|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: NHỚ MÃI CHU CẨM PHONG
Tác giả: Giang Nguyên Thái(*)


Học xong trường Mỹ thuật, tháng 9-1969, tôi và họa sĩ Trần Thành Công được lệnh tập trung ở trường 105 trên vùng núi Lương Sơn-Hòa Bình để chuẩn bị vào chiến trường B. Đoàn đi chuyến này khá đông. Gọi là đoàn Dân chính để phân biệt với các đoàn bộ đội và còn bởi thành phần đoàn gồm rất nhiều ban ngành dân sự. Đa phần anh chị em trong đoàn đều rất trẻ, họ vừa tốt nghiệp ở các trường Tài chính, Y khoa, Dược... Bộ Văn hóa còn cử cả một đoàn tuồng do anh Trần Hưng Quang dẫn vào để bổ sung cho đoàn Tuồng Giải phóng Khu 5. Nhà thơ Phan Thanh Quế cũng vào chuyến này.

Từ Lương Sơn, chúng tôi được đoàn xe do các nữ tài xế quân đội đưa về ga Hàng Cỏ trong một buổi chiều gần tối. Không gia đình nào được biết ngày giờ đoàn đi, bởi vậy, sân ga lúc đó vắng hoe. Chúng tôi lên đường mà không một người thân đưa tiễn! Đi vào miền lửa khói chiến tranh mà lòng người nhẹ nhàng phơi phới, lại có thêm sự háo hức của tuổi trẻ: Được vào miền Nam, vào chiến trường B, đi đánh Mỹ, giải phóng đất nước!

Chia tay ở trạm đầu mối Quảng Nam sau 3 tháng trời ròng rã vượt Trường Sơn, một số anh chị em đi lĩnh lương thực bổ sung để đi về các tỉnh Khu 5. Nhiều người còn đi sâu vào tận cực Nam Trung bộ, vào chiến trường Nam bộ B2...

Tôi vào thẳng trạm No ở đầu nguồn sông Pui. Thanh Quế thì theo giao liên về căn cứ khu A của Khu ủy. Vài ngày sau, tôi được chú Thông ra đón về Hội Văn nghệ Khu thuộc khu B.

Đi dọc triền sông cả buổi sáng, chúng tôi lội qua sông Pui và rẽ tay phải để về căn cứ. Đi qua một cái làng dân tộc vắng vẻ, xuống một triền đồi thoai thoải là đến nơi. Anh chị em tíu tít ra đón tôi. Anh Vương Linh phụ trách cơ quan giới thiệu tôi với từng người. Anh Bùi Minh Quốc, anh Hiền Minh, anh Phước, anh Cao Duy Thảo, chị Phương Anh, cô Kim Chi y tá, cô Tam cấp dưỡng, chú Thông, chú Lưu, chú Danh nhân viên... Anh Chu Cẩm Phong vào làng đổi muối, vừa cõng một gùi sắn nặng trở về. Anh Phong nắm tay tôi bảo: “Mình được tin Thái vào từ lâu rồi. Đi đường đã bị sốt chưa? Vào được đến đây là mừng rồi”. Lát sau, họa sĩ Hà Xuân Phong -cùng học trường Mỹ thuật với tôi- cũng ở rẫy về. Anh cõng trên vai một bó củi nứa to đùng. Tôi trình các giấy tờ, đưa thư miền Bắc cho từng người. Chè Hồng Đào, thuốc Trường Sơn bao bạc, kẹo Hải Châu... tôi để dành tận dưới đáy ba lô con cóc, tuy đã bẹp dúm nhưng cũng đem ra hết để liên hoan. Anh Bùi Minh Quốc hỏi nhỏ:

- Cậu còn lon gạo nào không?

- Cũng còn được mấy lon với một bịch mắm kem.

- Thế thì tuyệt vời!

Anh Chu Cẩm Phong bảo: Cả tháng nay rồi, anh em không có hạt gạo nào. Bọn mình chỉ toàn ăn củ móng ngựa thôi.

