|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: CHUYỆN NGUYÊN PHONG, CẢM NHẬN VÀ SUY NGẪM
Tác giả: Hà Văn


Tôi tình cờ đọc được Chuyện Nguyên Phong của Doãn Dũng trên Tạp chí Văn nghệ quân đội số 805. Lúc đó, truyện ngắn này chưa được trao giải thưởng. Với tôi, đã rất lâu rồi, trên các ấn phẩm văn học mà tôi đã được đọc thì một truyện ngắn đậm chất... truyện ngắn như Chuyện Nguyên Phong là rất hiếm gặp!

Truyện được xây dựng trên một kết cấu không mới. Nhưng cách chọn lọc, sắp xếp các chi tiết, tình huống truyện đan xen một cách khéo léo trên hai trục không gian - thời gian đã tạo được sự bất ngờ, lôi cuốn, hấp dẫn người đọc.

Nội dung truyện được diễn ra trên một không gian rộng: từ thành phố New York của nước Mỹ đến một nơi có hai chiếc cột điện gần nhau được căng mảnh áo tơi ở giữa che mưa nắng ở đất nước Việt Nam. Truyện được mở ra và khép lại đều là không gian của nước Mỹ nhưng nội dung chính của truyện hoàn toàn xảy ra ở đất nước Việt Nam. Chính cách tạo dựng không gian rộng và đan xen như vậy đã tạo được cái nền để làm nổi bật chủ đề của truyện, làm cho người đọc cảm nhận được sâu sắc hơn ý nghĩa của truyện.

Trên nền không gian, nội dung truyện được thể hiện qua các lát cắt thời gian được sắp xếp đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Mỗi sự việc được tái hiện và thể hiện qua các lát cắt đều rất gọn. Mới đọc qua, người đọc tưởng như rất mỏng, rất nhẹ bởi không nhiều chi tiết, không kể lể rườm rà nhưng đó là những lát cắt rất sắc, rất sâu và rất đau như cắt vào da thịt người đọc.

Các lát cắt trong truyện xoay quanh các cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nhiều nhất là cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc - một cuộc chiến tranh đang bị lãng quên theo cách nói của nhiều người.

Đầu tiên là lát cắt tái hiện thời chiến tranh chống Mỹ: Mùa hè năm bảy tư: Bố anh bị thương nặng, mất một lá phổi, bốn cái xương sườn và chân phải cưa trên gối.

Tiếp theo, lần lượt là các lát cắt tái hiện cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới:

Anh Cả tòng quân năm bảy tám... Anh Cả đóng quân trên Lạng Sơn, đi một mạch không về thăm nhà lần nào... Nửa năm sau có hai anh bộ đội tìm đến nhà. Hai anh bộ đội trao cho bố một chiếc ba lô còn mới, bên trong có một bộ quần áo cũng còn mới. Mẹ khóc tức tưởi: “Ối con ơi”. Bố không khóc nhưng mắt nhắm nghiền, khuôn mặt co rúm lại.

Anh Hai đi bộ đội năm tám ba... Anh Hai hi sinh ngày mười hai tháng bảy năm tám tư trong trận chiến giành lại những điểm cao bị quân xâm lược chiếm đóng tại mặt trận Vị Xuyên... Giọng kể của người lính đến trao di vật đều đều, buồn buồn như tiếng tụng kinh: “Trận đánh khốc liệt quá chú ạ. Cậu ấy ở trung đội cửa mở... đơn độc chiến đấu ở tuyến trên hy sinh chẳng còn ai. Mấy đêm sau chúng cháu mò vào chuyển tử sĩ ra mà không được”.

Năm tám bảy anh cũng nhập ngũ... Chiến tranh chưa thật sự kết thúc. Đồng đội anh vẫn ngã xuống, còn anh may mắn trở về... Năm chín mươi anh ra quân.

lát cắt mới nhất: Báo mạng tràn ngập các tin tức về Biển Đông. Tình hình mỗi ngày một căng. Anh vào Facebook. Không khí ở đó còn nóng hơn ngoài hiện trường. Đám thanh niên bình luận rôm rả, hừng hực như thể sẵn sàng xung trận đến nơi.

