|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: BIỂN HÁT
Tác giả: Hoàng Nhật Tuyên

Truyện ngắn



Hôm ấy là chiều chủ nhật, khi Thanh đang cầm cuốn sổ và cây bút chì, lang thang bên lối nhỏ ở công viên bờ biển thì bắt gặp một cụ ông với chiếc nạng gỗ đang nhích từng bước khó nhọc để bước lên mấy bậc tam cấp. Thấy vậy, Thanh liền chạy tới giúp ông cụ cho khỏi bị ngã. Khi dìu ông tới chỗ chiếc ghế đá phủ đầy bóng mát của cây dương già sum suê cành lá, đỡ cho ông ngồi xuống, Thanh lễ phép gật đầu chào, định bước đi thì ông cụ với tay, giữ cậu bé lại, mặt tươi cười và nói một câu gì đó.

Nhìn mặt ông cụ, Thanh đoán ông đang cảm ơn mình, song cậu không thể trả lời, chỉ cố ú ớ vài tiếng, sau đó dùng tay ra hiệu, rằng mình không thể nghe và không thể nói được. Thoạt đầu, ông cụ tỏ ra ngạc nhiên, nhìn cậu bé từ đầu đến chân, nhưng sau đó, dường như kịp nhận ra trước mặt mình là cậu bé câm điếc tốt bụng nên ông nhích người qua một bên, ra hiệu cho Thanh ngồi bên cạnh.

Thấy cử chỉ của ông cụ đầy ân cần nên Thanh không nỡ từ chối. Cậu bé ngồi xuống và bây giờ cậu mới phát hiện một chân của ông cụ bị cụt lên đến quá gối và phải dùng chân giả. Cậu muốn hỏi ông cụ vì sao cái chân của ông bị như vậy, song cậu không thể diễn đạt. Còn ông cụ, sự bối rối cũng đã hiện rõ trên khuôn mặt, chưa biết phải trò chuyện với cậu bé bằng cách nào. Tuy vậy, chỉ một lát sau, sự lúng túng giữa hai người được giải tỏa, khi Thanh lật cuốn sổ trong tay mình ra và dùng bút chì ghi vào đó sự thắc mắc của cậu rồi đưa cho ông cụ.

- Ông bị thương lâu rồi con ạ! Hồi năm 1979, ông là sĩ quan quân đội, đánh nhau với kẻ thù xâm lược ở biên giới phía Bắc rồi bị thương - Ông cụ cũng viết để trả lời.

Xem dòng chữ của ông cụ, Thanh gật đầu tỏ ý đã hiểu. Ông cụ cho Thanh biết, tên của ông là Bường và Thanh cũng giới thiệu tên mình. Từ đó, một già một trẻ, người này viết, người kia nhìn rồi ngược lại, và cây bút đã trở thành nhịp cầu thay cho lời nói. Cũng từ đó, hàng tuần, vào chiều thứ bảy và chủ nhật, khi Thanh ra chơi ở công viên bờ biển thì đã thấy ông cụ Bường ngồi hóng mát hoặc đang vươn tay tập thể dục bên chiếc ghế đá, và cậu tiến lại gần, để rồi qua cây bút, cuốn sổ, hai ông cháu trở nên thân thiết từ lúc nào không ai nhớ được.

Ông Bường có nước da ngăm đen, thân hình to lớn, trên má trái có vết sẹo do bị thương cùng lúc với cái chân, ai chưa quen, thoạt nhìn cứ tưởng ông là người dữ dằn, khó tính lắm. Nhưng với Thanh, cậu chưa thấy ai hiền như ông. Ông luôn coi Thanh như một đứa cháu và gặp Thanh bao giờ cũng chào đón bằng một nụ cười, không hề tránh né như một số người khác. Có lần ông còn mang ra cho Thanh một thanh sô cô la rất ngon, một loại kẹo mà chưa một lần cậu được nếm. Có một điều ông Bường làm mà Thanh rất thích thú, đó là chiều chiều, mỗi khi ra bờ biển, ông đều mang theo một ít gạo để rải trên khoảnh đất trống làm cho những chú chim sẻ trên ngọn cây tra cổ thụ gần đó tụ lại ăn. Lâu ngày, thành thói quen, mỗi khi thấy ông rải gạo là lũ chim liền gọi nhau, sải cánh, sà xuống trông thật vui mắt. Đôi lần, Thanh cũng bắt chước ông già mang gạo ra bãi biển để rồi cả hai cùng vui thích nhìn đám chim lon ton nhảy trước mặt. Có chú chim quá dạn, đến nỗi tiến gần lại chỗ ông cháu ngồi chừng mét mà chẳng chút sợ sệt. Có lần cả hai không ai mang gạo ra, thế mà bọn chim vẫn sà xuống, con nào con nấy đều giương đôi mắt nhỏ, chờ đợi cho tới khi biết không có thức ăn mới rủ nhau bay đi.

