|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: THẾ SỰ TRONG THƠ SAU 1975 CỦA THẾ HỆ CÁC NHÀ THƠ CHỐNG MỸ
Tác giả: Lê Thành Nghị


Sau chiến tranh, các nhà thơ thế hệ chống Mỹ mới khoảng trong ngoài ba mươi, bốn mươi tuổi. Đối với văn chương, tuổi đó không còn quá trẻ, nhưng cũng chưa phải đã muộn, nếu không muốn nói là đang đến độ chín, đang đến độ sung sức. Bằng chứng là những tác phẩm quan trọng nhất của họ, từ Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Trần Nhuận Minh, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Anh Ngọc... trong thơ; rồi Lê Lựu, Lê Minh Khuê, Nguyễn Khắc Trường, Chu Lai, Xuân Đức, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Trí Huân, Trung Trung Đỉnh... trong văn xuôi, đều được viết sau chiến tranh. Trong thơ Việt giai đoạn sau 1975, đặc biệt sau 1986, mỗi thế hệ nhà thơ đều như một dòng chảy nhỏ góp vào dòng lớn, tất cả đều chảy. Hiển nhiên, nguồn mạch, lưu lượng, cường độ dòng chảy thì không giống nhau, không thể giống nhau và đừng bao giờ nên giống nhau. Vấn đề ở đây là, sau khi chiến tranh kết thúc và tiếp theo là công cuộc Đổi mới, các nhà thơ thế hệ chống Mỹ sau 1975 đã có những thay đổi gì, để tiếp tục sáng tạo trong một bối cảnh đã khác, trong một không khí sáng tạo đã khác, một đòi hỏi cũng đã khác của công chúng? Nhà thơ vẫn được xem là lớp người mẫn cảm nhất với thời cuộc liệu có đem lại những điều gì mới mẻ trong sáng tác của mình?.

Đọc những sáng tác của các nhà thơ thế hệ chống Mỹ sau chiến tranh và từ ngày Đổi mới, có thể khẳng định ngay rằng, chính Đổi mới đã cho họ thêm một cơ hội lớn để một lần nữa khẳng định tài năng của mình, và cũng cho bạn đọc yêu thơ thêm một cơ hội để nhìn rõ hơn, hiểu sâu hơn chân dung tâm hồn của lớp nhà thơ đã từng đi qua thử thách.

Trước hết, cần xác định, đổi mới văn học nói chung và thơ nói riêng không chỉ là đổi mới về hình thức, cho dù hình thức có đóng vai trò quan trọng đến đâu. Chỉ đổi mới hình thức thì không phải là đổi mới căn bản. Bao nhiêu kiểu thơ tượng hình, thơ tượng thanh vay mượn từ đâu đó, lúc mới ra đời tưởng là tân kỳ, hiện đại, hóa ra là đã một đi không trở lại. Chúng ta nhớ lại lời Hoài Thanh hồi ông viết về Thơ mới: những gì trái với tinh thần thơ Việt đều mất(*). Đổi mới thơ, quan trọng nhất vẫn là đổi mới cảm hứng sáng tạo, đổi mới tư tưởng nghệ thuật, rồi từ đó đi đến một hình thức chuyển tải phù hợp. Ở đây là phù hợp với sự tiếp nhận của người đọc Việt Nam. 

Nội dung mới sau chiến tranh là những vấn đề thế sự đạo đức đang đặt ra trước những người sáng tác. Người viết đi tìm câu trả lời những vấn đề nóng bỏng mà cuộc sống đang đặt ra, lý giải nó bằng nhận thức của cá nhân mang ý nghĩa xã hội tích cực, như một tâm thế ứng xử của ngòi bút trước cuộc sống. Từ đề tài chiến tranh, từ điểm nhìn sử thi, chuyển qua đề tài thế sự, điểm nhìn tự sự. Từ thơ “hướng ngoại”, xác lập một khoảng cách với đối tượng thẩm mỹ, chuyển sang “hướng nội”, bộc lộ, biểu hiện tâm trạng của chủ thể trước thời thế. Từ ngôn ngữ ngợi ca chuyển sang ngôn ngữ đời thường, mang những trạng thái tinh thần cá nhân, có lúc như tự vấn, như để giãi bày tình cảm riêng tư, có lúc mang sắc thái phản tư, phê phán. Với tinh thần này, nhiều nhà thơ đã thay đổi căn bản cảm thức thơ của họ, từ Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thu Bồn, Phạm Ngọc Cảnh, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Trần Nhuận Minh, Hữu Thỉnh, Thi Hoàng, Nguyễn Trọng Tạo, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Anh Ngọc, Vương Trọng, Nguyễn Đức Mậu, Phan Thị Thanh Nhàn cho đến Y Phương, Văn Lê, Ngô Thế Oanh, Phùng Khắc Bắc, Trần Ninh Hồ...

