|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: MỘT HƯỚNG TIẾP CẬN BÀI THƠ "ĐÀN GHITA CỦA LORCA"
Tác giả: Mai Thị Xí


Có mặt trong chương trình Ngữ văn 12, bài thơ Đàn ghita của Lorca được đánh giá là khó tiếp cận đối với giáo viên và học sinh bởi vẻ “lạ” của nó về cả nội dung lẫn hình thức. Nhưng phải thừa nhận rằng đây một thi phẩm khá đặc sắc, từng có không ít những phân tích, đánh giá, những hướng tiếp cận giá trị văn bản khác nhau. Bài viết này không có tham vọng đưa ra một kiến giải mới mẻ nào mà chỉ muốn đem đến một hướng tiếp cận theo lí thuyết kí hiệu học.

Xuyên suốt cả bài thơ là một hệ thống kí hiệu duy nhất, đó là cây đàn ghita. Giải mã được kí hiệu này có nghĩa là đã tiếp cận được tác phẩm. Tuy nhiên, các kí hiệu thẩm mĩ luôn nằm trong một hệ thống nhất định. Chính các nguyên tắc đồng nhất hay đối lập của các kí hiệu biến thể và hằng thể sẽ là những cơ sở quan trọng giúp lí giải các kí hiệu thẩm mĩ trong quá trình thực hiện chức năng giao tiếp.

Một kí hiệu ngôn ngữ thông thường, khi đi vào thế giới thơ ca nó đã được chuyển hóa thành kí hiệu thẩm mĩ. Khi xem xét kí hiệu thẩm mĩ cần thấy tính hệ thống của nó được biểu hiện ở bình diện trừu tượng và cụ thể. Theo đó, người ta phân kí hiệu có 2 loại: kí hiệu điển dạng (hằng thể) và kí hiệu hiện dạng (biến thể). Điển dạng là bất biến, hiện dạng là khả biến. Nếu mỗi lần xuất hiện mà nó khác đi thì biến thể của kí hiệu thẩm mĩ là kí hiệu thẩm mĩ trong các lần xuất hiện của nó. Ở mỗi lần xuất hiện thì đồng thời nó sẽ có những mối quan hệ mới với những yếu tố cùng xuất hiện trong hệ thống mà kí hiệu thẩm mĩ tham gia và sẽ được cảm nhận với cảm xúc mới. Có thể nói mối quan hệ giữa biến thể và hằng thể là mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, cái trừu tượng và cái cụ thể, cái bất biến và cái khả biến. Vậy thì, đàn ghita là kí hiệu thẩm mĩ hằng thể, còn những biến thể từ vựng liên quan đến cây đàn như: tiếng ghita nâu, ghita lá xanh, ghita ròng ròng máu chảy, ghita màu bạc... là những biến thể của kí hiệu đàn ghita. Trong Đàn ghita của Lorca, kí hiệu hằng thể xuất hiện 2 lần (dây đàn, đàn ghita), còn các ký hiệu biến thể xuất hiện 8 lần.

1. Kí hiệu thẩm mĩ hằng thể “đàn ghita”

Đàn là tên gọi chung của các loại nhạc cụ có dây hoặc bàn phím, khi gảy thì phát ra âm thanh. Còn đàn ghita là nhạc cụ truyền thống của Tây Ban Nha vì thế nó có tên là “Tây Ban cầm”, được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Âm thanh tiếng đàn ghita có sức chiếm lĩnh tâm tư người nghe, vì nó kết tinh nhiều cung bậc, nhiều biến tấu đầy mê hoặc. Kí hiệu thẩm mĩ hằng thể “đàn ghita” (hay cây đàn) với 2 lần xuất hiện, một lần ở nhan đề “Đàn ghita của Lorca”, một lần ở lời đề từ “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”.