- Hồi bị thương, bị cưa cái chân này ông có đau lắm không ạ? - Có lần Thanh sờ vào chiếc chân giả và viết câu hỏi trên giấy.

- Đau lắm! - Ông già gật gật đầu, nhìn cậu bé với đôi mắt đầy cảm động rồi viết câu trả lời.

Từ những chuyện nho nhỏ như thế, dần dà, Thanh cũng biết được nhiều điều về hoàn cảnh của ông cụ. Thì ra, quê cụ ở tận một tỉnh miền Bắc kia. Ngày xưa, sau lần bị thương, ông rời quân đội về sống với gia đình. Cách đây vài năm, sau khi bà cụ qua đời, ông vào sống với người con trai ở vùng đất miền Trung này. Hằng ngày, con cái đi làm và ông ra biển cho vui. Có bữa, hình như do thời tiết thay đổi, người đau nhức nên ông cụ ra công viên với vẻ mặt buồn thiu. Những lúc như thế, Thanh thường bóp nhẹ vào hai vai ông, giúp ông bớt mỏi. Có khi Thanh giúp ông tháo cái chân giả ra đặt bên cạnh ghế đá để ông ngồi cho thoải mái.

Trong cuộc sống mà không nói, không nghe được như Thanh là thiệt thòi rất lớn. Thanh hiểu điều đó nên luôn khao khát trở thành người có thể nghe và nói được như những đứa bạn bình thường cùng trang lứa. Theo mẹ Thanh thì Thanh không phải là đứa bị câm điếc bẩm sinh. Hồi một tuổi đến bốn tuổi, Thanh nói và nghe được mọi thứ. Nhưng rồi một buổi chiều trên đường thăm nhà ngoại trở về thì chiếc xe đạp mà ba chở Thanh đã bị một chiếc xe máy tông vào. Tai nạn thảm khốc lần ấy làm ba của Thanh qua đời, còn Thanh bị thương vào đầu rất nặng, tưởng không sống nổi. Rồi khi được các bác sĩ trong bệnh viện chữa khỏi thì Thanh không thể nghe, cũng như không thể nói thành lời được nữa. Nhà Thanh lại nghèo, từ khi ba mất, mẹ Thanh một mình hàng ngày ra chợ bán rau để nuôi Thanh và chị Nguyệt - chị ruột của Thanh. Người mẹ đã bươn bả khắp nơi, tìm thầy để giúp cho con mình nói lại, song mọi cố gắng của bà đều không có kết quả.

Năm Thanh lên sáu tuổi, có cô cán bộ ở Hội Phụ nữ của phường giới thiệu và mẹ đã xin cho Thanh vào học ở trường dành cho trẻ em bị khuyết tật của tỉnh. Thanh bắt đầu học các ký hiệu ngôn ngữ rồi học chữ và học vẽ cùng một số môn khác. Có môn học rất khó thực hiện và phải lặp đi, lặp lại nhiều lần như môn “lưỡi liếm mũi” nhưng Thanh luôn cố gắng. Theo cô Huyền, cô giáo của Thanh, môn học này sẽ giúp lưỡi của những cậu bé, cô bé câm điếc như Thanh dài ra, mềm mại hơn, và một ngày nào đó sẽ nói được. Mà người nói được thì sẽ nghe được. Thanh nuôi mơ ước theo lời khuyên của cô giáo, nên cả khi về nhà cùng với việc ôn lại các môn học khác, Thanh thường ngồi thè lưỡi dài ra và đưa cong lên phía mũi để luyện.

