|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: NHÀ VĂN NGUYỄN CHÍ TRUNG LÝ TƯỞNG, NHÂN CÁCH, SÁNG TẠO
Tác giả: Nguyễn Bảo



1. Nhà văn Nguyễn Chí Trung là người sống hết lòng vì người khác, lấy niềm vui hạnh phúc của người khác làm niềm vui hạnh phúc cho mình. Hơn thế, anh còn là người phấn đấu, hy sinh suốt đời cho Đảng, cho nhân dân. Có một cuốn sách dày 3.000 trang, trình bày đẹp, in đẹp, do anh Nguyễn Chí Trung lo liệu từ đầu đến cuối, có tên: Văn nghệ sĩ Khu V: Lý tưởng, nhân cách, sáng tạo. Vâng, lý tưởng, nhân cách, sáng tạo là điều được anh coi trọng nhất trong cuộc đời mình. Anh giáo dục rèn luyện chúng tôi. Anh là tấm gương sáng để chúng tôi noi theo.

Vào chiến trường, chúng tôi được điều về Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V. Mới chân ướt chân ráo đến, anh Nguyên Ngọc từ Cục Chính trị quân khu sang thăm, nói chuyện với đoàn. Anh ngỏ ý sẽ bàn với Ban lãnh đạo Tuyên huấn xin một vài người sang quân đội. Nhiều anh chị thích sang lắm, ngại là phải làm lính anh Nguyễn Chí Trung. Ở Khu ủy, có người miêu tả anh Trung là người lúc nào cũng mặc quân phục, đeo kè kè súng ngắn bên hông. Là người riết ráo thực thi mệnh lệnh, riết ráo kiểm điểm phê bình và thi hành kỷ luật. Cái thứ hai ai cũng kể được về anh là sự hay quên. Chuyện Nguyễn Chí Trung quên chỉ còn bò lăn ra mà cười, nhất là vớ phải cây tiếu lâm hài hước dí dỏm Đặng Minh Phương, nguyên phụ trách báo “Cờ giải phóng Trung Trung bộ”, bạn thân thiết của Nguyễn Chí Trung. Về chuyện hay quên của Nguyễn Chí Trung đã nhiều người viết, nhiều người kể. Những chuyện ấy có khi thực có khi bịa nhưng dù sao cũng góp vui, khuây khỏa nỗi nhọc nhằn khi đi cõng gạo, đi sản xuất, hoặc vơi đi sự hồi hộp căng thẳng trên đường vào trận.

Nhớ những ngày đầu, tôi, Nguyễn Hồng, Vũ Thị Hồng qua Ban Văn học Cục Chính trị. Trời ơi! Sao mà hoang vắng thế. Nhà của Ban chỉ còn là cái nền đất. Người của Ban tuyệt không một ai ở nhà. Chúng tôi đành ở tạm chỗ Ban Dân vận. Cái Ban Văn học của anh Nguyên Ngọc, anh Nguyễn Chí Trung hồi đó là vậy. Quyết liệt vì sự tồn vong, vì chiến thắng của mỗi trận đánh. Các anh Lương Tử Miên, Nguyễn Phong Tạo, Ngân Vịnh, Nguyễn Bá Đắc, Nguyễn Trí Huân, Thái Bá Lợi... đi phát rẫy trồng sắn ở Kon Tum. Anh Nguyên Ngọc đi với chỉ huy tiền phương Bộ Tư lệnh Quân khu, còn Nguyễn Chí Trung luồn vào khu dồn Quảng Ngãi ăn ở trong đó, theo dõi địch và nắm tình hình tư tưởng sinh hoạt của dân. Anh Nguyễn Chí Trung về ban, sớm nhất. Lần lượt mọi người lục tục từ các nơi kéo về. Họp và họp. Triển khai công việc. Đang cuối mùa mưa. Các đơn vị chuẩn bị cho các trận đánh. Phải gấp rút hoàn thành công việc nội bộ để chia nhau về các đơn vị. Nguyễn Chí Trung chú ý nhiều đến ba học trò mới rời ghế nhà trường. Cùng học khóa 4 Hội nhà văn và cùng vào Khu V có Nguyễn Trí Huân. Lúc đó, anh đã có những sáng tác in sách, in báo. Anh vào trước chúng tôi ít ngày và với tư cách là người viết văn. Trong buổi họp đầu tiên, Bí thư chi bộ Nguyễn Chí Trung hỏi Nguyễn Trí Huân: “Anh vào đây để làm gì?”. “Để lấy tài liệu viết văn ạ...”. Ngay sau đó đến lượt tôi: “Để học, học dân, học bộ đội ạ”. Còn trả lời khác sao được. Vừa mon men vào đây đã viết được cái gì đâu. Còn lâu mới dám trả lời như Huân. Ấy thế nhưng Nguyễn Chí Trung lại đánh giá tôi là người đúng còn Huân phải xem lại. Khốn nỗi, sau này Huân cứ bảo tôi khôn. Thật ra khôn cái nỗi gì?