Những năm sau chiến tranh, đất nước thừa vinh quang nhưng lại thiếu thốn từ cái ăn cái mặc cho đến những không gian tinh thần để sáng tạo. Đó là thời kỳ nhân dân ta phải chịu đựng những khó khăn cực kỳ to lớn: Kinh tế bao cấp đã đến hồi kiệt quệ, lại bị bao vây cấm vận, cả nước đói ăn, biên giới phía Bắc, phía Nam bị xâm lấn, rồi nạn tham nhũng, tham ô, rồi sự xuống cấp đạo đức... Thực trạng đó không thể không tác động vào nhận thức và tình cảm của các nhà thơ.

Nguyễn Duy có dịp nhìn từ xa mới thấy hết tình cảnh của đất nước. Những câu thơ bày tỏ suy nghĩ và lo âu trước những gian nan, khó khăn của đời sống sau chiến tranh: Xứ sở bao dung/ Sao thật lắm thần dân lìa xứ/ Lắm cuộc chia ly toe toét cười/ Mặc kệ cỏ hoang cánh đồng gái góa/ Chen nhau sang nước ngoài làm thuê (Tổ quốc nhìn từ xa). Không ai quên Nguyễn Duy một thời với những câu thơ trên đường ra mặt trận đầy không khí lạc quan, cũng không phải chỉ có Nguyễn Duy nhìn ra những khó khăn kia của đất nước, nhưng Nguyễn Duy là người dũng cảm nói lên điều đó. Những câu thơ đầy tâm trạng trên đây, như một sự thay đổi trong cảm nhận nghệ thuật, lúc mới ra đời có người cho là quá u ám. Chỉ đến khi văn chương được cởi trói, được nói thật, mới biết Nguyễn Duy ưu thời mẫn thế, vì nỗi lo của anh đâu phải chỉ trong những ngày ở xa Tổ quốc. Đất nước hôm nay vẫn chưa hết cảnh những người khỏe mạnh nhất không có việc làm, vẫn phải đi làm thuê cho ngoại quốc, kiếm kế sinh nhai. Hữu Thỉnh bên cạnh những trường ca đặc sắc viết về chiến tranh là những câu thơ nói lên thân phận con người trước sự “mất mùa nhân nghĩa”: Chưa viết giấy đã cũ/ Chưa viết sông đã đầy/ Đám cưới đi qua có người đứng khóc/ Chưa viết chợ đã đông/ Chưa viết đồng đã bạc/ người than thở vì mất mùa nhân nghĩa (Thương lượng với thời gian). Một tâm hồn rất nhạy cảm với nhân tình thế thái như Hữu Thỉnh, gặp phải buổi cô đơn đầy đường không ai thèm nhặt, ngổn ngang những cảnh đời u uẩn, có gì đó như hoài nghi, như mặc cảm đang xáo trộn tâm tư, như tạo ra sự bất định trong tâm hồn: Gió sao là lạ. Mây khang khác/ Không hiểu hay là nhịp cuối năm/ Hôm qua thì tiếc. Mai thì sợ/ Tuột cương trăng cũ lại sang rằm (Thương lượng với thời gian). Những câu thơ nói đúng tâm trạng của nhiều người lúc đó: ngơ ngác trước bao nhiêu câu hỏi không dễ gì có câu trả lời.

