|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: MỘT TẤM GƯƠNG SÁNG TRONG, GẦN GŨI
Tác giả: Hồ Duy Lệ(*)


Là bạn học cùng lớp Bốn, lớp Năm (nửa chừng) ở làng Tiên Đỏa (Bình Sa) và Tất Viên (Bình Phục), những năm 1954-1955, sau này, trong những năm chống Mỹ, tôi lại được gặp Trần Tiến-Chu Cẩm Phong, rất ngắn, hai lần, khi anh từ căn cứ Khu ủy 5 đi công tác trên chiến trường ác liệt Quảng Đà.

Cả sự học, và sự gặp nhau đó, tôi chỉ có thể nói rằng: Trần Tiến là một học sinh ngoan, hiền, học rất giỏi (luôn đứng nhất, nhì) được thầy thương và bạn học rất mến.

Còn Chu Cẩm Phong trên đất Quảng Đà, qua tiếp xúc, là một cán bộ, một người làm báo rất say mê với thực tế của cuộc sống và chiến đấu, không sợ gian khổ, hy sinh. Lúc nào cũng tranh thủ tiếp xúc với mọi người nếu có dịp và tranh thủ ghi chép tài liệu, ghi chép những suy nghĩ, nhận xét. Một tác phong cần có của một người làm báo, viết văn. Và, sẵn sàng làm bất cứ việc gì mà địa phương, đơn vị nơi anh đến nhờ anh, cần anh: Viết bài cho báo địa phương, cho tạp chí văn nghệ địa phương, viết bản tin.

Anh viết thông báo truyền đơn cho cán bộ xã, dự họp Đảng ủy, họp chi bộ để nắm chắc tình hình và thấy cần thì phát biểu, trao đổi có tính cách định hướng, chỉ đạo. Đây là một yêu cầu của một cán bộ đi công tác phong trào.

Ngoài bạn bè sống, chiến đấu bên anh nhận xét, đánh giá về anh, thì những trang nhật ký anh để lại, đó là bằng chứng trung thực quý giá nhất để qua đó mỗi người có sự cảm nhận và đánh giá về anh một cách khách quan, công bằng.

1. Anh không chỉ xung phong mà còn xin được đến những nơi chiến trường đang nóng bỏng ác liệt nhất.

Năm 1966 đi Hòa Hải-Ngũ Hành Sơn, nằm trong địa phận xã Hòa Hải, nay là phường Hòa Hải-quận Ngũ Hành Sơn-TP Đà Nẵng. Nơi ngày ấy là căn cứ Hải-lục-không quân lớn nhất miền Nam.

Năm 1967 đi Sơn Tịnh - vùng vành đai phía Bắc-Tây Bắc tỉnh lỵ Quảng Ngãi, nối với vùng rừng núi căn cứ Trà Bồng. Vì thế, Sơn Tịnh ác liệt hơn nhiều so với huyện Đức Phổ, nơi bác sĩ Đặng Thùy Trâm công tác và hy sinh.

Năm 1968 đi Hội An. Thời điểm sau Mậu Thân 1968, là một trong những địa bàn địch phản kích khốc liệt nhất của Quảng Đà.

Năm 1969 đi Bình Dương-Thăng Bình. Nơi luôn bị khống chế, càn quét của địch từ căn cứ Tuần Dưỡng và có tên quận trưởng Đăng hễ bắt được Việt Cộng là giết.

Năm 1970 đi Nam Giang. Vùng dân tộc ít người của Quảng Đà - giáp với nước bạn Lào. Thời gian ngắn công tác ở đây, anh ghi được hàng trăm trang nhật ký, ghi chép và tập nói được tiếng Cơtu.

Năm 1971 đi Duy Xuyên, về sống khu Tây - nơi có Chi khu quận lỵ Đức Dục, khu kỹ nghệ An Hòa, có Dương Thông là chỉ huy sở của Lữ đoàn 196 lính thủy đánh bộ Mỹ. Và anh đã hy sinh tại thôn Vinh Cường, xã Duy Tân, ngay trong chuyến đi này.

2. Đói, và thái độ của anh đối với cái đói.

Ngày 24-2-1971: Chạy đổi ít lon gạo ăn mấy ngày nay, hôm nay chỉ còn 19 lon. Bọn mình tối qua họp Chi ủy bàn nhiều chuyện trong đó có chuyện sử dụng 19 lon gạo. Quyết định của bọn mình thế này: trích 5 lon bồi dưỡng cho Tam vừa đi bệnh viện về, còn 14 lon giao cho y tá giữ để dành có ai ốm thì ăn cháo. Bắt đầu từ nay cả cơ quan lại ăn sắn mỗi ngày ba bữa.

