|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: CÔ GIÁO NHƯ EM
Tác giả: Nguyễn Thị Bích Nhàn


Truyện ngắn


1. Chiều Hai Riêng, lòng hồ man mác xanh. Buồn. Nước trong veo, soi thấu lương tri. Day dứt.

Những cánh lục bình dập dờn cùng vũ điệu của gió, của nước. Màu tím mong manh của hoa dội vào miền nhớ, kí ức chộn lên. Có cái gì như đang vỡ ra. Đau.

- Lòng hồ là hỗn hợp của những điệu xanh. Xanh nước, xanh bèo, xanh cỏ, xanh tre, xanh trời... Nơi đây có sự giao thoa dịu dàng giữa núi và nước, cảnh đẹp không tì vết nhưng chẳng ai rảnh để ghé mắt dòm, chuyện cơm áo đã làm người ta đỏ lơ con mắt.

Tôi hé môi, lời lên tới cổ, chưa kịp nói đã phải ém lại vì em tiếp:

- Cái đẹp bị bỏ quên. Mặt trời bị bỏ quên. Ngôi sao bị bỏ quên. Tóm lại là tùm lum thứ bị bỏ quên. Em không thích nơi này. Vắng lặng đến phát sợ - Sau câu nói uyển chuyển là tiếng thở dài sâu như lòng giếng.

- Khi nào em về xuôi?

- Em có nói sẽ chuyển đi đâu à?

- Vì em nói không thích nơi này!

- Trời. Hiểu câu nói của người ta lầm lạc gớm! - những khi không ở cơ quan, em nói chuyện với tôi như với một người bạn, ở cơ quan thì một tiếng thưa hai tiếng dạ - Không thích sự vắng lặng nhưng em phải lòng những vạt hoa sắc tím rồi! - em luôn cong môi trả treo như thế.

- Đúng là mồm năm miệng mười! - trăm lần như một, tôi luôn kết thúc cuộc gẫu với em bằng câu đó với giọng không cao không thấp.

2. Giờ thì bờ hồ này còn mình tôi.

Tôi đến đây n lần, cũng là n lần tôi nhớ em. Tôi đang bước. Không phải đi dạo mát ngắm cảnh. Không phải tản bộ như một gã du ca - tôi không như em, không lãng mạn hóa mọi thứ, không rong ruổi với những lí tưởng đẹp như ý nghĩ. Ừ, chân đang bước mà không biết mình sẽ đi về đâu. Tôi thích tận hưởng cảm giác này. Chính xác là những khi thả lỏng mình ra để bước không chủ đích, tôi có cảm giác dễ chịu, từng tế bào như được giãn ra.

Lạ chưa. Tôi đang tự dùng lương tri để đay nghiến mình. Và tôi thấy hả hê.

- Tôi yêu em. Tôi nhớ em!... - Em (lại) dẩu môi, giọng uyển chuyển “Anh thật thích đùa” - Em luôn cứng khừng khẳng định vậy mỗi khi tôi nói. Đó là khoảnh khắc trong giấc mơ và tôi đang lặp lại giấc mơ đó. Tôi không đùa. Bây giờ (đã mãi mãi mất em) tôi vẫn muốn nói câu đó, sau này, tôi cũng sẽ nói câu đó. Dù không tin có kiếp sau, thì tôi vẫn quyết nói câu đó nếu tôi được gặp em. Tôi chưa kịp nói. Muộn...

3. Trên đời này, dường như nỗi đau nào rồi cũng qua đi nhưng không hẳn nỗi đau nào cũng có thể hóa sẹo. Bằng chứng là vết thương xưa trong tôi cứ rỉ rê chảy máu. Âm ỉ đau. Ngấm ngầm tê buốt.

Em (tôi không gọi tên em bao giờ, tôi chỉ thích gọi “em”) mong manh như sương sớm. Ầm ào như thác lũ. Em có vỏ bọc của một tấm tranh lụa thêu nhưng bên trong em là một quả bom. Em - rất dễ làm người đối diện mất bình tĩnh. Em - lôi cuốn người khác như một thỏi nam châm lớn. Em - có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.

