|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: CHUYỆN NHỎ CỦA MỘT THỜI VÀ CỦA MỘT ĐỜI
Tác giả: Nguyễn Bá Thâm


(Tiếp theo kỳ trước)

Trong 4 năm đi-sống và viết mà tuổi trẻ chúng tôi nếm trải, từng bước trưởng thành trên “khúc ruột miền Trung” đầy máu lửa ấy, biết bao nhiêu kỷ niệm vui-buồn, có những kỷ niệm êm dịu thoáng qua, có những kỷ niệm quặn thắt đọng lại, nhưng dù đã hơn 40 năm mà giờ vẫn tươi rói, nguyên vẹn trong ký ức của tôi. Xin được ghi lại mấy mẩu chuyện mà tôi cho là “chuyện nhỏ của một thời và của một đời”, trong đó tôi xin kể hai mẩu chuyện về Nguyễn Hồng - người bạn khi gặp nhau ở cứ hay viết thư cho tôi thường xuyên: “Đi phía trước, về vùng sâu, nhớ đừng có liều nghe mày...”. Nhưng tôi đã sống thêm được hơn 40 năm. Còn Nguyễn Hồng lại “liều” để rồi ngã xuống, vĩnh viễn nằm lại đất Điện Bàn ở tuổi 25.

2. “NGỌT LẮM ĐÓ, CHÚNG MÀY UỐNG ĐI!”

Ở văn phòng Ban Tuyên huấn Khu ủy 5, vừa làm nhà, vừa chỉnh huấn được khoảng 1 tuần, đầu tháng 7 văn phòng điều các anh Huy, Kiên, Song, Thành, Nô, Hởi, Hồng, Bảo và tôi - những người không sốt rét, đau yếu, có sức khỏe tốt, đi cõng gạo. Điểm đến là làng Tu Du, xã Cang (nay là xã Trà Cang, huyện Nam Trà My). Cung đường cả đi lẫn về non 4 ngày. Anh Sơn - nhân viên văn phòng làm trưởng đoàn, tuổi trạc ba mươi, người thấp đậm, rắn chắc. Đêm trước ngày lên đường, anh Sơn dặn chúng tôi mượn thêm bình đông để mang thêm nước uống. Anh cho biết, cung đường này phải đi trên đỉnh núi cao, mất gần một ngày đường, không hề có khe suối; lại đang giữa mùa hè, trời rất hanh, khô, nóng bức. Được lệnh đi gùi gạo, 9 anh em chúng tôi mừng ra mặt, răm rắp chuẩn bị soong, hăng-gô, tăng võng, gùi dây rất cẩn thận. Chúng tôi mừng vì trong 4 ngày tới, chúng tôi được ăn cơm - không ghế sắn (độn sắn) và sẽ được ăn no. 5 giờ sáng, sau bữa cơm chắc bụng, chúng tôi bắt đầu ngược dốc. 5 giờ chiều, đến một trạm nghỉ dọc đường, mọi người dừng chân. Người đi kiếm củi, vò-đãi gạo nấu cơm, người lo căng tăng, mắc võng. Trong lúc tôi, Hồng và Bảo làm khung buộc võng, mắc tăng cho ba đứa vừa xong, bỗng Hồng la to: “Có cái lon sữa” và Hồng nhặt lên ngắm nghía. Hóa ra chỉ là vỏ một lon sữa màu đỏ - hiệu Ông Thọ, trống rỗng. Nhưng Hồng vẫn cầm vỏ lon sữa mân mê. Rồi Hồng bật nắp lon, dùng nước trong bi đông đổ vào vỏ lon sữa, lắc nhẹ. Tráng rửa qua loa lớp bụi lá bám trong lon sữa, Hồng lại dùng nước bi đông đổ vào lon sữa và dùng một nhánh cây nhỏ miết nhẹ vào đáy lon. Xong đâu đó, hắn ta ghé vào miệng nhấp nhấp. Bất ngờ Hồng reo lên: “Ngọt lắm đó, chúng mày uống đi”. Tôi và Bảo nghe lời Hồng, nhấp mỗi đứa một ngụm. Có vị ngọt và mùi sữa bò thật nhưng lại tanh hôi mùi rỉ sắt. Chắc cái vỏ lon sữa này, ai đó đã vứt ở trạm nghỉ cả tháng trời. Dẫu sao tôi và Bảo cũng gật đầu khen ngọt. Đã gần hai tháng trời, từ trước khi vượt qua đường 9 ở Sê Pôn (Lào), anh em trong đoàn chúng tôi không một ai giữ lại được một chút đường. Nhiều người vì sức yếu, còn vứt cả mắm khô, xì dầu cô đặc, xà phòng v.v..., chỉ còn giữ lại cho mình ít muối, thuốc sốt rét và thuốc bổ Pôlyvitamin, quần áo, tăng-võng. Ngày này tiếp ngày kia, vượt hết núi này đến vực nọ, cứ cao vời vợi, sâu hút, thiếu rau, không có thịt cá..., sức ai nấy cứ cạn dần, có người cứ tựa vào cây gậy, bước từng bước một...