Một suy nghĩ và quyết định rất thực tế, đầy tình người, đầy tính nhân văn. Và anh đã không khoanh tay chịu đói, ngồi chờ trên cấp phiếu lương thực, mà cùng với chi bộ ra một nghị quyết: phải tổ chức sản xuất đảm bảo tự túc được thức ghế (sắn, bắp) cho cả năm và tự túc 4 tháng gạo trong năm.

Ra được nghị quyết của chi bộ rồi, việc này không khó, Chu Cẩm Phong với tư cách Bí thư chi bộ, luôn làm tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên trong đơn vị noi theo. Anh vác rìu vào rừng đốn cây (nhận những cây to nhất, nhường cây nhỏ cho anh chị em).

Ngày 24-6-1969: Suốt 9 ngày ở ngoài rẫy, ban ngày lom khom suốt, ban đêm nằm dưới chiếc lều nylon. Những ngày nắng, quạ tập trung bay lượn trên các rẫy, đậu trên cành cây cao, rình bẻ bắp, kêu inh ỏi...

Ban ngày đi làm, ban đêm nằm kể chuyện, mình nói cho em Tam hiểu về Đoàn Thanh niên. Một cô bé mồ côi cha lẫn mẹ vì giặc Mỹ. Có chị đi thoát ly, ở nhà nuôi em. Giờ thoát ly, em muốn học và khát khao hiểu biết.

Ăn uống chả có gì, dầu hết, mì chính hết, những ngày đầu mình còn hai gói bột canh và hai củ tỏi làm mắm chấm, luộc rau tàu bay ăn còn được. Những ngày sau cũng hết. Rẫy mới trồng lúa, không có rau. Nấm chân chuột ăn rất ngon, nấu lộn với rau trông như canh hến nhưng không có nhiều.

Thứ Tư 30-7-1969: Sau khi làm cỏ rẫy lúa to, nghỉ một ngày kéo về nhà làm cỏ rẫy lúa nhỏ, rồi đi trồng sắn, cắt tranh. Cũng chỉ có 6 đứa mà một đứa ốm. Trời nóng rất dữ. Gió lùa vào rừng già ào ào, rừng núi như rung rinh, cây gãy răng rắc, gió dồn dập triền miên.

Ngoài làng có 1 em bé ốm sắp chết phải đi cấp cứu. Chi([1]) ra giữ em sống được mấy ngày nay.

31-7-69: sốt.

1-8-69: sốt.

2-8-69: Nhận được thư của Đinh Phú Tùng-thị ủy Hội An kể chuyện Hội An. Tình hình ăn ở dưới đó gay go. Nhưng anh em vẫn rất dũng cảm. Mình muốn được về công tác dưới đó một lần nữa.

Những ngày này nghe tin địch càn ở cánh Quảng Ngãi. Số anh em đi cõng hàng trong đó gần 10 ngày nay chưa về, rất lo.

Chỉ mấy trang nhật ký trong một khoảng thời gian ngắn, chúng ta thấy một Chu Cẩm Phong - cán bộ, Bí thư chi bộ, một tấm gương sáng để anh em yêu mến, kính trọng, tin cậy và noi theo.

3. Chịu cực, chịu đựng và làm việc.

Thứ Tư 12-8-1970 (11 tháng Bảy): Hôm nay, mình cúm nặng, ban ngày còn cố gắng đan đát, nhưng ăn cơm chiều xong thì mệt lử, không tài nào ngồi vào bàn làm việc được, phải đi nằm sớm. Mình cứ day dứt mãi khi chưa viết được gì. Sau chuyến đi công tác vừa rồi, không chỉ day dứt mà còn buồn nữa, thì giờ không tập trung, mình có thể ngồi cả ngày để viết không tham gia một công việc gì hết, như Quốc đang làm mấy bữa nay. Anh em sẽ không nói gì mình cả, nhưng không được, mình không làm vậy. Mình nghĩ làm thế nào mà vừa làm công tác chuyên môn mà còn tham gia công tác hàng ngày với anh em, để cùng giải quyết những khó khăn trước mắt, một lý do thực tế khác chỉ là mình biết đan, nếu mình không làm thì lấy dụng cụ đâu mà thu hoạch lúa. Ngoài rẫy lúa đã chín lác đác rồi...

