|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: Người viết điếu văn cho mình
Tác giả: Nguyễn Sỹ Đoàn
Truyện ngắn

Một năm trước ông Đổi nghỉ hưu đúng tuổi. Ông nghỉ hưu êm đẹp và trọn vẹn. Nói theo ngôn ngữ thời nay là “hạ cánh an toàn”. Thực ra cũng có đôi ba chuyện bê bối lình xình, nhưng cái tình của dân mình còn nặng lắm nên người ta bỏ qua. Bây giờ thì ông Đổi vô lo vô nghĩ. Thi thoảng có cuộc họp ở khu dân cư, ông Đổi đến rất sớm. Ông đến để nói chuyện, để hóng chuyện. Hễ ai hỏi dạo này ông có làm gì không thì ông lấy bàn tay mập ú xoa xoa vào cái bụng đã bự ra của mình cười hà hà, ông bảo tớ đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình rồi, giờ là lúc phải tận hưởng, thăm thú bạn bè. Lời ông Đổi nói là thật. Nhưng chỉ thật có một nửa. Một năm trời ông chả thăm ai, cũng chẳng có ma nào đến thăm ông. Ông chưa quen cách sống, cách nói của tầng lớp bình dân. Khi ông nói dẫu chỉ là nói ngoài lề, vẫn có cái gì đó như mệnh lệnh, như áp đặt. Một người quen cũ, ông không nhớ tên, nói mình là thường dân rồi, chỉ đạo ai nữa mà lên giọng dạy bảo, phán quyết. Ông Đổi không chịu. Những câu nói của ông đã đánh đổi bằng cả cuộc đời công tác làm sao sai được. Nếu ông nói không đúng sao cấp dưới của ông ngày xưa phục tùng răm rắp...
Những người ngồi nghe chỉ ừ hử cho qua. Chả có câu nói nào dừng chân trong tai họ hết. Dần dà họ thấy nhàm và lảng đi. Thế là ông Đổi trở nên cô đơn tại chính nơi ông ở.
Ông Đổi không phải là một nhân vật chính trị tiếng tăm, cũng không phải người nắm quyền lực ở diện rộng. Lời nói của ông, chữ ký của ông chỉ có giá trị trong một tổng công ty. Thế nhưng có lần ông tuyên bố thẳng thắn tôi yêu công ty này, chưa bao giờ tôi nghĩ rời bỏ cương vị hiện nay để làm ông thứ trưởng, thậm chí ông bộ trưởng. Ở đời, sống được bao nhiêu mà chia rẽ, kết nhóm, giành giật chức vụ tiền tài? Ông nhấn mạnh người giỏi nhất là người biết dừng ở đâu. Nói thế nghĩa là ông tự nhận mình giỏi nhất. Nhiều người trong tổng công ty kinh ngạc và hoang mang. Ai chẳng có tham vọng leo cao. Không lẽ ông Đổi nằm trong diện đặc biệt? Câu nói của ông nó phi logic, nó phản khoa học, và không phù hợp với tâm lý, tính cách của ông. Trong số những người dưới quyền ông, gã lái xe, lại nhận xét ông là một kẻ ích kỷ hẹp hòi, vơ bèo vạt tép, bất chấp hậu quả lại tự nhận mình là thánh. Thật khôi hài. Rồi gã oang oang kể về một chuyến chở ông Đổi xuống công ty thành viên kiểm tra. Nghe nói công ty này đang bê bối về kinh tế. Chuyện kiểm tra ra sao gã không biết. Riêng chuyện quà cáp của công ty nọ biếu thì đầy một xe. Gã bảo nói ra thật xấu hổ. Gã đâu có thèm gì mấy quả vải, quả cam. Về đến nhà trời khuya lắm, ông Đổi bảo gã mang tất tật vào nhà, quên luôn gã. Điên tiết, gã vạch quần tè luôn xuống sàn xe. Sáng hôm sau, chừng như ngượng với cách hành xử của mình tối qua, ông Đổi cười gượng hỏi xe ổn cả chứ? Gã cũng cười đáp lại dạ thưa thủ trưởng, xe còn nguyên bốn bánh. Chui vào xe, ông Đổi lại hỏi có mùi gì thế nhỉ? Uất ức, gã nói đó là mùi hoa quả hôm qua đấy. Ông Đổi biết chuyện, giận lắm. Ông có ý định thay lái xe từ lúc ấy. Trong khi chờ đợi có người mới dĩ nhiên ông phải đối xử ngọt nhạt với nó. Tính mạng mình nằm trong tay nó. Chỉ cần nó nháy vô lăng một cái là mình tiêu đời. Ông Đổi nghĩ vậy. Nhưng ông chưa kịp thay nó thì cấp trên đã thay ông.

