|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: HUỲNH THÚC KHÁNG TRƯỚC NGÃ BA THỜI ĐẠI
Tác giả: Phạm Phú Phong - Phan Trọng Hoàng Linh


Có những thời điểm lịch sử nóng bỏng đến riết róng, đặt những con người có tầm vóc, có lương tri và nhân cách luôn đứng trước những ngã ba đường, buộc phải có sự chọn lựa, không phải sự nhận đường một cách mơ hồ, thụ động mà là sự khẳng định quyết liệt mang tính tất yếu và ý nghĩa sống còn của tiến trình lịch sử và số phận của những con người sống có mục đích lý tưởng, có độ dư về phẩm chất làm người. Đó chính là những ngã ba đường mà Đặng Dung đã đứng và đã có cuộc chọn lựa để danh thơm muôn thuở. Đó cũng chính ở ngã ba đường mà Nguyễn Trãi đã tìm lối rẽ đúng để trở thành danh nhân văn hóa, một nhân cách tiêu biểu cho cả dân tộc. Với Huỳnh Thúc Kháng, trước sau, lớn nhỏ tùy vào từng thời điểm khác nhau, nhưng ít nhất có đến bốn lần lịch sử đặt ông đứng trước những ngã ba của thời đại, buộc ông phải chọn lựa trước những thử thách như một chất kiểm màu làm nổi rõ những gam màu nóng của một danh sĩ đất Quảng.

1. Cuộc chọn lựa thứ nhất có ý nghĩa quyết định cho cuộc đời và sự nghiệp của Huỳnh Thúc Kháng thể hiện tâm huyết toàn vẹn của một thanh niên yêu nước trưởng thành trong thời đại bão giông của lịch sử dân tộc. Con đường của các Nho gia xưa là học hành, đỗ đạt, ra làm quan, mục tiêu là để giúp dân giúp nước, nhưng trong đó cũng có phần được hưởng bổng lộc của triều đình. Đó là con đường chung của các nhà khoa bảng, thức giả, kể cả những người thành danh và vô số những người không thành danh. Thậm chí có người học hành là cốt để đạt mục tiêu thứ hai, là để vinh thân phì gia, trước khi nghĩ đến việc giúp dân giúp nước. Đó chính là loại trí thức thứ hai, những người không thành danh. Đông không kể hết. Ngay cả người đồng chí, đồng liêu với ông, một người văn võ song toàn, sinh ra trong gia đình có truyền thống học vấn và bản thân là một trí thức tiêu biểu của thời đại như Phan Châu Trinh cũng không thoát ra khỏi quĩ đạo chung ấy (sau khi đỗ Phó bảng năm 1901, Phan Châu Trinh đã ra làm thừa biện Bộ Lễ đến năm 1905). Đó cũng là con đường hoạn lộ của Phạm Phú Thứ, vào Nam ra Bắc, đi Đông đi Tây, có lúc bị truất phế đày làm phu trạm vì tính khí “Quảng Nam hay cãi” cũng không thoát khỏi quan niệm tôi trung. Với Huỳnh Thúc Kháng, ông không chỉ thi đỗ mà còn đỗ cao, nhưng ông bất chấp cả gia cảnh nghèo khó và mục tiêu đổi đời của gia đình, vùng thoát ra khỏi quĩ đạo của thời đại mình, không đi theo con đường quan chức mà lại quay về nhà đọc tân thư và kết giao với các chí sĩ yêu nước tìm cách duy tân để cứu nước. Đó quả là sự chọn lựa không mấy dễ dàng.

Ở ngã ba đường thứ nhất này, có thể hình dung ra chàng trai 28 tuổi ấy đã đứng rất lâu trước khi chọn ngã rẽ và tìm mọi lý lẽ để thuyết phục gia đình đã công khó nuôi ăn học, để thuận theo con đường mà chí ông đã chọn. Nếu nói đây là cách chọn lựa, là thái độ dấn thân của một danh sĩ xứ Quảng, thật chẳng thể sai, bởi vì chỉ có những người sinh ra từ những làng quê nghèo khó mới có ý chí phấn đấu học hành, nhưng khi đã đạt được thành quả, lại từ bỏ cuộc sống giàu sang sung túc vì nghĩa lớn. Đó là thái độ dấn thân của một nhân cách lớn, sống toàn vẹn trong môi sinh của văn hóa, một thứ văn hóa thuần chất và quyết liệt theo kiểu Quảng Nam. Từ con đường của một người yêu nước, ông đến với những hoạt động chính trị, kêu gọi duy tân để cứu nước, bất chấp sự khủng bố, bắt bớ, đày ải của kẻ thù.

