|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: CHUYỆN NHỎ CỦA MỘT THỜI VÀ CỦA MỘT ĐỜI
Tác giả: Nguyễn Bá Thâm


1. Ở CHIẾN TRƯỜNG KHU 5 - SỐNG VÀ VIẾT

24 học viên viết văn khóa 4 - khóa đặc biệt phục vụ chiến trường của Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam đào tạo, gồm 73 người (từ tháng 8/1970 đến tháng 2/1971) - được phân vào chiến trường Khu 5 (Nam Trung bộ) có các anh chị: Nguyễn Văn Giai, Vũ Xuân Mai (Trần Vũ Mai), Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Đức Hạt, Nguyễn Trí Huân, Đoàn Tử Diễn (Hà Phan Thiết), Ngô Thế Oanh, Nguyễn Văn Giáo (Từ Quốc Hoài), Trần Hữu Huy, Hoàng Sơn (Hoàng Minh Nhân), Nguyễn Ngọc Bảo (Nguyễn Bảo), Nguyễn Hồng, Vũ Thị Hồng (Nguyễn Thị Bắc Hà), Bùi Thị Chiến, Nay Nô, Trần Trung Kiên, Hoàng Hởi, Đỗ Xuân Đông (Đỗ Văn Đông), Phạm Văn Song, Trần Văn Thành (Phan Nghĩa An), Ngô Quy Nhơn, Lê Đình Nghi, Nguyễn Thế Khoa và tôi.

Trong số 24 học viên ấy chỉ có anh Nguyễn Trí Huân là bộ đội, anh Hoàng Sơn là kỹ sư lâm nghiệp, anh Nguyễn Khắc Phục là cán bộ thuộc công ty vận tải biển, anh Nguyễn Đức Hạt là giáo viên cấp 3, còn 20 người đều là cựu và tân sinh viên Khoa Ngữ văn và Khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Ở trường huấn luyện 105B (đóng ở Lương Sơn - Hòa Bình) những học viên viết văn phục vụ chiến trường được phân vào Chi 4 của Khu B. Khi vào Khu 5, có 5 người không đi cùng đoàn Chi 4 là anh Nguyễn Trí Huân (đi theo tuyến quân đội rồi về thẳng Ban Văn học Quân khu 5), anh Nguyễn Văn Giai đi theo tuyến riêng để về thẳng Văn phòng Khu ủy (anh Giai là sinh viên Khoa Sử, đã về Nam trước đó, do lâm bệnh nặng, được đưa ra Bắc chữa trị, sau đó được đưa vào học khóa viết văn phục vụ chiến trường). Còn Ngô Quy Nhơn và Lê Đình Nghi (vì cảm sốt đột xuất) nên giữa cuối năm 1971 mới vào. Anh Nhơn được đưa thẳng xuống báo Cờ Giải phóng Quảng Nam, anh Nghi được đưa thẳng xuống báo Cờ Giải phóng Quảng Đà. Riêng anh Nguyễn Thế Khoa đầu năm 1973 mới vào cùng đoàn Ca múa nhạc Khu ủy.

Đi cùng đoàn Chi 4 về Khu 5 với chúng tôi còn có 2 bác sĩ và 4 y sĩ. Xế chiều ngày 15/4/1971 chúng tôi rời trường 105B trên những chiếc xe thùng bịt kín do các cô bộ đội cầm lái. Về tới ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội) chúng tôi được đưa lên tàu lửa. Tàu chạy suốt đêm đến rạng sáng ngày 16/4 thì vào tới ga Vinh. Từ ga Vinh chúng tôi được đưa xuống xã Hưng Lộc (Hưng Nguyên - Nghệ An). Nhập nhoạng tối thì đi bộ xuống sông Lam, rồi đi xà lan, ngược sông Lam, sông La, đến nghỉ ở xã Đức Lạc (Đức Thọ - Hà Tĩnh) 2 ngày (do đoàn nhiều người bị ngộ độc thức ăn nên phải nghỉ thêm 1 ngày). Từ Đức Lạc, ôtô đưa chúng tôi vào xã Quảng Thắng (Quảng Trạch - Quảng Bình), rồi ngược sông bằng xà lan lên Cự Nẫm (Bố Trạch). Chúng tôi nghỉ lại Cự Nẫm 1 ngày, tối đó xe ôtô chở chúng tôi tới làng Ho. Và cuộc đi bộ vượt Trường Sơn bắt đầu. Mãi tới chiều ngày 27/6/1971, chúng tôi mới tới được nơi đóng quân của Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5. Hơn hai tháng trời vượt Trường Sơn, trong 19 anh em chúng tôi, có người bị sốt rét, có người leo dốc đá bị trượt ngã, có người sức yếu không bám sát đoàn, bị lạc đường xóc phải chông, phải nằm lại trạm khách hoặc trạm xá (của binh trạm) để chữa trị. Nhưng cuối cùng, không một ai “B quay”, tháo lui.