Trong Ban Văn học có hai người gắn với nhau như bóng với hình ấy là Nguyễn Chí Trung và Nguyên Ngọc. Thân nhau và phục nhau. Không ngày nào ở cơ quan hai người không đàm đạo, bàn bạc. Anh Trung đánh giá cao tầm tư tưởng của anh Nguyên Ngọc. Phục về văn tài, chữ nghĩa. Bí thư Trung làm hết mọi sự vụ để trưởng ban có nhiều thời gian ngồi viết. Những sáng tác đầu tay của chúng tôi anh Trung đọc trước, nhận xét, đánh giá, góp ý sửa chữa. Tỉ mẫn, tâm huyết, thận trọng. Vậy nhưng sau đó lại bảo đưa cho anh Ngọc đọc. Anh Nguyên Ngọc quý và yêu Nguyễn Chí Trung ở công việc quản lý cơ quan và đóng góp với quân khu trong lĩnh vực quân sự, chính trị. Thân thiết với Tư lệnh Quân khu Chu Huy Mân, Nguyễn Chí Trung biết các trận đánh sắp nổ ra, đơn vị nào sẽ chủ công, hướng tấn công nào là chính, hướng tấn công nào là phụ. Từ đó, họp cơ quan, phân mỗi người bám một đơn vị thích hợp.

Với sự hiểu biết, từng trải và cả sự thông minh, quyết đoán, Nguyễn Chí Trung dự kiến một số tình huống có thể xảy ra ở mỗi trận đánh để chúng tôi khỏi ngỡ ngàng. Cứ đụng đến những chuyện đánh địch, con người anh đầy say mê hào hứng. Giọng anh thanh thoát và linh hoạt vô cùng. Rồi chiến dịch nổ ra, anh đang ở đâu đó, tất yếu phải là chỗ gay go nhất, ác liệt nhất, anh viết thư cho chúng tôi thăm hỏi động viên. Thư anh, tình cảm mà bốc lửa. Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ nội dung những bức thư ấy. Đến giờ, tôi vẫn nhớ cảm giác bồi hồi xúc động trong lòng.

Nói về trận mạc, hiếm có người dũng mãnh bất chấp hiểm nguy như Nguyễn Chí Trung. Đi làm phái viên nhưng đụng việc anh quên khuấy. Với tiểu đoàn, anh như chính trị viên. Xuống đại đội anh vừa làm công tác tổ chức vừa động viên bộ đội. Vào trận, anh là lính cầm súng đánh nhau. Anh say mê đánh giặc đến kỳ lạ. Năm 1974, anh đi với Sư đoàn 2 đánh Nông Sơn. Tôi theo sư 304 đánh Thượng Đức. Trận đánh ở Thượng Đức gặp khó. Bộ đội thương vong nhiều phải dừng lại, tôi nghe tin có một nhà báo của quân khu đang khuấy đảo ở cửa mở. Thì ra dứt điểm xong Nông Sơn, anh vù về quân khu báo cáo tình hình rồi xin đi tiếp, đánh Thượng Đức. Ở Thượng Đức, anh xuống ngay tiểu đoàn chủ công. Trong bom đạn mờ mịt, anh lắc đầu ái ngại cho bộ đội, rồi tức tốc tìm về chỉ huy trung đoàn, sư đoàn đề đạt ý kiến riêng của mình. Anh khẩn thiết đề nghị thay đổi vị trí mở rào. Mọi người hỏi anh là ai? Anh bảo anh là phái viên quân sự của Bộ Tư lệnh Quân khu. Lời nói của anh trở nên có sức nặng hơn. Anh lại lao xuống với tiểu đoàn, với các đại đội, đốc chiến. Vậy nhưng bao lần xông pha, anh chỉ bị thương chứ không bị bom đạn quật ngã. Đi gùi gạo, chúng tôi đi hai ngày, anh chỉ đi một ngày hoặc ngày rưỡi. Đường dài, leo dốc bở hơi tai nhưng anh đi liền mạch. Đi nhanh về nhanh vì cả núi công việc đang chờ ở nhà. Nhiều việc, người bình thường không thể làm nhưng vào tay Nguyễn Chí Trung là ngon ơ! Anh là Bí thư Đảng đoàn Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ, công việc bên Khu ủy, bộn. Lụi bụi, sấp ngửa vì công việc nhưng không thấy anh kêu ca phàn nàn bao giờ. 