2. Cuộc chọn đường thứ hai, mang ý nghĩa phái sinh từ cuộc chọn lựa lần thứ nhất, của một con người từng trải ở tuổi “nhi bất hoặc”, đã từng nếm qua mùi khổ ải của nhà tù đế quốc trên đường tranh đấu. Lần chọn lựa này dễ dàng hơn lần thứ nhất rất  nhiều, là sản phẩm của lý tính chứ không phải cảm tính, là chọn lựa con đường đấu tranh, đó là con đường đấu tranh nghị trường, đấu tranh tư tưởng thông qua báo chí. Vừa mới ra tù, nhân việc thực dân Pháp thay đổi sách lược cai trị, bãi bỏ Hội đồng tư vấn đã tỏ ra mất tác dụng không lừa bịp được ai, thay vào đó là thành lập Viện Dân biểu Trung kỳ (1925). Với chính sách mỵ dân, chúng dựa vào uy tín của ông và tưởng có thể lợi dụng được ông sau thời gian dài 13 năm (1098-1921) đã “uốn nắn” trong nhà tù khổ sai, chúng cử ông làm Viện trưởng. Không phải vô lý khi mà những chiến sĩ cộng sản thường coi nhà tù là trường học cộng sản chủ nghĩa. Huỳnh Thúc Kháng coi nhà tù là “thiên nhiên học hiệu”, là trường học tự nhiên, đã dạy cho ông nhiều bài học (về ngoại ngữ - tiếng Pháp, về công việc hành chính văn phòng mà ông gọi là “nhà giấy”, về cách buôn bán hàng tạp hóa, về cách quản lý tổ chức xã hội, về nghề làm đồi mồi, nghề cày ruộng, nghề dạy học chữ Hán, nghề làm báo...), cao hơn cả, là nhà tù đã bồi đắp phù sa màu mỡ cho tình yêu quê hương đất nước, tình cảm giữa những người đồng cảnh ngộ, tình anh em đồng đội, thắm thiết hơn là tình đồng loại giữa con người với nhau. Nhà tù không chỉ bổ khuyết kiến thức bách khoa về đời sống, mà còn bồi dưỡng đời sống tinh thần, rèn luyện bản lĩnh, tầm vóc văn hóa và hoàn thiện nhân cách của một trí thức thời đại.

Vì vậy, cuộc chọn lựa lần này diễn ra nhanh chóng đối với ông và ông vội nắm ngay cơ hội. Tương kế tựu kế, trong suốt những năm từ 1926 đến 1928, ông dùng nghị trường này để đấu tranh đòi cải cách dân sinh dân chủ. Thật ra, con đường cứu nước thời kỳ này đã có ba lối rẽ. Nhưng ở lối rẽ từ luận cương của Lenine với cuộc cách mạng vô sản dựa vào sức mạnh và sự giác ngộ của quần chúng nhân dân vừa mới chuyển từ Tây Âu sang Đông Âu đối với ông còn quá xa xôi, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có sự bưng bít thông tin tối tăm của chế độ thuộc địa. Trước mắt ông là công cuộc duy tân đất nước được tiến hành trên hai ngã đường: một là phong trào Đông du của Phan Bội Châu dựa vào sức mạnh của nước đồng văn Đại Đông Á Nhật Bản để tiến hành bạo động, hai là con đường Duy tân nâng cao dân trí, thức tỉnh lòng yêu nước, đấu tranh nghị trường đòi dân sinh dân chủ của Phan Châu Trinh, thì ông chọn con đường thứ hai, vì “người nước Nam chui núp dưới chánh thể chuyên chế đã trên ngàn năm, chưa có tư cách quốc dân độc lập, dầu có nhờ cậy sức nước ngoài, chỉ diễn cái trò đổi chủ mà làm đày tớ lần thứ hai, không có ích gì. Vả lại nước Pháp là một nước làm tiền đạo văn minh cả hoàn cầu, nay hiện bảo hộ nước ta, mình nhân đó mà học theo, chuyên dụng tâm về mặt khai trí trị sanh các việc thực dụng, dân trí đã mở, trình độ ngày càng cao, tức là cái nền độc lập ngày sau ở đó”([1]). Đó là những suy tính hết sức sáng suốt, không chỉ là sản phẩm của tư duy triết học về chủ nghĩa yêu nước mà còn thể hiện thông qua thực tiễn hành động.