Cả Khu 5 lúc này đói gạo. Tình hình chiến sự rất ác liệt. Chị Dương Thị Xuân Quý viết văn và chị Phương Thảo diễn viên múa vừa mới hy sinh ở mặt trận Quảng Đà. Sau vài ngày nghỉ ngơi, tôi được họa sĩ Hà Xuân Phong, anh Phước dẫn đi làm cỏ rẫy.

Hội Văn nghệ Khu 5 lúc đó còn vắng lắm. Anh Vương Linh luôn luôn trực ở nhà. Công việc nội bộ do anh Chu Cẩm Phong trực tiếp đảm nhiệm. Lúc đó, anh đang là Bí thư chi bộ. Anh chị em cứ thay phiên nhau đi địa phương làm công việc thâm nhập thực tế. Cứ 6 tháng ở nhà sáng tác, làm rẫy tự túc lương thực, lại 6 tháng đi thực tế đồng bằng. Công việc đi xuống đồng bằng lúc đó là vô cùng ác liệt và nguy hiểm. Thế nhưng chẳng ai muốn ở nhà làm rẫy. Ai cũng nóng lòng muốn đi công tác. Ở sông Pui được chừng một tuần thì cả cơ quan chuyển địa điểm về Nước Nghêu. Tôi bị sưng chân nên phải ở lại cùng với anh Hiền Minh và cô Chi y tá. Ít ngày sau đó, địch càn lớn ở xã Giác, ba chúng tôi phải theo du kích chạy vào tận nơi có núi đá cao, rừng sâu để tránh giặc.

Chu Cẩm Phong chỉ hơn tôi vài ba tuổi. Anh có dáng thư sinh nho nhã, mắt sáng, luôn nhìn thẳng, nét mặt rất tươi, ánh mắt lúc nào cũng như muốn cười. Giống như anh chị em trong cơ quan lúc đó, anh cũng xanh gầy vì sốt rét. Chu Cẩm Phong hỏi chuyện tôi rất chân tình. Bởi vậy ngay từ đầu, tôi đã có nhiều cảm tình và quý mến anh.

Sau này, nhiều lần đi gùi cõng và làm rẫy với anh, tôi càng thấy Chu Cẩm Phong quả là một người vô cùng tháo vát. Anh biết dè xẻn từng ang lúa, từng lon bắp giống, tính từng mùa vụ, thời tiết để gieo hạt. Anh biết đan liếp, đan cót, biết đánh tranh lợp nhà hoặc lợp nhà bằng lá dong kết lại như đồng bào Cadong. Chu Cẩm Phong lại còn biết nhìn heo để ước đoán: con này hai tay ba nắm, con kia phải trên một thước... Chu Cẩm Phong nói tiếng Cadong, Cơtu rất giỏi, nhanh và lưu loát. Tôi thấy thật lạ lẫm và rất khâm phục anh.

Một lần Chu Cẩm Phong nói với tôi: Về hội họa thì mình dốt đặc, mặc dù mình rất thích vẽ. Hồi ở trường Tổng hợp, mình luôn phải trình bày bích báo cho lớp. Nếu có dịp, Thái bổ túc cho mình nghe về hội họa nhé! Tôi đã kể cho anh nghe về lịch sử các nền hội họa thế giới, từ thời Cổ điển cho tới thời Phục hưng ở nước Ý và châu Âu. Tôi lại nói với anh về sự ra đời của các trường phái hội họa hiện đại. Thế nào là phái Ấn tượng, thế nào là tranh Biểu tượng, rồi Trừu tượng, Dã thú, Lập thể, Naip, Đađa... Chu Cẩm Phong có vẻ thích thú lắm.