Bấy giờ các cơ quan của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 vừa ở H40, H80 - Kon Tum trở về đóng quân ở xã Leng, xã Iếp, xã Tập của khu Nam Trà (nay là xã Trà Leng, Trà Dơn, Trà Tập của huyện Nam Trà My. Vì từ tháng 4 đến cuối tháng 5 năm 1971, sư đoàn 2 Việt Nam cộng hòa đổ quân xuống vùng căn cứ Khu ủy, Quân khu 5 đóng ở vùng này đánh phá, càn quét). Tại khu căn cứ, nhà cửa, hầm hào, đường sá mới dựng, mới đào, mới mở còn dang dở. Ngay trong bữa cơm chiều đầu tiên tại nhà bếp của văn phòng Ban Tuyên huấn Khu ủy 5, anh em chúng tôi bắt đầu được chứng kiến, nếm trải sự thiếu đói, gian khổ nghiệt ngã của chiến trường. Đi bộ dọc dãy Trường Sơn, từ làng Ho - Quảng Bình, qua Khăm Muộn, Xavanakhệt, XaLaVan của nước bạn Lào, vượt qua muôn trùng núi cao, vực thẳm, tuy thiếu rau xanh, thịt cá nhưng cơm gạo trắng với xì dầu viên, mắm cô thì ngày ba bữa chúng tôi vẫn ăn ngon miệng và rất no. Còn bữa cơm đầu tiên vào chiều ngày 27/6/1971, lại là bữa cơm của lãnh đạo Ban Tuyên huấn khu gặp, mừng đón cánh lính mới từ miền Bắc vào thì dường như chỉ toàn sắn lát hong khói đen sì, mùi hăng hắc, chua nồng, nhai vào thì sần sật, vừa đắng vừa nhạt. Thi thoảng trên mỗi lát sắn có “cõng” mấy hạt cơm - cũng màu đỏ sẫm (gạo lúa rẫy, ở cứ Khu 5 gọi là “gạo bọc thép”, vì phải nấu rất lâu mới chín, nhưng cơm lại rất cứng. Tuy nhiên nếu nhai kỹ thì cơm có vị bùi và ngọt). Riêng thức ăn thì mỗi người được vài thìa canh nấu cá hộp với mì “Ông Phật” cho có chất và mấy thìa nước mắm cái màu đùng đục, nhạt thếch, tanh lợm. Mọi người rất đói và rất thèm ăn, nhưng mùi hôi khói của sắn lát, mùi tanh lợm của mắm cái (vì thiếu muối, dầu mỡ, gia vị) khiến có người trong chúng tôi không nuốt nổi một chén cơm. (Ở trường 105B, các học viên cũng đã được nhà trường tập cho ăn mắm cái -loại cá cơm, cá nục nhỏ còn nguyên con mà dân Nam Trung bộ rất thích- chấm với thịt heo luộc, loại nhiều mỡ). Theo mấy anh nhà báo vào từ những năm Sáu mươi như Đặng Minh Phương, Hoàng Trà (báo Cờ Giải phóng), Vũ Đảo, Phạm Việt Long (Thông tấn xã Giải phóng), Huỳnh Ngọc Lý (Tiểu ban Tuyên truyền) thì hiện thời “đã sướng” hơn nhiều những năm Sáu Chín, Bảy Mươi. (Từ đầu năm 1969 đến cuối năm 1971 là thời kỳ khốc liệt, gian khổ nhất ở chiến trường Quảng Nam, Quảng Đà và vùng các huyện miền núi cao Tây Quảng Nam - nơi đặt đại bản doanh của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5).

