|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: GIẤC MƠ NÚI
Tác giả: Ngô Thị Thục Trang


Sinh ra từ núi, lớn lên dưới chân núi. Núi là một phần đời của tôi. Một phần đời mà tôi tin rằng, sau này về già, khi trí nhớ đã bị thời gian và những thăng trầm cuộc sống quệt lên chồng chất vết mờ, khi bao điều đã nhòa vào nhau thì phần sáng nhất trong mớ hỗn độn đó sẽ vẫn là tuổi nhỏ thần tiên tôi sống dưới sự chở che của núi.

Từ núi, mọc lên đỏ rực loài hoa dại, dẫu đất trời thâm u bao ngày không thấy nắng. Ba tôi đặt tên tôi theo loài hoa ấy, để mong tôi lúc nào cũng tươi tắn, rạng rỡ, dù đất cằn sỏi đá hay bão tố phong ba. Từ núi, những câu chuyện huyền bí theo những chuyến đi của ba đi vào ngôi nhà nhỏ. Chuyện về Ông Ba Mươi lúc nào ba kể, tôi cũng nghe lạnh dọc sống lưng, đến nỗi không dám quay nhìn lại đằng sau. Chuyện về những cây cổ thụ biết nói tiếng người, đêm đêm cứ xạc xào ai đó hát ru con.

Những chuyến đi của ba làm chúng tôi thắc thỏm. Ba đi từ sáng sớm khi gà còn chưa gáy với cục cơm nắm trong lá chuối cùng gói muối mè mẹ làm, đặt cẩn thận trong chiếc túi làm bằng vải bố, và thường trở về vào lúc trời tối muộn. Những đêm ba về muộn, mẹ sốt ruột đi ra đi vào. Chúng tôi đi ngủ rồi, mẹ vẫn chong đèn thức đợi. Đêm ở núi, bao nhiêu là bất trắc. Ba kể, sợ nhất là mưa núi, nước ầm ầm trút xuống, nấp vào đâu cũng ướt chèm nhem. Mưa xong trời đã tối, chẳng tìm thấy lối ra, lúc ấy thứ quý nhất là chiếc la bàn nhỏ. Người đi núi nào cũng mang theo một chiếc la bàn, và một chiếc đèn pin. Tôi còn nhớ như in, chiếc đèn pin của ba, bỏ vừa hai cục pin hiệu Con Ó, tôi thường lén ba cầm ra vườn chè soi ve ve vào những đêm hè, thay vì cầm đèn dầu, cho sang.

Núi trong tôi là thế đó, chỉ là lời kể của ba, nhưng sống động vô cùng, như thể tôi có đi cùng ba vào tận núi sâu. Cũng kì lạ, nhà tôi cách một ngọn đồi là đến núi, nhưng tôi chưa bao giờ đặt chân vào núi. Nơi xa nhất về hướng núi tôi từng đi là Bằng Sim. Đó là một thung lũng nhỏ, bạt ngàn sim, tôi nghe nói về nó nhiều từ những người vẫn thường đội những mủng sim đầy ngang ngõ nhà tôi khi hoàng hôn đổ bóng. Tôi luôn ao ước một lần vào đó.

Mùa hè năm ấy, tôi đã học cấp hai, anh Hai về nghỉ hè, mấy anh em quyết phải vào Bằng Sim một lần cho thỏa. Băng qua những rẫy chè, rồi đồi bạch đàn cây cao ngút mắt, qua chập chùng ụ cao dốc thẳm, cuối cùng, anh em tôi đã đến được Bằng Sim. Tôi hét lên sung sướng, và loay hoay mãi chẳng biết bắt đầu hái sim từ cây nào trước, vì ở đấy quá - nhiều - sim. Cây thấp cây cao, cây nào cũng trĩu trái, trái nào trái nấy múp máp, căng tròn, đen óng, nhìn thôi đã thấy no rồi. Chiều đó, tôi kiêu hãnh đội mủng sim của mình về, để sáng hôm sau cùng bé Nhỏ đội ra chợ, ngồi đong bán từng lon. Đó cũng là lần duy nhất tôi vào Bằng Sim, lần duy nhất tôi đi bán sim. Bây giờ, nghe kể, Bằng Sim đã không còn, người ta đã chặt hết sim để lấy đất trồng keo lá tràm.