Thời gian trôi đi. Đã bước vào tuổi mười ba, những bạn cùng tuổi Thanh nếu bình thường đã học lớp Bảy cả rồi. Nhưng Thanh và các bạn ở lớp mình vẫn đang học lớp Bốn, vì thời gian của trường dành cho trẻ em khuyết tật ở mỗi lớp học dài hơn. Tuy nhiên, Thanh và các bạn không bận tâm về điều ấy lắm. Chẳng phải cô giáo chủ nhiệm lớp đã thường xuyên khuyên bảo đó sao! Không chỉ khuyên bằng những ký hiệu mà có lần cô còn ghi lên bảng rồi bắt Thanh và bạn bè ghi vào vở của mình mấy câu: Trên đời, không có việc gì muộn, chỉ đáng trách là mình không cố gắng! Trên đời, bị tật nguyền không phải là điều đáng trách, mà đáng trách là người không biết vươn lên để thoát khỏi nỗi khó khăn bởi tật nguyền! Càng lớn, Thanh càng hiểu những lời cô dạy. Nhiều anh chị ở các lớp trên của Thanh đã nghe lời cô, có người học xong chương trình lớp 9 và đã đi học nghề. Có người học tiếp vào cấp 3.

Trong các môn học Thanh mê nhất là môn vẽ. Ở trên lớp, đến khi học môn này, bao giờ cô giáo cũng khen Thanh. Cô còn ra hiệu, bảo rằng, nếu Thanh cố gắng sau này có thể trở thành họa sĩ. Thanh rất thích trở thành họa sĩ. Chính vì thế, hơn năm nay, vào chiều thứ bảy hay chủ nhật, Thanh đều ra công viên bờ biển, dùng bút chì phác họa các nét chính những cảnh mà mình thích vào cuốn sổ, sau đó về nhà vẽ lại trên giấy. Thanh rất yêu biển và yêu thành phố biển của mình. Có những bữa, đi bộ đến tận phía bờ sông Cái, rồi với cây bút chì, Thanh hí hoáy vẽ lại trong cuốn sổ những ngôi nhà nhỏ trên sông hay những rặng dừa trải dài bên cù lao, vẽ những hòn đảo ngoài khơi xa hiện mờ mờ trong màu hơi nước lam đục, vẽ cảnh mọi người đang hớn hở đan lưới dưới ánh nắng chiều... Có hôm, Thanh xuống tận bến cảng để vẽ bến cảng với những con tàu đang ra vào tấp nập. Thanh ao ước một ngày nào đó, bằng tranh, cậu sẽ giới thiệu với mọi người về thành phố mà mình rất yêu thương này.

Chị Nguyệt thường mượn sách của bạn bè về đọc nên Thanh cũng được đọc ké, trong đó có quyển nói về các cảnh đẹp ở nhiều nơi quanh thành phố mà Thanh chưa đến được. Thanh ao ước một ngày nào đó, lớn lên, Thanh sẽ đi khắp nơi, ra tận mấy hòn đảo ngoài khơi xa có loài chim yến sinh sống để vẽ...

Chị Nguyệt thương Thanh lắm. Buổi tối, bên chiếc bàn nhỏ, lúc nào chị cũng ra hiệu, nhắc nhở Thanh lo học, lo làm bài tập. Có bữa, bằng dòng chữ viết trên mảnh giấy, chị bảo Thanh: Hai chị em mình sẽ cùng cố gắng, để sau này làm ra tiền giúp mẹ nhen! Thanh cười và hứa với chị sẽ học thật chăm. Còn tranh của Thanh, mỗi khi xem, chị đều khen Thanh vẽ đẹp. Thanh rất muốn có được một hộp màu nước và một số tờ giấy lớn để vẽ. Đôi lần cậu ấp úng, định nói với chị nhưng rồi không dám. Mẹ bán rau ngoài chợ, mỗi ngày kiếm được ít tiền, mà phải lo cho cả Thanh và chị Nguyệt nên Thanh không thể  đòi hỏi. Thôi, đành chờ sau này...

Những hàng dừa, hàng dương chiều chiều vẫn lao xao trước gió. Bờ biển luôn luôn đông người và cảnh đẹp êm dịu luôn cuốn hút Thanh. Mấy năm trước, khi còn nhỏ, Thanh thường chạy theo đám bạn trong xóm chơi đá bóng, lúc đi chọi dế, lúc đi câu nhái ở mấy cái ao gần cánh đồng  thuộc khu vực ngoại ô, cách nhà mình không xa. Giờ Thanh chỉ mê vẽ thôi. Từ ngày làm quen với ông cụ Bường, Thanh có thêm niềm vui. Vài hôm, không gặp ông cụ, Thanh lại thấy nhớ. Ông cụ cũng vậy, gặp Thanh, niềm vui lộ rõ trên khuôn mặt.