Trước hết nói về kí hiệu “đàn ghita” có trong nhan đề. Mặt biểu đạt của kí hiệu này thì không có gì phải nói. Thế nhưng, khi kí hiệu này xuất hiện ở nhan đề thì cái được biểu đạt đã mang tầng ý nghĩa khác. Bởi không phải ngẫu nhiên mà Thanh Thảo chọn nhan đề bài thơ là “Đàn ghita của Lorca”. Đó là cả một sự suy nghĩ đến chín muồi vì còn hình ảnh nào biểu tượng về Lorca sâu sắc hơn, chính xác hơn là cây đàn ghita. Chàng nghệ sĩ Lorca đã chọn cây đàn mang đậm bản sắc văn hóa sử xở làm người bạn đồng hành suốt cuộc đời mình. Nói đến Lorca là nói đến cây đàn ghita; con người nghệ sĩ và cây đàn huyền thoại của đất nước Tây Ban Nha là hai thực thể không thể tách rời cũng là hai chủ đề xuyên suốt bài thơ.

Thế còn ở lời đề từ, vẫn là kí hiệu hằng thể đàn ghita hay cây đàn nhưng lúc này sự xuất hiện của cây đàn không chỉ là sự gắn bó giữa Lorca và cây đàn mà còn thể hiện sự đồng cảm của Thanh Thảo với Lorca - mối đồng cảm giữa một nhà thơ với một nhạc sĩ. Nhưng Lorca còn là nhà thơ với hàng trăm tác phẩm viết về quê hương, thiên nhiên, con người, cuộc sống... Giữa bao nhiêu dòng thơ ấy, Thanh Thảo chọn câu “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” làm lời đề từ. Có lẽ câu thơ mang tính di chúc ấy đã khơi nguồn cảm hứng và phần nào quán xuyến toàn bộ ý thơ. Trong những dòng thơ khác, Lorca cũng thường nói đến cái chết như một sự trở về giữa đùm bọc của thiên nhiên và câu “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” là lời nguyện cầu cháy bỏng hơn. “Tôi” và “cây đàn” đã bên nhau trong những ngày còn trên thế gian và sẽ bên nhau khi về thế giới vĩnh hằng bên kia.

Qua hai lần xuất hiện ở nhan đề và lời đề từ, rõ ràng kí hiệu thẩm mĩ đàn ghita chính là biểu tượng cho Lorca. Lorca và đàn ghita, tuy hai mà một. Vậy nên, qua những kí hiệu biến thể của đàn ghita sẽ giúp người đọc giải mã được cuộc đời và số phận của Lorca.

2. Những kí hiệu thẩm mĩ biến thể của “đàn ghita”

Bài thơ được mở đầu với kí hiệu “tiếng đàn bọt nước”. Đây là kí hiệu dự báo bi kịch oan khuất của một đấng tài hoa. Tiếng đàn Lorca như bọt nước, như những khối cầu bong bóng nước; tròn trịa, là biểu tượng của cái đẹp toàn bích nhưng rất đỗi mong manh và phận mỏng của Lorca phần nào thấp thoáng qua kí hiệu ấy.

Khi Lorca đối diện với cái chết, các kí hiệu thẩm mĩ biến thể của “đàn ghita” xuất hiện liên tiếp: tiếng ghita nâu, tiếng ghita lá xanh, tiếng ghita tròn bọt nước vỡ tan, tiếng ghita ròng ròng máu chảy. Những kí hiệu này đã miêu tả tiếng đàn của Lorca như một sinh mệnh trong bi kịch. Ở đây, tiếng đàn được nhân hóa, có tâm trạng, cảm giác; được hữu hình hóa thành màu sắc, hình khối.

Bắt đầu là “tiếng ghita nâu” còn hiền hòa với chủ âm là thanh bằng, là hình ảnh tả thực. “Tiếng ghita nâu là màu nâu trầm buồn tĩnh lặng và da diết bi thương hay đó cũng chính là màu tượng trưng cho chất dân gian Andaluxia cùng sức sống của xứ sở bò tót, là màu của đất cát quê hương ôm ấp hình hài Lorca như trong bài thơ “Ghi nhớ”:

Khi ta chết

hãy chôn ta với cây đàn ghita

trong cát

khi ta chết

chết giữa bạt ngàn rừng cam và thơm ngát đồng cỏ

(Nguyễn Trung Đức dịch)