Minh họa: VÕ NHƯ DIỆU
Chẳng hiểu sao một hôm ông Đổi chợt nghĩ mai kia khi mình nằm xuống đám tang sẽ ra sao nhỉ? Rõ rồ dại. Ông Đổi vừa nghỉ hưu, trí tuệ còn minh mẫn, sức khỏe còn hơn chán vạn người cùng tuổi. Nhưng sinh hữu hạn, tử vô kỳ, ai biết trước được lúc nào mình chết để chuẩn bị. Thôi thì... Tính ông Đổi vẫn thế. Dĩ nhiên ông Đổi là cán bộ do tỉnh quản lý tất nhiên tỉnh là chủ tang. Ông Đổi đẩy ý nghĩ lên nữa. Các thành phần khác như khu dân cư, hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi vân vân... không thể vắng mặt. Cứ nghĩ đến hàng tiêu binh trang phục một màu trắng toát từ chân đến đỉnh đầu tiến vào trân trọng phủ lá quân kỳ lên cỗ quan tài mà ông được thấy ở đám tang của người này người nọ, trong người ông đã cảm động lắm. Tiếng kèn đồng nhè nhẹ tấu lên bản hồn tử sĩ. Ông Đổi say sưa lắng nghe. Ông quên mất mình đang đứng viếng đồng đội. Gọi là đồng đội là theo nghĩa rộng, những người từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, khi nghỉ hưu ông mới biết họ. Một cán bộ hội cựu chiến binh đọc lời điếu. Vốn là người có trình độ, ông Đổi học thật chứ không phải đi mua bằng cấp đâu, ông phát hiện ra nhiều ngôn từ trong bài điếu sai toét, chẳng làm ai rung động rơi nước mắt. Ông nghĩ đến thân phận mình. Ai sẽ là người viết lời điếu cho mình nhỉ? Liệu có như ông chủ tịch hội cựu chiến binh này không? Nhạt hoét, khô khốc. Họ chỉ là những cái máy viết. Theo ông, lời điếu phải lâm ly. Và điều căn bản phải đánh giá được hết công lao, thành tích của người đã khuất. Điều này thì không ai hiểu ông bằng chính ông.
Thế là hôm sau ông Đổi bắt tay vào viết lời ai điếu cho mình. Bà Đổi đứng cạnh đang lau sàn nhà. Tiện mồm ông Đổi bảo này, anh đang định viết điếu văn cho mình. Em thấy có được không? Thoạt tiên bà Đổi ngỡ mình nghe nhầm. Bà không nghĩ ông ấy hỏi mình. Nhưng rồi bà Đổi lại nghĩ nhà có hai vợ chồng chắc ông ấy hỏi mình. Bà hỏi lại chồng. Khi nghe rõ câu hỏi của chồng bà Đổi đâm hoảng. Lấy nhau mấy chục năm, có tới năm mặt con, đây là lần thứ hai sau lời ngỏ cầu hôn, bà Đổi được chồng hỏi một câu đầy tình cảm như thế. Thường ngày ông Đổi đi là đi, về là về. Nếu có nói gì toàn nói trống không. Chẳng hạn bảo đun cho ít nước. Hoặc kiếm cho cái gì ăn. Còn trước lúc đi làm chừng năm mười phút, ông Đổi nói to này đừng có lớ ngớ ngoài cổng đấy. Ông Đổi rất mê tín. Đi làm gặp đàn bà rông lắm, gặp vợ thì rủi ro xui xẻo đến tàn mạt... Nghe chồng hỏi, bà Đổi nghĩ xưa nay người ta chỉ viết thư, viết đơn, viết di chúc chứ nào có ai viết điếu văn cho mình. Chim sa cá nhảy cũng độc như người tự viết điếu văn. Ông Đổi an ủi vợ cái gì cũng vậy, có sinh phải có tử, có mở ra ắt phải có đóng lại. Nhân sinh ư thổ, diệc hoàn ư thổ. Bà Đổi bảo ông có gở chết không đấy? Ở đời cái gì làm ngược quy luật nó thường hay vận vào mình lắm. Gạt bỏ mọi lời dọa dẫm của mụ vợ lắm mồm, ông Đổi không thay đổi ý định. Chẳng cứ gì ông, người xưa vẫn có tiền lệ. Tính ông đã quyết thì không ai cản nổi. Hình như những người có chút ít số má trong xã hội đều có chung một ý nghĩ họ làm gì cũng đúng, nói câu nào cũng là khuôn vàng thước ngọc. 
