|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: NGHỀ CẮT KHÓA
Tác giả: Vũ Trường Anh

Truyện ngắn



Sinh thời, lão được tổ tiên dạy cho cái nghề cắt khóa. Bửu bối gia truyền từ đời nội đến đời cha là chiếc dao cưa, cái kèm, cái kẹp, truyền lại cho con cháu mai sau với lời dặn theo, cặp mắt phải tinh, cái tâm phải sáng. Lão làm nghề cắt khóa cũng khá lâu rồi. Ngó chừng thấm thoát thế mà đã bốn chục năm. Bốn chục năm ngồi chỗ đứng yên cho thiên hạ đi nhiều. Kẻ làm nên nghiệp lớn, kẻ lớn xớn mang gông. Lợi hại oan gia cho cái nghề cắt khóa.

Lão Bội, lúc nhỏ rất hoang, theo cách nói của dân gian, đúng hơn là lão nghịch. Mà chẳng nghịch gì, chỉ tội cái tính tháy máy của trẻ con, thấy gì cũng tìm tòi học cho bằng được. Lão học của ông cha cái nghề cắt khóa.

Thời chiến tranh súng đạn loạn xạ, trộm cắt cũng rất nhiều. Bút giấy mô tê sao mà kể hết. Đêm nghe tiếng súng đì đoàng, ngày cũng nghe tiếng súng đì đoàng. Cảnh bắt lính, cảnh trốn lính rồi cảnh bắn giết lẫn nhau. Lão Bội tuổi mới mười ba nên chưa lần nào bị bắt lính. Lão thả bò trên dốc Mít, cạnh núi Thái Xuân. Nơi ấy là địa giới phân ranh giữa một bên là vùng tạm chiếm, một bên là vùng giải phóng. Trên dãy Năm Đồi là cách mạng, dưới dãy Năm Đồi là lính địa phương quân. Thả bò trên núi lão hay hái sim, giũ chà là. Tùy theo mùa mà Bội trổ nghề săn hái. Bội có tài. Người ta khen Bội, thằng nhỏ trông mà sáng, lắm tài nhiều mẹo. Bội bắn ná tuyệt chiêu, câu cá cũng tuyệt chiêu. Sáng Bội lùa bò đi chỉ có ba con, chiều Bội lùa bò về cả mấy chục con. Ba con bò cộng thêm vài chục con chim, rùa, cua, cá...

Nhà Bội ở gần chợ, mẹ Bội thường đùa, gần chợ mà chẳng biết chợ có đông không.

Một hôm Bội đang ngồi câu, có chú áo xanh, tay cầm cần câu, tay cầm giỏ cá, chú đi câu. Chú hỏi Bội ở đâu, cho Bội lương khô, hỏi Bội nhiều thứ. Lúc đầu Bội sợ sau dần thấy cũng hay hay. Bội cùng chú đi câu, bắn chim, giũ chà là, săn thú rừng và bắt ếch. Việc gì chú cũng làm được, nhưng chú không bao giờ chỉ nhà cho Bội ghé chơi. Chú nói nhà chú ở rất xa lại nghèo nên phải làm nghề săn bắt. Nay ở rừng này, mai ở rừng khác, không có chỗ ngụ cư. Chú gửi Bội bán hộ mua nhờ, lúc thì vài viên đá lửa, lúc thì vài viên thuốc kháng sinh. Chú dặn Bội giấu thật kỹ vào cái bịt nan, chụp vào miệng bò lùa đi không ai biết. Ban đầu Bội sợ nhưng riết quen dần, Bội thấy vui vui.

*

*          *

Thời trẻ qua đi, thời chiến cũng qua đi, giờ Bội là thương binh, trở về làm nghề cắt khóa. Khách tấp nập ra vào, kẻ ngược người xuôi. Kẻ cắt khóa xe, kẻ cắt khóa nhà, có người cắt chỉ để mà được cắt. Lúc năm bảy chìa. Chẳng hiểu họ cắt để làm chi. Mặc kệ, hơi đâu lo chuyện thiên hạ cho nhọc người. Cứ cắt, miễn có tiền nuôi vợ nuôi con.