Ở văn phòng Ban Tuyên huấn Khu ủy 5 từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 9 năm 1971, gần ba tháng ròng, chúng tôi chỉ xà quần với việc đi sản xuất, gùi cõng lương thực (vùng giải phóng trong khu cứ), chặt cây, kiếm lá làm nhà và học chính trị. Theo các lãnh đạo Ban và các anh làm báo, tuyên truyền, huấn học vào trước là: chúng tôi phải tập làm quen với cuộc sống chiến trường, để từ đó biết, hiểu về địch-ta, về cách mạng miền Nam. Chúng tôi biết vậy, nghe vậy và răm rắp làm những công việc được phân công. Nóng ruột được đi “phía trước”, được xáp mặt với cuộc chiến đấu của du kích, bộ đội và nhân dân để sống và viết nhưng chỉ kêu thầm với nhau. Lơ mơ bộc lộ ý muốn, nếu lãnh đạo biết được thì chỉ mục thân ở cứ để vừa đi sản xuất tự túc, gùi cõng vừa làm những công việc không đâu vào đâu. Nghe các anh đi trước dạy dỗ, chúng tôi những người mới tập tễnh vào nghề, vào chiến trường đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Đến đầu tháng 9, 19 anh em chúng tôi được phân về các bộ phận của Ban Tuyên huấn và Cục Chính trị Quân khu 5: Trần Hữu Huy về Tiểu ban Huấn học; Trần Trung Kiên, Phạm Văn Song về báo Cờ Giải phóng; Nguyễn Đức Hạt, Trần Vũ Mai, Nguyễn Khắc Phục, Ngô Thế Oanh, Đoàn Tử Diễn, Nguyễn Văn Giáo, Hoàng Sơn, Bùi Thị Chiến, Đỗ Văn Đông, Hoàng Hởi, Nay Nô, Trần Văn Thành, Nguyễn Bá Thâm về Tiểu ban Văn nghệ (Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ). Riêng Nguyễn Hồng (hy sinh tại Điện Bàn ngày 3/12/1973), Nguyễn Bảo, Vũ Thị Hồng được nhà văn Nguyên Ngọc (Nguyễn Trung Thành - Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ, Trưởng ban Văn học Quân khu 5) xin về Ban Văn học thuộc Cục Chính trị Quân khu. Trước khi phân công anh em chúng tôi về các nơi, thì nhà văn Nguyên Ngọc từ Quân khu sang xin một số anh em về Ban Văn học. Trong số 19 học viên viết văn khóa 4 phục vụ chiến trường, ngoài anh Hạt học Đại học Sư phạm Hà Nội, anh Huy, Trần Trung Kiên, Nay Nô, Phạm Văn Song, Trần Văn Thành học Sử - Đại học Tổng hợp, Hoàng Sơn - học Đại học Lâm nghiệp, Nguyễn Khắc Phục - học Hàng hải, còn lại đều là dân Ngữ văn của Đại học Tổng hợp từ khóa 8 đến khóa 12. Riêng khóa 12 có đến 5 người là: Nguyễn Hồng, Vũ Thị Hồng, Nguyễn Bảo, Đỗ Văn Đông và tôi. (Khóa 12 Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội được đào tạo tại lớp viết văn chiến trường còn có các anh chị: Hà Phương (Đỗ Thị Thanh), Trần Thị Thắng, Dương Trọng Dật, Hà Công Tài, Lê Doãn Xuân, Bùi Hồng Việt, Nguyễn Khuynh Diệp, Trần Lộc, Đào Văn Cổn (Đào Nguyễn). Số các bạn này, ngoài Cổn -sau đợt huấn luyện ở trường 105B, chuẩn bị lên đường thì bị bệnh viêm dạ dày, phải ở lại- thì Xuân, Lộc được đưa vào Khu 6. Những bạn còn lại được đưa vào B2 - Trung ương Cục miền Nam). Trong 5 đứa khóa 12 Ngữ văn vào Khu 5, tôi, Nguyễn Hồng, Nguyễn Bảo là những người bạn thân thiết khi còn học ở khoa Văn. Cả ba đứa đều là cán bộ Đoàn của lớp. Nguyễn Hồng là quản lý “bếp sinh viên tự quản”. Nguyễn Bảo là tổ trưởng tổ 1, rồi làm cán sự lớp từ năm thứ 2 chuyên lo đời sống cho sinh viên. Còn tôi từng làm tổ trưởng tổ 2, rồi làm cán sự lớp phụ trách lao động. Cả ba chúng tôi đều là đối tượng kết nạp Đảng từ thời còn học cấp 3 tại quê nhà. Lại là con nhà nông dân Thanh-Nghệ, bản tính vốn cần cù, chịu khó, xông xáo, nhiệt huyết, ngay thẳng, hiếu thắng và thích sống “bầy đàn”, nghĩa tình, nên khi biết nhà văn Nguyên Ngọc xin một số anh em lớp viết văn chúng tôi về Ban Văn học Quân khu, Nguyễn Hồng, Vũ Thị Hồng, Nguyễn Bảo và tôi đều rủ nhau cùng sang. Biết tôi xin sang Quân khu, ông Lê Sâm (Lê Trọng Khoan) - Khu ủy viên, Trưởng Ban Tuyên huấn Khu ủy bảo tôi phải ở lại, không được đi đâu hết, mặc tôi giãi bày, năn nỉ. Sau này, khi đã về Tiểu ban Văn nghệ, được nghe anh Vương Linh (nhà thơ Hải Lê, Trưởng Tiểu ban Văn nghệ, Bí thư Đảng đoàn Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ, sau 1975 là Chánh Văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam) kể lại, tôi mới ngớ người. Hóa ra ông quê ở Nam Đàn, rời quê vào hoạt động cách mạng tại cực Nam Trung bộ từ những năm Ba mươi. Sau Hiệp Định Giơnevơ 1954, ông là một trong những cán bộ của Liên Khu ủy Khu 5 ở lại “nằm vùng” để “giữ lửa” cho phong trào cách mạng của Liên khu. Nghe vậy, tôi thầm nghĩ: Có lẽ ông muốn có một người nói “đặc sệt” giọng Nghệ gần bên để cảm nhận được “bóng dáng quê nhà”, sự ấm cúng, an lành giữa một chiến trường mà sự sống và cái chết hàng ngày, hàng giờ đối chọi nhau khốc liệt...