Sử dụng diễn đàn của Viện Dân biểu chưa đủ, Huỳnh Thúc Kháng phải tìm đến một công cụ đắc lực cho đấu tranh nghị trường là báo chí. Sau nhiều lần bàn bạc với Phan Bội Châu về việc chuẩn bị cương lĩnh nội dung và huy động khả năng tài chính cho một tờ báo, ông giao cho Trần Đình Phiên, Nguyễn Quý Hương, Nguyễn Xương Thái, Lê Nhiếp... thành lập công ty cổ phần để huy động nguồn vốn, chuẩn bị nhà in và trụ sở để cho ra đời tờ báo đầu tiên đại diện cho tiếng nói của nhân dân cả miền Trung. Ngay cách chọn lựa đặt tên cho tờ báo cũng đã nói lên điều đó. Lúc đầu ông định đặt tên là Trung Thanh (tiếng nói trung thực của miền Trung), sau định đổi thành Dân Thanh (tiếng nói của dân) sau chuyển thành Tiếng Dân theo lời đề nghị của cụ Phan Bội Châu nhằm làm rõ nghĩa của một tờ báo quốc ngữ. Theo Hồi ký về cụ Phan và cụ Huỳnh của Vương Đình Quang (thư ký tòa soạn báo Tiếng Dân từ 1930 trở về sau), lúc này cả cụ Phan và cụ Huỳnh đều chưa đọc thông viết thạo chữ quốc ngữ, các bài viết bằng chữ Hán của họ đều được thư ký tòa soạn đầu tiên là Đào Duy Anh dịch ra quốc ngữ. Nhưng vừa làm vừa học, chỉ sáu tháng sau, Huỳnh Thúc Kháng có thể viết trực tiếp bằng quốc ngữ([2]). Không những thế, ông còn trở thành cây bút chủ lực của tờ báo, viết nhiều mục, nhiều thể loại trên báo; có số báo, do yêu cầu phải đủ các mục, ông viết đến hàng chục bài. Ông có đến mười mấy bút danh là vì vậy. Có người cho rằng: “Lúc này, ông viết báo, làm thơ như một người yêu nước, chứ không phải là một nhà hoạt động chính trị, hô hào duy tân, như thời 1905-08”([3]). Nói như thế là phủ nhận vai trò đấu tranh nghị trường ở Viện Dân biểu Trung kỳ của ông và quên rằng thực chất hoạt động báo chí là hoạt động chính trị, làm báo là làm chính trị bằng báo chí. Đó là chỉ mới nói về mặt hình thức, chưa cần phải xét đến nội dung của báo chí. Và, chính Huỳnh Thúc Kháng cũng đã ý thức rất rõ điều đó.

3. Cuộc chọn đường lần thứ ba diễn ra sau khi báo Tiếng Dân bị đóng cửa, Đại chiến II đang diễn ra, người Nhật nhảy vào Việt Nam thay chân Pháp, người Nhật và nhóm thân Nhật luôn ra sức và tìm mọi cách mua chuộc, dụ dỗ với bao nhiêu bổng lộc, chức tước, nhưng Huỳnh Thúc Kháng đã chọn con đường về với nhân dân, tham gia Chính phủ Liên hiệp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Cuộc chọn lựa lần này vừa là sản phẩm của lý tính, vừa là sản phẩm của cảm tính, thể hiện ý chí kiên quyết của một người từng trải, đã nhận thức rõ diện mạo và bản chất của kẻ thù xâm lược, mà trước đây ông đã từ bỏ không theo con đường bạo động, nhờ cậy người Nhật như phong trào Đông du. Về mặt cảm tính, ông yêu quý Cụ Hồ và cuộc cách mạng cứu nước do Cụ Hồ lãnh đạo. Ông không phải là đảng viên và chưa bao giờ là đảng viên Cộng sản, nhưng ông bắt đầu yêu quý những người cộng sản, dành nhiều cảm tình và tin tưởng ở xã hội chủ nghĩa. Hãy hình dung sau Cách mạng tháng Tám (1945), hai bộ phận quan trọng nhất trong chính phủ lâm thời là Bộ Quốc phòng do Võ Nguyên Giáp phụ trách, còn Bộ Nội vụ do ông phụ trách, cùng với một người đồng hương trẻ tuổi làm Thứ trưởng là Phan Bôi.