Ông Đổi lấy giấy bút ngồi vào bàn bắt đầu viết. Dĩ nhiên đầu bài điếu nào cũng phải kính thưa kính gửi tràng giang đại hải, từ đoàn quan trọng đến đoàn bé tí xíu. Từ họ mạc nội ngoại đến thông gia, bạn bè thân hữu gần xa. Đoạn này ông Đổi viết nhanh lắm. Tiếp đến thế là ông (cụ) Nguyễn Văn Đổi đã vĩnh biệt chúng ta. Ông đi đâu bỏ nơi nhà cửa, cây lặng gió im, đớn đau mọi đường mọi nhẽ. Một chút hơi tàn còn ngóng về dương thế. Xót xa thay đôi đường chia ngả. Thế mới hay đất trời kỳ ảo, trần thế mênh mông, mất cũng như còn, sắt se tấc lòng con trẻ. Viết như thế nghĩa là gia đình ông rất hạnh phúc, vợ chồng yêu thương nhau, con cái kính trọng cha mẹ... Mấy đứa con ông đọc được cười lên hô hố. Chúng bảo bố phải viết di chúc trước khi viết điếu văn. Bố nhớ ghi rõ chia cho ai cái gì, chia phải thật công bằng. Kẻo khi bố vừa nhắm mắt, lũ con lập tức cầm dao chém nhau vì việc chia bôi không đều của bố. Đúng là một lũ con... quỷ. Ông Đổi rủa. Chúng mày chỉ cầu mong tao chết càng sớm càng tốt để chiếm đoạt của nả mà tao tích cóp được. Lũ con ông lại cười như điên như dại, bố mẹ làm lụng không vì con cái thì vì ai? Điên đầu, ông Đổi quát to chúng bay là đồ ăn cướp. Chúng bảo của thiên trả địa thôi, cụ Khốt ạ. Cụ ngẫm xem đồng lương của cụ bao nhiêu, ăn uống chi tiêu bao nhiêu, dành dụm ngần ấy năm so sánh với khối tài sản hiện có. Chắc cụ in được tiền? Hay tất cả đều trên trời rơi xuống? Cụ còn nhớ chuyện khánh thành nhà không? Đấy là gì? Ăn cướp hay lừa đảo? Câu này ông Đổi nghe quen quen. Hình như của thằng phó phòng hành chính. Một lũ ăn cháo đá bát. Chính nó được ông nâng đỡ, cho đi học hành bằng lương của cơ quan suốt năm năm. Thế mà ông vừa nghỉ hưu hôm trước, hôm sau gặp lại nó vênh mặt đứng huýt sáo miệng, ra điều không quen. Khi ông còn tại vị, tất tật từ phó tổng giám đốc đến thằng nhân viên hợp đồng không ai dám cãi lại. Giờ thì ông Đổi hiểu họ sợ ông vì miếng cơm manh áo. Nói thế nghĩa là mọi người không ưa ông. Và trong cái chung ấy, không ít người còn căm ghét ông đến tận xương tận tủy. Việc ông Đổi nghỉ hưu không làm cho người ta vui thích hả hê thì cũng chẳng làm cho tấm lòng họ lưu luyến khi tiễn biệt. Hình như hôm ấy cơ quan tổng công ty có tổ chức liên hoan tiễn ông thì phải. Ai