|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: Một tâm hồn thơ Hội An
Tác giả: Phạm Thúc Hồng
VŨ bút bi hùng, hai thời lửa đạn
MINH tâm tráng chí, một cuộc bụi trần
(P.T.H)
Những đêm trăng mười bốn, dưới ánh đèn lồng lung linh, trong dòng người tìm dấu phố xưa có một ông già thanh thản tản bộ một mình. Thanh thản. Cái thanh thản như đã trải nghiệm một đời. Ông đến thi quán "Phố cổ Tình thi" ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, rồi đến thi quán "Hoài Phố" trên đường Nguyễn Thái Học, để đọc thơ, ngâm thơ. Không một đêm thơ phố cổ nào vắng ông.
Giọng đọc thơ của ông sang sảng, diễn cảm mặc dù tuổi đã cao. Ông còn hát dân ca. Có khi cao hứng còn đọc cả thơ tiếng Pháp do ông sáng tác. Ông thường nói nửa đùa, nửa thật: "Đọc thơ anh chị em nghe để có khi sáng mai chẳng còn gặp lại tôi”. Ông chẳng cần gì! Tiền tài, địa vị, danh vọng, kể cả sống chết, thoảng như mây bay, nhẹ tựa lông hồng. Ông cần một tấm lòng thơ để tiếp tục đồng hành trong khoảng cuối cuộc đời...
Đó là nhà thơ lão thành Vũ Minh, một người thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đã trải trang thơ của mình trên thi đàn Hội An và cả nước từ đó đến nay.
Trong góc nhìn của người yêu thơ Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng, Vũ Minh đến nay vẫn là cây đại thụ, là nhà thơ đàn anh với bề dày trên 50 năm gắn bó, thao thức với từng bước đi của thơ ca địa phương.

* MỘT THỜI LỬA ĐẠN...
Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Vũ Minh vừa tròn 22 tuổi. Là một thanh niên trí thức đứng trước vận hội giành đọc lập tự do trong Cách mạng tháng 8/1945, dòng nhiệt huyết yêu nước của Vũ Minh được dịp sôi sục trào dâng. Thơ Vũ Minh đi vào khói lửa chiến tranh bằng những trang thơ tự sự:
Ôm em... hờn nghẹn cổ
Chỉ còn nắm xương gầy
Hỏi cha, cha em mất
Hỏi mẹ, giam đồn Tây
Hỏi nhà, nhà giặc đốt...
Em ơi thôi nín khóc
Ta về đi giết Tây
 Vũ Minh trực tiếp tham gia chiến đấu, trực tiếp chứng kiến những hy sinh anh dũng của đồng bào chiến sĩ. Nhà thơ đã ghi lại cảm xúc bằng thơ tự sự thay cho những bài văn xuôi. Đất lửa, Đôi chân, Tiếng sét, Mùa xuân bên giếng Ông Còm, Sáng và tối, Chiếc quan tài, Ngọn đèn dầu mù u, Bát cháo hoa.. là những bài ký sự bằng thơ làm xúc động lòng người.
Đó là câu chuyện về một người mẹ kiên cường trong kháng chiến:
Việt Minh đâu? Mẹ lắc đầu
Hầm bí mật đâu?
Mẹ vẫn lắc đầu
Chúng nhe hàm răng quỷ dữ
Hét lên: Châm lửa!
Đó là nỗi căm giận trước tội ác của quân thù:
Ôi đập Vĩnh Trinh đêm nào máu chảy
Cây Cốc, Quán Rường gọi trả thù chung
Hải Vân đáp: Sóng gầm vang dậy
Những đoàn tàu giặc Mỹ nổ tung
Dù vậy, trong tâm hồn thơ Vũ Minh, niềm tin vẫn rất dạt dào. Thơ ông lại cất cao lời reo vui khi nghĩ về một ngày mai khải hoàn:
Ngày mai, ngày mai trở về chiến thắng
Vui như điên nên thơ hóa không vần
          