Minh họa: TRẦN ĐỨC

Một lần ngồi xem Thanh vẽ, ông cụ Bường tỏ ra ngạc nhiên. Ông khen Thanh vẽ đẹp và khi biết Thanh chỉ học vẽ ở trường dành cho trẻ em khuyết tật, ông cụ tỏ ra xúc động. Ông xoa đầu Thanh rồi nhặt một que dương khô viết xuống đất: Con rất tuyệt con à!

Thanh vui lắm trước lời khen ấy. Thanh càng vui hơn, vì sau đó một tuần, khi Thanh đến công viên thì thấy ông cụ đã đợi sẵn và tặng cho Thanh cuốn sách hướng dẫn những điều cơ bản về vẽ tranh phong cảnh cùng một cuộn giấy vẽ và một hộp màu nước. Thanh ôm lấy ông cụ mừng rỡ vì đây là những thứ từ lâu cậu từng mơ mà chưa có được. Buổi tối, Thanh khoe với mẹ và chị Nguyệt. Cả hai vui vẻ và dặn dò Thanh phải cảm ơn ông cụ. Tất nhiên rồi! Thanh đặt bàn tay phải lên ngực và sau đó xòe ra, đưa về phía trước, báo hiệu: Dạ con đã cảm ơn rồi!

Những bức tranh của Thanh vẽ bằng màu nước làm cho ngôi nhà nhỏ trở nên sống động hẳn. Chị Nguyệt của Thanh rất thích bức tranh mà Thanh vẽ về bãi biển trong cảnh chiều mùa xuân đầy nắng vàng, với cảnh người đông đúc, vui nhộn, với những con sóng đang nối đuôi nhau ùa vào bờ cát trắng xóa, với những hàng dừa xanh thẳm như đang xòa cành reo vui trước gió, và trên cao là những cánh diều đủ màu sắc đang chao lượn...

Thanh ra hiệu cho chị, hỏi ý kiến:

- Em muốn đặt tên cho nó là “Biển chiều”?

Chị Nguyệt suy nghĩ rồi lắc đầu, sau đó khuyên Thanh nên đặt tên bức tranh là “Biển hát”, vì chị nhớ hồi Thanh còn nhỏ, chưa bị tai nạn, có lần ra biển chơi cùng với chị, thấy sóng vỗ vào bờ và Thanh đã hỏi chị là biển đang hát có phải không. Câu hỏi ngộ nghĩnh của đứa em ngày nào giờ đây được chị nhắc lại. Thanh thích thú với cái tên đó và chọn nó để đặt cho tranh.

Một tuần sau đó, khi đi học về, chị Nguyệt thông báo, Nhà Văn hóa tỉnh tổ chức cuộc thi tranh thiếu nhi và rủ Thanh cùng mang bức “Biển hát” đi tham gia.

- Tranh của em xấu, sợ người ta không chú ý! - Sau khi nộp tranh về, Thanh áp hai bàn tay vào mặt, ra ký hiệu bày tỏ sự lo âu. Nhưng chị Nguyệt khuyên Thanh đừng lo, phải chờ đợi.

Nghe lời chị, Thanh chờ, nhưng thời gian trôi đi, không thấy tin tức gì về bức tranh của mình, Thanh buồn. Ra biển, trò chuyện qua những lời ghi trên tờ giấy với ông Bường, ông cũng khuyên Thanh hãy chờ.

Mấy tháng trời trôi đi, Thanh nghĩ, có thể “Biển hát” không được chú ý vì chắc chắn có chỗ nào đó chưa đạt yêu cầu. Nhưng rồi cậu lại tự khuyên mình: Phải vẽ những bức khác thôi! Chẳng phải cô giáo đã dạy phải kiên nhẫn đó sao? Chẳng phải cô đã yêu cầu Thanh và bạn bè trong lớp chép vào vở câu “Thua keo này bày keo khác” đó sao? Thanh tự nhủ: Coi như không có bức tranh ấy. Mình không nghĩ về nó nữa. Buổi tối, Thanh vừa thè lưỡi ra, vừa tập luyện môn học “lưỡi liếm mũi” vừa vẽ những bức tranh mới của mình. Cuốn sách của ông Bường tặng, Thanh đọc đi đọc lại và nó giúp Thanh rất nhiều điều.