cũng vui. Đằng sau cái vui ấy mãi đến sau này ông Đổi mới thật sự hiểu hết. Thằng con vừa nhắc chuyện gì nhỉ? À, chuyện tân gia. Bận ấy ông Đổi làm lễ khánh thành nhà ở quê, cách xa nơi ông làm việc vài chục cây số. Ông Đổi nhiệt tình mời tuốt ráo. Đã mời đến chị lao công, anh bảo vệ thử hỏi ai ông không mời? Đã mưa thì mưa cho khắp, kẻo mang tiếng nhất bên trọng nhất bên khinh. Không ai từ chối lời mời. Ông Đổi vui lắm. Ông nói tớ sẽ đãi các cậu đặc sản quê hương. Mọi người ngẩn ra. Quê hương ông Đổi làm quái gì có đặc sản. Nói vụng, nơi chó ăn đá gà ăn sỏi, may ra có mấy cây chè phải gió. Ngày khánh thành, nhân viên dưới quyền ông Đổi không thiếu mặt ai. Phong bì tặng tân gia nhiều như lá rụng mùa đông. Ông Đổi phung phí lời cảm ơn. Gần trưa, mọi người nhìn nhau vì bếp núc nhà ông Đổi vẫn lạnh tanh. Chẳng ai uống chè suông trừ cơm. Chắc ông Đổi đặt cỗ ở nhà hàng. Thời buổi cơ chế mới sướng thật, có tiền rõ là nhàn nhã. Mười hai giờ, ông Đổi sai hai thằng con khiêng ra một rổ sề khoai lang luộc, ông bảo đặc sản quê tớ đấy, xin mời mấy chú mấy anh vui chung cùng gia đình. Khách mời nhìn nhau ngơ ngác. Bụng đói chân mỏi, họ đành ngồi bệt xuống sân, trệu trạo nhai mấy củ khoai. Họ cười như mếu. Y như chuyện ngày xưa Trạng Quỳnh cho vua ăn mầm đá. Lần ấy ông thu tiền mừng ngót trăm triệu.
Nghĩ đến đây ông Đổi thấy khó viết quá. Chẳng lẽ lại viết rằng ông rất yêu thương, tôn trọng cấp dưới của mình? Điều này thì ông chưa có. Người ta bảo ông Đổi gia trưởng, ông kiêu hãnh nhận. Người ta bảo ông Đổi độc đoán, ông cười nói rất đúng. Giữa chốn ba quân, trăm người vạn ý, không kiên quyết có mà loạn hết. Gia đình sao cơ quan cũng vậy. Phải có người là chủ chứ. Chẳng hạn như chị kế toán trưởng dám cãi lệnh ông không chịu chuyển số tiền từ chi tiếp khách sang mua giấy vệ sinh cho cơ quan. Chỉ một câu kêu trời của chị rằng cơ quan hành chính có bao nhiêu người mà chi mấy chục triệu một năm mua giấy vệ sinh! Làm việc với nhau chẳng khác nào chi tiết máy móc của chiếc đồng hồ. Chi tiết nào hỏng phải thay ngay. Hôm sau, ông sai trưởng phòng tổ chức viết quyết định thuyên chuyển chị kế toán trưởng dại dột kia xuống một đơn vị cấp dưới do yêu cầu của tổ chức. Không biết bây giờ chị trôi nổi nơi đâu?
