum suê ngạo nghễ hay chỉ là một khóm xương rồng khẳng khiu trơ trụi, chúng đều trở thành một tiêu điểm buộc người ta phải để mắt tới giữa cánh đồng thơ vô tận, bởi chúng đều truyền đến cho người đọc, người nghe một cảm thức ngẫu hứng khoáng đạt hoặc một trường liên tưởng thú vị nào đó. Tuy nhiên, những câu thơ như thế ngày càng hiếm, thậm chí hoàn toàn vắng bóng trên thi đàn đương đại. Bây giờ muốn nhớ được một câu thơ cho dù là rất tâm đắc cũng phải cố gắng... học thuộc lòng, nhất là với những trào lưu thơ mới như thơ Tân hình thức, Hậu hiện đại; cho dù các nhà thơ vẫn đang chia nhau đi khai phá những con đường mới đầy gian nan.
Phải chăng vì thế mà “hương lửa” giữa nhà thơ và công chúng thơ ngày nay hình như đã bớt mặn nồng?
P.V.M
Quay về
Văn
Bài thơ sông núi
Tình cha
Khuya xa
Ám ảnh thu
Người viết điếu văn cho mình
Thơ
Vòng tay bất tử
Ghi chép dọc đường
Câu Lâu
Mẹ kế
Người dưng
Cánh đồng khói
Tác phẩm
Thiền
Lệ phố
Thu và em
Ngộ
Thời vụ
Rót tiếng guitar
Em viên mãn anh sợ mình nông nổi
Cháy
Chỉ là
Sau những ngày rối loạn tiền đình
Sông bấc
Giọt sương
Thôn nhỏ
Ở đây
Yêu thầm
VĨNH BIỆT NHÀ THƠ VŨ MINH
Nghiên cứu-Lý luận-Phê bình
Cõi mộng và điên trong thơ Bùi Giáng
Đọc Gác chân lên cô đơn
Một tâm hồn thơ Hội An
Một thoáng Vũ Minh
TRÀ DƯ TỬU HẬU
Những vần thơ... nghịch
Văn học-Học văn
Lời hứa
Nhip sống văn nghệ-Hộp thư
Nhịp sống văn nghệ
Hộp thư