|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: Ám ảnh thu
Tác giả: Hà Văn

Truyện ngắn

Trần Huy - sếp của tôi, xuất thân từ nông thôn. Huy không hề giấu giếm điều đó và thường bộc bạch: “Mình gốc gác là nông dân, từ nhỏ đã quen với việc chăn trâu, giữ bò, chất nông dân đã thấm vào máu. Sống ở phố đã mấy chục năm rồi nhưng mình vẫn là người của chốn quê kiểng”. Hiểu được tâm tình và sở thích của Huy nên mùa nào thức nấy, tôi yêu cầu nhân viên văn phòng tìm những cây trái, hoa kiểng... mang hương vị của chốn đồng quê sắp xếp trong phòng làm việc của anh. Đặc biệt là vào mùa thu, Huy rất thích mùi hương thị chín. Anh nâng niu những quả thị mà nhân viên mua về, xếp trên đĩa, để trên bàn làm việc của anh. Huy đã nhiều lần cảm ơn tôi về điều đó.
Mùa thu năm nay sao mà ít thị đến thế. Chúng tôi sục sạo mãi mới tìm được vài quả thị ở một chợ quê và như lệ thường, xếp những quả thị ấy lên chiếc đĩa để trên bàn làm việc của Huy.
Vừa bước vào phòng làm việc, nhận ra mùi hương thị chín, Huy sững sờ trong giây lát. Anh không ngồi vào bàn cầm mấy quả thị hít hà như những lần trước mà đứng sững, gương mặt dần tái lại. Một lúc sau, mồ hôi rịn ra trên trán. Huy vừa lau mồ hôi, vừa nới rộng chiếc cà-vạt như đang bị nghẹt thở. Một lát sau, anh cất giọng run rẩy: “Làm ơn... làm ơn... đem mấy trái đó... ra... khỏi phòng...”. “Sao vậy ạ?”. Tôi thấy lạ nên chần chừ. “Đem mấy trái đó... ra... khỏi phòng...”. Huy gắt lên. Tôi vội vàng làm theo lệnh của Huy nhưng vẫn không hiểu được điều gì đã xảy ra. Khi tôi trở vào, gương mặt Huy vẫn chưa hết vẻ nhợt nhạt. Một lúc sau, Huy nói với tôi, giọng vẫn còn run run: “ Xin lỗi... tôi... tôi đã lớn tiếng... Thực tình, tôi sợ... tôi bị ám ảnh... tôi rất sợ...”. 
Lúc đó, tôi không biết điều gì đã làm Huy hoảng sợ. Mãi một thời gian sau, trong những lúc trà dư tửu hậu, tôi mới hiểu được điều đã ám ảnh, đã làm Huy hoảng loạn đến vậy khi anh bộc bạch nỗi lòng...
*
* *
Gần cuối buổi làm việc, tôi đang tất bật xử lý các công việc của cơ quan trước khi đi công tác dài ngày thì chuông điện thoại reo. Cả một đống số liệu đang nhảy múa trước mắt, đầu óc rối tinh. Mặc kệ! Tôi cứ cắm đầu cắm cổ vào các bản báo cáo. Chuông điện thoại lại réo dai dẳng. Tôi với tay cầm chiếc điện thoại định tắt nguồn. Nhưng liếc qua màn hình, thấy số của Hạnh đang gọi tới, tôi sững sờ.
- A lô! Hạnh hả...
- A lô cái gì? Sao mà ông kiêu thế hả Huy? Gọi mấy lần không chịu nghe máy.
- Kiêu nỗi gì, tôi bận quá, không coi số nên không biết bà gọi về, thông cảm đi mà.
- Công việc, bận công việc, lúc nào cũng bận công việc. Vậy ông coi công việc hơn hay tình cảm bạn bè hơn. Nếu ông coi công việc hơn thì tui sẽ tắt máy cho ông làm việc - Giọng Hạnh nghèn nghẹn, nghe như có nước mắt.
- Thôi! Tui biết sợ rồi. Có gì thì nói đi.
