|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: CÂU CHUYỆN CỦA LÀNG
Tác giả: Lê Trâm


Là nhà báo, Trương Điện Thắng từng đi khá nhiều nơi trước khi về nghỉ hưu. Và anh đã kịp làm một nơi chốn quay về: quê nhà Thanh Quýt-Điện Bàn. Tôi nghĩ, những câu chuyện xuất phát từ đây, tập hợp trong tập truyện ngắn Thằng nớ con nhà ai(*) anh mới phát hành, là những câu chuyện của làng, từ già đến trẻ, trải qua nhiều thế hệ.

Có người còn lưu dấu quê nhà, có người tha hương, không ít người đã khuất bóng. Câu chuyện cứ nhẩn nha từ thời Thanh Quýt còn “ăn” ra tận Hàn. Và câu chuyện của những người “muôn năm cũ” ăn lan đến thời đánh Tây, đánh Mỹ... Và, từ ký ức một tuổi thơ không yên lành bởi từng trải bao nhiêu biến động của thời cuộc, của đạn bom. Cái vùng giáp ranh giữa hai làn đạn mỗi ngày thôi chẳng thiếu chuyện gì. Chỉ cần góp nhặt một chuyện trong một ngày đầy chiến sự là đủ để có một truyện ngắn đọc được rồi(?). Những tập tục quý giá gắn nghề trồng thuốc lá Cẩm Lệ với Thanh Quýt (Đất học xưa), lệ tục chạp mã hằng năm không chỉ để tưởng nhớ tiền nhân mà còn là sợi dây nối dài quá khứ với hiện tại, nối qua cả tương lai (Chạp mã). Từ những “nỗi lòng chôn kín” (Chi mình có ba cái nhất: Nghèo nhất, đông nhất và dốt nhất) cứ lặp đi lặp lại và trôi theo dòng thời gian ám vào một chi phái cứ như là một thứ... nghiệp dĩ(?). Chao ơi, những câu chuyện của làng, của một chi thậm chí của cả một dòng họ trong mối quan hệ đan xen chằng chịt nhiều khi tạo nên những nỗi oan khiên không thể nào tháo gỡ ra được! Ở truyện Tình thơ dại, sau cái chết của thằng Ruộng, Ba Thơm bỏ nhà ra thành phố biệt tích, phải hai mươi năm sau mới trở lại làng. Sau khi tu sửa phần mộ của người xưa chiều nào Ba Thơm cũng ra ngồi bên mộ Ruộng, dõi mãi về với mối tình thơ dại giờ đã xa ngái. Để rồi trước khi rời làng, người đàn bà lặng lẽ ấy đã “lấy đi một nắm đất dưới bờ ruộng cho vào túi ni lông, rồi vội vã lên chiếc taxi đã chờ sẵn, rời làng”. Mối tình của Sáu Lúa và Mười Thìn gắn với trận lụt lịch sử năm Thìn 1964 nước lút đến tận “khu đĩ” khiến cả làng phải di tản, có nhà phải ra ở tạm tận trên... cổng tam quan của chùa làng... Và cũng những ngày tháng cơ cực ấy đã vận cả lên số phận nhiều nhân vật trong truyện (Tuổi Thìn lận đận). Câu chuyện về cái mộ “lạ” chôn bên cạnh bà cao tằng chẳng ai biết hóa ra là chính là người con từng tham gia chống giặc Tây hy sinh nên không trở về nữa. Bởi loạn lạc liên miên nên chẳng có ai đứng ra “xác minh” cho nhân thân người nằm dưới mộ.

