|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: CHUYỆN KỂ GIỮA RỪNG ĐÊM
Tác giả: Nguyễn Tam Mỹ

Truyện ngắn



Có rất nhiều lối mòn hệt như mạng nhện tỏa ra các ngả. Trời cũng đã nhá nhem. Ngủ đêm một mình giữa rừng Sủng Răm là điều tôi hoàn toàn không mong muốn. Chẳng còn thời gian để đắn đo do dự, tôi xách chiếc lồng chim loan men theo lối mòn đi ngược lên ngọn đồi thoai thoải. Và tôi dụi mắt mấy lần vẫn cứ ngỡ như mơ: Trước mặt tôi có ánh lửa bập bùng cháy sáng ở ngang tầm ngọn cây! Đấy là lửa ma trơi hay lửa do con người nhóm bếp? Tôi băn khoăn tự hỏi. Chắc chắn không phải là lửa ma trơi rồi! Bởi theo lời mẹ tôi thường kể cho tôi nghe khi còn thơ bé, lửa ma trơi luôn có những bóng người mặc quần áo trắng toát nhảy múa loạn xạ. Và những bóng người ấy không ở cố định một nơi mà thoắt xuất hiện chỗ này rồi thoắt biến mất để xuất hiện chỗ khác... Vững tâm, tôi rảo chân đến gần. Đúng như tôi phán đoán, đó là cái chòi giữ rừng của ông già trạc ngoài sáu mươi nhưng chắc nụi như một khúc gỗ trai. Thấy tôi mắc chiếc lồng chim loan bên ngoài vách ván, ông già cười: “Chú đi mồi chim loan?”. Không đợi tôi trả lời, ông già lại nói: “Rừng Sủng Răm nhiều chim loan lắm. Cứ đến tháng 3 âm lịch, không ít người từ nơi khác lặn lội tới đây bẫy chim. Và họ cũng đã bị lạc rừng, đi hoài mỏi rạc cả cẳng, khi ngày dần tắt nắng mới hay lại quay trở về chốn cũ...”.

Được trú nhờ ở cái chòi giữ rừng khá rộng rãi lại cao gần mười mét, được chủ nhân thết đãi bữa cơm tối với mấy ly rượu gạo giải mỏi, tôi thấy người khỏe hẳn ra. Một già một trẻ ở với nhau giữa nơi vắng vẻ hoang vu trong đêm tối trời, lại có tý hơi men nên nhanh chóng thân quen. Trò chuyện, tôi được biết ông già giữ rừng tên là Chín Côn, người làng Vực. Thực ra, đó là cái tên ghép từ tên thứ trong gia đình với ngón nghề sử dụng côn nhị khúc điêu luyện, từng hạ gục bao gã lâm tặc mặt mày bặm trợn, to con lớn xác, mà thành “chết danh”. Chín Côn bảo tôi: “Đi mồi chim loan thường có hai người cặp đôi với nhau. Đi một mình, lỡ gặp bất trắc xảy ra, chú không sợ à?”. Tôi thở ra: “Dạ, đi cùng với cháu còn có người bạn thân. Vừa đến làng Vực, ở nhà gọi điện thoại báo có việc trọng, người bạn thân đành phải quay về. Còn cháu nghe tiếng chim loan từ xa vọng lại, ham quá đâm liều!”. Chín Côn cười. “Mà rừng Sủng Răm thật lạ, vào thì dễ nhưng ra lại khó. Nó giống như trận đồ bát quái, cháu lần quần mãi, không thoát ra được. May nhờ có chú nhóm lửa nấu cơm, cháu mới có được nơi tạm trú qua đêm...”. Tôi nói thêm. Chín Côn lại cười. Rồi ông kể về loài chim mà tôi yêu thích. Chẳng rõ vì sao nó lại có tên gọi chim loan? Nhìn dáng vẻ bên ngoài, nó cũng không khác gì chim két. Bộ cánh màu xanh lá mạ, điểm hai vệt trắng đen ở hai bên má. Lông đuôi khá dài. Mỏ màu hồng nhạt. Điều khác lạ là chúng không lang chạ mà kết đôi trọn đời với nhau và có tiếng hót cực hay. Nhất là con trống. Tiếng hót con trống giống một chuỗi âm thanh vang ngân thánh thót khó diễn tả thành lời...