Qua những lát cắt ấy, nổi bật là nỗi đau chiến tranh được tái hiện qua hình ảnh người mẹ khóc tức tưởi... đổ sụp xuống, ngất lịm... rũ xuống như tàu lá chuối bị lửa táp...; qua hình ảnh một gia đình có bốn người đàn ông ra trận: một người trở về khi đã bị thương tật nặng, hai người vĩnh viễn không về và thân xác không biết nằm ở đâu, chỉ có một người may mắn trở về lành lặn.

Nhưng đâu phải chỉ là nỗi đau! Chiến tranh còn là nỗi ám ảnh. Nỗi ám ảnh khiến người mẹ phải làm đám giỗ sống khi tiễn người con trai út đi bộ đội. Là hình ảnh người bố run rẩy đưa bàn tay xương xẩu, móng tay két dầu mỡ, lần lần từ đầu đến chân anh. Dường như ông muốn kiểm tra lại một lần nữa cơ thể anh lành lặn không rồi mới yên tâm nhắm mắt.

Và nỗi ám ảnh ấy, đến tận bây giờ vẫn chưa thể nguôi ngoai: Hôm Trung Quốc đưa giàn khoan vào Biển Đông, mẹ gọi anh vào trong buồng... nhờ: “Bố mày mua giúp bà ít vàng”... Mẹ cười, sờ sờ vào bụng bảo: “Bà giắt cạp quần rồi. Sợ lúc chạy lại quên”.

Không! Đó không chỉ là nỗi đau, nỗi ám ảnh của một đời người, một gia đình mà là của cả một đất nước, một dân tộc, trải dài qua nhiều thế hệ người Việt Nam. Qua những lát cắt ấy, lòng người đọc không thể không nhói đau!

Viết về chiến tranh, nhất là chạm đến một vấn đề gai góc và nhạy cảm là cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc như Doãn Dũng là rất khéo. Tác giả đưa người đọc tiếp cận sự khốc liệt của chiến tranh - nhất là sự khốc liệt của chiến tranh biên giới phía Bắc bằng một lối đi riêng về quá khứ, mở cánh cửa thời gian dẫn dắt người đọc trải qua những tình huống, chi tiết... được chọn lọc rất kỹ để người đọc tự cảm nhận, chiêm nghiệm và suy ngẫm về những điều không thể lãng quên. Bên cạnh các chi tiết miêu tả hình ảnh người mẹ ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ mà người đọc thường gặp trong các tác phẩm văn học khác thì hình ảnh người bố run rẩy đưa bàn tay xương xẩu, móng tay két dầu mỡ, lần lần từ đầu đến chân anh. Dường như ông muốn kiểm tra lại một lần nữa cơ thể anh lành lặn không rồi mới yên tâm nhắm mắt là chi tiết có sức gợi tả sâu sắc. Đây là một chi tiết “nặng ký” tạo nên độ đằm, sâu của truyện khi diễn tả sự ám ảnh, mức độ khốc liệt của chiến tranh.

 

Cũng giống như nhiều truyện ngắn khác, Chuyện Nguyên Phong đã có một kết thúc có hậu. Nhưng điểm khác biệt của truyện ngắn này là kết thúc có hậu một cách bất ngờ nhưng cũng rất tự nhiên, không khiên cưỡng và gợi cho người đọc những liên tưởng, suy ngẫm sâu sắc được gợi lên ngay từ cái tên của truyện. Người đọc nhận ra cái kết thúc có hậu của truyện được gợi ra từ khi nhân vật chính nhận ra mình là kẻ hèn nhát. “Anh không dám đối mặt với chính anh, đang trốn chạy bản thân nên cố tin rằng có một bức tường như vậy. Mặt anh nóng bừng vì xấu hổ” và được kết thúc thật hoàn hảo khi thằng lớn ngập ngừng: “Bố! Con biết bố muốn gì rồi. Con xin lỗi bố. Nếu tình huống xấu xảy ra, con sẽ về nước nhập ngũ đấy”.