Trước mặt cơ quan là một con suối nhỏ. Nước rất trong, soi rõ những hòn đá cuội trắng phau và nhẵn thín. Chúng tôi hay mài rựa ở suối này. Lúc ở Nước Nghêu, cơ quan phát được ba cái rẫy. Một cái ngay cạnh nhà. Hai cái lớn hơn thì cách cơ quan chừng 10 đến 15 phút. Công việc làm rẫy cực kỳ nặng nhọc. Những cây lớn thì phải dùng rìu đốn. Cây nhỏ thì dùng rựa phạt cho sát gốc. Sau đó phải băm chặt ra từng đoạn rồi gom thành từng đống, chờ nắng to để đốt. Người Cadong thường phải bắc giàn giáo cao tới ba-bốn mét xung quanh cây để vung rìu chặt hạ. Công việc này gọi là “hạ choái”. Việc hạ choái rất vất vả, lại phải có kỹ thuật để sao cho cây đổ đúng hướng theo ý mình. Cả cơ quan chỉ có Chu Cẩm Phong là thạo công việc này. Anh mài một lưỡi rìu thật sắc, tự làm giàn giáo và ăn ngủ luôn tại rẫy. Hàng ngày, em Tam mang cơm nước ra rẫy cho anh. Nói là ăn cơm cho oai, thực ra ngày đó chỉ có sắn luộc chấm muối rang. Những năm 1970-1971, cả cơ quan Văn nghệ Khu 5 đói quay, đói quắt. Hầu như không có gạo, thường chỉ ăn sắn, măng rừng, mộc nhĩ tươi, thân cây dương xỉ và củ móng ngựa. Loại củ này giống như hình móng ngựa, phải ngâm nước suối cho trôi bớt nhựa, rồi phải luộc đi luộc lại ba bốn lần mới ăn được. May lắm thì mới có ngô bung. Em Tam cấp dưỡng rất chịu khó chế biến các món ăn từ sắn: sắn luộc, sắn nướng, bánh sắn, canh sắn, lá sắn... Thương các anh văn nghệ, em còn rất chăm chỉ đi hái nấm dại cho vào ống nứa, nêm bột ngọt, muối tiêu rồi cho vào bếp nướng. Thật là một món ăn ngon của núi rừng! Đến nay, nhiều anh em còn nhớ, Chu Cẩm Phong hạ choái một tuần thì cây đổ. Để cho anh chị em ở nhà tiếp tục băm chặt, anh khoác ba lô đi công tác Quảng Đà.

Việc viết, Chu Cẩm Phong thường làm vào lúc đêm khuya. Anh ngồi trên võng, sổ tay đặt trên đùi. Anh viết dưới ánh đèn được che kín chỉ để hở một đốm sáng lờ mờ vừa đủ để nhìn rõ ngòi bút.

...Giữa năm 1970, họa sĩ Trần Việt Sơn và nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu được ra miền Bắc. Phan Thanh Quế cũng vừa từ Báo Cờ Giải phóng sang làm Văn nghệ. Khoảng đầu năm 1971, một số anh chị em viết văn trẻ được miền Bắc chi viện vào bổ sung cho Hội Văn nghệ Khu 5. Đó là các anh Nguyễn Đức Hạt, Trần Vũ Mai, Nguyễn Bá Thâm, Nguyễn Văn Giáo (Từ Quốc Hoài), Ngô Thế Oanh, Nguyễn Khắc Phục, Đoàn Tử Diễn (Hà Phan Thiết), Hoàng Hởi, Nay Nô, Bùi Thị Chiến, Hoàng Sơn (Hoàng Minh Nhân), Trần Văn Thành (Phan Nghĩa An), Đỗ Văn Đông... Về Ban Văn học Quân khu thì có Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Hồng (đã hy sinh), Nguyễn Bảo, Vũ Thị Hồng (Nguyễn Thị Bắc Hà). Tới năm 1972, cơ quan đang ở dốc Voi thì lại được bổ sung một số họa sĩ trẻ vừa mới học xong trường Mỹ thuật. Đó là các anh: Triệu Khắc Lễ, Lê Khắc Cường, Đoàn Văn Nguyên, Lê Văn Thìn, Lê Anh Tuấn, Phạm Văn Vết, Nguyễn Viết Ngọc, Trần Hữu Tri...