Cũng như tôi, Chín Côn bị tiếng hót chim loan mê hoặc, vì thế, ông nhận giữ rừng Sủng Răm. “Ba mươi lăm hộ dân ở làng Vực cùng nhận giữ rừng chứ không riêng gì tôi. Họ chia nhau đi tuần tra theo định kỳ. Còn tôi được họ tín nhiệm giao cắm chốt ở chòi canh này. Đây là cuống họng của rừng Sủng Răm. Lâm tặc muốn vào ra phải qua ngọn đồi thoai thoải, bởi không còn lối đi nào khác”. Chín Côn cười bảo với tôi. Vui chuyện, ông cho hay, vây quanh Sủng Răm là những dãy núi giăng thành sừng sững, cuốc bộ leo trèo đã khó, huống hồ chi khuân vác gỗ... Và nữa, ở những vách núi cheo leo có loài cây bụi rất độc, lỡ chạm vào người là coi như tự lột da vì cào xé do ngứa. Côn trùng sống ký sinh trên loài cây bụi ấy cũng là những sát thủ đáng gờm. Đó là chưa kể beo, gấu... “Khi sáng chú biết cháu vào rừng Sủng Răm?”. Tôi hỏi. Chín Côn cười: “Sao lại không? Tôi đoán chắc thế nào chú cũng lần quần trong trận đồ bát quái mãi đến cuối ngày mới thoát ra được. Và tôi chuẩn bị cơm nước...”. Tôi tròn mắt kinh ngạc. “Lúc vào, chú theo lối mòn độc đạo bên phải chòi canh. Khi quay ra, chú leo lên ngọn đồi thoai thoải này. Ngồi đây tôi nhìn thấy hết”. Chín Côn lại cười. Lâu lâu mới có người bất đắc dĩ tạm trú qua đêm trên chòi canh nên Chín Côn rất vui. Ông hỏi tôi đủ chuyện. Quê quán. Gia đình. Anh em. Công ăn việc làm... Rồi ông bảo tôi: “Chim loan sống ở rừng tiếng hót mới hay. Bắt nó về nuôi nhốt trong lồng có khác chi cầm tù? Cũng như con người, con vật bị giam hãm chỉ cất tiếng than ai oán não nùng mà thôi! Thích nghe chim loan hót, cứ đến mùa chúng tìm đôi kết bạn với nhau, chú lên đây ở với tôi...”.

Trời đêm se lạnh.

Qua ánh lửa bập bùng nơi góc chòi canh, tôi nhìn đồng hồ đeo tay thấy đã quá khuya.

Ơ kìa... Đang nằm trên võng tôi ngồi bật dậy khi nghe thấy tiếng “h... ù... m...” từ đâu đấy vọng lại. Chưa kịp hỏi ông già giữ rừng, những âm thanh trầm đục lại dội lên khiến tôi nổi da gà khắp người. “Ông khái lại mang heo về giỗ ông Bảy Nho...”. Chín Côn đang nằm trên tấm chiếu hoa trải giữa chòi canh cũng ngồi bật dậy, nói. Tôi ngơ ngác không hiểu mô tê gì hết. Tiếng “h... ù... m...” lại cất lên. Lần này, âm lượng của tiếng gầm ngân vang hơn, thống thiết hơn. Chín Côn bảo: “Chú giúp tôi một tay”. Rồi ông đứng dậy quơ cuộn dây thừng treo nơi vách ván đưa cho tôi. Ông mở mấy nuộc lạt mây buộc đầu thang tre, cột sợi dây thừng vào. Lấy cây sào, ông đẩy chiếc thang ra, còn tôi thả sợi dây thừng từ từ cho đến khi chiếc thang tre nằm ngang trên mặt đất. Buộc chặt đầu sợi dây thừng còn lại vào vách ván, đóng chốt khóa cửa chòi canh, Chín Côn xoa tay cười: “Xong rồi. Ông khái đi ngang qua đây, buồn tình muốn nhảy lên xem chúng ta sống trong chòi canh thế nào cũng không sao vào được. Chú yên tâm!”. “Hồi nãy, chú bảo ông khái mang heo về giỗ ông Bảy Nho?”. Tôi tò mò hỏi. “Đúng vậy. Đấy là chuyện có thật nhưng người làng Vực ít ai còn nhớ...”. Tôi bán tín bán nghi. Như đoán biết được suy nghĩ của tôi, Chín Côn lại cười: “Không tin, sáng mai tôi dẫn chú đến mộ phần ông Bảy Nho ở mé đồi này, chú sẽ thấy một con heo rừng nặng chừng bảy, tám chục cân được đặt ngay ngắn phía trước phần mộ...”. Tôi im lặng. “Chuyện xảy ra cũng đã tròn nửa thế kỷ, khi ấy, tôi là cậu bé mười lăm tuổi...”. Chín Côn trầm giọng bảo.

