|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: MẤY "GÓC NHÌN" VỀ MỘT LIÊN HOAN ẢNH
Tác giả: Minh Chức


Sau phiên đăng cai lần đầu vào năm 2004, năm 2016 tỉnh Quảng Nam lại được chọn đăng cai Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên lần thứ 21. Từ sự hỗ trợ về nhiều mặt của lãnh đạo tỉnh, sự hợp tác chặt chẽ của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam và những nỗ lực của cơ quan thường trực Ban Tổ chức Liên hoan là Hội VHNT Quảng Nam, Liên hoan ảnh lần thứ 21 đã diễn ra thành công, thật sự trở thành ngày hội của giới nhiếp ảnh nghệ thuật trong khu vực.

Kết nối bạn bè

Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên là một hoạt động nghề nghiệp mang tính truyền thống của Hội NSNA Việt Nam, hằng năm được tổ chức luân phiên giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực. Mục đích rất rõ: Là dịp để các hội VHNT, các NSNA gặp nhau, giao lưu, trao đổi nghiệp vụ và giới thiệu, quảng bá tác phẩm của mình, qua đó động viên nhau tiếp tục lao động sáng tạo vì nghệ thuật, vì cái đẹp của cuộc sống. Với tinh thần ấy, tại Liên hoan lần này, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều cố gắng để kết nối bạn bè, để công chúng yêu nghệ thuật nhiếp ảnh của xứ Quảng được thưởng thức những tác phẩm nhiếp ảnh đặc sắc nhất của giới nhiếp ảnh nghệ thuật trong khu vực, để các NSNA Quảng Nam được trao đổi, học tập, nâng cao kỹ năng sáng tác. Cùng với đó, đây cũng là dịp để NSNA các tỉnh bạn tìm hiểu, có những góc nhìn cận cảnh hơn về đất và người Quảng Nam.

Không chỉ có sự cẩn trọng, chu đáo, chân tình giữa những người làm văn nghệ với nhau, mong muốn hòa nhập, kết nối bạn bè còn thể hiện ở các vị lãnh đạo tỉnh. Trong bài phát biểu chào mừng của mình, ông Lê Văn Thanh-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã rất ý nhị và khéo léo khi “khoe” rằng, Quảng Nam là vùng đất giàu truyền thống, tươi đẹp, nhân văn, năng động, sáng tạo và giàu tiềm năng phát triển; là nơi được nhiều văn nghệ sĩ khám phá và sáng tạo; nhiều tác phẩm nhiếp ảnh được chụp trên chính mảnh đất Quảng Nam đã ra đời, được công chúng đánh giá cao... Và tiếp theo đó là một sự chào mời, cũng khéo léo không kém: “...Tôi hy vọng rằng, sau cuộc hội ngộ hôm nay, dưới góc nhìn tinh tế và nhạy cảm của các NSNA, hình ảnh về Quảng Nam sẽ được thu vào ống kính nhiều hơn, được giới thiệu rộng rãi và đa diện hơn đến bạn bè khắp nơi...”.

Có lẽ cũng từ sự chân tình ấy, tại cuộc thi sáng tác ảnh nhanh được Quảng Nam tổ chức trong khuôn khổ Liên hoan lần này, chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, các NSNA 10 tỉnh, thành phố trong khu vực đã tỏa về các vùng quê xứ Quảng và chụp được hơn 1.000 tấm ảnh. Trong số đó, họ đã chọn và gửi về Ban  Tổ chức cuộc thi 167 tác phẩm tốt nhất. Là khách, là người lạ, ấy vậy mà họ đã tìm và chụp được những hình ảnh “thuần” Quảng, độc và lạ. Những Mỹ Sơn, Hội An, Bàn Than, Cửa Đại, sông Thu... quen thuộc đã được thu vào ống kính bằng những góc nhìn mới và tinh tế, đầy yêu thương và trân trọng. Đặc biệt, hình ảnh về một Quảng Nam nhiều đau thương, bi tráng và hào hùng đã được nhiều người khai thác, thể hiện thông qua những góc nhìn khá mới mẻ về các bà mẹ anh hùng, các thương bệnh binh, các tượng đài, nghĩa trang, khu tưởng niệm... Không trân trọng, cảm mến; không “kết nối” được với nhau, dễ gì ai làm được vậy?!...