Từ màu nâu, tiếng ghita chuyển thành “màu lá xanh”. Hình ảnh “tiếng ghita lá xanh là ẩn dụ nói lên một bi kịch xót xa. Tự bao đời nay, màu xanh là màu tượng trưng cho sự hy vọng, tự do, màu của tình yêu cuộc sống. Những khúc ca của Lorca ngày nào cũng ngập tràn màu xanh của lá cành, của con tàu trên biển cả, của con sông êm đềm trôi. Chàng đã từng gảy những khúc đàn ngợi ca quê hương đất nước tươi đẹp và giờ phút bị điệu về bãi bắn, màu xanh ấy cũng bức lên trong niềm nhức nhối: “biết mấy”. Ngày xưa, tiếng ghita “xanh” là vậy, giờ đang đi vào những đứt đoạn tan tành: “tiếng ghita tròn bọt nước vỡ tan”. Âm vang tiếng đàn tròn trịa trong trẻo những ngày đôi mươi mong manh như hạt nước đã trở thành ám ảnh sâu trong lòng Thanh Thảo ở ngay hình ảnh mở đầu để sự trở lại lần thứ hai này càng thể hiện rõ nét phù du bọt bèo hơn. Những thi ảnh nối tiếp từ “tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan” đến “ròng ròng máu chảy” tạo tính lôgic của những dòng thơ càng gợi lên nỗi bàng hoàng. “Tròn bọt nước” là toàn bích, là độ hoàn mĩ của tiếng đàn nhưng cũng là cái mốc dẫn đến “vỡ tan” rồi ứa ra “ròng ròng máu chảy”. Đỉnh cao của hình tượng tiếng đàn chất ngất đau thương là khi người nghệ sĩ đi ngang cuộc đời để ca hát ấy ngã xuống: “tiếng ghita ròng ròng máu chảy”.

Bằng cách nhân hóa độc đáo, tiếng đàn đã trở thành một phần của linh hồn, máu thịt của con người, tiếng đàn đã trở thành thân phận con người. Qua những kí hiệu này, có thể thấy tiếng đàn và số phận Lorca mang nét tương giao đồng biến.

Sau cái chết của Lorca, tiếng đàn trở thành một biểu tượng mang ý nghĩa bất tử với hai kí hiệu: ghita màu bạc  và chuỗi âm thanh lila lila.

Lorca bơi sang ngang

trên chiếc ghita màu bạc

Ghita nâu - ghita lá xanh - ghita ròng ròng máu chảy - ghita màu bạc, sự chuyển hóa sắc màu phong phú để nói lên sự đa thanh của tiếng đàn và đến đây cây đàn trở thành chiếc thuyền đưa chàng vào thế giới vĩnh hằng. Tiếng đàn lại một lần nữa bất tử với con người tài hoa bạc mệnh sẽ tồn tại vĩnh viễn trong lòng của nhân loại. Chiếc ghita màu bạc là biến ảnh của chiếc ghita nâu khi đã sang cõi khác. Nói đúng hơn là chiếc ghita đã hóa sang cõi siêu sinh.

Thú vị và bất ngờ nhất là sự xuất hiện của kí hiệu âm thanh “lila lila” ở phần đầu và phần kết tác phẩm. Đối với kí hiệu này, có 2 cách hiểu. Thứ nhất, xét trong tương quan với những kí hiệu khác (đặc biệt là kí hiệu hằng thể đàn ghita) có thể hiểu lila lila như cách diễn tấu của nhạc công khi đệm cho người hát một ca khúc. Lila lila như một chuỗi nốt đàn buông do người đệm đàn ghita lướt qua hàng dây để kết thúc phần dạo đầu, đánh dấu khoảng ngắt cho người hát chính thức bắt lời trình diễn ca khúc. Và nhạc phẩm cũng kết thúc bằng sự trở lại của chuỗi âm thanh ấy nhằm tạo ra dư âm sau khi lời hát đã dừng. Thứ hai, về nghĩa, “lila” hay “lilas” (tiếng Pháp) là tên hoa tử đinh hương - một loài hoa có màu tím ngắt rất được người phương Tây ưa chuộng. Nếu hiểu theo cách này thì chuỗi âm thanh lila chính là những đóa hoa mà người đời, mà tác giả thầm kính viếng hương hồn Lorca hay chính là muôn ngàn đóa hoa của sự sống đang nảy nở từ cái chết đau thương của thi sĩ.