Sau khi biết được đơn vị công tác mới, một ngày trước lúc chia tay, chúng tôi quyết định bữa cơm chiều hôm ấy sẽ không ăn ở bếp văn phòng ban mà xin được mang về lán chúng tôi đang ở để làm một bữa liên hoan.

Chuẩn bị cho bữa liên hoan ấy, theo sự phân công, tôi, Trần Văn Thành, Nguyễn Hồng, Phạm Văn Song được cử mang chừng nửa lon muối, một hộp dầu cù là, một bộ quần áo cộc tay của anh em còn dành dụm được (chưa đổi gà, rau dọc đường vào) tới các nóc của thôn Tư xã Leng, mong đổi được con gà, vài lon gạo về nấu cháo. Những người ở nhà thì đi rúc rừng, kiếm rau ranh, môn thục, nấm mèo, củi, những loại rau, quả có thể ăn được.

Hồng, Song, Thành và tôi lần đường, đi từ sáng tới xế trưa, mò đến từng bếp lửa, từng cửa, từng nóc của bà con Bh’noong ở thôn Tư, bụng đứa nào, đứa nấy đã cồn cào, đói quay quắt, chân đã mỏi rã rời, rốt cuộc chỉ đổi và xin được hai nải chuối mặt mốc mới chớm chín và dăm lon bắp treo trên gác bếp đen sần.