Bây giờ, tôi và Nguyễn Bảo có nhiều dịp được gặp nhau khi ở Hà Nội, khi ở Đà Nẵng, Quảng Nam. Lúc không gặp mặt nhau, nhớ thì lại “alô” hỏi thăm nhau, ôn lại chuyện xưa như để nhắc mình. Sau chuyến đi cõng gạo ở Tu Du về, tôi, Bảo, Nguyễn Hồng lại được văn phòng Ban cử đi cõng sắn lát ở nóc ông Giang dưới sông Leng. Cung đường đi cõng sắn, một ngày đi, một ngày về thong thả. Hôm nhận sắn xong, trên đường trở về, đến dốc bệnh viện I, ba anh em chúng tôi dừng nghỉ để “ăn cơm trưa”. (Thường gọi là dốc bà Phi Phi. Chị Phan Thị Phi Phi là chị nuôi nhà văn-liệt sĩ-Anh hùng LLVT Chu Cẩm Phong - Trần Tiến; nguyên Giám đốc bệnh viện I Khu ủy 5. Sau này chị là giáo sư-tiến sĩ y khoa, công tác tại Bộ Y tế). Vừa mở gói cơm-độn sắn đen sì, thì có một anh cán bộ - không quen biết, cũng vừa lên tới đỉnh dốc và đặt gùi ngồi nghỉ. Thấy vậy, Nguyễn Hồng liền mời anh ta cùng ăn cơm. Rất mau lẹ, anh ấy mở gùi, lấy chén (bát), thìa, vừa sẻ cơm, vừa ăn vừa rối rít cảm ơn. Hết cục cơm, anh ta bỏ chén vào gùi, buộc cẩn thận và lại cảm ơn rồi xuống dốc lanh lẹ. Cả ba chúng tôi trố mắt nhìn theo, cảm thấy lạ. Cục cơm trưa của ba đứa chỉ có một lon gạo độn sắn, lớn hơn một vốc tay, nếu ba đứa ăn vẫn còn lưng bụng. Thế mà tự dưng lại thêm miệng ăn thứ tư. Chúng tôi mời cho có phép lịch sự, ai ngờ. Nghe tôi cằn nhằn, Hồng vỗ về: “Chắc anh ấy đói lắm. Thôi, bỏ qua”. Tối hôm đó, bọn tôi kể lại cho anh Đặng Minh Phương, anh Hoàng Trà. Nghe chuyện, anh Hoàng Trà cười, chửi khéo: “Rứa là bọn mày ngu. Ai bảo bọn mày mời. Ở Quảng Nam, người ta đã mời là phải ăn. Không ăn thì lại bảo chê. Các cậu mới vào, còn lạ cái, lạ nước, phải học hỏi nhiều đó nghe. Đấy là chưa kể, cả khu căn cứ hiện thời đang đói quáng mắt đó các cha nội”. Rứa là thêm một bài học ở chiến trường. Và chúng tôi càng nhận biết rõ hơn về tâm tính của người bạn cùng lớp, cùng chiến trường. Nguyễn Hồng luôn thương người và sẵn sàng san sẻ cho bạn cái mà mình có lúc khó khăn.