Cũng trước những vấn đề của đời sống thực tại, Nguyễn Khoa Điềm tự nhận thức về bản thân mình: Bốn mươi tuổi rồi lắm khi/ Cha cũng ngã, đứng dậy, khóc, cười một mình/ Cuộc đời cha đâu dễ toàn vẹn (Buổi đầu). Thu Bồn, một nhà thơ từng ngang dọc trên chiến trường, với những trường ca đặc sắc về vùng đất Tây Nguyên, chỉ mấy năm sau hòa bình đã bộc lộ những trăn trở sâu kín của mình, với một thứ ngôn ngữ chân thật: Nhưng lòng tin, tôi có lúc đói lòng tin/ Tim tôi gióng hồi chuông cấp báo/ Tôi đã đồng hành cùng gió bão/ Biết mặt từng đám mây khi giông tố nổi lên/ Nhưng cuộc đời. Ôi thật mông mênh. Nguyễn Trọng Tạo cũng với một trạng thái tinh thần như vậy, thường bị đánh thức bởi những nỗi buồn: Là khi tỉnh giấc trong đêm/ Một mình ta thấy ngồi bên nỗi buồn, đến những nỗi niềm day dứt: Nhưng tôi, người cầm bút than ôi/ Không thể không tin gì mà viết (Tin thì tin không tin thì thôi). Những câu thơ cho thấy sự chua xót khi niềm tin đang mai một trong con người tác giả. Ngô Thế Oanh vốn là một cây bút lặng lẽ, bình tĩnh, chỉ muốn phát hiện cái đẹp trong tâm hồn những con người đi qua chiến tranh, để từ đó đem tặng người đời, nhưng cũng đã phải lên tiếng cảnh báo trước những gì anh trải nghiệm: Vòng quanh ta là bóng tối lặng im/ Thứ bóng tối luôn sẵn sàng phản bội (Hăm Lét). Thanh Thảo cũng không dứt được nỗi buồn với những gì trông thấy trong những cảnh đời bất hạnh trước mắt: Đất nước tôi, ôi đất nước tôi/ Những người mang AK thuở trước/ những cu li xe hôm nay/ Mặt đen nhẻm khói bom rồi bụi bẩn/ Mắt họ chuyển từ trong veo sang tối sẫm/ Xe ba bánh thùng xe bụng rỗng/ Có Trường Sơn nào trong thành phố đâu/ Mà dấn từng vòng khó nhọc thế này (Lại chào đất nước tôi). Bài thơ được viết năm 2008, hơn hai mươi năm kể từ 1986, vậy mà trong thơ vẫn nguyên vẹn nỗi bất công của cuộc đời.

Trong khi đó, Phạm Ngọc Cảnh cảm nhận được niềm cay đắng qua từng bữa cơm gia đình: Đôi đũa chúng ta cầm/ Gắp được cả tháng ngày cay đắng/ Cả tháng ngày gian nan (Anh ấy sẽ sang chơi). Phùng Khắc Bắc về từ chiến tranh, mang những tế bào lạ trong mình, được bước đi trên mảnh đất quê hương trong nắng hòa bình, vậy mà không hết cô đơn: Hoàng hôn, cô đơn giữa chợ. Trở về vùng đồi quê nhà, nơi con gà mái, móng mỏ cũng mòn đi vì miếng ăn, đã lặng lẽ nuốt nước mắt vào trong: Gió lung lay, phên dậu dập dồn/ Trái tim khóc hoài, máu cứ chảy vào trong (Một chấm xanh). Trần Nhuận Minh từ Bản xô nát hoang dã đến 45 khúc đàn bầu vô danh, Nhà thơ và hoa cỏ càng ngày càng tự ý thức về cái hữu hạn của con người. Anh day dứt những muốn đạt đến cõi an nhiên phi trần thế, mà vẫn không thoát khỏi cõi bụi trần truân chuyên, hạnh phúc và bất hạnh, hữu hạn và vô hạn, như chợt nhận ra cái thô phàm đang lấy đi hồn vía của cái vĩnh hằng: Còn sót lại một cánh cò trắng mong manh/ Thấp thoáng bay/ Trong ráng đỏ chiều hôm không tìm ra chỗ đậu (Nhà thơ và hoa cỏ). Hoàng Phủ Ngọc Tường bày tỏ một tâm trạng hoang vắng trước những phôi pha của thời gian qua những câu thơ triết lý: Gõ hai đầu âm dương/ Một tinh cầu vô vọng/ Trên tài hoa nhàu nát/ Trên trần gian khói sương/ Trên mặt người biến sắc/ Mưa in dấu vô thường. Trần Vàng Sao từng có những câu thơ hào sảng về đất nước trong chiến tranh, lúc này anh đau xót chứng kiến cảnh đứa bé phải đi nhặt từng nắm cơm cúng trên những ngôi mộ người mới chết để sống qua ngày: Tôi ăn cả tàn hương vào bụng/ Liệu ai ở nhà tôi chết có được một vắt cơm to trắng trên mả không? (Đứa bé thả diều trên đồng và vắt cơm cúng mả mới)... v.v...