Chưa bao giờ vào núi. Nhưng, tình yêu tôi dành cho núi là một thứ tình cảm thiêng liêng. Bởi với tôi, núi như là một tín hiệu của bình yên. Giả dụ, một buổi sáng thức dậy, bỗng không thấy núi đâu, lòng tôi chắc hẳn sẽ bất an hơn nhiều. Tôi đã quen có núi ở bên mình. Ngồi trên giường, mở cửa sổ đã nhìn thấy núi với những bóng mây trải rộng. Đàn cò trắng chiều nào cũng bay ngang nhà tôi về phía núi. Sáng sớm, ngay đầu hè nhà tôi đã rầm rì tiếng nói cười của những người đi núi. Chiều chiều, đàn trâu nhà ai cũng thậm thịch đi qua con đường nhỏ ấy về chuồng. Tôi chơi nhảy lò cò trên sân, khi ngửa mặt để vói tay về phía sau mò cho được mảnh sành, bỗng thấy một trời ráng đỏ. Mặt trời trên đường đi về bên kia núi, bỗng bừng lên thứ sắc màu đầy mê hoặc. Đỉnh Hòn Cối lúc ấy đẹp nghiêm trang dưới nền là những dải mây hắt đỏ bồng bềnh.

Tôi xa núi năm mười bảy tuổi, mỗi khi nhớ nhà lại ngước mắt về hướng Tây, tìm hai chiếc cối úp cạnh nhau sau những dãy nhà cao tầng của phố. Quê người cũng có núi, nhưng không bao giờ có hai chiếc cối úp cạnh nhau bền bỉ chẳng rời. Đỉnh Hòn Cối, mỗi lần tôi về, dù còn cách nhà xa lắm, chỉ cần thấy xa xa hai chiếc cối đá ấy, là coi như ngõ quê ở kia rồi, giờ chỉ còn bước những bước điềm nhiên. Như ngày nhỏ, dễ gì được đi xa, nhưng mỗi khi đi đâu, ngồi trên xe đò hay xuôi ca nô về phố, chỉ cần ngoái về hướng núi, vẫn thấy hai chiếc cối ấy, là lòng yên tâm như ở nhà.

Tôi có một giấc mơ núi, sau này, khi về già, tôi sẽ dựng một căn nhà nhỏ ở quê xưa, Đại Lộc, Quảng Nam, để sáng mở cửa nhìn nắng yếu ớt bò lên ngọn đồi phía sau nhà, chiều bắc ghế ngồi nhìn hoàng hôn vẽ bức tranh quê huyền ảo nơi đỉnh Hòn Cối. Để đêm đêm, núi thầm thĩ vào tôi bao chuyện cũ càng.

Núi không phải của riêng tôi, nhưng trong tôi, có núi của riêng mình.

N.T.T.T


Quay về
VĂN
CHUYỆN NHỎ CỦA MỘT THỜI VÀ CỦA MỘT ĐỜI
GIẤC MƠ NÚI
TẤM THẺ NHÂN CÁCH
VỀ THĂM MẸ
NGOÀI MỌI QUY LUẬT
LÃO VẠN
THƠ
NGÀY BẠN TÔI KHÔNG VỀ
NHỮNG NGƯỜI LÍNH TRẬN
TRONG KHOẢNH KHẮC LẶNG YÊN
CÂU HÁT CŨ
CHIỀU ĐÔNG
KHI TA ĐÃ LÀ NHỮNG CƠN MƯA
KHÔNG MÙA
NÓI VỚI GIỌT SƯƠNG MAI
CAO NGUYÊN TÔI VÀ...
KHÓI + NHỮNG BÌNH VÔI ĐÃ BỂ
TẠC TƯỢNG ĐÊM + ÁP ĐẶT
MÀU HY VỌNG + THÀNH PHỐ ĐI LẠC
BÓNG THỜI GIAN + GIẤC MƠ MÀU DIỆP LỤC
HOAN CA + TRỞ VỀ
KHÁT MÙA + TIẾNG GỌI XANH
KHÚC SANG MÙA + THU BỒN, EM VÀ ANH
DÒNG CHẢY VĂN HÓA
MỘT SỐ PHONG TỤC CỦA NGƯỜI CƠ TU
NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH
NHÂN VẬT DẸT TRONG TRUYỆN KIỀU
MỘT GÓC NHÌN VỀ NGƯỜI LÍNH HẬU CẦN
CHUYỆN NGUYÊN PHONG, CẢM NHẬN VÀ SUY NGẪM
VĂN HỌC - HỌC VĂN
TIẾNG THƠ AI ĐỘNG ĐẤT TRỜI