3. “CHÚNG MUỐN VÀO ĐÂY... THÌ PHẢI BƯỚC QUA XÁC CHÚNG TÔI”

Cái tính xông xáo, liều lĩnh của Nguyễn Hồng như là phẩm chất sống của anh. Hồi học ở lớp Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, anh em trong lớp đã gọi Nguyễn Hồng là “Hồng vệ binh” (Từ ăn-nói, học hành, lao động, ứng xử, Hồng luôn là người sôi nổi, hăng hái, nghiêm túc. “Hồng vệ binh” là các bạn chọc khóe, ví Nguyễn Hồng như lớp thanh niên Trung Quốc trong “cách mạng văn hóa” ở đất nước này trong những năm sáu mươi). Lần đầu vào chiến trường đi thực tế, mùa xuân năm 1972, anh từng mặc độc chiếc quần đùi, dùng lá cây trộn nhọ nồi, bôi đen người để theo bộ đội đặc công của Sư đoàn 3 (Sư đoàn Sao Vàng - Quân khu 5) lên đánh chiếm một chốt điểm của địch nằm trên đường 19 - con đường nối Quy Nhơn với Pleiku và Tây Nguyên (Sau này anh viết ký sự Đêm cao điểm, tặng thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1974. In trong tuyển Văn miền Trung thế kỷ XX, tập 2, NXB Đà Nẵng-1998). Sau Hiệp định Paris (28/1/1973), vùng giải phóng ở Quảng Đà bị địch lấn chiếm vô cùng ráo riết và quyết liệt. Do không nắm vững, quán triệt sự chỉ đạo của Khu ủy 5 về việc “thi hành Hiệp định”, nhiều nơi cán bộ, du kích dao động, hoang mang trước các luận điểm “hòa bình trong tầm tay”, “địch chiếm hay ta chiếm” và trước các cuộc đánh phá “tràn ngập lãnh thổ” của địch, nên có nơi đã bỏ các “căn cứ lõm”, rút chạy lên các vùng ranh. Tháng 6/1973, Nguyễn Hồng và Nguyễn Bảo xin đi Quảng Đà -vùng đất “khắc tinh” với các văn nghệ sĩ Khu 5- vì năm nào cũng có các văn nghệ sĩ Khu 5 hy sinh tại đây. Nguyễn Bảo đi Bắc Hòa Vang, về sống với đại đội 2 công binh anh hùng - đơn vị đặc trách nhiệm vụ đánh phá con đường đèo, đường sắt qua đèo Hải Vân. Nguyễn Hồng về Đại Lộc, bám các xã vùng B - nơi du kích các xã và bộ đội huyện đang đánh nhau ác liệt với bọn địch lấn chiếm để giữ đất, giành dân. Đến tháng 10/1973, các anh được triệu tập về Quân khu để vào đợt chỉnh huấn. (Đây cũng là mùa mưa lũ ở Nam miền Trung, các hoạt động quân sự của ta ở vùng đồng bằng ven biển gặp nhiều trở ngại, hạn chế. Và mùa mưa ở căn cứ thường mở các đợt chỉnh huấn để chuẩn bị cho chiến dịch Xuân-Hè, Hè-Thu năm sau). Nhận điện nhưng Nguyễn Hồng không về Quân khu mà anh viết thư về Ban xin được xuống Điện Bàn - nơi bộ đội huyện và du kích các xã vùng Bắc sông Thu Bồn đang chiến đấu với bọn địch để giành lại dân và đất. Anh được Ban chỉ huy Huyện đội đưa xuống đại đội 3 của huyện, đóng tại thôn 5, Điện Xuân (thuộc làng Đa Hòa, xã Điện Hồng hiện nay). Xuống với đại đội 3 bộ đội huyện, Hồng đã đổi khẩu súng K54 để lấy khẩu CKC cải tiến (loại súng trường bộ binh của Liên Xô, hộp đạn 12 viên, bắn liên thanh) rồi ra nằm ngoài chốt với các chiến sĩ. Chiều ngày 02/12/1973, Nguyễn Hồng viết thư gửi cho Chính trị viên Huyện đội - Nguyễn Hợi. Thư anh viết kín hai trang giấy carô khổ 20cm x 30cm. Hồng nói rõ về âm mưu của địch lùa dân ở các khu dồn đi phát quang những khu vườn hoang ven sông mà chúng nghi có dân trở về trụ bám, có bộ đội, du kích ẩn náu, với ý đồ làm chủ khu vực bờ Bắc sông Thu Bồn, cắt đứt tuyến hành lang của ta từ căn cứ Hòn Tàu về Hòa Vang, Đà Nẵng qua khu Gò Nổi. Khi đánh giá về tình hình tư tưởng của cán bộ địa phương, lời anh nói gay gắt và quyết liệt: “...Cần phải định nghĩa lại cho Xã ủy, Xã đội..., rằng tránh càn chứ không phải chạy càn...”. Cuối thư Hồng kết: “Sáng nay bọn địch từ bên kia bàu bà Mau kéo quân qua định tập kích vào đội hình C3, nhưng chúng đã vấp phải mìn bố phòng của đơn vị, hai thằng chết tại chỗ, có mấy thằng bị thương (thấy chúng khiêng 5-6 cáng, ở trên dốc ông Tình nhìn rất rõ). Chúng lại lui về bên kia bàu bà Mau... Ngày mai nếu chúng vào được thôn 5 Điện Xuân thì trước hết chúng phải bước qua xác tụi tôi...”. Nghiệt ngã thay, sáng hôm sau, bọn địch không đột kích qua ngả bàu bà Mau mà ngay trong đêm 02/12, chúng lại men theo bờ Bắc sông Thu Bồn từ hướng xã Lộc Hưng xuống (nay là xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc). Và 10 giờ sáng ngày 03/12/1973, chúng nổ súng từ phía sau tuyến chốt của đại đội 3 - nơi Nguyễn Hồng và các chiến sĩ đại đội chốt giữ.