Đọc bài, góp ý sửa bản thảo, tổ chức trao đổi nghiệp vụ, tổ chức đi theo bộ đội đánh giặc, mười hai năm liền anh là chiến sĩ thi đua. Huân huy chương bên Khu ủy, bên Quân khu cấp cho anh nhiều vô kể. Ở Thượng Đức, buổi lễ mừng công, Bộ Tư lệnh cho người tìm anh để trao huân chương nhưng không thấy anh đâu. Dứt trận đánh, anh vội vã băng đèo lội suối về Quân khu báo cáo tình hình. Anh là con người của công việc, có cảm giác rời công việc anh không còn là anh nữa.

2. Cách mạng toàn thắng, một chương mới mở ra cho dân tộc. Vinh quang, sum họp, nhưng khó khăn vây bủa. Một số đơn vị bộ đội giải thể, một số đi làm kinh tế. Tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ của Ban Tuyên huấn Khu ủy kết thúc. Người về địa phương, người ra Trung ương. Tạp chí Quân giải phóng Trung Trung bộ còn nhưng công việc đang thay đổi, Nguyễn Chí Trung đứng ngồi không yên: “Có một đội ngũ văn nghệ sĩ trải qua chiến tranh, trưởng thành trong chiến tranh, quý vô chừng. Không biết giữ, phát triển, thật là phí. Bản thân mình cũng thấy có tội”. Anh hay phàn nàn thế. Với cương vị Bí thư Đảng đoàn Văn nghệ, có quan hệ tốt với các thủ trưởng cấp trên, lại giỏi thuyết phục,  Nguyễn Chí Trung đã đề đạt một phương án: Chuyển một số văn nghệ sĩ từ biên chế của Khu ủy sang quân đội. Gồm các anh Dương Hương Ly, Thanh Quế, Nguyễn Khắc Phục, Cao Duy Thảo, Trần Vũ Mai, Ngô Thế Oanh... Nhân sự bên Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng không những giữ nguyên mà còn tuyển thêm Thanh Thảo, Nguyễn Đăng Kỳ, Trung Trung Đỉnh... Về dân sự, tuyển thêm Nguyễn Công Khế, Ngô Thị Kim Cúc. Hai người này chỉ ở một thời gian ngắn, sau đó chuyển đi làm báo. Lực lượng này tập trung ở hai nhà 1B Ba Đình và 10 Lý Tự Trọng, Đà Nẵng. Cùng với đó, một cơ quan mới ra đời: “Trại sáng tác Văn học Quân khu V”. Nguyễn Chí Trung làm trại trưởng, nhà văn Phan Tứ làm trại phó.

Sau chiến tranh, nhiều nhà văn, nhà thơ muốn có thời gian quây tụ lại bàn bạc, động viên nhau viết về đề tài còn nóng rảy. Nguyễn Chí Trung đã đáp ứng được nguyện vọng đó. Trại kéo dài được 5 năm. Các nhà văn nhà thơ chủ yếu chỉ sáng tác. Nguồn kinh phí quân đội cấp có hạn, Nguyễn Chí Trung đã thành lập một ban hành chính đắc lực phục vụ cho cơ quan. Tư lệnh Chu Huy Mân đến thăm trại, đã ngạc nhiên kêu lên: “Đội quân tăng gia, chăn nuôi của Trung thật cừ, phải phổ biến kinh nghiệm cho quân khu đấy nhé”. Thịt gà, trứng gà thường xuyên bổ sung thêm cho suất ăn còn khiêm tốn của bộ đội. Rau xanh chủ yếu là của nhà trồng. Đất trong vườn, ngoài rào mọc đủ thứ: rau lang, rau muống, rau cải, bí bầu... mùa nào thứ ấy, xanh mướt. Những năm tháng đó, trại đã đón tiếp không biết bao nhiêu khách văn của Trung ương, của địa phương, tươm tất, nhờ có sự tự túc này. Nhưng điều ấy sẽ thành vô nghĩa nếu thành quả sáng tác văn học không xứng tầm với công sức tiền của đã bỏ ra.