- Ừ! Ông chịu khó nghe nhé, hơi lâu đó...
Cuộc gọi kéo dài hơn nửa giờ!
Tôi thẫn thờ bỏ chiếc điện thoại xuống bàn. Hết giờ làm việc, mọi người đã ra về, cơ quan vắng lặng. Cả một đống giấy tờ, số liệu bày la liệt trên bàn trở nên vô nghĩa. Câu chuyện vừa nghe qua điện thoại hòa theo dòng ký ức về những tháng ngày xa xưa bất chợt ùa về...
*
* *
Cái xóm nhỏ có mấy ngôi nhà ở cuối làng được mọi người gọi là xóm Cây Thị. Gọi như vậy vì xóm có rất nhiều cây thị và giữa xóm có mấy cây thị cổ thụ phủ bóng mát lên một ngôi miếu cổ. Qua thời gian, ngôi miếu cổ đã bị phá bỏ, khoảng đất rộng nằm dưới bóng mát của các cây thị trở thành sân chơi của trẻ con. Bọn trẻ trong xóm ngày ấy có hơn chục đứa, đủ các độ tuổi. Lứa tuổi của tôi có ba đứa: tôi, Tài, Hạnh. Ba đứa cùng một tuổi, học cùng một lớp nên đi học, đi giữ trâu, đi làm gì cũng bên nhau. 
Xóm nghèo, cuộc sống đơn điệu, tẻ nhạt. Niềm vui lớn nhất của lũ trẻ chúng tôi là vào mùa thị chín. Nhất là những mùa thị chín trùng vào mùa trăng sáng. Thật là một thiên đường! Ánh trăng vàng óng, ngọt ngào tuôn chảy vào mọi ngóc ngách của xóm nhỏ. Những làn gió nhẹ quyện mùi hương thị thanh khiết, nồng nàn, quyến rũ đã kéo bọn nhỏ chúng tôi ra khỏi những ngôi nhà tranh tối tăm, lụp xụp để bày đủ trò vui chơi. Chơi chán, cả bọn nằm lăn trên bãi cỏ dưới gốc cây thị cổ thụ ngửa mặt lên nhìn bầu trời xanh ngăn ngắt, vừa ngắm trăng sáng, vừa hát nghêu ngao, vừa chờ thị chín rụng. Những trái thị đã chín nẫu, lũ dơi và chim ăn đêm mới chỉ đụng vào hoặc chỉ vừa ăn được một chút là đã rụng. Đó chính là những trái thị ngon nhất. Càng về khuya, các loài chim, dơi tìm đến ăn thị càng nhiều, trái rụng lộp độp, bọn trẻ chúng tôi tha hồ lượm. 
Một lần, cả ba đứa đi lượm chung, gom lại giao cho Tài giữ. Tài tham ăn, lựa những trái ngon giấu riêng vào bụi. Khi cả bọn về hết thì Tài lẻn ra lấy. Người nhà không thấy Tài về, phải đi tìm. Tài bị một trận đòn, tôi và Hạnh cũng bị vạ lây. Đó là kỷ niệm buồn về mùa thị cuối cùng của ba đứa bạn.
Hết mùa thị năm ấy, tôi và Tài xuống học ở trường huyện. Hạnh nghỉ học ở nhà. Vài tháng sau, Hạnh theo một người bà con vào Sài Gòn. Đến mùa thị chín năm sau thì chỉ còn lại hai đứa. 
Mới đó mà đã mấy chục năm trôi qua...