Lão sống bằng nghề cắt khóa suốt mấy chục năm ròng. Giờ lão đã về hưu. Về hưu nhưng chân tay vẫn còn ngứa ngáy. Lâu lâu cũng dũi, cũng mài, cũng cắt cắt, khoan khoan. Nhà lão giờ vắng tanh. Con cái học hành ra trường đi xa hết, chỉ có hai vợ chồng già ở nhà trông chán ngắt. Nhớ con, nhớ cháu, đôi lúc buồn buồn xách khóa cắt chơi.

Lão vui nhất là lúc con cháu về thăm nhân ngày giỗ kị. Năm nay nắng hạ đầu mùa đến chậm, giữa tháng ba mà khí trời dìu dịu, lão khoan khoái ra sau vườn sắp đặt lại thế cây. Lão sắp đặt ngắn ngay, cây bách tán tùng lại đem vào chính giữa. Loài cây này tính khí trực trung. Cây trúc để góc sân cạnh hòn non bộ. Cây lộc vừng để ở ngõ nhà đón đợi niềm hy vọng của cháu con. Bộ ghế đá đặt ở bờ sông, ngồi uống trà và câu cá. Đón đợi cháu con về bao giờ lão cũng sửa soạn tươm tất. Lão cắt đặt xong xuôi đâu vào đấy, lão mỉm cười, tiếng còi tàu báo hiệu một cuộc vui.

Nhà lão ở gần ga. Bước qua khỏi chợ là đến ga. Ga nhỏ ở chốn quê có từ lâu rồi, trước đây tàu đứng đợi chủ yếu là bỏ gạo, mắm muối, củi than. Giờ, tàu chẳng đỗ ở sân ga, họa hoằn chỉ có tránh chuyến vào ra dừng lại vài dăm phút. Sân ga bỗng buồn, vắng vẻ, tịch u. Lão đợi tiếng còi tàu sân ga là để biết tin thằng con ở Sài Gòn nó ra. Thế nào thằng ở Đà Nẵng cũng vào. Anh em chúng hẹn nhau ở ga Tam Kỳ, đón nhau về, vui lắm.

*

*          *

Gió sông thổi lên, mang hương vị của bếp sông quê mặn mà và da diết. Nồi canh nấu với cá căn rất thơm, lâu rồi, mấy đứa con của lão mới được ăn, chúng cứ khen hoài, mẹ nấu ăn tài quá. Mùi lá rau rất thơm, vừa ngọt vừa chua, chỉ có ở quê mình, vùng đất duyên hải miền Trung cát và cát. Thứ rau lá năm cánh, hoa vàng, có gai mà hiền, ăn vào mát dạ. Nấu với cá căn bỏ thêm mắm tấm, canh vừa ngọt vừa bùi, ăn quên cả ngủ trưa.

Lần nào cũng thế. Về quê là chúng nó bảo mẹ mua bằng được cá căn không thì cá ngạnh, cá ong. Chỉ cá sông thôi, sông Trường Giang, chảy dọc theo trục đường quốc lộ, từ Hội An và Cửa Lở đổ ra biển Kỳ Hà, bến cảng Chu Lai. Sông ngang, nước sông rất yên. Cá cũng rất yên, ăn vào hiền hòa phải biết. Đã bao đời rồi, người dân Kỳ Chánh không thể nào quên. Ở chợ Cây Trâm, sát bến sông, nơi hội tụ của bao dân quê, Tam Trà, Tam Hòa, Tam Anh, Tam Thạnh... thường bán cá sông, sáng chiều đều có. Người đi chợ ai sành, thường tìm hỏi cá ngạnh, cá ong.

Minh họa: VÕ NHƯ DIỆU

Mấy đứa con lão ăn no. Đặc biệt lũ cháu ăn no cứ hỏi hoài cá gì mà ngon thế. Thịt trắng, béo, giòn, nước lại chua chua. Canh nấu với rau chua. Rau sống lại cũng chua chua, nào là khế chua, cọng muống chẻ cong cong, trộn đều với rau đắng, lại bỏ thêm vài sợi rong biển, mà người ta quen gọi là rau câu, cải xà lách ít thôi, giá, diếp cá chen vô, đủ loại rau, tạo hóa cho chi dùng nấy. Không độc ta cứ dùng, không bổ dọc cũng bổ ngang. Tính khí của người miền Trung hơi liều nhưng mà thực. Phải chăng họ ăn liều nên sống thực, tạo hóa lại thương.