3. Có thể nói cả nước thời điểm sau chiến tranh và cả đến bây giờ chưa có một mô hình trại sáng tác nào như trại sáng tác Quân khu V. Trại kết thúc đã cấp một nguồn cán bộ làm công tác báo chí, văn học nghệ thuật khá phong phú cho Trung ương và các địa phương. Trại đã góp vào thành quả chung của nền văn học Việt Nam những tác phẩm văn học đáng kể. Nhà văn Nguyễn Trí Huân nhiều năm liền là Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Anh cũng là người nhiều khóa liền là Ủy viên Ban Chấp hành, là Phó Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam. Nhà thơ Thanh Quế nguyên ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Đất Quảng của Hội VHNT Quảng Nam-Đà Nẵng, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Non Nước của Liên hiệp các hội VHNT thành phố Đà Nẵng. Nhà thơ Thanh Thảo nguyên Tổng Biên tập Tạp chí VHNT Quảng Ngãi, nhà thơ Dương Hương Ly nguyên Tổng Biên tập Tạp chí VHNT tỉnh Lâm Đồng. Nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Nhà thơ Ngô Thế Oanh, Phó Tổng biên tập Tạp chí Thơ của Hội Nhà văn... Điều quan trọng hơn, những thành viên của trại trong 5 năm ấy và những năm sau đó đã cho xuất bản những tác phẩm văn học sáng giá, được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và nhiều giải thưởng danh giá khác...

Suốt những năm ấy, Nguyễn Chí Trung hầu như không viết được chữ nào. Anh miệt mài đọc tất cả bản thảo của trại, góp ý sửa chữa từng câu từng chữ. Đọc, tổ chức trao đổi giúp nhau. Đương nhiên, công việc mà Cục Chính trị và Quân khu giao cho anh chồng chất, thời gian đâu để anh ngồi sáng tác... Thời gian ở trại đôi lần tôi theo Nguyễn Chí Trung đi một vài nơi. Anh dẫn chúng tôi về Hòa Vang, bước chân đến làng xã nào anh cũng sà vào được, hăm hở chân tình. Dân làng xúm đến vồn vã hỏi han kể chuyện. Anh là người hay quên có tiếng nhưng những dịp thế này thì nhiều người ngả mũ kính phục trí nhớ của anh. Anh kể tên từng người, nhắc đến đặc điểm tính cách của họ, thậm chí nhớ nhà ở trước đây của mỗi người, cạnh cổng có cây gì, cách đồn địch bao xa. Những chuyện buồn vui của chính họ từ thuở nào, đã quên nhưng Nguyễn Chí Trung vẫn nhớ. Anh nhắc lại khiến họ sững sờ. Ai cũng muốn kéo Nguyễn Chí Trung về nhà mình. Được mọi người ở quê yêu quý đến vậy thật là hạnh phúc. Một lần khác, đến Quảng Ngãi, anh dẫn chúng tôi vào Tịnh Minh. Dấu chân anh ghi mênh mông trên những làng quê một thời chiến tranh. Nơi nào cũng đầy ắp kỷ niệm. Mới đến đầu làng, nhác thấy, mọi người đã nhận ra anh và la tướng lên: “Ông Trung lụt. Ông Trung lụt về bà con ơi!...”. Thì ra trận lụt khủng khiếp của miền Trung năm 1964, Nguyễn Chí Trung đã dùng xuồng mải miết cứu dân bị nước cuốn trôi. Cứu được họ khỏi chết ngập, nhưng họ cũng khó sống vì không có cái ăn. Nguyễn Chí Trung đã nhân danh cách mạng buộc các nhà giàu có trong xã phải xuất kho cứu đói. Anh đã trực tiếp nấu cơm vắt thành nắm đi phân phát cho từng gia đình bị nạn. Gặp lại anh, dù đã mấy chục năm trôi qua, ai mà không rưng rưng, ai mà không muốn ôm choàng lấy anh để tỏ lòng biết ơn trời bể. Chia tay với bà con Tịnh Minh, anh để rơi những giọt nước mắt. Anh than thở: “Không có thời gian ngủ lại một đêm với bà con Tịnh Minh. Tội chớ! Đây cũng là quê hương của mình đó...”.