Cũng cần nói thêm rằng, trong nỗ lực kết nối ấy, bên cạnh những cây đa cây đề, những gương mặt quen thuộc ở các kỳ liên hoan trước, Liên hoan ảnh lần thứ 21 này còn tìm kiếm, phát hiện và kết nối được nhiều gương mặt mới. Ví như đoàn Bình Định, có tới 6/8 tác giả có tác phẩm được chọn vào vòng trưng bày và xét giải là người mới, chưa phải là hội viên hội VHNT địa phương. Với Quảng Nam, tỷ lệ này là 3/13; Khánh Hòa là 2/7. Nghĩa là, ngoái nhìn lại phía sau, cảm thấy yên tâm phần nào về một lớp người kế cận...

Tôn vinh vẻ đẹp quê hương

Tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung bộ-Tây Nguyên lần thứ 21, một lần nữa, mảnh đất và con người trên dải đất này lại được chọn làm “đề bài” cho các NSNA sáng tác. Với một chủ đề rộng như vậy, các NSNA được tự do “lia máy”, tiếp tục khai thác những vẻ đẹp riêng biệt, đặc trưng nhưng còn tiềm ẩn đâu đó của đất và người Nam Trung bộ-Tây Nguyên. Qua các phiên họp xác định đề tài, Ban Tổ chức Liên hoan ảnh lần thứ 21 đã thống nhất rất cao, rằng để cho các nghệ sĩ tìm kiếm, khai thác, tôn vinh vẻ đẹp của đất và người ở chính nơi họ sống cũng là một cách để mỗi người sống, sáng tác có trách nhiệm hơn và thêm yêu quê hương mình.

Từ một “đề bài mở” như vậy, các NSNA từ 10 tỉnh, thành phố trong khu vực đã gửi đến Liên hoan ảnh lần thứ 21 hơn 2.000 bức ảnh về muôn mặt đời sống quê hương. Một số danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa nổi tiếng như Mỹ Sơn, Hội An (Quảng Nam), Buôn Đôn, hồ Lắk (Đắc Lắc), gềnh Đá Đĩa, đầm Ô Loan (Phú Yên), đầm Thị Nại, bán đảo Phương Mai (Bình Định), Bà Nà, Sơn Trà (Đà Nẵng), Vũng Điệp, vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), nhà thờ gỗ Kon Tum, Măng Đen (Kon Tum), biển Sa Huỳnh, núi Thiên Ấn (Quảng Ngãi),... tiếp tục được các NSNA khai thác. Dù đây đều là những địa chỉ, những hình ảnh rất quen nhưng nhờ góc nhìn, khung hình, bố cục và cảm xúc mới nên tất cả đều trở nên lạ và đẹp. Từ Tây Nguyên đại ngàn, các NSNA mang về khoe với bạn bè hình ảnh về những bản làng bảng lảng trong sương, những rẫy cà phê, cao su ngút ngàn, những chiếc cầu treo chênh vênh thơ mộng... Hình ảnh về những Cù lao Chàm, Phú Quý, Lý Sơn, Cửa Đại, Sơn Trà... và cả Trường Sa thân yêu cũng được “kéo” lại gần với mọi người bằng nhiều hình ảnh đặc trưng, quyến rũ. Mảng đề tài mang tính thời sự là xây dựng nông thôn mới cũng có nhiều tác phẩm khá ấn tượng, chân thực nhưng lạ lẫm và đầy tin yêu.

Theo NSNA Đồng Đức Thành, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Liên hoan ảnh 21, nhìn tổng thể thì mảng ảnh về “đất” chiếm số lượng áp đảo so với mảng ảnh về “người”. Tuy nhiên điều ấy cũng không có gì lạ và xem ra cũng không đến mức “chênh vênh”, bởi trong mỗi hình ảnh về “đất” đều hiện lên những chân dung “người” sống động. Và bởi, mỗi vùng đất, một khi trở nên đẹp hơn, giàu có hơn, lung linh hơn, đều luôn có sự chung góp bền bỉ, đầy yêu thương và trách nhiệm của biết bao con người biết yêu, biết quý những giá trị cuộc sống. Trong quê xứ có con người, trong con người là mênh mông quê xứ...