Phải khẳng định điều này: Đồng bào Bh’noong cũng như đồng bào các dân tộc ít người ở vùng núi cao miền Tây Quảng Nam, trong những năm chống Mỹ, cứu nước rất mực quý trọng, thương yêu cán bộ, bộ đội. Lúa, bắp, sắn, chuối, mía, v.v... đến mùa thu hoạch hoặc đã ăn được đều dành để nuôi cán bộ cách mạng, nuôi quân giải phóng. Những lon bắp bà con Bh’noong dành cho chúng tôi là bắp để giống, vì đồng bào ở đây cũng vừa đi tránh địch càn trở về. Những cây sắn, cây chuối còn sống sót, cho được củ, được trái đều có những hạt đen sần, cứng, ăn vào có vị ngấn đắng, có cảm giác rần rật - chắc do nhiều chất độc hóa học của máy bay Mỹ rải thảm. Ấy vậy mà trong cái bữa liên hoan chia tay ấy, chúng tôi cứ ngồi húp “món xúp” nấm mèo, môn thục, rau ranh, nhai bắp rang cứng như sỏi ngon ơ. Rồi chúng tôi hát, đọc thơ. Hát cả nhạc buồn, thơ tình yêu (Cả những bài hát, bài thơ nổi tiếng mà những năm chiến tranh bị “hạn chế” phổ biến ở miền Bắc và cả ở chiến trường miền Nam). Chúng tôi say sưa hát và say sưa đọc thơ. Và rồi lặng lẽ ngắm nhìn nhau. Mai, ngày kia, chúng tôi đứa đi mặt trận Tây Nguyên, cực Nam Trung bộ, đứa đi Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, v.v..., để về sống với nhân dân, bộ đội, du kích và để viết. Những nơi ấy, lớp trẻ chúng tôi -những chàng trai, cô gái vừa rời quê hương, chưa vợ, chưa chồng và có người thậm chí chưa có người yêu- sẽ trở thành những người lính thực sự: vừa cầm bút, vừa cầm súng, giáp mặt với cái chết, để giành lấy sự sống. Tất cả cho khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Bốn năm ở chiến trường khu 5, tôi đã đi về Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, được về sống với du kích, nhân dân các xã ở: Tam Quan Bắc, Hoài Châu, Hoài Hương của Hoài Nhơn - Bình Định; ở Phổ Phong, Phổ Thuận, Phổ Quang, Phổ Cường, Phổ Hiệp, Phổ Khánh, Phổ Thạnh, Phổ Châu (Đức Phổ - Quảng Ngãi); đã về Xuyên Trà (Duy Trung), Xuyên Hòa (Duy Hòa - Duy Xuyên); Điện Trung, Điện Quang, Điện Xuân + Điện Văn (nay là xã Điện Hồng - Điện Bàn) v.v...; đã từng theo bộ đội Sư đoàn 711 của Quân khu 5 đánh và giải phóng cứ điểm Sa Huỳnh (Phổ Thạnh - Đức Phổ) trong ngày 27/1/1973...