Như vậy, có thể nói, phạm vi hiện thực được đề cập trong thơ sau chiến tranh của các nhà thơ thế hệ chống Mỹ đã được thay đổi khác hẳn trước. Điểm nhìn thế sự, sự trở lại những điều thuộc về nhân bản, thuộc về nhân thế của con người đã được đưa lên bình diện thứ nhất của cảm hứng sáng tạo thay cho cảm xúc sử thi của giai đoạn trước. Phạm vi hiện thực mới, cách tiếp cận mới, nội dung phản ánh mới được thể hiện trong hình thức mới phù hợp. Có thể nhận thấy sự chuyển đổi trên nhiều phương diện, từ giọng điệu đến ngôn ngữ, đến thi cảm, chất liệu... Ở đây, chỉ xin đề cập đến một trong những phương diện đó là sự chuyển đổi giọng điệu.

Nếu trước đây lựa chọn giọng cao để phù hợp với những tình cảm đối với đất nước, Tổ quốc, nhân dân đang đối mặt với kẻ thù, như một lựa chọn tất yếu, phù hợp, thì nay có thể nhận ra thơ của các nhà thơ thế hệ chống Mỹ sau 1975 dần được trở về với những vấn đề thế sự, và họ tự chuyển sang giọng trầm lắng để biểu hiện. Một trạng thái tâm hồn nhiều ưu tư, nặng đau xót tự tìm đến một chất giọng trầm lắng, như để giãi bày những tâm trạng cá nhân trước đời sống, trở thành chất giọng chính. Trong cái trầm lắng đó có chiều sâu của suy nghĩ, của sự chất vấn: chất vấn lương tâm, chất vấn thời cuộc; có sự xúc động thật sự của nội tâm tạo nên tính chân thật nghệ thuật và từ đó gia tăng tính gợi cảm, sự lan tỏa, thuyết phục. Đó là đặc điểm chung của thơ nội tâm, thơ hướng nội, trở thành một đặc điểm của thơ trữ tình thế sự của lớp nhà thơ này. Sẽ có người nói, chẳng có gì mới trong thơ. Đúng vậy, thơ đang trở lại những phẩm chất muôn thuở của thơ ca truyền thống, nhưng điều cần nói là họ đã trở lại ở một tầng mức sâu hơn trong cảm nhận và mang những sắc thái khác nhau trong cá tính sáng tạo. Sự chuyển đổi cảm thức thơ để tiệm cận với những vấn đề mới của cuộc sống như một hệ quả tất yếu của những tìm tòi sáng tạo trong thơ giai đoạn hiện tại, khi đời sống đang có những thay đổi lớn. Đó là điều dễ nhận thấy và rất đáng ghi nhận. Tuy vậy, cũng đừng vì cái hôm nay mà dè bỉu thái quá cái hôm qua. Thơ hôm nay tự do hơn, chân thật hơn, tâm trạng hơn, gợi cảm hơn, niềm vui và nỗi buồn gần với tâm hồn con người hơn, thơ hôm nay không còn dễ bị bắt bẻ và không sợ bị bắt bẻ như ngày trước nữa. Đúng vậy, nhưng thơ sử thi trong chiến tranh nên được nhìn nhận như đã làm xong một nghĩa vụ mà thời đại giao phó, cũng như một nghĩa vụ mới lại đang đặt lên vai những người viết hôm nay, không trừ một ai.

Trở lại đặc điểm trên trong thơ của thế hệ chống Mỹ sau chiến tranh, có thể điểm qua những sắc thái khác nhau của cảm xúc, của tâm trạng đã hình thành trong từng tác giả. Có thể là một linh cảm như sự chất vấn lương tâm mình, lương tâm người với những suy tư hệ trọng: Bây giờ lá cờ trên cột cờ Đại Nội/ Có còn bay trong đêm?/ Sớm mai có còn giữ được màu đỏ? (Nguyễn Khoa Điềm - Đất nước những năm tháng thật buồn). Cũng dưới dạng một câu nghi vấn, Trần Nhuận Minh triết lý trong tiềm thức của mình: Hư ảo hỡi, giữa vô vàn còn mất/ Ta là ai, thăm thẳm có ta không? (Nhà thơ và hoa cỏ). Đây là những lo âu cũng hết sức hệ trọng, tuy vẻ ngoài có gì đó bình thản hơn, không còn ở dạng nghi vấn nữa mà là trong trạng thái bồn chồn, cảnh giác: Còn một chút hoa dong riềng cuối giậu/ Sợ một ngày sương muối xuống đem đi (Hữu Thỉnh - Thư mùa đông). Thanh Thảo cũng trong một trạng thái bất yên như vậy: Những ngày nắng đẹp đầy lo ngại (Mùa đông 1991)...