Không cần thêm một số chi tiết ở cuối truyện, chỉ cần dừng lại ở câu nói ngập ngừng của thằng lớn là truyện đã có một kết thúc hoàn hảo, là đủ để cho người đọc nhận ra chủ đề tư tưởng của tác phẩm mà tác giả đã dày công cài đặt qua các tình huống truyện.

Đọc Chuyện Nguyên Phong, nếu lướt qua bề nổi của truyện thì người đọc chỉ nắm bắt được tầng nghĩa hiển ngôn qua các câu chuyện về chiến tranh, chuyện con cái đi du học, dự định mua nhà ở Mỹ, chuyện của người cựu chiến binh Mỹ, xung khắc giữa thế hệ ông già âm lịch và thế hệ thanh niên đáng chán... Nhưng ý nghĩa sâu sắc nhất của Chuyện Nguyên Phong được phát lộhàm ý của truyện bởi một mạch liên kết ngầm. Mới đọc qua, tên truyện và quá khứ hào hùng, chiến công vang dội của dân tộc từ gần ngàn năm trước ngỡ chẳng ăn nhập gì với những sự việc diễn ra trong thời hiện đại. Nhưng với mạch liên kết ngầm kết nối giữa ý nghĩa của tên truyện với các chi tiết, tình huống truyện và vấn đề thời sự nóng bỏng của đất nước..., Doãn Dũng đã gửi đến người đọc một thông điệp có ý nghĩa sâu xa và vô cùng thiêng liêng.   

Từ câu nói ngập ngừng của thằng lớn, người đọc như được sống lại trong thời Nguyên Phong với Hào khí Đông A, như nghe được tiếng vọng thiêng liêng của lời thề Sát Thát thuở nào xen lẫn giai điệu hùng tráng của ca khúc Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình đã và đang vang lên khắp mọi miền đất nước trong những tháng ngày qua.

Chỉ cần dừng lại ở đây thôi thì Chuyện Nguyên Phong đã là một truyện ngắn hay nhưng Doãn Dũng đã làm được nhiều hơn thế.

Chuyện Nguyên Phong gợi cho chúng ta những suy ngẫm sâu sắc về sứ mệnh cao cả của văn học. Một tác phẩm văn học đích thực bao giờ cũng đề cập đến vấn đề mang tầm vóc thời đại, mang được hơi thở cuộc sống, góp phần định hướng tư tưởng, tình cảm cho quần chúng... Từ khi Biển Đông dậy sóng trước sự việc “quái vật Hải Dương 981” hiện diện trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam thì hàng loạt vấn đề được đặt ra: Tâm thế con người Việt Nam trước biến động thời cuộc? Suy nghĩ và hành động của thế hệ trẻ trước vận mệnh quốc gia? Sự kết nối truyền thống, sức mạnh dân tộc trong quá khứ và hiện tại? Thông điệp của nhân dân Việt Nam muốn gửi đến thế giới?...

Chuyện Nguyên Phong đã đặt ra và giải quyết những vấn đề lớn lao, trọng đại đó một cách nhuần nhuyễn, nhẹ nhàng, tự nhiên và giản dị nhưng thật sâu sắc. Truyện không sử dụng cách thức tuyên truyền, thuyết giáo nặng nề, không nhuộm đỏ ngôn ngữ, nội tâm, hành động... của nhân vật. Nội dung, chủ đề tư tưởng của truyện được thẩm thấu một cách tự nhiên vào tâm hồn theo mạch cảm xúc nên người đọc không hề có cảm giác nặng nề khi bị “lên lớp”. Người đọc như được truyền vào huyết quản một niềm tin mạnh mẽ, mãnh liệt về những thế hệ người Việt Nam, về lẽ sống và trách nhiệm của mọi con dân nước Việt trước sự trường tồn của quốc gia, dân tộc.