Phải đi nằm... Ngày sinh nhật của mình chỉ có vậy.

Thứ Năm 13-8-1970: Bắp sản xuất ăn đã hết, trở lại thời kỳ ăn đói. Mức ăn hằng ngày hạ xuống còn 6 lon gạo và 1,2 lon bắp([2]).

Ban ngày vẫn ngồi đan, đêm nay thức để viết. Bây giờ đã là 1 giờ 30 sáng, nguồn mạch cảm hứng đã được khơi. Mình không buồn ngủ, cảm thấy sảng khoái vô cùng. Nhưng không dám thức nữa, vì bệnh cúm vẫn chưa hết và ăn không no, sợ lại quỵ mất...

Thứ Sáu, 14-8-1970: Kế hoạch hôm nay thay đổi một tí: ngoài thì giờ làm việc buổi tối, buổi sáng mình làm việc thêm 2 tiếng đồng hồ cho đến 9 giờ. Sau đó mới đi làm lao động. Kế hoạch một ngày như thế này:

- 5 giờ: dậy.

- 6,30 - 9 giờ: viết, làm công tác chuyên môn.

- 9-17,30 giờ: lao động sản xuất (trừ giờ nghỉ trưa).

- 18,15 - 20 giờ: nghe đài, nghỉ ngơi.

- 20 - 1,30 giờ: viết.

Cộng: - Công tác chuyên môn 8 tiếng.

            - Lao động sản xuất: 6,30 tiếng.

           - Ngủ: 3,30 tiếng.

4. Với tư cách là một đảng viên sống có suy xét, tự kiểm điểm và có mục đích lý tưởng.

Thứ Năm 8-1-1970: Kỷ niệm 7 năm vào Đảng. Hôm nay định đi làm rẫy, nhưng vẫn mưa nên không đi được, có dịp nằm suy nghĩ, nhìn lại cuộc đời mình. Từ ngày mình hiểu được lý tưởng của một con người tương đối sâu sắc, có lẽ lấy cái mốc ngày mình được vào một đoàn thể cách mạng, ngày 10-2-57, ngày mình trở thành Đoàn viên Thanh niên Lao động, mình đã tự đặt ra phương châm sống của mình là: dũng cảm, say sưa và quên mình như những chiến sĩ Cộng sản chân chính đi trước. Từ ấy cho đến nay, cái phương châm sống đó vẫn là điều để cho mình nghiền ngẫm, suy xét. Cuộc đời mình tuy chưa dài và cũng chưa làm được bao nhiêu việc, cũng chẳng phải lúc nào cũng thẳng tắp và mực thước như người ta tưởng, có khối khuyết điểm ra đấy, ví như sự mềm yếu về tình cảm hay những suy nghĩ tùy tiện, thấp kém đều có cả đấy.

...Nhưng cái gì làm cho mình ngày nay tự hào kiêu hãnh với chính mình? Ấy là sự hướng thượng không ngừng, một sự khát khao ham muốn không bao giờ cạn của một tấm lòng muốn đạt đến cuộc sống chân chính cao thượng. Chính điều đó khiến mình sung sướng...

Ngay những lúc nhìn vào những khuyết điểm thấp kém của mình, mình cũng đã suy xét nó, day dứt về nó theo phương châm sống mà mình cho là bất di bất dịch. Bây giờ mình hiểu cái phương châm đó không phải bằng lý trí như hồi mình còn là một thanh niên 16 tuổi đang ngồi trên ghế lớp 7 của trường phổ thông hay ngay cả lúc mình 22 tuổi ngồi trên ghế năm thứ ba trường đại học. Bây giờ mình hiểu rõ nó bằng con đường tình cảm, bằng máu của 4 em Hương, Cúc, Anh, Dũng đã hy sinh vì mình, bằng sự quằn quại vì tra tấn của những người bạn Hòa Hải, bằng sự đau khổ không cùng của mẹ thương yêu, bằng những hy sinh của hàng trăm ngàn người mình đã được gặp, đã hơn một lần nói chuyện với mình. Sắp đến mình sẽ đi công tác, mình nhận đi lại Quảng Đà, một nơi ác liệt nhất, mình có thể hy sinh trong mùa xuân lịch sử này lắm. Mình nghĩ đến điều này một cách nghiêm túc. Nếu mình ngã xuống như Phương Thảo, Văn Cận, Xuân Quý thì ba mình, nhất là mẹ sẽ đau khổ đến dường nào. Mình biết điều đó. Mình là con trai được cả nhà yêu thương... Nhưng dẫu thế nào, mình cũng không thể xê dịch cái phương châm sống của mình: dũng cảm, say sưa và quên mình như những chiến sĩ Cộng sản chân chính đi trước. Dẫu ngã xuống một giờ, một nửa giờ trước khi ta giành thắng lợi hoàn toàn cũng HẠNH PHÚC lắm thay!...