*
* *
Cuộc gọi của Hạnh vừa rồi không chỉ đánh thức ký ức mà câu chuyện Hạnh kể đã khiến tôi không khỏi bận tâm. Hạnh kể: Nhà có nuôi một con mèo tam thể rất đẹp. Bé Cún - con Hạnh, rất quý con mèo. Vừa rồi, chồng Hạnh mua được một con chim quý, giá trên chục triệu đồng. Mới đem về thì chồng Hạnh sơ suất để con mèo vồ chết con chim. Tiếc tiền thì ít, tiếc chim thì nhiều và trong cơn nóng giận, chồng Hạnh đập chết con mèo ngay trước mặt bé Cún. Chứng kiến cảnh tượng đó, bé Cún bị sốc, cứ ôm lấy con mèo khóc lóc thảm thiết, bỏ cả ăn. Đêm ngủ cứ giật mình khóc thét, kêu gào hoảng loạn. Ba nó lại gần là nó kêu la, cào cấu. Thể trạng nó sa sút rõ rệt. Chồng Hạnh đã mua về một con mèo tam thể khác đẹp hơn nhưng nó không chịu. Thương và lo lắng cho con, vợ chồng Hạnh đưa Cún đi khám bác sĩ tâm lý. Họ bảo Cún bị chấn thương tâm lý, bị sốc nặng, cần phải điều trị kịp thời nếu không sẽ bị trầm cảm và nếu nặng thì có thể bị tâm thần, đại loại là thế. 
Theo lời khuyên của bác sĩ, Hạnh đã đưa con đi chơi ở nhiều nơi để nó khuây khỏa. Nhưng quanh quẩn cũng chỉ có Suối Tiên, Đầm Sen, Đại Nam, Vũng Tàu, Đà Lạt... quá quen thuộc, con bé cũng chán, không chịu đi. Tình cờ, khi nghe Hạnh kể về những năm tháng tuổi thơ ở quê và vườn thị cổ thụ... Bé Cún tỏ ra thích thú. Hạnh nảy ra ý định muốn đưa con về thăm quê nhưng không biết ở quê dạo này có gì lôi cuốn được con bé không nên mới điện nhờ tôi: “Chỗ bạn bè, ông cố gắng lo liệu giúp tui lấy lại trạng thái tâm lý cân bằng cho con bé. Nó mà có điều gì chắc vợ chồng tui chết quá. Bây giờ chỉ còn trông cậy vào ông”.

Minh họa: TRƯƠNG BÁCH TƯỜNG
Giọng nói khẩn thiết của Hạnh, tình cảnh của bé Cún khiến tôi cảm thấy như có một khối đá đè lên ngực.
Sau một đêm trằn trọc, hôm sau, tôi quyết định gác lại mọi công việc, phóng xe về quê. Rảo qua các cây thị trong xóm, lòng tôi chợt nhẹ nhàng khi thấy năm nay thị được mùa. Cây nào cũng lúc lỉu trái và đã có những trái chín bói, tỏa mùi hương thoang thoảng trong làn gió nhẹ. Độ hai tuần nữa là thị chín rộ. Lúc ấy cũng vừa có trăng non, thật tuyệt. Tôi điện cho Hạnh, nghe giọng Hạnh reo lên trong máy.
Bàn bạc, sắp xếp mọi việc với Hạnh xong, tôi đến gặp Tài. Lúc đầu, tôi định nói cho Tài biết rõ sự việc. Nhưng nghĩ lại, tôi muốn dành cho Tài sự bất ngờ.
- Tôi có một bí mật dành riêng cho ông.
- Bí mật gì vậy “sếp” Huy?
- Hai tuần sau tôi về lại thì ông sẽ biết. Nói trước không hấp dẫn. Ông có đi đâu không?
- Không. Có việc phải làm ở quanh trong xóm đây thôi.
- Việc gì?
- Cũng bí mật, lúc đó ông về sẽ biết.
Tôi cảm thấy thú vị. Mỗi người đều có một bí mật và biết đâu những bí mật ấy tìm đến nhau, đem lại những bất ngờ và niềm vui cho những người trong cuộc. Nghĩ như vậy và yên tâm với sự tính toán của mình, tôi gọi lại cho Hạnh một lần nữa. Khi nghe Hạnh nói rằng đã báo cho bé Cún ý định đó và bé Cún rất vui, rất háo hức chờ đến ngày về quê để được bác Huy dẫn đi lượm thị chín dưới đêm trăng thì tôi cảm thấy khối đá đè nặng trên ngực như đã được ai đó nhấc bỏ đi chỗ khác. 