Ở một góc độ hẹp hơn, người đọc sẽ cảm nhận rõ nét hơn về chiến tranh Việt Nam, về người lính qua một thông điệp lặng lẽ và kín đáo được Doãn Dũng gửi đến người đọc qua hình ảnh người lính trở về từ cuộc chiến, trên mình mang nhiều thương tích: mất một lá phổi, bốn cái xương sườn và chân phải cưa trên gối. Người lính thuộc thế hệ vĩ đại nhất của đất nước từng ba lần được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ đã cất vốc huân chương trong chiếc hộp gỗ mốc meo... Chưa bao giờ đeo huân chương và kể về những câu chuyện này. Người đọc sẽ hiểu sâu sắc hơn về những người lính Việt Nam - những con người sẵn sàng cầm súng, xông trận chỉ vì một lẽ đơn giản: “...kẻ thù buộc ta ôm cây súng”.

*

*          *

Những ngày này, Biển Đông vẫn đang dậy sóng bởi Trung Quốc đang bồi đắp, xây dựng trái phép trên một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Không chỉ nhân dân Việt Nam mà cả thế giới đều biết những âm mưu, thủ đoạn, toan tính của giới lãnh đạo Trung Quốc. Nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc có biết nhân dân Việt Nam đang nghĩ gì và sẽ làm gì không?

Tôi có đọc một số truyện ngắn của văn học Trung Quốc - trong đó có truyện ngắn của Mạc Ngôn - viết về cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam. Tôi lại nghĩ lẩn thẩn và đặt ra câu hỏi vu vơ: Liệu giới lãnh đạo Trung Quốc có đọc được Chuyện Nguyên Phong không nhỉ? Và nếu đọc, làm sao họ có thể quên Bạch Đằng, Hàm Tử, Chương Dương...? Chắc chắn họ sẽ không quên “Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô. Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã”, không quên cảnh Thoát Hoan phải chui trong ống đồng để trốn chạy về nước...

*

*          *

Với Chuyện Nguyên PhongÂm thanh của ký ức, Doãn Dũng đã được trao giải Nhì tại cuộc thi truyện ngắn 2013-2014 do Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức. Chuyện trao giải và cảm nhận văn chương là hai phạm trù không thể đem ra so sánh. Nhưng một khi đã dấn thân vào mảng đề tài gai góc, không kém phần nhạy cảm và để lại ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc qua cách viết rất riêng của mình, thì theo tôi, Doãn Dũng đã hoàn thành được sứ mệnh cao cả của người cầm bút.

H.V

Quay về
VĂN
CHUYỆN NHỎ CỦA MỘT THỜI VÀ CỦA MỘT ĐỜI
GIẤC MƠ NÚI
TẤM THẺ NHÂN CÁCH
VỀ THĂM MẸ
NGOÀI MỌI QUY LUẬT
LÃO VẠN
THƠ
NGÀY BẠN TÔI KHÔNG VỀ
NHỮNG NGƯỜI LÍNH TRẬN
TRONG KHOẢNH KHẮC LẶNG YÊN
CÂU HÁT CŨ
CHIỀU ĐÔNG
KHI TA ĐÃ LÀ NHỮNG CƠN MƯA
KHÔNG MÙA
NÓI VỚI GIỌT SƯƠNG MAI
CAO NGUYÊN TÔI VÀ...
KHÓI + NHỮNG BÌNH VÔI ĐÃ BỂ
TẠC TƯỢNG ĐÊM + ÁP ĐẶT
MÀU HY VỌNG + THÀNH PHỐ ĐI LẠC
BÓNG THỜI GIAN + GIẤC MƠ MÀU DIỆP LỤC
HOAN CA + TRỞ VỀ
KHÁT MÙA + TIẾNG GỌI XANH
KHÚC SANG MÙA + THU BỒN, EM VÀ ANH
DÒNG CHẢY VĂN HÓA
MỘT SỐ PHONG TỤC CỦA NGƯỜI CƠ TU
NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH
NHÂN VẬT DẸT TRONG TRUYỆN KIỀU
MỘT GÓC NHÌN VỀ NGƯỜI LÍNH HẬU CẦN
CHUYỆN NGUYÊN PHONG, CẢM NHẬN VÀ SUY NGẪM
VĂN HỌC - HỌC VĂN
TIẾNG THƠ AI ĐỘNG ĐẤT TRỜI