Tuy nhiên, kí hiệu nói chung và kí hiệu thẩm mỹ nói riêng bao giờ cũng thuộc về một hệ thống nhất định, nó chịu sự chi phối của những yếu tố khác trong cùng hệ thống thông qua những quan hệ nhất định. F.Saussre đã chỉ ra rằng: thường người ta không nói bằng kí hiệu riêng lẻ mà bằng từng nhóm kí hiệu làm thành từng khối tổ chức. Và khi nói đến từng khối tổ chức thì không thể không nói đến tính hệ thống của kí hiệu. Vậy nên, khi đặt kí hiệu “lila lila” trong hệ thống tương quan với những kí hiệu khác và phụ thuộc kí hiệu hằng thể “đàn ghita” thì thấy rằng cách hiểu thứ nhất là thích hợp hơn cả. Sau chuỗi âm thanh lila, tiếng đàn xuất hiện luyến láy ngân vang toàn bài như những bài ca người nghệ sĩ hát trên thảo nguyên bao la hay đồng quê núi đồi trập trùng hoa lá. Chuỗi hợp âm “lila” kết thúc là nốt nhấn cuối cùng kết thúc bài nhưng lại có chức năng lưu giữ âm thanh giai điệu một cách bất tận. Tiếng đàn Lorca vẫn mãi mãi ngân vang thể hiện sức sống bất diệt của những giá trị chân chính trên cõi đời này.

Kí hiệu đàn ghita là biểu tượng cho Lorca một cách nghệ thuật nhất. Đàn ghita gắn với thân phận con người, tiếng đàn là ước mơ xanh lá, là máu đỏ thắm, là bọt nước... Cây đàn ghita ấy là tâm hồn, là cuộc đời Lorca vẫn còn đọng lại trong lòng người dân Tây Ban Nha và nhân loại.

M.T.X

Quay về
VĂN
ÔNG NGÀ
CÔ GÁI ẤY
PHÍA CUỐI CON ĐƯỜNG
TAM KỲ, THÀNH PHỐ TRẺ
CÒI TÀU HÚT GIÓ VÀO GA...
THƠ
MẦM HẠT + HỎI
KHÔNG ĐỀ VỀ HOA XẤU HỔ + GÓC KHUẤT TRÁI TIM ANH
OSAKA + CÂY BẢN ĐỊA
NƠI TA NGỒI IM LẶNG + BÀI CHO CON YÊU
NGƯỜI ĐÀN BÀ TRONG ĐÊM + NHẶT GIẤC MƠ XƯA
QUÊ TÔI + DẮT TAY CON
THÀNH PHỐ BÊN SÔNG + NGÀY MỚI
PHỐ SƯA
TAM KỲ PHỐ
TAM KỲ LÀM SAO XA?!...
CÙNG CHIỀU
MỘT THOÁNG HƯƠNG XƯA
TAM KỲ - BẤT CHỢT MƯA
VỀ CÙNG THƯƠNG NHỚ
DÒNG CHẢY VĂN HÓA
NGHĨ VỀ TRỤC VĂN HÓA THANH CHIÊM - HỘI AN TRONG LỊCH SỬ
NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH
THẾ SỰ TRONG THƠ SAU 1975 CỦA THẾ HỆ CÁC NHÀ THƠ CHỐNG MỸ
MỘT NỒNG NÀN, MỘT NHỚ THƯƠNG...
GÓC NHÌN NGƯỜI TRONG CUỘC
MẤY "GÓC NHÌN" VỀ MỘT LIÊN HOAN ẢNH
VĂN HỌC - HỌC VĂN
MỘT HƯỚNG TIẾP CẬN BÀI THƠ "ĐÀN GHITA CỦA LORCA"