Ở Vạn Giã, Khánh Hòa, anh có một bà dì quý anh quá con đẻ. Lần đó, bà dẫn Nguyễn Chí Trung vào nghĩa trang Đầm Bò. Anh chưa biết mộ cha ở chỗ nào. Khu nghĩa trang nhiều mộ xây công phu. Riêng mộ bố anh rất sơ sài. Anh khóc. Bà dì phân bua: “Cực lắm, bom đạn liên miên, họ hàng anh em mỗi người mỗi ngã. Giữ được cái mộ để con cháu về thắp hương là phúc lắm rồi”. Ở Bình Thuận, anh có một cô em gái. Trông già sụm. Khi kể về chuyện này, anh sụt sịt: “Gia đình ly tán, nó sống trôi dạt, vật vờ. Thương lắm. Còn có ngày gặp lại đã là may...”. Anh đã đưa cháu Hà, con của em gái ra Đà Nẵng nuôi, ăn học, coi như đứa con yêu của mình. Nào ngờ, ra trường chưa được bao lâu, bị tai nạn giao thông qua đời. Ở Sài Gòn, mối quan hệ của anh chằng chịt hơn. Đất nước thông thương, anh dẫn chúng tôi đến nhà người em trai. Lúc đó Nguyễn Chí Trung là đại tá, người đầy chiến tích cách mạng nhưng em lại là viên sĩ quan phía bên kia. Gặp em lần đầu anh đã mắng một trận nên thân. Lần này, tôi đã lo sẽ có chuyện không lành xảy ra. May thay. Sau này, không nghe anh nhắc về đứa em trai của mình. Chúng tôi cũng không biết hiện thời gia đình đó ra sao! Anh còn có một người cháu là ca sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn. Thanh Lan. Cô cháu nghe tin Nguyễn Chí Trung đến gặp vừa vui vừa sợ hết hồn. Thế đấy. Anh nói rằng quê anh ở Khánh Hòa, Bình Thuận, hay ở Sài Gòn thì cũng khó nghi ngờ. Ấy là chưa kể thời đi tập kết ngoài Bắc anh có những vùng quê gắn bó như nơi cha sinh, mẹ đẻ. Anh căm giặc Mỹ vô chừng. “Chiến tranh. Bao nhiêu thảm họa cho dân, cho nước do thằng Mỹ cả. Gia đình mình gánh đủ”.

4. Năm 1979 Nguyễn Chí Trung được điều về Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Cùng làm phó tổng với anh là các nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, Xuân Thiều. Ba ông phó, không có tổng mà tính cách lại hết sức khác nhau, những trục trặc xảy ra là điều khó tránh. Nguyễn Trọng Oánh hiền lành, thích yên bình. Xuân Thiều muốn tung tẩy thử sức mình trên lĩnh vực quản lý sáng tác. Nguyễn Chí Trung muốn mở hết tầm kích cho Văn nghệ Quân đội với nhiều cải cách táo bạo. Không ai chịu ai, dẫn đến những mâu thuẫn khó lường. Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh nhìn thấy sự bất ổn, liền cử Nguyễn Chí Trung đi học lớp chính trị cao cấp trong quân đội, đồng thời điều nhà văn không chuyên Dũng Hà về làm Tổng Biên tập. Một niềm say mê mới lại bừng dậy trong con người Nguyễn Chí Trung. Anh là học sinh suất sắc của lớp. Thầy giáo chủ nhiệm thừa nhận anh đã đưa ra một cách học mới: Đề xuất, tranh biện là chủ yếu, kết hợp lấy thực tiễn soi sáng lý luận. Hết lớp học, Thủ trưởng Nguyễn Nam Khánh nói với anh: “Thôi, đừng về Tạp chí làm gì. Bộ đội tình nguyện ở Căm-pu-chia đang cần một người như Trung”. Chúng tôi hỏi: “Thiếu gì người, tại sao thủ trưởng cứ phải điều anh Trung?”. Thủ trưởng Nam Khánh giải thích: “Chúng mình cùng chiến trường khu V với nhau, ra ngoài này cùng làm trong một cơ quan, có chuyện gì không ổn người ta lại đổ lên đầu mình. Bảo mình địa phương chủ nghĩa”. Không vui vẻ gì nhưng Nguyễn Chí Trung nhanh chóng khoác ba lô lên đường. Anh được bổ nhiệm là Phó Chủ nhiệm Chính trị cơ quan đại diện Bộ Quốc phòng hướng Tây Nam. Tất nhiên, nhập cuộc, anh lại say mê như ngày nào. Anh như người không ra khỏi chiến tranh. Lại đắm say với phương án tác chiến. Lại ngập chìm với chiến thuật đánh địch. Lại công tác tư tưởng cho bộ đôi, lại cầm súng vào trận, dũng mãnh và quyết chiến như những ngày đánh Mỹ. Trong  bài viết này chỉ xin điểm qua trận đánh trên Biển Hồ, trận đánh anh chủ động đi giải nguy cho đồng đội. Trận đánh anh bị thương nặng, mặt trận điều trực thăng đến cứu nhưng máy bay chưa tới nơi đã lao xuống Biển Hồ.