Các chốt điểm của đại đội 3 bị địch đánh tập hậu bất ngờ, không kịp ứng phó, đành phải vọt khỏi công sự rút chạy. Tường - đại đội phó, cũng kéo Nguyễn Hồng lên khỏi công sự, chạy tạt về hướng bàu bà Mau. Chạy được một đoạn xa, khi không thấy đạn AR15, đạn cối cá nhân, M79 cắm theo mình, Tường dừng lại nhưng không thấy Nguyễn Hồng bám sau. Bất ngờ từ phía vườn chuối hoang, cách chỗ Tường chừng vài trăm mét, nằm sát tuyến chốt đại đội 3, tiếng súng CKC từng loạt hai phát một, nổ đanh gọn, chói chát. Tiếng súng đánh trả của Nguyễn Hỗng. Tường biết vậy, vì ở C3 chỉ có Nguyễn Hồng dùng súng CKC cải tiến. Cùng lúc tiếng đại liên cực nhanh M60, cối 60, M79, AR15 của địch châu vào vườn chuối trút đạn. Khoảng 15 phút sau, tiếng súng các loại im bặt. Trưa và suốt chiều hôm đó, anh Hợi đã cử các tổ trinh sát tiếp cận khu vực vườn chuối hoang để mong tìm được Hồng, nhưng bị địch phong tỏa quá chặt. Cuối chiều hôm đó, bọn địch bắt dân đi phát quang khiêng một xác “cán binh Việt cộng”, “một nhà báo” về đồn ngã ba Trùm Giao - nơi đặt sở chỉ huy của tiểu đoàn bảo an 145B (do cơ sở ở Điện Văn báo). Tất cả tư liệu về cái chết của Nguyễn Hồng, cùng lá thư, do anh Nguyễn Hợi cung cấp cho tôi tại Hội nghị Tổng kết chiến tranh nhân dân của Tỉnh đội Quảng Đà (Mặt trận 4) khai mạc ngày 10/12/1973 ở khe Điêng - nơi đóng quân của Đặc Khu ủy Quảng Đà và Bộ Tư lệnh Mặt trận 4 (nay thuộc thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) tức là chỉ 7 ngày sau khi Hồng hy sinh. Nghe anh Hợi kể và đọc thư Hồng viết cho anh Hợi, tôi đã khóc rống lên. Tối hôm ấy, tôi mang thư Hồng sang Y10 đóng ở khe Dung (Bệnh viện Đặc khu Quảng Đà) và kể chuyện cho Hoài Thương, Thanh Phong, Hoa, Sáu -những cô y sĩ- quê Quảng Đà, ra miền Bắc, thực tập tại bệnh viện E (Chèm - Hà Nội) mà Nguyễn Hồng quen thân thời Hồng học ở lớp viết văn phục vụ chiến trường tại Quảng Bá, khi Hồng lên bệnh viện khám chữa bệnh. Biết Hồng hy sinh, các cô gái đã òa khóc nức nở. Cũng trong ngày, tôi đã viết thư - chép cả thư của Nguyễn Hồng gửi cho anh Hợi, về cho nhà văn Nguyên Ngọc -Thủ trưởng của Hồng- Trưởng Ban Văn học Quân khu 5, Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ. Mùa xuân 1975, khi tham gia chiến dịch giải phóng quận lỵ Tiên Phước, thị xã Tam Kỳ, tôi gặp lại Nguyễn Bảo trên đường Bảo hành quân cùng Lữ đoàn đặc nhiệm 52 ra giải phóng Đà Nẵng. Trong lúc trò chuyện, chúng tôi cứ nhắc mãi về Hồng, về đức tính quyết liệt, một mất một còn với kẻ thù và tình yêu của Hồng dành cho mảnh đất Quảng Đà. Chúng tôi cũng khuyên nhau chớ có sống quá liều như Hồng... Bởi cuộc chiến đấu chưa biết lúc nào kết thúc.