5. Quan niệm về tình yêu.

Chuyện tình của Chu Cẩm Phong là một câu chuyện dài, hấp dẫn. Ở phạm vi này, xin trích hai đoạn nhật ký ở hai thời điểm khác nhau.

Ngày 24-8-1967: Anh Linh (Vương Linh) đưa cho mình một phong bì có chữ của C.TH (Cẩm Thanh) trong đó có một tấm ảnh của C.TH, thư của C.TH, của anh Lê Khâm (Phan Tứ) và của An Ninh-một cô gái miền Bắc (qua chính tả và giọng văn mà mình biết điều đó) cùng công tác một chỗ với C.TH.

Thư của C.TH và A.N làm mình cảm động, xốn xang trong lòng. Trong mình như có một cơn đau của một vết thương. Mình có thể nào dửng dưng, mình là một con người với những cảm xúc như mọi người biết suy nghĩ.

Mình từ giã con người có thể nói đã dành mọi ước mơ, hạnh phúc cho mình, dành trọn trái tim cho mình, mình từ giã mối tình mãnh liệt và chân thực của C.TH như vậy có đúng không?

Hai câu hỏi đó làm mình day dứt mãi. Mình xem lại lá thư mình viết dạo tháng 6 định gửi ra cho C.TH. Mình cứ hổ thẹn với mình. Phải chi C.TH đừng nghĩ tốt về mình, như vậy mình sẽ thấy dễ chịu hơn. Mình nghĩ tình yêu phải đẹp, phải thật nguyên vẹn và trong vắt. Mình còn nghĩ rằng, mình không thể nhẫn tâm với người đã chết (P.Thảo hy sinh ngày 6-4-1967-mồng 7-3 Đinh Mùi).

Cả ngày, mình nghỉ ngơi, không làm việc gì, vì người còn mệt, chưa thoát hẳn cơn bệnh và vì tâm trạng day dứt đó.

Và với một người bạn gái ở mặt trận:

Thứ Tư 10-3-71 (sau đó 4 năm): ...Không được đi Quảng Đà, mình thấy buồn, thấy nhớ.

Không biết tại sao, mỗi lần mình buồn và nhớ như vậy, bao giờ cũng dẫn đến nhớ P.L. Suốt hơn một tháng qua, có thể nói không lúc nào mình không nhớ đến P.L. Mình cố gắng làm đủ mọi việc, làm hết sức để anh em khỏi biết mình đang nhớ, trong thân thể mình, các dòng máu như đang cuồn cuộn chảy, hệt một dòng suối.

11-3-71: Mình đoán là đến nay trên chỗ anh B, có thư P.L gởi cho mình, nhưng không biết làm sao lấy.

Hôm nay mưa to hơn.

...Mình nghĩ đến một đám cưới trong chiến tranh giữa rừng núi gian khổ và khó khăn này, mình nghĩ về những đứa con, những đứa con thật thông minh và đẹp. Chúng sẽ mang tên cả hai đứa mình. Mình thấy vui và cảm động khi có những luồng ánh sáng suy nghĩ đó. Tình yêu sôi nổi trong máu mình, trong trái tim nóng bỏng và chói chang như nắng hè của mình, khiến mình mạnh thêm lên, khao khát sống mãnh liệt để vươn tới những cao thượng...

6. Và, trước cái chết của một chiến sĩ cách mạng, của một người anh hùng.

Tám chiến sĩ bị lính Mỹ vây kín khi đang ở trong công sự mật, trong lòng đất, dưới bụi tre, bên bờ con suối nhỏ ở thôn 2 Vinh Cường, xã Duy Tân (Xuyên Phú), bao gồm: anh Nguyễn Tiềm-Trưởng ban An ninh huyện Duy Xuyên, anh Nguyên là cán bộ an ninh của huyện, anh Lê Yến là chính trị viên-Xã đội phó, Ngọc và Mai là nam du kích Xuyên Phú, hai cô gái Nguyễn Thị Ca và Nguyễn Thị Ta là y sĩ, y tá làm công tác lương thực thuộc K650 (Ban Lương thực Quảng Đà-NBS) và anh - nhà báo, nhà văn Chu Cẩm Phong.