Lúc em mới về nơi này công tác, mấy anh đồng nghiệp cứ nghêu ngao hát: Phố núi cao, phố núi đầy sương... Anh khách lạ, đi lên đi xuống. May mà có em, đời còn dễ thương... Tôi không hát nhưng tôi đồng tình. Em thanh minh: Xóm núi làm em dễ thương mới đúng!...


Minh họa: TRẦN ĐỨC


Em sống bằng tất cả các giác quan. Không phải nhạy cảm mà là mẫn cảm. Cảm xúc của em trước cuộc sống trong veo và mỏng mảnh như sợi tơ. Mong manh nhưng không nhu nhược. Em sôi nổi, mạnh mẽ, khiến người ta có cảm giác bất lực vì không thể nắm bắt. Tôi thích ở bên những phụ nữ như vậy. Càng thích hơn khi em là cô giáo. Không biết có duyên nợ gì với nghề cầm phấn nhưng từ bé tôi dù không mơ làm thầy giáo vẫn muốn lấy vợ là cô giáo. Không lấy làm vợ được thì chỉ tiêu là phải yêu một cô giáo.

Mười năm trong ngành, giờ thì tôi mới gặp một cô giáo ngon lành như thế. (Từ ngon lành được hiểu nháy nháy đấy nhé, tôi không nói chuyện da thịt). Tôi ngấm ngầm ngưỡng mộ em. Lặng lẽ yêu. Yêu thật lòng. Nhưng tôi giấu nhẹm, luôn tỏ ra dửng dưng. Trước tập thể, tôi luôn tìm cớ “khắt khe” với em. Lòng kiêu hãnh của cái tôi đã có mùi của kiêu ngạo, đố kị. Biết vậy song vẫn phải vậy - chịu lép vế trước phụ nữ, đó không phải chí khí của tôi.     

Ba mươi tuổi, là cậu ấm của một gia đình khá giả ở thành phố (di cư vì lí do khó nói), giờ là hiệu phó một trường trung học, dung mạo thì chỉ có từ chuẩn mới diễn tả hết. Đã thế lại hát hay, cầm guitar điệu nghệ. Đôi chân có thể bồng bềnh cùng những bước nhảy. Những ngón tay thuần thục trên những phím đàn cũng sẽ giỏi càn lướt trên da thịt đàn bà! - có lần trong một cuộc liên hoan của trường, em đùa một câu bạo như vậy rồi lật đật lấy tay che miệng, lén đưa mắt nhìn tôi tỏ ý áy náy. Tôi thích câu đùa đó.

Tôi đẹp, tôi có tài, tôi ngất ngưởng. Tôi sẽ là đỉnh cao mà các cô gái -ít ra là ở vùng này- muốn chạm tới. Với những cô giáo cùng trường, tôi luôn tỏ ra lạnh băng không chút thân thiện, mỗi lần bị tôi gắt gỏng một điều gì, nhìn các cô tái mặt ỉu xìu là tôi thấy hả hê lắm lắm.

4. Em về dạy được một tuần, tôi liền đưa lịch dự giờ. Tiểu thư đi dạy chắc cũng chỉ là một hình thức chưng diện! - tôi kết luận chắc nịch như thế. Kinh nghiệm non nớt của một cô giáo mới ra trường, kinh nghiệm của một hiệu phó có thâm niên, tôi biết đằng nào rồi cũng sẽ có vết để tôi bới lông tìm. Dự giờ đột xuất - đây cũng là lí do chính đáng để một giáo viên (đặc biệt giáo viên mới) phải e dè với hiệu phó chuyên môn.

Tiết dạy bắt đầu lôi cuốn và kết thúc nhẹ nhàng. Tôi và cả tổ bộ môn đã kinh ngạc trước phong thái sư phạm cực kì chững chạc, thao tác nhuần nhuyễn, cứ như một giáo viên có thâm niên. Em làm chủ tiết dạy. Học sinh làm chủ kiến thức.