Trong lớp, bạn bè Thanh khi tan học, nhiều bạn có cha mẹ đón. Riêng Thanh, mấy năm trước khi tan học chị Nguyệt đi xe đạp đến đón Thanh về. Nhưng hai năm nay, Thanh lớn rồi, phải tự đi bộ. Đã sắp sang mùa hè. Chiều nay tan học Thanh đi thẳng về nhà. Nhà trường đang phát động cuộc thi vẽ và Thanh dự định tối nay sẽ vẽ bức tranh về bến cảng với những con tàu ra vào tấp nập. Đang miên man suy nghĩ, bất chợt, Thanh thấy ai đứng trước cổng nhà mình. A, thì ra chú đưa thư. Thanh ngạc nhiên khi thấy chú đưa cho chiếc phong bì có ghi tên mình. Bóc chiếc phong bì và đọc nội dung ghi trên tờ giấy, người Thanh bất chợt nóng ran, giống như có lửa đang chạy từ đầu xuống ngực và lưng. Bức tranh “Biển hát” của Thanh đã đoạt giải Nhì cuộc thi và người ta mời Thanh đến nhận giải thưởng. Có phải không hay mình nhầm? Thanh đọc lại và thấy cả người mình nhẹ bổng, như muốn bay lên.

Một tay ôm cặp, một tay cầm tờ giấy báo, Thanh sung sướng quá, chạy vào sân, cố gào lên:

- Mẹ...!

Người ngạc nhiên đầu tiên là mẹ Thanh đang ngồi bó rau ở hiên. Bà không tin nhưng rồi bà biết mình không nhầm. Trong giây phút bối rối, bà đứng bật dậy, lao vội đến ôm chặt lấy Thanh, nức nở:

- Trời ơi! Con tôi...!

Chị Nguyệt đang dọn dẹp gần đó cũng lao ra:

- Em tôi nói được rồi, trời ơi! Này, này... gọi chị đi! Nào, nào, nói chị! Nói đi...!

Thanh nghe được lời chị và tuy hơi khó nhọc nhưng cuối cùng cậu cũng phát âm thành tiếng: Chị!

Chiều hôm ấy ở nhà Thanh, bà con nơi cái xóm nghèo đến thăm rất đông, vì cái tin thằng Thanh câm con bà Sáu bán rau bỗng dưng nói được đã lan khắp xóm. Ai cũng vui mừng. Thanh đã nói trở lại mặc dù chỉ mới nói được từng tiếng một. Nhiều câu cậu bé phải tiếp tục sử dụng bằng các động tác hoặc viết ra giấy cho mọi người hiểu. Buổi tối, bên chiếc bàn nhỏ, săm se tờ giấy báo đi nhận giải thưởng, giống như đứa nhỏ mới tập nói, giọng còn ngọng nghịu, Thanh bảo chị Nguyệt: 

- Chị...! Mai... m...ình... đi... báo... cho... ông... Bường... biết...

H.N.T


Quay về
VĂN
BIỂN HÁT
SÁNG ĐẦY HƯƠNG GIỮA MÙA SEN
NHÀ VĂN NGUYỄN CHÍ TRUNG LÝ TƯỞNG, NHÂN CÁCH, SÁNG TẠO
BÉ MỌN
VIỆT AN CỐ SỰ
THƠ
TƯỢNG ĐÀI VĨNH CỬU
GIỌT THỜI GIAN
VIẾT BÊN MỘ NHÀ THƠ NGUYỄN MỸ
CHỊ ƠI!...
THỂ NGHIỆM HÈ
LỜI SÓNG
TIẾNG HÁT THỜI GIAN
BẢN GIAO HƯỞNG MÙA HÈ
NGÔI LÀNG XƯA
HOA BÂNG KHUÂNG
NGÀY ẤY
NHỚ
QUA CHIỀU THẠCH HÃN + XÓM KHÔNG CHỒNG
EM VÀ MÙA HẠ + NGỌN LỬA
GIÓ CŨNG SANG SÔNG + BỀNH BỒNG SƯƠNG MAI
NGẪU HỨNG 3 CÂU + LỜI RU TRÊN SÔNG
VA CHẠM + NẾP NHĂN VĨNH CỬU
LÁ ĐA + CẦN KIỆM MO
CÂU CHUYỆN CỦA LÀNG
NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH
THƠ VÀ CÁC SINH THÚ KHÁC TRONG TRUYỆN KIỀU
HÌNH TƯỢNG GIẾNG NƯỚC TRONG CA DAO
TRÀ DƯ TỬU HẬU
CÀ KÊ CHUYỆN... CHỬI!
VĂN HỌC - HỌC VĂN
DẰNG DẶC NỖI HOÀI HƯƠNG...