Nhưng không phải chỉ có gam giọng trầm lắng đặc trưng của thế hệ trong thời điểm sau chiến tranh kia. Với sự từng trải của mình, các nhà thơ thế hệ chống Mỹ trong hồn cốt của họ vẫn là những trầm tích của lòng nhân ái, đạo lý sống của những người công dân như những giá trị tinh thần đã từng làm nên nhân cách của họ. Có thể họ đã đến tuổi không còn dễ vui, cái buồn cũng không phải vô cớ, nhưng trên hết là trách nhiệm với người đọc, những người đọc mà có lần Chế Lan Viên nói: Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ/ Ai chịu trách nhiệm vậy?/ lại chính là tôi/ Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời/ Tôi ú ở (Di cảo). Đây không phải là sám hối, mà là trách nhiệm công dân cao cả của thơ ca chân chính. Từ góc độ ấy, có thể nói, sự chuyển đổi trong thơ của các nhà thơ thế hệ chống Mỹ sau chiến tranh, trước hết là vì bản thân cuộc sống đòi hỏi như vậy, là vì tâm trạng của người viết đang trải qua như vậy, và sau nữa là vì người đọc đang cần một sự cảm thông, một sự trả lời của người viết.

Sự cảm thông, câu trả lời đó có thể là một triết lý rút ra từ cuộc sống, để có thể từ đó củng cố niềm tin yêu vào cuộc sống: Sống trên đá (đừng chê đá gập ghềnh)/ Ở trong thung (không chê thung nghèo đói)/ Ta như sông như suối/ Lên thác xuống ghềnh không kêu cực nhọc/ Người đồng mình thô sơ da thịt/ Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con/ Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương (Y Phương - Tiếng hát tháng giêng). Có thể phải tự làm trong sạch nhân cách của mình, thơ mình: vượt qua những cặn lắng để tự làm trong mình, vượt qua rắc rối để tự làm minh bạch thơ mình: Ký hiệu đời tôi là một chấm xanh xanh ngắt/ Ký hiệu thơ tôi là sự minh bạch trong rắc rối đến không cùng (Phùng Khắc Bắc - Một chấm xanh). Có thể là phút thanh thản, an nhiên giữa đất trời, đủ làm ấm lòng con người: Có khi nằm ngửa mặt ngắm mây bay/ Nghìn năm mây bay bình thản/ Tôi chào đất nước tôi. Im lặng/ Nghe cỏ mềm mọc xuyên qua lưng. (Thanh Thảo - Tôi chào đất nước tôi). Đó là tình cảm của những con người từng trải, không quá hân hoan trước những niềm vui, không quá buồn lâu trước những nỗi buồn: Lọc hết bùn đi/ Còn chút gì sót lại/ Đấy là anh sau những vui buồn (Hữu Thỉnh - Thương lượng với thời gian). Đó là giây phút tự dặn mình: Tôi ạ, anh phải nguyên là một con người/ Anh không có quyền mệt mỏi (Nguyễn Khoa Điềm - Không có quyền mệt mỏi)...

Có thể nhận ra trong giọng thơ sự bình tĩnh tự tin, tĩnh tại trong tâm hồn của lứa tuổi, sự tự tin có được từ kinh nghiệm sống. Có thể câu chữ đã bớt đi sự trẻ trung, bù lại già dặn và chiêm nghiệm. Thơ có thể cần trẻ trung, nhưng thơ cũng rất cần cái sâu sắc của chiêm nghiệm. Lớp nhà thơ thế hệ chống Mỹ đang thể hiện sự chiêm nghiệm của cá nhân trước nhân tình thế thái. Thơ của họ vì vậy sâu sắc trong tư tưởng nghệ thuật, và giản dị trong ngôn từ nghệ thuật, dễ tìm được sự đồng cảm của người đọc. Đó chính là một hướng đổi mới trên cơ sở truyền thống. Tiếc rằng trong thời buổi thơ đang như tràn bờ hôm nay, những giá trị ấy thường bị khất lấp bởi nhiều thứ khác. Nhưng cũng cần phải tin rằng, một khi thơ ca nói lên được một cách sâu sắc những suy nghĩ, những tình cảm của con người trước thời cuộc, thì thơ ca ấy sẽ tồn tại.

