|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: VỀ MỘT CÂU THƠ TRONG BÀI VIẾNG LĂNG BÁC
Tác giả: Vũ Hồng


Tính đến nay bài thơ Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương đã tròn 40 năm tuổi. Bài thơ được đưa vào chương trình Ngữ văn lớp 9 từ nhiều năm nay.

VIẾNG LĂNG BÁC

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác 

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng


Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân


Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim


Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

                  4/1976

(Sách giáo khoa Ngữ văn 9, tập 2,

NXB Giáo dục Việt Nam - 2014)

Nhà thơ Viễn Phương quê ở An Giang. Ông viết bài thơ vào tháng 4/1976 nhân dịp ra miền Bắc, vào lăng viếng Bác Hồ. Bài thơ với 16 câu, chia làm 4 khổ, viết theo thể thơ 8 chữ, nhưng cũng có dòng 7 hoặc 9 chữ, cách gieo vần khi liền, khi cách. Nhịp thơ nhìn chung chậm, diễn tả sự trang nghiêm, thành kính, tạo sự lắng đọng.

Bài thơ đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc toàn bộ, có thêm một số câu, thay chuyển một số từ và đổi tựa đề thành Vào lăng viếng Bác. Bài hát được phát trên sóng phát thanh, trên truyền hình, được đánh giá là rất thành công và khá hoàn mĩ. Bài thơ vốn đã có tính nhạc với nhịp vần khoan thai, chậm rãi, thêm vào là nét nhạc, ca từ của bài hát đã góp phần tôn giá trị nghệ thuật của bài thơ và nâng cao cảm xúc cho người nghe. Tuy vậy, nếu đặt bài thơ bên cạnh bài hát và đối sánh, nhìn ở góc độ ngôn ngữ, sẽ thấy có ít nhất một điểm rất đáng bàn.

Đó là, câu thứ nhất của khổ thơ thứ ba, là điểm nút nổi bật nhất của bài thơ nói về Bác: “Bác nằm trong giấc ngủ bình yên”. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã phổ nhạc thành “Bác nằm trong lăng, giấc ngủ bình yên”. Có thể thấy rõ giữa ca từ của bài hát và lời của câu thơ thứ nhất có sự khác nhau. Đó là từ lăng và nhịp của lời nhạc cũng ngắt ở đây. Trong các tài liệu dùng trong nhà trường (sách giáo viên, tài liệu ôn tập,...), hoặc một số bài viết trên các website,... chưa thấy giải mã về điểm này của câu thơ.

Trước hết, hãy thử tìm hiểu nghĩa của câu thơ. Câu thơ là loại câu kể. Từ “trong” của câu thơ miêu tả Bác nằm ngủ trong trạng thái thanh thản: “giấc ngủ bình yên”. Với hình ảnh rất thực, rất quen thuộc đi kèm theo cụm tính từ “giấc ngủ bình yên”, làm cho giá trị nghệ thuật và ý nghĩa biểu đạt của câu thơ được nâng cao, càng thấm nghĩa thắm tình. Vì sao Bác ngủ với trạng thái bình yên trong khi thời điểm lịch sử của cách mạng lúc bấy giờ rất khẩn trương? Trong bài thơ Xuân 69, nhà thơ Tố Hữu đã ghi lại khí thế của cách mạng Việt Nam: Ta đã thắng. Địch đã lui từng bước/ Hãy tiến công, tiến công, xông lên phía trước!.

Cũng cần đề cập đến việc Bác viết Di chúc để hiểu thêm ý nghĩa của câu thơ.

Bản Di chúc đã được Bác thảo từ năm 1965. Cho đến ngày 10/5/1969, Bác viết lại toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc, gồm một trang viết tay. Đọc những trang này, chúng ta thấy Bác rất chu toàn trước lúc ra đi. Bác đã nhận định và tin tưởng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta sẽ giành thắng lợi. Đầu bản Di chúc, Bác khẳng định một cách chắc chắn “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hi sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. Vì vậy, đoạn viết về việc riêng, Bác nói rõ suy nghĩ của mình: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Trong bài thơ Theo chân Bác, nhà thơ Tố Hữu đã nhắc nhở chúng ta rằng: Xin nhớ từ đây, nhớ lại ngày/ Bác Hồ từ giã cõi hôm nay/ Bảy mươi chín tuổi xuân trong sáng/ Vào cuộc trường sinh, nhẹ cánh bay.