Mùa mưa, địch đánh phá liên miên, gây nhiều thiệt hại cho ta. Hôm đó, Tiểu đoàn Tây Đô triển khai truy quét địch trên Biển Hồ. Tình huống không lường đã xảy ra. Tiểu đoàn đụng căn cứ Trung đoàn 530, bị lọt vào vòng vây của địch. Hải quân của bạn và Mặt trận 890 tổ chức giải nguy. Nguyễn Chí Trung xin được dùng một xuồng chỉ huy vào trận. Trong đà mê mẩn đánh đuổi địch, xuồng Nguyễn Chí Trung lâm nạn. Địch bủa vây vòng trong vòng ngoài. Cậu cảnh vệ bị thương nặng, trước lúc nhắm mắt còn nói: “Thủ trưởng ơi! Dừng lại đi. Địch đông lắm”. “Lúc này không thể dừng, không thể rút. Đánh thẳng vào sở chỉ huy kia, hoặc hy sinh hoặc thay đổi tình thế”. Nguyễn Chí Trung nghĩ thế và lệnh cho lái xuồng tăng tốc. Anh lên mũi xuồng, nắm lấy khẩu đại liên quét đạn tới tấp vào bọn địch phía trước. Bỗng cánh tay lẫy cò nảy lên, nhức nhối... Trận đánh kết thúc, ta thắng lớn. Nguyễn Chí Trung nói: “Kết quả lớn nhất là ta có bài học kinh nghiệm đánh địch trên nước. Không phải đánh mùa khô mà đánh ngay vào mùa mưa”. Được hỏi về chiếc máy bay trực thăng đến cứu, Nguyễn Chí Trung nói: “Kẻ phản bội bao giờ cũng rất nham hiểm. Trong trường hợp éo le, khẩn cấp như thế, hắn (lái phụ) buộc lái chính hạ độ cao và ra khỏi buồng lái. Hắn xô một bác sĩ và một y sĩ khỏi máy bay. Nhưng hắn đã nhầm, lái chính khóa máy, đâm thẳng xuống Biển Hồ. Hắn bị bắt, còn lái chính đã được cứu sống”. Nhắc đến những chuyện này anh nhăn mặt, nhăn mũi. Anh ghét và tởm lợm vô cùng những kẻ phản bội. Anh yêu và bảo vệ con người, đất nước Căm-pu-chia một cách quá thể. Có ai nói về những cái hạn chế yếu kém của con người, của đất nước Căm-pu-chia là anh nổi khùng. Anh bảo “Những cái đó nước mình thiếu gì sao không chê?”.

Ở Căm-pu-chia, có một người mà Nguyễn Chí Trung mến phục, đó là thủ trưởng Lê Khả Phiêu. Khi quân tình nguyện rút hết về nước và được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, sau đó được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, người thủ trưởng ấy không quên người giúp mình rất tận tụy ở chiến trường Căm-pu-chia. Ông đã chọn Nguyễn Chí Trung làm trợ lý cho mình. Có nhiều ý kiến khác nhau trong vai trò trợ lý của Nguyễn Chí Trung nhưng có thể khẳng định: Anh là người đam mê công việc, hết lòng vì công việc. Lần đó, tôi theo đoàn của Tổng Bí thư đi chống lụt ở Quảng Nam. Buổi cơm trưa, không thấy Nguyễn Chí Trung đâu, mọi người ngơ ngác nhìn nhau. Trong đoàn có người muốn đi tìm. Ông Phiêu bảo: “Kệ. Chắc lại ghé vào cái phòng nào đó ngồi viết đấy mà”. Cho đến buổi cơm chiều mới thấy Nguyễn Chí Trung lộ ra, cười khà: “Mình được dồn hai suất vào một bữa đó hỷ”. Nguyễn Chí Trung là thế, nhịn ăn, thức suốt đêm cho công việc là chuyện bình thường. Các thủ trưởng trước của anh đều biết vậy. Thương anh nhưng lại coi đó như một sự đương nhiên. Không hề nghĩ đến việc đãi ngộ, cất nhắc. Thủ trưởng Lê Khả Phiêu khác. Nguyễn Chí Trung được phong tướng và ông nói: “Lẽ ra việc đó phải có từ lâu”.