Trong chiến dịch giải phóng hai cứ điểm lớn là Nông Sơn và Thượng Đức (ở Quảng Nam và Quảng Đà), tôi đã bám theo các chiến sĩ của trung đội 1 - trung đội mở cửa, thuộc tiểu đoàn 3, Mặt trận 4 (Tỉnh đội Quảng Đà), đánh tiêu diệt chốt điểm ngã ba Trùm Giao (ngã ba Cẩm Lý, nay thuộc xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn). Cùng đi với tiểu đoàn 3 trong trận đánh này còn có nhà thơ Thanh Quế (nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Nam-Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT thành phố Đà Nẵng kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Đất Quảng, Tạp chí Non Nước), nhà báo Dương Đức Quảng (là sinh viên Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa 8, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng Khu 5, sau 1975 là cán bộ của Vụ Báo chí - Phủ Thủ tướng), Đỗ Văn Đông (hội viên Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng, cùng khóa 12 Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội). Chiều 23/7, tại thôn 5 Điện Xuân - nơi tập kết đội hình xuất quân để đánh chốt điểm Trùm Giao, cả 4 đứa chúng tôi “đụng” phải ông Phan Hoan - Tư lệnh Mặt trận 4 (sau 1975, ông là Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 5), ông Lê Công Thạnh - Phó Chính ủy Mặt trận (sau 1975, ông là đại tá, Chính ủy Tỉnh đội Quảng Nam-Đà Nẵng). Biết chúng tôi bám theo đội hình tiểu đoàn 3 vào trận, cả hai ông kiên quyết không cho chúng tôi đi (Những năm từ 1967 đến 1973 đều có văn nghệ sĩ Khu 5 hy sinh tại đất Quảng Đà như nghệ sĩ múa Võ Thị Phương Thảo, nhạc sĩ Văn Cận, các nhà thơ: Nguyễn Trọng Định, Nguyễn Mỹ, các nhà văn: Trần Văn (Trần Văn Anh), Dương Thị Xuân Quý, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Hồng v.v...). Ông Phan Hoan còn kêu anh An là chính trị viên tiểu đoàn, anh San - tiểu đoàn phó - tham mưu trưởng, bắt cử người giữ chúng tôi ở lại nơi đóng quân của tiểu đoàn. Cả 4 anh em chỉ nháy mắt với nhau. Gần 8 giờ tối, khi ông Hoan, ông Thạnh đã trở về thôn 5 Điện Thái (nay thuộc Điện Thọ) - nơi đặt sở chỉ huy tiền phương của Mặt trận 4, lúc các chiến sĩ tiểu đoàn 3 bắt đầu hành quân, chúng tôi liền tìm cách lẩn vào đội hình các đại đội mà mình đã về sống, tập luyện cùng trước đó. Quế, Quảng, Đông đi theo bộ phận chính sách của tiểu đoàn do anh Bôi - tiểu đoàn phó phụ trách. Tôi bám theo đại đội 1 của anh Nghĩa là đại đội trưởng, anh Kỷ là chính trị viên. Đại đội 1 là đại đội xung kích, có nhiệm vụ nổ khối bộc phá và khai hỏa đầu tiên tiến đánh Trùm Giao. Tôi, anh Quế, Dương Đức Quảng đã suýt bỏ mạng hoặc suýt bị địch bắt làm tù binh trong trận đánh ấy. Cuốn sổ ghi chép chỉ bằng bàn tay của tôi giờ vẫn còn đậm nét mực nguệch ngoạc: “4 giờ 23 phút ngày 24/7/74 nổ súng đánh Trùm Giao - tức thứ 4 ngày 6/6 Âl”. Từ lúc quả bộc phá nặng chừng 20kg do anh Tích - trung đội trưởng trung đội 1-C1 chập điện (anh Tích quê ở tỉnh Thái Bình), thổi bay 3 lớp hàng rào dây thép gai, mở đột phá khẩu, chưa đầy 20 phút sau chỉ huy sở tiểu đoàn 145B lính bảo an và 1 đại đội trợ chiến cùng đóng trong chốt điểm Trùm Giao đã bị ta diệt gọn. Bọn chỉ huy của vùng I chiến thuật nhận biết: Mất Trùm Giao thì con đường nối quận lỵ Ái Nghĩa, căn cứ Nông Sơn, đặc biệt là chi khu quận lỵ Thượng Đức, đã bị chặt đứt. Các căn cứ này sẽ bị cô lập, bị tiêu diệt và tuyến phòng thủ phía Tây Nam Đà Nẵng - khu căn cứ quân sự liên hợp của Mỹ-ngụy lớn nhất nhì tại miền Nam sẽ như “cá nằm trên thớt”. Chính vì thế, khi tiểu đoàn 3 - bộ đội Quảng Đà đang lập đội hình phòng thủ tại Trùm Giao thì đạn cối, pháo bầy - có cả pháo chụp, pháo quét, từ các cứ điểm Cẩm Hà, Vĩnh Điện, Hòn Bằng, Ái Nghĩa, Bồ Bồ dội đạn cấp tập xuống khu vực Trùm Giao. Từ phía đường số 1, bọn lính trung đoàn 56 - sư 3 và bọn lính thủy đánh bộ Việt Nam cộng hòa, có xe tăng yểm trợ, theo đường 100 (nối Vĩnh Điện - Ái Nghĩa) ồ ạt kéo lên. Bộ đội tiểu đoàn 3 Quảng Đà nổi tiếng về đánh càn, nhưng trước hỏa lực bom pháo và lực lượng địch hùng hậu, đông gấp hàng chục lần, đành phải lui khỏi khu vực Trùm Giao (nay là trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, xã Điện Hồng), về lại nơi đóng quân dọc Bắc bờ sông Thu Bồn trên đất Điện Xuân. (Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xã Điện Hồng nằm bên đất Gò Nổi - nay thuộc xã Điện Quang. Xã Điện Hồng hiện nay là sáp nhập hai xã Điện Xuân và Điện Văn cũ). Thanh Quế và Dương Đức Quảng bị kẹt lại tại thôn Cẩm Văn (xã Điện Văn cũ) cùng anh Bôi - chính trị viên phó tiểu đoàn và 26 liệt sĩ, thương binh. May nhờ được bà con trụ bám của thôn Cẩm Văn che giấu và đấu tranh, hù dọa bọn địch nên tối 24/7, các anh cùng các thương binh, liệt sĩ được cứu, đưa về cứ tiểu đoàn. Riêng tôi cứ bám theo một tốp bộ đội, băng qua đường 100, qua những cánh đồng hoang, cỏ ngập lút đầu người, ngó về dãy núi Hòn Tàu ở Nam sông Thu Bồn, chạy thục mạng, bất chấp các loại đạn pháo nổ quanh mình và súng máy ở Gò Muồng gần đó bắn theo, bất chấp mìn du kích bố phòng, gai góc. Về tới sở chỉ huy tiểu đoàn 3, nhìn thấy tôi quần áo rách toạc, máu tứa ướt cả hai ống quần, anh Quý - tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3 há hốc mồm, nói như quát: “Ai cho các anh đi! Sao mà liều thế!” (anh Quý quê Thanh Hóa, do bị thương ở tay trong trận mở khu dồn Điện Nhơn hồi đầu tháng 5 - nay là Điện Phong, vết thương chưa lành nên không trực tiếp tham gia trận đánh Trùm Giao). Sau chuyến đi này về lại căn cứ Trà Nô (Hiệp Đức - Quảng Nam), anh Quế viết bút ký Buổi trưa ở Điện Bàn, tôi viết bút ký Gió chuyển mùa, đều nói về những chuyện trên (In trong tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ tháng 10/1974). Riêng anh Dương Đức Quảng có bức ảnh: súng 12 ly 7 bắn vào chốt điểm Trùm Giao, in trên báo Cờ Giải phóng Trung Trung bộ sau đó.