Rõ ràng, Bác đã xác định “Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận...”. Nhận thức của Tố Hữu về sự ra đi của Bác cũng vậy: ...Vào cuộc trường sinh, nhẹ cánh bay. Do đó, nhà thơ Viễn Phương đã miêu tả rất thực, rất chính xác hình ảnh Bác Hồ trong bài thơ với trạng thái thanh thản tựa như “giấc ngủ bình yên”.

Với ca từ của bài hát, trong Tiếng Việt từ cuộc sống, Tiến sĩ Phạm Văn Tình, Viện Ngôn ngữ học đã nhận xét: “Nhạc sĩ Hoàng Hiệp khi phổ nhạc đã sửa và thêm vào đôi lời cho phù hợp với ca từ của ông, nhưng về cơ bản nội dung làm nên cái thần thái, cái hồn của bài thơ vẫn gần như nguyên vẹn”. Có thể đồng ý về nguyên tắc phổ thơ thành nhạc như Phạm Văn Tình đã nêu, nhưng trong bài hát Vào lăng viếng Bác của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, ca từ đã được thêm vào từ “lăng” và ngắt nhịp ở đây bằng một dấu phẩy, khác với lời thơ của Viễn Phương. Chính sự “khác” này đã có ảnh hưởng đến nghĩa của câu thơ, nếu không muốn nói đến cái thần của bài thơ. “Bác nằm trong lăng, giấc ngủ bình yên”, từ câu đơn của bài thơ được nhạc sĩ Hoàng Hiệp chuyển sang thành câu phức. Từ “trong” của câu thơ chỉ trạng thái, khác với từ “trong” trong bài hát dùng để chỉ nơi chốn. Bác Hồ nằm ở đâu? Trong lăng. Nghĩa của ca từ trong bài hát chỉ đơn thuần miêu tả hiện thực (bên ngoài), mang tính vật chất, khác với nghĩa của câu thơ hiển đạt về sắc thái tinh thần, đã góp phần tô đậm nét sắc sảo của giá trị nghệ thuật, cả về nội dung tư tưởng của bài thơ.

Việc phổ nhạc, hoặc chuyển thể bất kỳ một tác phẩm văn học nào, điều cốt yếu là phải giữ cho được cái thần của bài thơ. Có thể thêm từ, nhưng không làm mất đi nghĩa gốc của nó, mà còn tôn thêm giá trị nội dung của bài thơ.

Với thái độ chân thành, thẳng thắn, xin mạnh dạn thử đưa ra một cách hiểu. Rất mong được đón nhận.

V.H


Quay về
VĂN
NGÀY HỘI DÂN CHỦ
TIN TƯỞNG VÀ KỲ VỌNG...
CHUYỆN KỂ GIỮA RỪNG ĐÊM
NHÀ CÓ THÊM NGƯỜI
SÁT NA
MỘT TẤM GƯƠNG SÁNG TRONG, GẦN GŨI
NHỚ MÃI CHU CẨM PHONG
THƠ
QUẢ BÀNG VUÔNG
VU GIA
CÀ PHÊ SÁNG
SÔNG QUÊ
KHÔNG ĐỀ
NĂM NGOÁI
KHÓI HỒI SINH
ĐÊM KHÔNG NGỦ
NGHÌN ĐÊM NẮNG GIÓ
LẠC PHỐ
LẶNG THẦM TÌM BÓNG NGÀY XƯA...
TRÔNG CHỒNG
TÌM VỀ TUỔI THƠ
MƠ NHỮNG CƠN GIÓ + HOẠN LỘ
CHIẾC DÙ CỎ + LỜI RU CHO MẸ CHO CON
ĐÊM NẰM LẠI VỚI RỪNG + VỀ LẠI SÔNG GIA
NỖI NHỚ + CÓ MỘT NGÀY
NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH
MẤY ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN CỦA CA DAO ĐỊA DANH QUẢNG NAM
MỘT GIỌNG THƠ NGÚT TRỜI CHÍ KHÍ
VĂN HỌC - HỌC VĂN
VỀ MỘT CÂU THƠ TRONG BÀI VIẾNG LĂNG BÁC