Bây giờ hài cốt của Nguyễn Hồng đã được quy tập về yên nghỉ ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn. Cứ vào ngày Hồng hy sinh (03/12 tức ngày 09/11 Âl), ngày tết Nguyên đán, ngày giải phóng Quảng Nam, Đà Nẵng, ngày Nhà báo Việt Nam, ngày Thương binh-Liệt sĩ, tôi đều đến thăm Hồng. Nguyễn Hồng sinh ngày 20/11/1948 (học bạ khai sinh 1950), hy sinh ngày 03/12/1973, tuổi Hồng vừa tròn 25 - cái tuổi mà trong đám chúng tôi chưa ai dựng vợ, gả chồng. Cứ mỗi lẫn đến nghĩa trang thăm Hồng, với nén nhang, những bông hồng vàng, tôi đặt lên mộ Hồng thêm một lon sữa hiệu Ông Thọ. Hồi học ở khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, Nguyễn Hồng rất mê tác phẩm Bông hồng vàng của Pautốpxki. Còn lon sữa bò hiệu Ông Thọ là để nhớ lại một thời gian khổ cùng cực mà chúng tôi từng chịu đựng.

4. KHÁT VỌNG VÀ TRƯỞNG THÀNH

70 học viên viết văn khóa 4 - khóa phục vụ chiến trường do Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam đào tạo vào cuối năm 1970 (ngoài ba học viên nước bạn Lào) đều được đưa vào chiến trường miền Nam. Trong số đó chỉ 7 người được đưa về Khu Trị-Thiên và Khu 6, còn lại đều tập trung vào Trung ương Cục và Khu 5. Vào chiến trường, hầu hết các học viên được đưa về Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam, Hội Văn nghệ Giải phóng Trung bộ hoặc về công tác tại các báo, đài phát thanh Giải phóng khu vực. Một số rất ít được đưa về công tác tại Ban Tuyên huấn, Văn phòng Khu ủy hoặc ngành Giáo dục. Trong 4 năm ở chiến trường đã có 3 người hy sinh: Nguyễn Văn Long (Ngữ văn - khóa 11), Nguyễn Văn Kim (khoa Sử - khóa 12) - cả hai anh đều hy sinh ở chiến trường B2 - Nam bộ. Còn Nguyễn Hồng (Ngữ văn - khóa 12), hy sinh tại Quảng Đà - chiến trường Khu 5. Với lý tưởng và khát vọng tuổi trẻ, lại được đào tạo bài bản, chu đáo, vì thế hầu hết các học viên lớp viết văn chúng tôi những năm sống ở chiến trường đều nhanh chóng hòa nhập vào cuộc chiến đấu anh hùng của nhân dân miền Nam. Nhiều anh chị em chúng tôi đã có nhiều tác phẩm văn học, báo chí có tác động mạnh mẽ, góp phần phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Sau năm 1975, nhiều học viên viết văn khóa 4 phục vụ chiến trường đã trở thành những cán bộ lãnh đạo của Đảng (anh Phạm Quang Nghị hiện là Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hà Nội; anh Nguyễn Đức Hạt, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Phó Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương khóa X; anh Phan Xuân Biên - nguyên Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tư tưởng nay là Ban Tuyên giáo thành phố Hồ Chí Minh). Nhiều học viên trở thành Tổng Biên tập báo Đảng của các tỉnh, thành hoặc báo ngành Trung ương (nhà báo Ngô Xuân Úynh - nguyên Tổng Biên tập báo Quảng Trị, nhà thơ Dương Trọng Dật - nguyên Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải phóng, nhà báo Ngô Quy Nhơn - nguyên Tổng Biên tập báo Quảng Nam-Đà Nẵng và báo Đà Nẵng, nhà báo Trần Trung Kiên - nguyên Tổng Biên tập báo Bình Định, nhà báo Đoàn Tử Diễn - Tổng Biên tập Báo ảnh Thông tấn xã Việt Nam, v.v...). Nhiều học viên trở thành giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ giảng dạy hoặc trở thành cán bộ nghiên cứu, cán bộ lãnh đạo tại các trường đại học, tại các viện khoa học xã hội, v.v... (anh Trần Đức Cường nguyên Viện trưởng Viện Sử học, anh Phan Xuân Biên hiện là Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam).