Háo hức với câu chuyện ly kỳ nhuốm màu huyền bí, tôi nằn nì ông già giữ rừng kể cho nghe. Ông gật đầu đồng ý.

Một lần đi rừng Sủng Răm, ông Bảy Nho tình cờ bắt gặp ông khái con nằm trong hang đá. Chắc mẹ ông khái con đã chết vì nguyên do gì đó, bỏ lại đứa con bé bỏng trên đời. Đói khát, ông khái con chẳng còn hơi sức lẩn trốn theo bản năng. Ông Bảy Nho đánh bạo đem về nuôi. Người ta bảo, chúa sơn lâm là loài cầm thú khó mà thuần hóa được bởi tính hoang dã bẩm sinh đã ngấm vào máu thịt. Thực ra, không hẳn như vậy. Đem ông khái về nuôi, ông Bảy Nho cho uống sữa lon Ông Thọ. Lớn lên một tý, ông khái được ông Bảy Nho cho ăn cơm với cá thịt trộn lẫn trong chiếc thau nhôm. Đương nhiên, trong quá trình nuôi dưỡng, ông Bảy Nho đã bỏ nhiều công sức tập luyện ông khái con làm quen với con người, với các loài vật nuôi khác như chó mèo heo gà... Ba năm sau, ông khái con trưởng thành, dài hơn hai mét, nặng gần tạ rưỡi. Sống với con người, ông khái nhanh chóng thích nghi với môi trường mới. “Ổng” rất thích được đùa nghịch với bọn trẻ con trong xóm, cho dù chúng nó luôn đè đầu cưỡi cổ chúa sơn lâm. Nhiều khi bọn trẻ vui đùa quá trớn, ông khái bực mình gầm lên một tiếng khiến bọn trẻ hoảng hồn, bỏ chạy tán loạn. “Lẽ ra, phải gọi đấy là “bà khái” vì là con cái nhưng dân mình không phân biệt giới tính của chúa sơn lâm nên cứ gọi ông khái”. Chín Côn cười bảo. Tôi cũng cười hỏi: “Sống với người, chắc ông khái rất tinh khôn?”. “Ồ, còn phải nói. Ông khái luôn hiểu ý chủ và làm theo ý chủ. Có ông khái của ông Bảy Nho, dân làng Vực được ăn thịt thú rừng quanh năm...”.

Rừng Sủng Răm những năm sáu mươi của thế kỷ trước, mang, hoẵng, chồn, cheo, heo rừng... nhiều vô kể. Nhất là heo rừng. Chúng kéo hàng đàn ra nương rẫy sát bìa rừng cày ủi, giẫm đạp hoa màu. Gài bẫy, đào hầm cắm chông tre rồi ngụy trang bề mặt, chỉ bắt được chúng đôi ba lần rồi thôi. Bởi chúng rất tinh khôn, đánh hơi biết có mối hiểm nguy, mở lối đi khác, không theo đường cũ. Nương rẫy bị phá hoại hoài, lão Bốn Giác rất bực. Lão sực nhớ ra ông khái. Lão đến nhà nhỏ to và ông Bảy Nho xiêu lòng. Dẫn ông khái đi săn, ngoài chủ nhân còn có lão Bốn Giác và đám trai tráng làng Vực cầm giáo mác trợ chiến. Lần đầu tiên xung trận, ông khái hạ gục con heo rừng nặng hơn một tạ. Và quan trọng là, mùi ông khái lưu lại khiến heo rừng không dám bén mảng tới bìa rừng. Một ngày, hai ngày. Rồi một tuần, hai tuần... Cả làng Vực chưa kịp mừng vui thì bất ngờ đàn heo rừng lại kéo ra phá hoại hoa màu, cày ủi tan hoang tất cả. Ông Bảy Nho lại dẫn ông khái đi săn. “Chúa sơn lâm là loài mãnh thú nhưng không phải lúc nào cũng thắng. Điều đó chú có tin không?”. Chín Côn chợt hỏi. Tôi bối rối cười trừ. “Con cháu “lão Trư” một khi bị dồn ép vào thế bí, chúng trở nên cực kỳ hung hãn, dữ dằn ghê lắm. Chúng quây ông khái lại và chủ động tấn công tứ phía - Chín Côn nói - Tôi đã từng chứng kiến cuộc hỗn chiến giữa heo rừng và cọp”.