*
* *
Khi Hạnh gọi điện báo giờ lên máy bay và chiều tối sẽ về đến quê, tôi dặn người ra sân bay đón rồi phóng xe về quê trước. Tôi muốn chuẩn bị mọi việc tươm tất một chút và cũng đã đến lúc bắt đầu hé lộ bí mật cho Tài. Đã lâu lắm ba đứa trẻ ngày ấy mới có dịp gặp nhau đông đủ. 
Mới đến đầu làng thì tôi đã nhìn thấy Tài đang ngồi trong một quán nhậu đông người và hình như cuộc nhậu đã đến hồi cao trào, tiếng “dô, dô” liên tục vọng ra. Tôi ngần ngừ chưa muốn vào thì gặp một người quen từ trong đám nhậu đi ra.
- Có việc gì mà vui vậy?
- Anh Tài chiêu đãi anh em thợ đó anh Huy à.
- Việc gì mà chiêu đãi khí thế vậy?
- Anh Tài trúng gỗ đậm lắm.
- Gỗ gì mà trúng đậm?
- Gỗ thị.
- Hả? Gỗ gì? Gỗ...
- Gỗ thị. Làm gì mà anh hoảng hồn vậy. Có mối đặt mua gỗ thị để làm hàng mỹ nghệ. Anh Tài nhận đơn đặt hàng, đi lùng mua hết cây thị ở vùng mình rồi thuê anh em khai thác. Nè! Ảnh lanh lắm nghe. Mấy cây thị ở miếu cổ, các cụ cao tuổi không cho bán nhưng ảnh chạy chọt cửa sau, lo xong hết. Tụi tui cũng bái phục ảnh. Gỗ đã chuyển đi ngày hôm qua. Tiền cũng đã nhận đủ sáng nay. Trúng đậm nên anh Tài chiêu đãi anh em tưng bừng, anh vào chơi cho vui. Anh Tài cũng vừa nhắc đến anh khi nãy...
Một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng tôi. Chẳng lẽ đó là bí mật của Tài? Quên cả việc chào người quen nọ, tôi chạy bổ về xóm Cây Thị. Đến đầu xóm, tôi khựng lại, chân muốn khuỵu xuống khi không nhìn thấy bóng dáng hàng thị quen thuộc. Hoảng loạn, không dám tin vào mắt mình, tôi lao về chỗ mấy cây thị cổ thụ. Chỉ còn một khoảng trống rợn ngợp và vương vãi, lăn lóc trên mặt đất là những cành thị héo rũ, những quả thị dập nát, héo quắt, nhăn nhúm. Tại các gốc thị bị cắt sát mặt đất, vết cắt còn tươi rói. Nhựa cây ứa ra như máu.
Có tiếng điện thoại reo. Tôi sợ hãi khi nhận ra số máy của Hạnh. Không dám nghe, cũng không dám tắt, tôi khẽ khàng đặt máy xuống nền đất. Điện thoại tắt rồi lại reo, tắt rồi lại reo dồn dập. Rồi im lặng! Một sự im lặng lạnh lẽo và đáng sợ như cái chết. Một lúc sau, một tin nhắn được gửi đến: “Tui đang về quê, ông trốn ở đâu?”. Im lặng. Một lúc sau nữa, lại một tin nhắn. Tôi cầm chiếc điện thoại đọc tin nhắn mà như đang cầm cục than cháy đỏ trên tay: “Mẹ đang dẫn cháu về quê nhờ bác hái thị chín. Bác ở đâu? Đón cháu nhé”. 