N.B.T

(còn nữa)



(*) Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội VHNT Quảng Nam, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Đất Quảng.

Quay về
VĂN
NỢ DUYÊN
CÔ GIÁO NHƯ EM
CHUYỆN NHỎ CỦA MỘT THỜI VÀ CỦA MỘT ĐỜI
ĐA ĐOAN DUYÊN NỢ
THƠ
EM NHỚ CHO...
NGÔI NHÀ TRÁI ĐẤT
BỨC TƯỢNG VŨ NỮ
LÀ EM
GIỌT MƯA ĐÊM
CỘT
GIẤC MƠ
MÙA XƯA ĐÂU NỮA?
RU ĐỜI
CÁNH ĐỒNG LÀNG
KHOẢNG CÁCH + NHÀ BỌC KÍNH
VŨNG TÀU + DẤU THIÊNG
THƠ GỬI NGƯỜI MẮT ĐEN + BAY TRÊN CÁNH SÓNG
KÝ TỰ BIỂN + MẮC NỢ
CON ĐÃ VỀ + KHÔNG ĐỀ
PHÍA BIỂN + THẦN DƯỢC
VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI
ĐƯỜNG TỚI THIÊN ĐÀNG
NGHIÊN CỨU-LÝ LUẬN-PHÊ BÌNH
HAI PHƯƠNG DIỆN CON NGƯỜI TỪ HẢI
PHAN DUY NHÂN, TRÁI TIM NHƯ HẠT GIEO RỒI...
VỀ BÀI CÂU KẾT BÀI THƠ TỐNG BIỆT HÀNH
VĂN HỌC-HỌC VĂN
CƠM TRONG TỤC NGỮ VIỆT NAM