“Chót bóp thì bóp... Chót bóp thì bóp...”. Chim chót bóp thảng thốt kêu vang giữa đêm khuya vắng. Ông già giữ rừng nhổm dậy lắng tai nghe và nói trống không: “Ông khái đã đi rồi!”. Qua khe hở vách ván chòi canh, tôi thấy bầu trời đã loãng bớt ra, không còn tối đen như mực. Chín Côn nằm im, hai mắt lim dim. Sốt ruột, tôi hỏi: “Sao chú không kể tiếp? Chuyện đang đến hồi hấp dẫn mà...”. “Cũng đã gần ba giờ sáng rồi. Tôi thì thế nào cũng được, còn chú có buồn ngủ không?”. “Dạ không”. Hắng giọng, Chín Côn hỏi: “Chú có nhớ chỗ cả mớ lối mòn giao nhau mà khi chiều chú đứng phân vân trước khi leo lên ngọn đồi thoai thoải này?”. “Dạ có!”. Chín Côn bảo, đấy là nơi xảy ra cuộc hỗn chiến giữa ông khái với bầy heo rừng. Tuôn xuống chút nữa là rơi vào thế đất sũng sũng ổ gà sa sa bụng nhện. Dồn vô đó là chết. Vì thế, bầy heo rừng liều mạng quay lại tấn công ông khái. Nghe tiếng heo éc rồi tiếng ông khái gầm, Chín Côn cùng với đám trai tráng làng Vực cầm giáo mác chạy tới. Một cảnh tượng hãi hùng rùng rợn bày ra trước mắt mọi người. Ông khái ngồi xổm hai chân sau, còn hai chân trước chống nhảy xoay tròn. Bảy, tám con heo rừng bị ông khái vồ tát trọng thương cố giãy lết ra xa. Hơn chục con còn lại nhe răng nanh nhọn hoắc vây quanh ông khái. Chúng húc phía sau. Chúng tai bên trái. Chúng cắn bên phải. Ông khái xoay vòng chống đỡ. Cuộc hỗn chiến có nguy cơ phe chiếm số đông thắng thế. Bảy Nho và Bốn Giác la lớn. Chín Côn và đám trai tráng làng Vực sực tỉnh ra, vừa hò hét vừa cầm giáo xông vào trợ chiến. Bầy heo rừng tháo chạy. Ông khái nhảy theo vồ được con heo rừng nặng gần hai tạ và kết liễu nó bằng một cú ngoạm đứt ngang cuống họng.

- Chú biết không, lần đó dân làng Vực ăn thịt heo rừng mệt nghỉ vì bắt được gần cả chục con - Chín Côn nói.

- Kịp thời la lớn cứu nguy, vì vậy ông Bảy Nho được ông khái nhớ ơn nên hằng năm bắt heo rừng về giỗ? - Tôi hỏi.

Bầu trời đêm đã sáng dần. Ông già giữ rừng ngồi dậy với tư thế bó gối. Im lặng hồi lâu rồi ông khẽ bảo với tôi: “Không. Đó là một câu chuyện khác nhuốm màu sắc huyền bí không lý giải được”. Tôi cũng ngồi dậy vì tò mò. Chín Côn kể cho tôi nghe bằng giọng trầm buồn. Nhà ông Bảy Nho ở gần con sông Rù Rì. Tuy không lớn nhưng con sông có một đoạn ghềnh thác nối tiếp nhau trải dài thành một bãi đá lởm chởm. Dân làng Vực gọi đấy là thác Đá Chông hay ghềnh Đá Chông. Ông Bảy Nho lợi dụng địa thế trời cho làm cái sa chắn cá ở đó. Lúc bấy giờ sông suối đồi núi vẫn còn hoang sơ. Đất rộng người thưa. Môi trường sống tự nhiên chưa bị con người đào bới nham nhở để khai thác vàng sa khoáng, xúc cát sỏi đem bán... cá sông khá phong phú đồi dào. Nào cá chình, cá lấu. Nào cá gáy, cá lau. Nào cá niêng, cá vạp. Nào cá giếc, cá hanh. Nào cua đá, tôm càng... Đến mùa mưa, các loại cá tôm ngược sông Rù Rì lên thượng nguồn, qua thác Đá Chông bị dòng nước xiết hất văng xuống sa và rơi vào tấm đăng nằm la liệt. Đêm đông. Gió lạnh. Đem cá vô chòi ở cuối sa nướng trên lửa than hoa chấm muối ớt xanh làm mồi uống rượu ngon tuyệt. Có hôm, ông Bảy Nho chịu khó thức canh, bắt được cả trăm ký cá sông. Ăn không hết, ông đem cho mọi người. “Hồi ấy, dân quê quen sống theo nếp tự cung tự cấp, không có chuyện bán mua ba thứ vặt vãnh...”. Chín Côn nói.