* BẢN TÌNH CA QUÊ HƯƠNG HỘI AN
Vũ Minh rong ruổi mọi miền đất nước để học tập, công tác, chiến đấu và nơi đâu ông cũng mơ về hình bóng quê nhà:
Chúng con đi mỗi chặng đường gian khổ
Tiếng gọi quê hương - sức mạnh diệu kỳ
Hội An đã trở thành một trong những đề tài sáng tác chủ đạo của Vũ Minh. Cảnh sắc, con người Hội An xuất hiện trong thơ ông với tần suất lớn:
- Hội An ơi!
Cho đến lớn khôn!
Nơi ta uống giọt sữa đầu tiên
Câu hát ru một thời tuổi nhỏ...
- Hội An ơi
Đợi cha về
Tôi lắng nghe
Bánh xe lăn
Trên đường phố
Tình yêu ấy bắt nguồn từ trong máu thịt. Và dường như, trong những ngày đầu kháng chiến, khi những nghĩ suy đã chín chắn hơn, Vũ Minh càng thêm yêu quê hương Hội An bằng một tình yêu lớn lao hơn, lý tưởng hơn:
Gia nhập đội Tiền phong tự vệ
Quê mình đẹp sau những lời tuyên thệ
Từ bờ tre gốc rạ vang lên
Và ông mơ ước - một mơ ước rất bình dị về một hình ảnh thanh bình của quê mình sau chiến tranh:
Tan giặc Mỹ! Xóm Gành vang tiếng hát
Những con tàu chở cá nặng đầy khoang
Những lứa đôi ra bến chờ trăng mọc
An Bàng xưa nhịp sóng vỗ tưng bừng
Những năm sau này, khi Hội An đã phát triển phồn vinh, Vũ Minh lại có dịp so sánh rồi reo vui phấn khích:
Đường xuân quê mẹ đi tìm
Ngọn đèn ngoại thắp ẩn chìm trong mơ
Bây giờ điện sáng đôi bờ
Hội An rực rỡ dưới cờ vàng sao
Có phải vì những điều ấy mà năm 1992, trong lời đề tựa tập thơ Thơ Vũ Minh, nhà thơ Thanh Quế đã viết: "Điều quan trọng, cái quý nhất để người ta tìm đến Vũ Minh là tình yêu quê hương (Hội An) trong đề tài, sự giản dị chân thật trong cách viết".

* VÀ NHỮNG SUY TƯ
Thơ Vũ Minh trong suốt thời kỳ dài là những bài tráng ca về kháng chiến, những bài tình ca về quê hương và con người. Có lẽ niềm vui chiến thắng ngoại xâm và lao động trong hòa bình đã cuốn xoáy thơ ông vào hai chủ đề ấy. Mãi đến những năm sau này, thơ Vũ Minh mới có những chiêm nghiệm về nhân tình thế thái:
Trước nghĩa trang liệt sỹ
Cúi đầu nghiêng mình tưởng niệm
Tự xét Chất Người còn được bao nhiêu?
Rồi khắc khoải lo âu:
Nếu đánh thức tiềm lực
Quên đánh thức lương tri
Dân sẽ làm kiệt sức
Nuôi béo kẻ gian phi
Và khi đứng trước tuổi già nhìn lại quá khứ, trải qua những biến động khó lường của cuộc sống, thơ Vũ Minh mang theo chiều sâu suy tư:
Thật và Giả - hai luật sư bào chữa
Thôi xin mời tòa án mở trong Tâm
Nghĩa và Tiền khác con bài sấp ngửa
Ngày và đêm - Sáng tối - Điếc và câm?
*
*    *
Vũ Minh là một nhà thơ cần mẫn, say mê trong lao động sáng tạo nghệ thuật, với một tâm hồn chân chất, hồn hậu. Say mê, thật thà như chính tâm sự của ông:
Mùa đông sắp tới rồi
Kiến tha mồi về tổ
Là bài học đời tôi
Chắt chiu Thơ thế đó
Có lẽ vì thế mà thơ và người thơ Vũ Minh được nhiều người nhớ. Và trong lòng nhiều người yêu thơ Hội An, nhà thơ lão thành Vũ Minh luôn xứng đáng là người điểm trống khai trương trong mỗi dịp mở hội tao đàn...
P.T.H  
Quay về
Văn
Bài thơ sông núi
Tình cha
Khuya xa
Ám ảnh thu
Người viết điếu văn cho mình
Thơ
Vòng tay bất tử
Ghi chép dọc đường
Câu Lâu
Mẹ kế
Người dưng
Cánh đồng khói
Tác phẩm
Thiền
Lệ phố
Thu và em
Ngộ
Thời vụ
Rót tiếng guitar
Em viên mãn anh sợ mình nông nổi
Cháy
Chỉ là
Sau những ngày rối loạn tiền đình
Sông bấc
Giọt sương
Thôn nhỏ
Ở đây
Yêu thầm
VĨNH BIỆT NHÀ THƠ VŨ MINH
Nghiên cứu-Lý luận-Phê bình
Cõi mộng và điên trong thơ Bùi Giáng
Đọc Gác chân lên cô đơn
Một tâm hồn thơ Hội An
Một thoáng Vũ Minh
TRÀ DƯ TỬU HẬU
Những vần thơ... nghịch
Văn học-Học văn
Lời hứa
Nhip sống văn nghệ-Hộp thư
Nhịp sống văn nghệ
Hộp thư