Hòa quyện sắc màu

No màu, bố cục đẹp, có trọng lượng cảm xúc, có điểm nhấn, góc nhìn lạ, ý tưởng tốt... là những nhận xét về chất lượng nghệ thuật được các thành viên Hội đồng Giám khảo Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên lần thứ 21 nhắc đi nhắc lại nhiều lần đối với rất nhiều tác phẩm trong suốt quá trình chấm giải. Những nhận xét tương tự - tất nhiên là không phải bằng những từ ngữ thuần chuyên môn như vậy, cũng đã được rất nhiều công chúng yêu nghệ thuật nhiếp ảnh đưa ra khi đến xem khu vực trưng bày ảnh của Liên hoan từ ngày 28/7 đến ngày 3/8.

Nhiều mùa liên hoan trước, hiện tượng “người nơi nào chụp ảnh nơi ấy” khá phổ biến. Riêng mùa liên hoan này, sự hoán chuyển địa bàn sáng tác đã diễn ra khá mạnh: Có nhiều bức ảnh chụp các buôn làng Tây Nguyên hóa ra lại là của các tác giả Bình Định, Khánh Hòa. Có những bức ảnh chụp những khung cảnh của Quảng Nam nhưng tác giả lại là người Đà Nẵng, thậm chí là Phú Yên, Gia Lai. Hay như mảng đề tài sông nước, biển đảo, có một số tác phẩm của các tác giả Tây Nguyên. Sự dịch chuyển địa bàn sáng tác này, theo một thành viên Hội đồng Giám khảo, chính là tiền đề để những hành ảnh quê nhà quen thuộc trở nên mới hơn, lạ hơn. Nói cách khác, vẫn khung cảnh ấy, vẫn bằng ngôn ngữ đặc trưng của nhiếp ảnh, nhưng với người lạ, người mới thì khung cảnh và ngôn ngữ ảnh đều được hoán chuyển bằng một tư duy nghệ thuật khác. Bên cạnh đó, vẫn có một số người biết tạo nên khác biệt bằng sự thủy chung của riêng mình. Qua 3-4 mùa liên hoan họ vẫn chỉ trung thành với một hay vài đề tài, thực thể nào đó, nhưng cảm xúc và kỹ thuật tạo hình không hề trùng lặp, trái lại là khá mới mẻ. Đặc biệt, với bộ 15 ảnh đoạt giải Liên hoan, từ ý tưởng, bố cục, màu sắc, độ tương phản đến việc đặt tên tác phẩm đều có sự hòa quyện nhuần nhuyễn và khá hoàn mỹ.

M.C

Quay về
VĂN
ÔNG NGÀ
CÔ GÁI ẤY
PHÍA CUỐI CON ĐƯỜNG
TAM KỲ, THÀNH PHỐ TRẺ
CÒI TÀU HÚT GIÓ VÀO GA...
THƠ
MẦM HẠT + HỎI
KHÔNG ĐỀ VỀ HOA XẤU HỔ + GÓC KHUẤT TRÁI TIM ANH
OSAKA + CÂY BẢN ĐỊA
NƠI TA NGỒI IM LẶNG + BÀI CHO CON YÊU
NGƯỜI ĐÀN BÀ TRONG ĐÊM + NHẶT GIẤC MƠ XƯA
QUÊ TÔI + DẮT TAY CON
THÀNH PHỐ BÊN SÔNG + NGÀY MỚI
PHỐ SƯA
TAM KỲ PHỐ
TAM KỲ LÀM SAO XA?!...
CÙNG CHIỀU
MỘT THOÁNG HƯƠNG XƯA
TAM KỲ - BẤT CHỢT MƯA
VỀ CÙNG THƯƠNG NHỚ
DÒNG CHẢY VĂN HÓA
NGHĨ VỀ TRỤC VĂN HÓA THANH CHIÊM - HỘI AN TRONG LỊCH SỬ
NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH
THẾ SỰ TRONG THƠ SAU 1975 CỦA THẾ HỆ CÁC NHÀ THƠ CHỐNG MỸ
MỘT NỒNG NÀN, MỘT NHỚ THƯƠNG...
GÓC NHÌN NGƯỜI TRONG CUỘC
MẤY "GÓC NHÌN" VỀ MỘT LIÊN HOAN ẢNH
VĂN HỌC - HỌC VĂN
MỘT HƯỚNG TIẾP CẬN BÀI THƠ "ĐÀN GHITA CỦA LORCA"