Cách mạng tháng Tám là cuộc cách mạng có sức mạnh như một cơn bão, cuốn theo mọi số phận, mở ra những ngã đường, soi chiếu một quầng sáng mới mẻ lên mọi phận đời, nhưng không phải không có những chuyến tàu đi ngược chiều lịch sử. Qua những ngày sôi động, với những khó khăn trăm mối trong quá trình xây dựng chính quyền mới, những cuộc nhận đường không mấy dễ dàng, nhất là khi người Pháp quay trở lại, chiếm giữ các thành phố lớn, không ít người đã thối lui, quay lại, trong đó có cả những người có vai vế trong xã hội hoặc cả cái ông vua đã từng tuyên bố: “Thà làm dân của một nước tự do, hơn làm vua của một nước nô lệ...”. Nhưng Huỳnh Thúc Kháng là một trí thức xứ Quảng, trước sau như một, vẫn kiên trì đi theo con đường mà mình đã chọn. Ông sống toàn vẹn với nhân cách của một danh sĩ. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn đại biểu nước ta sang Pháp đàm phán, đã tin tưởng giao cho ông làm Quyền Chủ tịch nước, trong tình thế rối ren của đất nước lúc bấy giờ với thù trong giặc ngoài, ông đứng trên lập trường của một người yêu nước, kiên quyết xử lý nhóm phản động Quốc Dân đảng trong vụ án “Ôn Như Hầu”, ông tham gia sáng lập và làm Hội trưởng đầu tiên của Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt).

4. Cuộc chọn đường cuối cùng hoàn toàn có tính chất cá nhân, lại thể hiện nhân cách của một danh sĩ, một người xứ Quảng, nhạy bén với cái mới, thích làm cách mạng hơn là làm quan, làm người lãnh đạo chính trị; thích làm “giặc” hơn là làm vua, làm lãnh tụ. Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Huỳnh Thúc kháng đã ở vào độ tuổi “cổ lai hy” và đang được trọng vọng, ông có quyền nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già, nhưng ông lại chọn con đường dấn thân về quê hương kháng chiến, từ chối chức tước, bổng lộc, xin làm đặc phái viên của Chính phủ về lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Liên khu Năm và qua đời vì già yếu, bệnh tật tại thị trấn Chợ Chùa ngày 21/4/1947. Người Quảng Nam luôn biết mình là ai. Người Quảng Nam, nhưng lại là nhà Nho nữa, lại càng phải biết lẽ hành xử, tiến thoái đúng lúc, đúng thời.

Người luôn đứng trước ngã ba thời đại như Huỳnh Thúc Kháng, đến khi trút hơi thở cuối cùng vẫn không ngừng chọn lựa. Đó là chọn lựa nơi an nghỉ cuối cùng trên núi Thiên Ấn, Quảng Ngãi. Điều này thực hiện không mấy dễ dàng vào thời điểm ấy (1947) khi mà cuộc kháng chiến đang diễn ra, phía Bắc cầu An Tân và phía Nam đèo Cù Mông là vùng địch chiếm đóng, vùng tự do Liên khu Năm bị cát cứ trong hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định... Nhưng đây không phải là cuộc lựa chọn lần đầu, thể hiện bản lĩnh của một trí thức thời đại, có thể nói, suốt đời ông đều là những cuộc chọn lựa mang đậm đặc cái chất người của con người xứ sở quê ông, không xu thời, lừng khừng cầu vinh, mà quyết liệt thực hiện mục tiêu.