Ông Đổi lại nghĩ trong điếu văn người ta thường ca ngợi nhân cách của người chết. Điều này hình như ông Đổi cũng chưa đạt lắm. Nói sai chỉ tổ làm trò cười cho thiên hạ. Ông Đổi từng chứng kiến đám tang của anh hàng xóm bị tai nạn giao thông. Ngày còn sống hắn đánh vợ, đánh con như đập mẹt. Hắn xua đuổi ông trưởng khu mỗi bận đến thu tiền gì đó như xua ma tà quỷ quái. Vậy mà trong lời điếu người ta lại viết hắn yêu thương vợ con hơn cả sinh mạng mình, chấp hành tốt mọi quy định của phường, của khu. Mọi người đứng dưới, kể cả ông Đổi, bấm bụng cười thầm. Ông Đổi cũng sợ mình viết không đúng sự thật, hay gần đúng, cũng sẽ bị cười như thằng hàng xóm. Viết gì bây giờ? Ông Đổi chăm chăm nhìn vào phần giấy trắng còn lại. Im lìm, cô quạnh đến nặng nề. Có lẽ nó còn nặng nề hơn cả cái hôm ông Đổi quát vào mặt tay trưởng phòng tổ chức dám đòi đưa việc ông tuyển người ra ban giám đốc bàn bạc. Ở đây không có ban giám đốc, chỉ có giám đốc và những người giúp việc. Rút kinh nghiệm chuyện chị kế toán, tay trưởng phòng tổ chức đành cắm mặt viết quyết định tuyển nhân viên mới. Anh ta lụng bụng rằng tổng công ty ta sống bằng bao cấp, quỹ lương có hạn, bây giờ tuyển nhiều nhân viên thì đào đâu ra tiền? Ông Đổi cười nhạt đó là việc của tôi. Chuyện loang ra, nhân viên trong tổng công ty bất bình. Nhưng họ cũng chỉ dám thì thầm nói vụng sau lưng. Họ nhìn bọn nhân viên mới vào như một lũ ăn cướp cơm chim, để lại hậu quả nặng nề cho người kế nhiệm. Họ khinh bỉ bọn con ông cháu cha bất tài vô dụng phải dựa vào quyền lực. Có lẽ mâu thuẫn sẽ căng thẳng nếu không có một ngày kia, do uất ức vì bị ma cũ bắt nạt, một con ma mới bật ra. Nó vừa khóc vừa nói các người tưởng chúng tôi là con ông Sáu, cháu ông Năm đấy hả? Nhầm rồi. Không lễ vật chả có thánh nào độ cho đâu. Lúc đó ông Đổi đã kịp nghỉ hưu.
Chưa bao giờ ông Đổi thấy mình tỉnh táo đến thế. Đầu óc ông như một cái sân bóng đá được soi rọi bởi nhiều dàn đèn pha. Tất cả đều hết sức rõ ràng, cụ thể. Tất cả được cô đặc vón cục lại. Bản ai điếu cho mình vẫn dừng ở câu ông Đổi là một con người... Nhiều ngày sau ông Đổi không thể viết thêm được chữ nào nữa. Chữ nghĩa trong đầu ông Đổi chạy hết rồi chăng? Không phải. Ông Đổi không dám viết sai sự thật. Mà sự thật thì... Thà im lặng còn hơn. Đành để cho người còn sống viết theo cách nghĩ của họ. Ông Đổi gục đầu xuống bàn. Ông ân hận. Ông sám hối. Cây bút rời khỏi tay. Ông Đổi bật lên tiếng kêu ngoài ý muốn. Giá như cuộc đời cho phép ta được làm lại.
N.S.Đ
Quay về
Văn
Bài thơ sông núi
Tình cha
Khuya xa
Ám ảnh thu
Người viết điếu văn cho mình
Thơ
Vòng tay bất tử
Ghi chép dọc đường
Câu Lâu
Mẹ kế
Người dưng
Cánh đồng khói
Tác phẩm
Thiền
Lệ phố
Thu và em
Ngộ
Thời vụ
Rót tiếng guitar
Em viên mãn anh sợ mình nông nổi
Cháy
Chỉ là
Sau những ngày rối loạn tiền đình
Sông bấc
Giọt sương
Thôn nhỏ
Ở đây
Yêu thầm
VĨNH BIỆT NHÀ THƠ VŨ MINH
Nghiên cứu-Lý luận-Phê bình
Cõi mộng và điên trong thơ Bùi Giáng
Đọc Gác chân lên cô đơn
Một tâm hồn thơ Hội An
Một thoáng Vũ Minh
TRÀ DƯ TỬU HẬU
Những vần thơ... nghịch
Văn học-Học văn
Lời hứa
Nhip sống văn nghệ-Hộp thư
Nhịp sống văn nghệ
Hộp thư