*

*          *

Bữa tiệc đã xong. Bốn cha con gặp nhau. Cũng tại bến sông, trên bộ bàn vừa ăn, vừa uống trà, vừa câu cá. Chuyện thế sự, chuyện trăm năm, chuyện trước chuyện sau tha hồ tranh nhau kể. Thường thì lão chỉ huy. Bởi lão là cha, mà chuyện chính đêm nay là chuyện bàn về họ tộc. Nhưng đêm nay lão nhường quyền cho thằng út. Lão già rồi, anh em nó lại ở xa. Chỉ có thằng út hay vào hay ra, nói đúng hơn, là lão định viết chúc thư chuyển giao cái nhà ba đời thờ tổ thờ tiên cho thằng con út. Nó ở gần, tiện đường lại biết dưới trên. Tiệc đón cháu con, đêm nay mang điều hệ trọng. Lão sắp đặt rất kỹ càng, mời đủ vai vế, thứ bậc trước sau. Nhưng khi lão vừa ướm hỏi xong, lũ con, đứa nào cũng vô tư. Chúng nói ba nhường cho ai mà chả được. Chúng con có trách nhiệm lo lắng cho ông bà, có đứa nào bỏ đâu. Ba cứ yên tâm, cứ sống, cứ vui, nhà thì để đó. Gia phả ông bà, thờ cúng có đủ cả anh em.

Thằng út nó thưa, ba đã cho con nhiều rồi đừng bận tâm gì nữa. Anh hai đã có nhà, anh ba cũng đã có nhà, con cũng đã có nhà chỉ có cái nghề cắt khóa là ba chưa truyền lại cho chúng con.

Lão Bội nổi xung, lão la, tổ cha bây nên thân lại về coi khinh nghề cắt khóa. Cái nghề tuy nghèo nhưng nuôi được dòng họ suốt cả ba đời chứ ít đâu.

*

*          *

Dưới bờ sông, xuất hiện một bóng già, tuổi ngoài tám mươi, nhưng dáng hình quắc thước. Lão Bội đứng lên chào. Ba đứa con lão cũng đứng lên chào. Thằng út chạy vào lấy chén, lấy ly. Nó rót rượu, gắp cá căn, săn đón bác lên chơi, lâu rồi chúng cháu trông tin hoài, bác và cả nhà vẫn khỏe. Câu chuyện tạm dừng, mọi người trở lại chuyện tổ tiên.

Bác Hai, sống ở Tam Quang, năm nào cũng vậy, cứ đến giờ này bác lại lên. Bác lên trước, bác gái lên sau, con bác lên sau. Bác lên bằng đò. Bác lên để mà tính toán bàn chuyện giỗ kị, tu sửa mộ phần, già rồi ai mà chả vậy. Năm có một ngày tu sửa mồ mả ông cha. Năm nay bác lên, mang theo một mớ cá căn, gặp cá căn, bác la sao chúng bay không đem theo thịt hộp, heo quay lại về mua cá căn làm tao hở giá. Nói thì nói vậy, chứ bác mừng vì con cháu mãi nhớ hương vị quê hương. Bác bảo cha con cứ nói đi. Bác ngồi nghe. Lão Bội xin thưa, cha con vừa tính bàn... Bác cắt ngang, chuyện nhà cửa khỏi phải lo, thời này chứ không phải thời xưa, giao nhà, lo giỗ quảy. Mấy cháu ở xa, chứ có năm nào giỗ kị nó vắng đâu. Dù ai đi ngược về xuôi - nhớ ngày giỗ Tổ tháng buôi (ba) lại về. Nhà nước còn lo huống chi ta phải lo. Cái lo là cha con chú đã truyền nghiệp cho ai chưa?

Thoáng nghe qua, bác hiểu sự tình, cha con lão suýt cãi nhau về cái nghề cắt khóa. Cái nghề gia truyền, ba đời nuôi sống dòng họ nhà bác chứ ít đâu. Trước đây, bác cũng định bỏ nghề, vì lợi bất cập hại, nhưng nghĩ lại thấy mình có làm gì xấu mà mãi đắn đo.