Họ có 5 cây súng tiểu liên, một số lựu đạn, súng ngắn. Họ đang đối mặt với cái chết, vì vậy có hai lựa chọn: 1- Chiến đấu đến cùng và hy sinh; 2- Giơ tay đầu hàng thì sống.

Hai nhân chứng còn lại là Lê Yến và Nguyễn Văn Nguyên cho biết: chính anh Chu Cẩm Phong bảo không được đầu hàng và cùng với các chiến sĩ tổ chức chiến đấu. Khuyên anh em bình tĩnh, kiên cường chống trả những đợt tung lựu đạn và bắn tiểu liên, kêu gọi đầu hàng của địch. Khuyên hai cô gái không khóc khi bị thương và thủ tiêu tài liệu, nhưng nhật ký của anh thì anh vẫn giữ. Anh tự băng vết thương ở chân cho chính mình (trong khi đó còn một vết thương rất nặng ở lưng).

Anh là người thứ tư hy sinh, sau hai cô gái và Nguyễn Tiềm. Bốn người nấp ở góc thước thợ của căn hầm bí mật chỉ bị sức công phá của chất nổ làm ngất. (Sau khi khui được hầm, bị Mỹ ngụy bắt, Ngọc, Nguyên bị nhốt tù, anh Lê Yến, Mai đã tìm cách trốn thoát. Nhưng Mai lại bị Mỹ bắn chết ngay sáng hôm đó, những trận đánh tiếp theo, Ngọc hy sinh.

*

*          *

Cuộc sống, lao động, ghi chép và viết của Chu Cẩm Phong là một tấm gương sáng, gần gũi để mọi người, trong đó có anh chị em làm công tác báo chí, văn học nghệ thuật có thể hiểu được và học được.

Những phẩm chất như thế là phẩm chất của một Anh hùng Lao động.

Sự xông pha trên các mặt trận ác liệt, nóng bỏng bom đạn và cuộc chiến đấu anh dũng trước kẻ thù, trước lúc tắt thở của Chu Cẩm Phong là hành động anh hùng, cái chết của người anh hùng.

Do vậy, cuộc sống đẹp, lao động quên mình và có hiệu suất cao, cùng cái chết ngoan cường của Chu Cẩm Phong đáng được để người đời tôn vinh, ca ngợi, học tập, nhất là tầng lớp thanh niên..

H.D.L



(*) Nguyên Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam.

([1])  Chi: Nữ y tá của Tiểu ban Văn nghệ

([2]) Cho cả cơ quan.


Quay về
VĂN
NGÀY HỘI DÂN CHỦ
TIN TƯỞNG VÀ KỲ VỌNG...
CHUYỆN KỂ GIỮA RỪNG ĐÊM
NHÀ CÓ THÊM NGƯỜI
SÁT NA
MỘT TẤM GƯƠNG SÁNG TRONG, GẦN GŨI
NHỚ MÃI CHU CẨM PHONG
THƠ
QUẢ BÀNG VUÔNG
VU GIA
CÀ PHÊ SÁNG
SÔNG QUÊ
KHÔNG ĐỀ
NĂM NGOÁI
KHÓI HỒI SINH
ĐÊM KHÔNG NGỦ
NGHÌN ĐÊM NẮNG GIÓ
LẠC PHỐ
LẶNG THẦM TÌM BÓNG NGÀY XƯA...
TRÔNG CHỒNG
TÌM VỀ TUỔI THƠ
MƠ NHỮNG CƠN GIÓ + HOẠN LỘ
CHIẾC DÙ CỎ + LỜI RU CHO MẸ CHO CON
ĐÊM NẰM LẠI VỚI RỪNG + VỀ LẠI SÔNG GIA
NỖI NHỚ + CÓ MỘT NGÀY
NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH
MẤY ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN CỦA CA DAO ĐỊA DANH QUẢNG NAM
MỘT GIỌNG THƠ NGÚT TRỜI CHÍ KHÍ
VĂN HỌC - HỌC VĂN
VỀ MỘT CÂU THƠ TRONG BÀI VIẾNG LĂNG BÁC