5. Cho đến khi từ giã cõi đời, Nguyễn Chí Trung vẫn lủi thủi một thân một mình. Chúng tôi biết anh có những mối tình khá lãng mạn và sâu thẳm. Hồi tập kết ngoài Bắc, yêu một cô gái Hà Nội nhan sắc. Vào chiến trường, yêu đắm đuối một diễn viên múa xinh đẹp, gần đến hôn nhân thì cô ra Bắc chữa bệnh rồi lấy chồng. Ở Căm-pu-chia là cô Tổng Biên tập báo Nhân dân. Hai người yêu nhau quấn quýt nhưng vẫn không thành. Rồi cô kỹ sư hóa học ở Hà Nội. Yêu mê mẩn, ngẩn ngơ, nhưng kết quả không đến đâu... Tình yêu cũng cần thời gian. Một người lúc nào cũng lấn bấn, bận rộn công viêc như anh, khó thay. Về hưu, tưởng sẽ có thời gian cho mình nhưng chợt nhận ra: “Tuổi lớn rồi, tính chi chuyện đó nữa”.

Nhưng anh đã có một tình yêu khác. Tình yêu với văn học nghệ thuật. Anh viết không nhiều nhưng sớm nổi tiếng với truyện ngắn “Bức thư Làng Mực”. Những năm ở chiến trường, do nhu cầu phải có bài cho Tạp chí, anh viết một vài truyện ngắn và một số bài ký. Anh chỉ dành hai ba hôm để viết. Ngày cuối cùng khi bản thảo đưa xuống nhà in, mới xong. Dẫu thế, từng câu từng chữ của anh được cân nhắc cẩn trọng. Bao giờ anh cũng chú ý đến chất văn trong sáng tác của mình. Bản thảo trước khi đưa in, anh đọc cho chúng tôi nghe, nhờ nhận xét, góp ý. Truyện và ký của anh có chất hào hùng nhưng vẫn mềm mại uyển chuyển. Chất lý tưởng quán xuyến từ đầu đến cuối. Mạch văn bay bổng, trữ tình. Tôi nhớ mãi lần đầu quân ta tấn công Thượng Đức bất thành, phải dừng lại kiểm điểm rút kinh nghiệm. Đêm đó, Đài Tiếng nói Việt Nam đọc bút ký “Khi dòng sông ra đến cửa” của anh. Giọng đọc trong trẻo của cô phát thanh viên vút lên niềm lạc quan, báo hiệu ngày toàn thắng đang đến. Nhưng để có giây phút vỡ òa đó, quân dân ta còn phải vượt qua muôn trùng khó khăn. Bài viết đầu tháng 4 năm 1974 có tính hùng biện khái quát toàn chiến trường mà lại như viết cho mọi sự đang xảy ra ở Thượng Đức vậy. Thú thực, vào cái giây phút ấy, tôi đang hoang mang, nghe xong bài ký bỗng bình tâm trở lại. Sáng ra, tôi khoác ba lô từ Trung đoàn xuống tiểu đoàn chủ công - nơi Nguyễn Chí Trung đang hướng dẫn bộ đội dùng bộc phá liên tục mở cửa. Những bài viết tương tự sau này được tập hợp trong các tập ký và truyện ngắn: “Đà Nẵng”; “Bức thư Làng Mực”; “Hương cau”; “Khi dòng sông ra đến cửa”.