Ngẫm lại cuộc đời Huỳnh Thúc Kháng, quả là lúc nào lịch sử cũng đặt ông đứng ở ngã ba đường và yêu cầu bức bách phải có một cuộc chọn lựa quyết liệt và sự chọn lựa của ông bao giờ cũng đúng. Có thể nói, cả cuộc đời ông sống theo một quyết định luận, một sự lựa chọn lớn mang tầm thời đại, là luôn đứng về nhân dân, dân tộc và đất nước. Vì vậy, thơ văn của ông cũng chủ yếu “nói về khí tiết của người đại trượng phu, không khuất phục uy vũ, không màng giàu sang, không sờn lòng trước gian khổ (...), những bài báo và thơ văn của Huỳnh Thúc Kháng viết trên Tiếng Dân cho thấy ông là người yêu nước nhiệt thành, là bạn thắm thiết của dân nghèo - đặc biệt là của nông dân - sống cực nhọc dưới chế độ thực dân nửa phong kiến”([4]). Vậy là, tất cả những cuộc chọn lựa trên đều thể hiện một cách nhất quán cái chất người trong con người của một “danh sĩ đất Quảng”. Điều đó còn thể hiện rõ trong thơ văn ông có một khẩu khí mạnh mẽ, cứng cỏi như chính con người của ông.

Cuộc chọn lựa cuối cùng của Huỳnh Thúc Kháng, cũng là nguyện vọng cuối cùng của ông, là được yên nghỉ trong một ngôi mộ nhỏ, trên một khoảng đất chừng hơn năm mươi mét vuông, bình thường, giản dị như chính cuộc đời vì dân vì nước của ông, nằm trên đỉnh núi thoáng mát, được mơn man bởi mây chiều và gió thổi từ sông Trà, trong tiếng kinh kệ từ ngôi chùa cổ. Tư tưởng mỹ học Phật giáo được Đức Thích Ca Mâu Ni chứng nghiệm qua nguyên lý: “Tôi thanh tịnh, tôi thấy mọi vật đều thanh tịnh” được siêu nghiệm ở chính nơi đây. Gần 70 năm qua, gió vẫn thổi, mây vẫn trôi, dòng sông vẫn trong xanh xuôi về biển cả, và nhân cách của một sĩ phu, một trí thức của thời đại, vẫn sừng sững với núi Ấn, sông Trà và non sông đất nước. Có lẽ, với ông, chết không phải là hết, là kết thúc, mà là kéo dài sự sống trong tâm tưởng mọi người, như chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong sự tiếc thương vô hạn, trước sự ra đi của ông, rằng: “Cụ Huỳnh tạ thế, nhưng cái chí vì nước của cụ vẫn luôn sống mãi trong tâm hồn của gần chục triệu đồng bào ta”([5]).

P.P.P - P.T.H.L


([1]) Huỳnh Thúc Kháng, Thi tù tùng thoại, NXB Văn hóa thông tin, 2000, tr.131

([2]) Vương Đình Quang, Hồi ký về cụ Phan và cụ Huỳnh, NXB Văn học, 1991, tr.96

([3]) Lê Chí Dũng, Từ điển văn học, bộ mới, NXB Thế giới, 2004, tr.674

([4]) Lê Chí Dũng, Từ điển văn học, bộ mới, NXB Thế giới, 2004, tr.674

([5]) Dẫn theo Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Tự điển nhân vật lịch sử Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, 1991, tr.261

Quay về
VĂN
HUỲNH THÚC KHÁNG TRƯỚC NGÃ BA THỜI ĐẠI
"DƯỚI ĐẤT TRÊN TRỜI GIỮA CÓ DÂN"
TẬP BÚT KÝ ĐẦU TIÊN VIẾT VỀ NHÀ TÙ ĐẾ QUỐC
THƠ
KÝ ỨC BIỂN
CHÚT TÌNH QUÊ
MÙ SƯƠNG NGỌN KHÓI
HỒN QUÊ HOÀI NIỆM
MỘT THOÁNG SÔNG NGUỒN
NƠI BÌNH YÊN CHIM HÓT
NHỮNG KHÚC THƠ NGÀY XANH KHÓI RUỘNG