Chuyện là trước đây, thời chiến tranh, bác cùng ông, bị bắt, bị nghi oan đã tiếp tay cho cách mạng đột nhập vào kho lấy đạn, lấy súng. Ông nội bị đánh cho đến ngày tàn phế cả đôi chân. Cách mạng thành công, bác lại bị nghi oan tiếp tay cho lũ tàng hình trộm cắp, đột nhập vào kho thóc của hợp tác xã, lấy trộm hàng tấn phân lân. Chuyện trộm cắp bác biết đâu, bác chỉ biết nghề cắt khóa. Nhưng sự đời vốn dĩ đa nghi. Bác sống ở Tam Quang, tối chèo ghe ra, sáng chèo ghe vào, ngày tiếp tục nghề cắt khóa. Bác không bỏ nghề. Giờ con cháu có nối nghiệp tử sinh?

Nghĩ thế, nhưng bác lại an ủi cháu con. Chúng cháu lớn lên, đi học, làm ăn, mỗi đứa mỗi nghề bác vui vì chúng bay có lông có cánh. Đứa nào cũng trưởng thành. Bác mừng, ước gì các cháu nối nghiệp của ông cha.

Nối nghiệp của ông cha. Bác nói sao? Cái nghề cắt khóa. Cái nghề gia truyền, giờ bắt con cháu phải theo. Mà bác có theo đâu, ba có theo đâu, chẳng qua là làm dặm. Làm để vui vẻ tuổi già chứ có lợi lộc gì cho cam.

Thằng út nó phân vân, không biết bác Hai nghĩ gì, ba nó nghĩ gì. Nhà cửa không lo, sức khỏe không lo lại lo cái nghề chẳng thanh mà chẳng tục. Nó định nói thì anh nó cắt lời.

Thưa bác, thưa ba, lời dạy của bác của ba chúng con phần nào đã hiểu. Trước ông nội cắt khóa bằng đồng, bác cắt khóa bằng đồng, ba cắt khóa bằng đồng, chúng con bây giờ cắt khóa bằng cả khối óc và trái tim. Khối óc phải thông, trái tim phải tịnh. Không có chìa khóa nào bằng chìa khóa của lương tâm.

Thằng út hiểu ra. Nó làm nghề ký giả lâu nay, thông đường thạo lối, nhưng nó có ngờ còn một lối mà giờ nó mới tịnh yên.

*

*          *

Đồng hồ điểm số mười hai.

Trăng khuya, bến sông chảy trôi về miền u tịch. Đò ngủ, cá lặn lâu rồi. Lão Bội ngồi dậy, bắc nước làm gà. Bác Hai rón rén bước lại bàn thờ lầm rầm khấn vái, đốt lại nén nhang.

V.T.A


Quay về
VĂN
THÔN NỮ DÂU TẰM
TRỞ VỀ...
DUYÊN DÁNG GIÊNG HAI
NGHỀ CẮT KHÓA
SÓNG CỦA BIỂN
THƠ
BÓNG MẸ BÊN TRỜI
MẸ VÀ XUÂN
QUÊ NGOẠI
VÀ HƠI THỞ MẶT TRỜI
KHAI TÂM
VẤN XUÂN
BỖNG NHIÊN HOA SƯA
BỒI HỒI THÁNG GIÊNG
NGƯỜI XA QUÊ CÓ NHỚ LÀNG?...
MƯA THÁNG GIÊNG
ĐỨNG + KẺ TRỘM CHỮ
CHIM HÓT XANH VƯỜN MẸ + CỎ XANH
SẺ NÂU BAY XA + BẦY THIÊN NGA BAY ĐI
TRÔI + NGHĨ VỤN
VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI
NƠI KHÔNG THỂ QUAY ĐẦU LẠI
NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH
NGƯỜI " VỠ NÚI MỞ ĐƯỜNG" CHO VĂN HỌC NỮ VIỆT NAM
SỰ TƯƠNG ĐỒNG CỦA BỐN BÀI THƠ KHÁNG CHIẾN
TRỊNH SƠN - NGƯỜI VIẾT TRẺ
ĐÒ LÈN, TRÁI CHÍN TỎA HƯƠNG