Minh họa: TRƯƠNG BÁCH TƯỜNG

Trời tang tảng sáng. Chim chóc hót véo von đón chào một ngày mới sắp bắt đầu. Ông già giữ rừng đứng dậy nhen lửa nấu cơm. Tôi cũng rời khỏi võng lại góc chòi phụ giúp ông. Bên bếp lửa hồng, ông tiếp tục câu chuyện dở dang. Vào một đêm mùa đông năm Ất Tỵ - 1965, ông Bảy Nho dẫn ông khái ra sa canh giữ cá. Gà gáy canh năm. Ông Bảy Nho nghe thấy tiếng nước đổ xuống sa nhiều hơn bình thường, mang tơi đội nón ra xem. Ông lúi húi cuốn tấm đăng để dòng nước dễ dàng chảy qua không làm hư hại cái sa. Ông khái đang ngủ ngon trong chòi bất ngờ thức giấc, ngỡ có kẻ trộm cá, phóng ra vồ. Khi lật mặt “kẻ trộm” lên, ông khái mới nhận ra là... ông chủ! “Ổng” ôm xác ông Bảy Nho gầm lên. Tiếng gầm trầm đục cứ vỡ ra “h... ù... m... ò... a...” nghe thật bi thiết. Làm sao biết được sự việc xảy ra khi ngoài sa chỉ có ông Bảy Nho và ông khái? Có một người tình cờ chứng kiến, đó là lão Bốn Giác. Uống nước chè xanh hãm đặc, lão mất ngủ, thức suốt đêm. Trời vừa rạng sáng, lão cắp nách chai rượu gạo ra sa để nướng cá chén tạc chén thù với ông bạn hàng xóm. Và khi đến bờ sông lão nhìn thấy tất cả... Lão đứng chết trân. Còn ông khái cứ ôm xác chủ gầm lên “h... ù... m... ò... a...” không ngớt. Định thần lại, lão hớt hãi chạy về làng loan báo hung tin. Khi mọi người đổ ra, ông khái thả xác chủ xuống tấm đăng, gầm lên một tiếng rồi phóng lên bờ sông mất dạng. Đám tang ông Bảy Nho, ông khái cứ lảng vảng quanh mộ. Hơn một năm sau, vào một đêm tháng 3 âm lịch, ông khái về bên mộ chủ và gầm rống mãi. Sáng ra, người nhà lên thăm thấy ông khái để một con heo rừng ngay ngắn ở phía trước mộ phần...

Trời sáng hẳn. Chín Côn và tôi dọn cơm ăn. “Kể từ đấy, năm nào ông khái cũng mang heo về giỗ ông Bảy Nho?”. Tôi hỏi. Chín Côn gật đầu. Rồi ông cho hay, lúc bấy giờ chiến tranh lan rộng khắp nơi, dân làng Vực đi tản cư hết, chẳng biết ông khái có mang heo về giỗ hằng năm? Sau bảy lăm, mọi người mới hồi hương làm ăn sinh sống. Ông khái vẫn bặt vô âm tín. Năm 1980, “ổng” bất ngờ xuất hiện, tiếng “hùm òa” vang vọng giữa đêm khuya. Sáng ra, con cháu ông Bảy Nho lên thăm mộ thấy một con heo rừng đặt ngay ngắn trước mộ phần. Kể từ đấy, cứ vài ba năm “ổng” lại mang heo về giỗ. Và đây là lần mới nhất. Chín Côn chợt thở dài: “Đúng là thời gian như bóng câu qua cửa. Mới đó mà ông Bảy Nho “ra đi” đã tròn nửa thế kỷ”. Cơm nước xong xuôi, tôi phụ giúp Chín Côn kéo chiếc thang buộc cố định lại. Rút cây gậy tre đằng ngà trên vách chòi đưa cho tôi, còn Chín Côn giắt cặp côn nhị khúc vào lưng quần, với tay cầm con dao quắm. “Chừ ta đến mộ ông Bảy Nho. Tôi đoan chắc thế nào cũng có một con heo rừng ở đó”. Chín Côn bảo với tôi. Mặt trời đã nhô lên khỏi dãy núi phía đông rừng Sủng Răm. Chín Côn đi trước, bước phăm phăm. Tôi cố sải chân mới theo kịp ông. Gần nửa tiếng lên dốc rồi xuống dốc, cuối cùng hai chú cháu đã tới nơi. Có một con heo rừng nặng chừng tám chục cân bị xé toạc cuống họng được đặt nằm ngay ngắn phía trước mộ ông Bảy Nho.