Điều rất đáng mừng là trong số các học viên lớp viết văn phục vụ chiến trường ấy đã có rất nhiều anh chị em vẫn bám theo nghề và đã có 13 người trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. (Gồm các nhà thơ: Trần Vũ Mai (Vũ Xuân Mai), Đỗ Nam Cao, Ngô Thế Oanh, Vũ Ân Thi (Vũ Xuân Khoa), Dương Trọng Dật, Hà Phương (Đỗ Thị Thanh); các nhà văn: Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Lê Quang Trang, Trần Thị Thắng, Vũ Thị Hồng, Nguyễn Bá Thâm. Trong đó, đại tá quân đội-nhà văn Nguyễn Trí Huân hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (khóa VIII, khóa IX); nhà văn-nhà phê bình văn học Lê Quang Trang - nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - khóa VIII, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Tp. Hồ Chí Minh; đại tá -nhà văn Nguyễn Bảo - nguyên Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội; đại tá-nhà văn Vũ Thị Hồng - nguyên Trưởng ban Công tác nữ Quân đội. Có ba nhà văn: Nguyễn Khắc Phục, Triệu Bôn (Lê Văn Sửu) và Nguyễn Trí Huân đã được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Sân khấu và Văn học. Nhiều tác phẩm văn học viết về đề tài chiến tranh cách mạng của các nhà văn khóa phục vụ chiến trường năm 1970 đã có những đóng góp xứng đáng vào nền văn học nước nhà.

Đã hơn 40 năm trôi qua, hầu hết các học viên viết văn khóa phục vụ chiến trường của Hội Nhà văn Việt Nam đã và đang vào tuổi “cổ lai hy”. Mỗi khi có dịp gặp nhau, họ đều tự hào khẳng định: Tất cả đều thực hiện trọn vẹn hoài bão, khát vọng của mình để đứng vững và trưởng thành qua chiến tranh và trong công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

N.B.T



(*) Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Đất Quảng.


Quay về
VĂN
CHUYỆN NHỎ CỦA MỘT THỜI VÀ CỦA MỘT ĐỜI
GIẤC MƠ NÚI
TẤM THẺ NHÂN CÁCH
VỀ THĂM MẸ
NGOÀI MỌI QUY LUẬT
LÃO VẠN
THƠ
NGÀY BẠN TÔI KHÔNG VỀ
NHỮNG NGƯỜI LÍNH TRẬN
TRONG KHOẢNH KHẮC LẶNG YÊN
CÂU HÁT CŨ
CHIỀU ĐÔNG
KHI TA ĐÃ LÀ NHỮNG CƠN MƯA
KHÔNG MÙA
NÓI VỚI GIỌT SƯƠNG MAI
CAO NGUYÊN TÔI VÀ...
KHÓI + NHỮNG BÌNH VÔI ĐÃ BỂ
TẠC TƯỢNG ĐÊM + ÁP ĐẶT
MÀU HY VỌNG + THÀNH PHỐ ĐI LẠC
BÓNG THỜI GIAN + GIẤC MƠ MÀU DIỆP LỤC
HOAN CA + TRỞ VỀ
KHÁT MÙA + TIẾNG GỌI XANH
KHÚC SANG MÙA + THU BỒN, EM VÀ ANH
DÒNG CHẢY VĂN HÓA
MỘT SỐ PHONG TỤC CỦA NGƯỜI CƠ TU
NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH
NHÂN VẬT DẸT TRONG TRUYỆN KIỀU
MỘT GÓC NHÌN VỀ NGƯỜI LÍNH HẬU CẦN
CHUYỆN NGUYÊN PHONG, CẢM NHẬN VÀ SUY NGẪM
VĂN HỌC - HỌC VĂN
TIẾNG THƠ AI ĐỘNG ĐẤT TRỜI