Cũng tết năm đó -1971- họa sĩ Hà Xuân Phong làm một cây đào bích khá to. Hoa và nụ cắt bằng giấy hồng đậm. Bình hoa cũng uốn bằng giấy bìa. Tết này cơ quan rất đông vui. Chú Thông quản lý đã chuẩn bị heo, gạo nếp, đỗ xanh từ mấy tháng trước. Thay vì bánh tét, năm nay chú gói cho mỗi anh em một cái bánh chưng. Lá dong rừng rất sẵn lại to bản nên rất dễ gói. Đêm giao thừa năm đó thật đáng nhớ. Chị Phương Liên, bạn gái anh Chu Cẩm Phong cũng đến. Lại thêm các anh chị em ở Ban Dân y, Ban Giáo dục, Ban Dân vận, Ban Giao thông cũng sang chơi. Chúng tôi đàn hát say sưa, chị Phương Liên hát mãi bài ca Tự nguyện của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh.

Không ai ngờ chuyến đi Quảng Đà mùa xuân năm đó, Chu Cẩm Phong đã mãi mãi không trở về! Nghe tin, cả cơ quan bàng hoàng, thương tiếc. Chị Phương Liên vật vã bên chân cây gỗ lớn mà Chu Cẩm Phong vừa chặt hạ. Gốc cây vẫn còn tươi. Những dòng nhựa sùi ra từng cục trong vắt như thạch màu đỏ máu. Chị khóc suốt cả một tuần, khiến chúng tôi cũng không cầm được nước mắt!

Cho đến nay, tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh anh Chu Cẩm Phong với một niềm tiếc thương vô hạn. Một nhà văn trẻ, một thanh niên Cộng sản gương mẫu, đầy tài năng và hoài bão. Sự hy sinh cao cả của anh đã khiến anh trở thành người anh hùng bất tử của nhiều vùng đất ở chiến trường Khu 5. Anh ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương và thống nhất đất nước, như lớp lớp thanh niên chúng tôi ngày ấy: Sống có lý tưởng, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, sẵn sàng hy sinh khi Tổ quốc cần.

G.N.T



(*) Họa sĩ, cán bộ Hội Văn nghệ Giải phóng Khu 5 (1969-1974).


Quay về
VĂN
NGÀY HỘI DÂN CHỦ
TIN TƯỞNG VÀ KỲ VỌNG...
CHUYỆN KỂ GIỮA RỪNG ĐÊM
NHÀ CÓ THÊM NGƯỜI
SÁT NA
MỘT TẤM GƯƠNG SÁNG TRONG, GẦN GŨI
NHỚ MÃI CHU CẨM PHONG
THƠ
QUẢ BÀNG VUÔNG
VU GIA
CÀ PHÊ SÁNG
SÔNG QUÊ
KHÔNG ĐỀ
NĂM NGOÁI
KHÓI HỒI SINH
ĐÊM KHÔNG NGỦ
NGHÌN ĐÊM NẮNG GIÓ
LẠC PHỐ
LẶNG THẦM TÌM BÓNG NGÀY XƯA...
TRÔNG CHỒNG
TÌM VỀ TUỔI THƠ
MƠ NHỮNG CƠN GIÓ + HOẠN LỘ
CHIẾC DÙ CỎ + LỜI RU CHO MẸ CHO CON
ĐÊM NẰM LẠI VỚI RỪNG + VỀ LẠI SÔNG GIA
NỖI NHỚ + CÓ MỘT NGÀY
NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH
MẤY ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN CỦA CA DAO ĐỊA DANH QUẢNG NAM
MỘT GIỌNG THƠ NGÚT TRỜI CHÍ KHÍ
VĂN HỌC - HỌC VĂN
VỀ MỘT CÂU THƠ TRONG BÀI VIẾNG LĂNG BÁC