Đấy là biện chứng của sự sống. Những người hát giọng cao bao nhiêu năm hóa ra cũng có đủ rộng dài để đón nhận niềm vui và nỗi buồn của thời cuộc. Họ không hề khôn khéo che đậy tình cảm của mình. Họ cũng không lớn tiếng ngộ nhận về tài năng của thơ mình, xa lạ với lối quảng cáo PR ồn ào. Họ vẫn luôn là những ngòi bút trung thực, hết mình với cuộc sống, với bạn đọc, theo khả năng của mỗi ngòi bút, không thời thượng, không tân trang hàng giả/ Không vẽ vời không mượn vay ai (Nguyễn Đức Mậu)...

Thế hệ các nhà thơ chống Mỹ đã từng có những đóng góp xuất sắc vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Tư tưởng nhất quán, tình cảm nồng nhiệt, bút pháp ổn định... là đặc điểm chung của họ. Những sáng tác của họ sau chiến tranh một lần nữa cho thấy sự đổi mới trong cảm quan nghệ thuật của nhà thơ trước thời cuộc, một tâm thế ứng xử tích cực của ngòi bút công dân trong sáng tác văn học. Từ giai đoạn sáng tác trước và sau chiến tranh của họ, có thể nhận ra những điều bất biến: trách nhiệm của nhà thơ trước sự thật, khả năng chuyển tải bằng thơ những trạng thái tinh thần của thời cuộc, nhiệt tình nóng bỏng của ngòi bút... Và, cũng dễ nhận ra những điều khả biến: sự chuyển đổi cảm thức sáng tạo, sự chuyển hóa nội dung tư tưởng, sự hình thành một giọng điệu mới, ngôn ngữ nghệ thuật mới trong thơ..., những điều góp phần làm mới thơ Việt Nam hiện đại.

L.T.N


(*) Hoài Thanh và Hoài Chân: Thi nhân Việt Nam, NXB. Văn học, H.2003, tr. 47


Quay về
VĂN
ÔNG NGÀ
CÔ GÁI ẤY
PHÍA CUỐI CON ĐƯỜNG
TAM KỲ, THÀNH PHỐ TRẺ
CÒI TÀU HÚT GIÓ VÀO GA...
THƠ
MẦM HẠT + HỎI
KHÔNG ĐỀ VỀ HOA XẤU HỔ + GÓC KHUẤT TRÁI TIM ANH
OSAKA + CÂY BẢN ĐỊA
NƠI TA NGỒI IM LẶNG + BÀI CHO CON YÊU
NGƯỜI ĐÀN BÀ TRONG ĐÊM + NHẶT GIẤC MƠ XƯA
QUÊ TÔI + DẮT TAY CON
THÀNH PHỐ BÊN SÔNG + NGÀY MỚI
PHỐ SƯA
TAM KỲ PHỐ
TAM KỲ LÀM SAO XA?!...
CÙNG CHIỀU
MỘT THOÁNG HƯƠNG XƯA
TAM KỲ - BẤT CHỢT MƯA
VỀ CÙNG THƯƠNG NHỚ
DÒNG CHẢY VĂN HÓA
NGHĨ VỀ TRỤC VĂN HÓA THANH CHIÊM - HỘI AN TRONG LỊCH SỬ
NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH
THẾ SỰ TRONG THƠ SAU 1975 CỦA THẾ HỆ CÁC NHÀ THƠ CHỐNG MỸ
MỘT NỒNG NÀN, MỘT NHỚ THƯƠNG...
GÓC NHÌN NGƯỜI TRONG CUỘC
MẤY "GÓC NHÌN" VỀ MỘT LIÊN HOAN ẢNH
VĂN HỌC - HỌC VĂN
MỘT HƯỚNG TIẾP CẬN BÀI THƠ "ĐÀN GHITA CỦA LORCA"