Nếu phải tìm những nhà văn chắt lọc câu chữ, chọn những sáng tác rời vào tập, kỹ lưỡng, khó tính, nhất định Nguyễn Chí Trung đươc ghi vào danh sách đó. Nhưng nghiệp văn của anh thực sự thăng hoa khi đã về hưu. Về hưu, anh còn vô khối công việc phải làm như làm sách, ảnh về đoàn Văn công Quân khu V. Một thời anh là trưởng đoàn. Đọc, chọn bài, in tập “Văn nghệ sĩ khu V: Lý tưởng-nhân cách-sáng tạo”. Sách không chỉ tập hợp chân dung một số văn nghệ sĩ tiêu biểu trong văn thơ, hội họa, điện ảnh, ca kịch... khu V mà còn tìm ra những bài viết tiêu biểu của họ, về họ. Anh lo đất, lo đá, chạy tiền, thuê khắc bia tưởng niệm những văn nghệ sĩ hy sinh trên chiến trường khu V. Rồi nữa, đi lại nhiều lần sang Căm-pu-chia, làm nốt những việc còn dang dở và lấy thêm tài liệu để viết. Nhưng dù sao anh cũng có nhiều thời gian hơn cho sáng tác. “Tiếng khóc của Nàng Út” dồn nén tư tưởng, tình cảm bức xúc của nhà văn về một thời khốc liệt của chiến tranh. Yêu nhân dân vô cùng, gắn bó máu thịt với những vùng đất từng trải, ngòi bút Nguyễn Chí Trung đã có sự bứt phá, vượt lên chính mình. Anh đã chọn đúng giọng điệu phù hợp với chất liệu cuộc sống thời đó. Chất văn hóa được anh nghiên cứu rất kỳ công và đưa vào tác phẩm nhuần nhuyễn. Có vốn sống dồi dào nhưng không lạm dụng. Anh cất công đi lại những nơi miêu tả trong tác phẩm, để lấy lại cảm xúc. Hồn vía hiện thực cuộc sống cùng với bút pháp lãng mạn của anh đã tạo nên một “Tiếng khóc của Nàng Út” có sức lôi cuốn người đọc. Tập tiểu thuyết đầu tay cũng là tập sách đem lại cho anh 4 giải thưởng: Giải thưởng Nhà nước, giải thưởng ASEAN, giải thưởng Hội Nhà văn, giải thưởng Bộ Quốc phòng.

Rồi anh viết về Căm-pu-chia, một dân tộc anh vô cùng yêu thương, một chiến trường đẫm máu và nước mắt anh đã gắn bó mấy chục năm liền. Xương máu anh đổ xuống đất đó kém gì xương máu anh đổ xuống đất Việt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp chống Mỹ. Anh viết với tình yêu bao la và sâu thẳm. Anh đã đọc một số cuốn sách viết về Căm-pu-chia và anh nói: “Cuộc chiến của quân tình nguyện Việt Nam ở Căm-pu-chia không phải như vậy. Mình sẽ viết khác”. Độc giả cầu mong sức khỏe anh hồi phục để viết trọn vẹn cuốn sách... Nhưng mọi thứ đã dừng lại. Nguyễn Chí Trung đã ra đi ở tuổi 87. Anh đã ra đi với lý tưởng anh hằng theo đuổi, nhân cách đáng trọng của anh và sự sáng tạo bằng nhiệt huyết tận đáy lòng. Những trang bản thảo ấy sẽ được anh tiếp tục ở một thế giới khác, nơi ấy hy vọng sẽ không có chiến tranh, với những khổ đau và bất công xã hội, nơi ấy chỉ có an hòa, để anh có thể dốc lòng mình cho từng con chữ.

N.B



(*) Đại tá, nhà văn, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội.


Quay về
VĂN
BIỂN HÁT
SÁNG ĐẦY HƯƠNG GIỮA MÙA SEN
NHÀ VĂN NGUYỄN CHÍ TRUNG LÝ TƯỞNG, NHÂN CÁCH, SÁNG TẠO
BÉ MỌN
VIỆT AN CỐ SỰ
THƠ
TƯỢNG ĐÀI VĨNH CỬU
GIỌT THỜI GIAN
VIẾT BÊN MỘ NHÀ THƠ NGUYỄN MỸ
CHỊ ƠI!...
THỂ NGHIỆM HÈ
LỜI SÓNG
TIẾNG HÁT THỜI GIAN
BẢN GIAO HƯỞNG MÙA HÈ
NGÔI LÀNG XƯA
HOA BÂNG KHUÂNG
NGÀY ẤY
NHỚ
QUA CHIỀU THẠCH HÃN + XÓM KHÔNG CHỒNG
EM VÀ MÙA HẠ + NGỌN LỬA
GIÓ CŨNG SANG SÔNG + BỀNH BỒNG SƯƠNG MAI
NGẪU HỨNG 3 CÂU + LỜI RU TRÊN SÔNG
VA CHẠM + NẾP NHĂN VĨNH CỬU
LÁ ĐA + CẦN KIỆM MO
CÂU CHUYỆN CỦA LÀNG
NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH
THƠ VÀ CÁC SINH THÚ KHÁC TRONG TRUYỆN KIỀU
HÌNH TƯỢNG GIẾNG NƯỚC TRONG CA DAO
TRÀ DƯ TỬU HẬU
CÀ KÊ CHUYỆN... CHỬI!
VĂN HỌC - HỌC VĂN
DẰNG DẶC NỖI HOÀI HƯƠNG...