Khác hẳn người ở phố, người ở quê ra ngõ gặp nhau nên định danh rất rõ. Có tông có tổ, có lai lịch họ hàng, mỗi con người luôn phải ràng buộc với làng với xã. Những ràng buộc khiến con người khó xấu đi, bởi còn phải nể mặt cha mẹ ông bà, họ hàng nữa. Vừa là những ràng buộc về mặt xã hội vừa là ràng buộc về đạo đức. Thế nhưng vẫn còn có những câu chuyện đau lòng vì những ràng buộc tưởng rằng rất tốt ấy. Xảy ra chuyện gì, liên quan đến ai, một câu hỏi sẽ buột miệng ra là: chứ thằng nớ con nhà ai vậy? Truyện ngắn Thằng nớ con nhà ai, vì vậy, có tính khái quát rất rõ. Thế cho nên “nếu muốn biết, cứ sang bên kia sông mà hỏi ông Hai lùn. Năm ấy ông đã trên trăm tuổi nhưng trí nhớ còn minh mẫn lắm” (trang 130). Có chuyện thật đơn giản, nhưng vì sĩ diện với làng với xóm, như vì dắt nhầm xe trong một bữa say mà đến phải dắt vợ con bỏ làng đi biệt xứ, cũng chỉ vì anh là trưởng một chi tộc! Thiếu nợ sau một vụ nuôi vịt thất bát, cũng phải bỏ làng mà đi, thề khi nào đủ tiền trả nợ mới quay về! Ở truyện Cây đa đọt đỏ, một người ông của “thằng nớ con nhà ai” còn thuộc cả những “mối tình duyên ngày xửa ngày xưa của ông bà nội nó là nhờ hát hò khoan, nhân ngãi giữa hai làng mà lấy nhau, dù ông cô bà cố “thằng nhỏ” không đồng ý” (trang 119). Người ông ấy đã để lại cho nhân vật chính một bí mật: một tập giấy chữ Nho là bảo vật của làng Thượng! Lần lữa mãi chẳng có dịp để giải mã. Mãi đến khi cây đa đọt đỏ trồng nơi chùa làng bị héo lá mà chết, dân làng cùng đi đến quyết định đốn hạ, bán đi thì mới vỡ lẽ: Té ra đó là tập giấy dó ghi công đức của tiền hiền các tộc trong làng, trong một cuộc ẩu đả để tranh giành vai vế đã bị họ hất văng ra bến sông mà người ông vô tình nhặt được. Trong tập giấy có ghi: “...Chùa là linh khí của làng. Cháu con muôn đời phải gìn giữ và một lòng yêu thương nhau. Tiền nhân chỉ trồng duy nhất cây đa đọt đỏ trước chùa, để nhắc nhở tất cả mọi con dân của làng phải luôn là một khối, không phân biệt tộc họ, sang hèn...”.

Câu chuyện làng còn nối dài với hiện tại qua những truyện ngắn cuối sách: Tủm tỉm đầu năm, Trò chơi tin nhắn, Ba đoản khúc tháng chạp, Email của người mẹ... Không gian các câu chuyện chừng như bó hẹp trong làng, mở ra một chút đến Hội An, Đà Nẵng theo bước chân của những người con khi rời bỏ quê hương hay để giải quyết một công việc gì đó liên quan đến làng. Sự bó hẹp có vẻ như vừa đủ cho các câu chuyện được bộc lộ hết thần thái của nó.

Từng viết đủ các thể loại: thơ, bút ký, tạp văn, biên khảo... nhưng ở tập sách này Trương Điện Thắng đã chọn một lối kể chân chất, hồn hậu như muốn để các câu chuyện tự bộc lộ mình. Nó giống như nhận xét của nhà văn Thái Bá Lợi dành cho tập sách: “Trong cách bày biện của tác giả, lời nhắn gởi hãy đừng vô cảm trước cuộc sống như cứ lẩn khuất đâu đó giữa những câu chữ, như một thông điệp...”.

Tập truyện như một thông điệp của tác giả trước những thay đổi của làng quê, và lớn hơn, của đời người.

L.T



(*) “Thằng nớ con nhà ai” - tập truyện ngắn Trương Điện Thắng, NXB Hội Nhà văn-2016


Quay về
VĂN
BIỂN HÁT
SÁNG ĐẦY HƯƠNG GIỮA MÙA SEN
NHÀ VĂN NGUYỄN CHÍ TRUNG LÝ TƯỞNG, NHÂN CÁCH, SÁNG TẠO
BÉ MỌN
VIỆT AN CỐ SỰ
THƠ
TƯỢNG ĐÀI VĨNH CỬU
GIỌT THỜI GIAN
VIẾT BÊN MỘ NHÀ THƠ NGUYỄN MỸ
CHỊ ƠI!...
THỂ NGHIỆM HÈ
LỜI SÓNG
TIẾNG HÁT THỜI GIAN
BẢN GIAO HƯỞNG MÙA HÈ
NGÔI LÀNG XƯA
HOA BÂNG KHUÂNG
NGÀY ẤY
NHỚ
QUA CHIỀU THẠCH HÃN + XÓM KHÔNG CHỒNG
EM VÀ MÙA HẠ + NGỌN LỬA
GIÓ CŨNG SANG SÔNG + BỀNH BỒNG SƯƠNG MAI
NGẪU HỨNG 3 CÂU + LỜI RU TRÊN SÔNG
VA CHẠM + NẾP NHĂN VĨNH CỬU
LÁ ĐA + CẦN KIỆM MO
CÂU CHUYỆN CỦA LÀNG
NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH
THƠ VÀ CÁC SINH THÚ KHÁC TRONG TRUYỆN KIỀU
HÌNH TƯỢNG GIẾNG NƯỚC TRONG CA DAO
TRÀ DƯ TỬU HẬU
CÀ KÊ CHUYỆN... CHỬI!
VĂN HỌC - HỌC VĂN
DẰNG DẶC NỖI HOÀI HƯƠNG...