Giơ tay làm loa, Chín Côn hú ba tiếng dài. “Lát nữa người nhà ông Bảy Nho sẽ lên đây khiêng heo về làm thịt đám giỗ lần hai. Bởi ổng mất tháng 10 nhưng ông khái lại mang heo về cúng vào tháng 3”. Chín Côn bảo. Ngồi chờ đợi, tôi thắc mắc với ông già giữ rừng: “Theo như cháu biết, tuổi thọ của ông khái không quá hai chục năm, trong khi ông Bảy Nho đã mất cách đây nửa thế kỷ...”. “Đó là điều huyền bí không lý giải được. Nếu lấy tuổi thọ mà suy thì ông khái mang con heo này về giỗ thuộc thế hệ thứ ba...”. Ông già giữ rừng nói sau một hồi trầm ngâm. “Đúng là ở đời có những chuyện không thể suy diễn một cách máy móc theo ý nghĩ chủ quan của mình, bởi nó thuộc về tâm linh...”. Ông già giữ rừng gật gù. “Sự hiện diện của ông khái đã giúp dân làng Vực giữ được rừng Sủng Răm không bị xâm hại, vì ai cũng sợ đụng đến giang sơn của “ổng” ắt sẽ mang họa vào thân. Nếu không, khó lòng giữ nổi. Bởi một khi có kẻ tay trong tay ngoài cấu kết với nhau, nhất định không trước thì sau rừng cũng bị tùng xẻo...”. Tôi cười. Chín Côn cũng cười: “À, hồi nãy tôi quên nhắc chú xách chiếc lồng chim loan. Quay trở lại lấy, đi đường kia vừa xa vừa vất vả”. Tôi nói: “Thôi, cháu nhờ chú thả nó về rừng giúp”. Chín Côn tròn mắt nhìn tôi. “Lúc mới sáng, cháu nghe tiếng hót con chim loan trong lồng với tiếng hót con chim loan ngoài rừng. Con ở ngoài rừng thả từng chuỗi âm thanh vang ngân tuyệt vời. Còn con ở trong lồng cất tiếng hót khàn khàn như ai oán cho thân phận chim lồng cá chậu...”.

Sau giây phút ngỡ ngàng, ông già giữ rừng cười bảo với tôi: “Chú nghĩ thế cũng phải. Nhớ tiếng hót chim loan, đến mùa chúng tìm đôi kết bạn, chú lên đây ở với tôi...”.

N.T.M


Quay về
VĂN
NGÀY HỘI DÂN CHỦ
TIN TƯỞNG VÀ KỲ VỌNG...
CHUYỆN KỂ GIỮA RỪNG ĐÊM
NHÀ CÓ THÊM NGƯỜI
SÁT NA
MỘT TẤM GƯƠNG SÁNG TRONG, GẦN GŨI
NHỚ MÃI CHU CẨM PHONG
THƠ
QUẢ BÀNG VUÔNG
VU GIA
CÀ PHÊ SÁNG
SÔNG QUÊ
KHÔNG ĐỀ
NĂM NGOÁI
KHÓI HỒI SINH
ĐÊM KHÔNG NGỦ
NGHÌN ĐÊM NẮNG GIÓ
LẠC PHỐ
LẶNG THẦM TÌM BÓNG NGÀY XƯA...
TRÔNG CHỒNG
TÌM VỀ TUỔI THƠ
MƠ NHỮNG CƠN GIÓ + HOẠN LỘ
CHIẾC DÙ CỎ + LỜI RU CHO MẸ CHO CON
ĐÊM NẰM LẠI VỚI RỪNG + VỀ LẠI SÔNG GIA
NỖI NHỚ + CÓ MỘT NGÀY
NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH
MẤY ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN CỦA CA DAO ĐỊA DANH QUẢNG NAM
MỘT GIỌNG THƠ NGÚT TRỜI CHÍ KHÍ
VĂN HỌC - HỌC VĂN
VỀ MỘT CÂU THƠ TRONG BÀI VIẾNG LĂNG BÁC