Như bị ai đó đánh mạnh vô đỉnh đầu và phang mạnh vào giữa thân người, tôi gục xuống, nằm vật ra đất. Tôi chưa bao giờ thấy mình hèn kém và bất lực như vậy. Tôi - một kẻ có rất nhiều tiền, có danh, có địa vị. Bằng năng lực, thế lực - kể cả thế lực của đồng tiền, tôi đã làm được những việc mà nhiều người không thể làm được. Vậy mà bây giờ, một việc làm nhỏ nhoi giúp người bạn thuở thiếu thời đem lại niềm vui cho một đứa bé, tôi đã không làm được. Tôi đã chậm chân để tất cả trôi vụt qua tầm tay... Tất cả tiền tài, danh vọng, địa vị mà tôi có được chỉ là con số không xoàng xĩnh khi không thể nào làm hồi sinh được vườn thị cổ thụ. Tôi càng căm giận và không thể nào hiểu nổi Tài - người bạn đã cùng Hạnh và tôi lớn lên dưới bóng mát của các cây thị - đã nghĩ gì khi đốn hạ ký ức tuổi thơ? Tôi càng tự sỉ vả mình vì quá tin vào những điều tốt đẹp mà không báo trước cho hắn, biết đâu...
Càng nghĩ, tôi càng tức giận, uất hận. Cơn tức giận và nỗi uất hận như hai đầu múi của sợi dây vô hình từ từ siết lại, siết chặt ngang người làm tôi ngạt thở, bức bối, muốn vùng vẫy, thoát ra mà không được. Càng vùng vẫy, sợi dây vô hình ấy càng siết chặt, nghẹt thở, tức nghẹn...
Tôi không biết mình đã ngập chìm trong trạng thái ấy bao lâu. Chỉ biết khi sực tỉnh thì đêm đã xuống tự bao giờ. Hoảng hốt, tôi gọi cho Hạnh. Tiếng chuông đổ đều đặn rồi... im bặt. Hạnh đã ngắt cuộc gọi. Tôi hiểu điều gì đã đến. Thế là hết! 
Biết không thể làm được gì hơn, tôi đành ngồi chết lặng trong bóng tối. Trăng đầu tháng bị đám mây che khuất. Đêm nhợt nhạt. Lũ chim ăn đêm theo thói quen tìm về, lượn vài vòng trên khoảng trống lạ lẫm, kêu lên mấy tiếng thảng thốt rồi chao cánh bay đi. Có tiếng chim cú rúc từng hồi vọng lại...
Bất chợt, tôi nhớ lại một cảnh tượng từng chứng kiến khi còn nhỏ: Một con bướm nhỏ chẳng may vướng vào mạng nhện. Nó cố vùng vẫy và thoát ra được. Nhưng rồi loạng choạng, nó lại vướng vào một mạng nhện khác gần đó. Nó cố sức vùng vẫy nhưng càng vùng vẫy thì càng bị mạng nhện siết chặt, đôi cánh đập yếu dần, yếu dần... Hôm sau, con bướm nhỏ vẫn còn mắc giữa mạng nhện. Nhưng đó chỉ là một cái xác bướm khô.
Nhớ tới đó, tôi chợt rùng mình.
H.V
Quay về
Văn
Bài thơ sông núi
Tình cha
Khuya xa
Ám ảnh thu
Người viết điếu văn cho mình
Thơ
Vòng tay bất tử
Ghi chép dọc đường
Câu Lâu
Mẹ kế
Người dưng
Cánh đồng khói
Tác phẩm
Thiền
Lệ phố
Thu và em
Ngộ
Thời vụ
Rót tiếng guitar
Em viên mãn anh sợ mình nông nổi
Cháy
Chỉ là
Sau những ngày rối loạn tiền đình
Sông bấc
Giọt sương
Thôn nhỏ
Ở đây
Yêu thầm
VĨNH BIỆT NHÀ THƠ VŨ MINH
Nghiên cứu-Lý luận-Phê bình
Cõi mộng và điên trong thơ Bùi Giáng
Đọc Gác chân lên cô đơn
Một tâm hồn thơ Hội An
Một thoáng Vũ Minh
TRÀ DƯ TỬU HẬU
Những vần thơ... nghịch
Văn học-Học văn
Lời hứa
Nhip sống văn nghệ-Hộp thư
Nhịp sống văn nghệ
Hộp thư