Liền ngay sau đó, tôi để em đi hội giảng huyện (lý do giáo viên mới nhưng biết chắc sẽ đem thành tích về cho trường). Với số điểm cao, em được chọn đi tỉnh. Tiết Văn - “Hồi hương ngẫu thư” của Hạ Tri Chương - đã được xếp loại xuất sắc.

Với kinh nghiệm của một người quản lý, thầy hiệu trưởng bổ nhiệm em làm tổ trưởng chuyên môn trong khi tuổi còn quá trẻ. Thầy nói với tôi: “Tuổi đời không bằng tuổi nghề của nhiều thầy cô nhưng trong nghề cô ấy đã già hơn họ!”. Tôi dù không khen ra mặt nhưng vẫn phải nói với lòng. Em là giáo viên giỏi, dạy hay.

Em trực tính, thẳng tưng luôn. Đụng tới công việc là cứ ngang ngay sổ thẳng, đúng sai rõ ràng. Mỗi khi đi thanh tra chéo, em góp ý thẳng thắn. Nhiều lúc, trường này nhìn trường kia nên nể nhau nhưng em thì không. Nhỏ mà làm tàng! - đồng nghiệp khác rủa sau lưng như thế. Em nghe cũng chỉ cười.

Học trò xa trường về thăm cô giáo cũ, có phụ huynh rổn rảng bảo, dù con trai đã học năm cuối đại học nhưng hễ mỗi lần về thăm nhà là bằng mọi cách ghé thăm cô, còn muốn đến trường nghe cô giảng. Bà ta còn cố tình kéo dài giọng để diễn hết cỡ sự trầm trồ của mình bằng một câu cảm thán “Không biết dạy dỗ làm sao mà học trò mê đến vậy!”. Những lúc nghe được, tôi cười với phụ huynh, đại ý nói trường rất mừng vì có giáo viên như thế nhưng trong sâu thẳm, có chút ghen, uy tín của em rồi sẽ lướt qua mình, tôi không thấy dễ chịu khi nghĩ đến điều đó.

Tôi (cố tình) lấy quyền của một người quản lý kiểm tra đột xuất. Dù biết em rất chu đáo nhưng vẫn có chút ngỡ ngàng. Giáo án khoa học và trực quan. Điều kiện công tác thiếu thốn như vầy, song em vẫn luôn cố gắng, một trường miền núi mà tháng nào cũng có giáo án điện tử. Thực đáng khen! (dù không nói ra).

Tôi báo trước dăm phút rồi vào lớp dự giờ. Chủ quan và bị động, tâm lí chưa chuẩn bị trước thì đằng nào cũng có những sơ hở để tôi trù dập. Thế nhưng tôi đã bị em “chinh phục”. Một tiết dạy thành công trên sức tưởng tượng. Em dẫn dắt từng mục, từng phần của bài học vô cùng chặt chẽ và khoa học. Cách em truyền đạt kiến thức rất hiệu quả. Tôi đã ú ớ khi mời em xuống góp ý.

Năm Bộ giáo dục phát động thực hiện “hai không”. Tôi trao đổi với anh em và yêu cầu các tổ bộ môn ký cam kết thực hiện.

Đầu năm học, em được phân dạy Ngữ văn 6, sau khi kiểm tra chất lượng, em gặp tôi chau mày: “Đầu vào năm nay yếu quá thầy ạ!”. Sau một tháng giảng dạy, em đưa tôi danh sách học sinh đọc chậm viết sai nhiều và khẳng định đây là hiện tượng ngồi nhầm lớp. Nhìn dãy dài tên học sinh, tôi nhăn mặt: Em rút ngắn lại đi, kiểu này trường mình rồi nổi tiếng bất đắc dĩ đó, nhà báo hay tin họ ào về bây giờ. Hiện nay, “ngồi nhầm lớp” là vấn đề nhạy cảm, mình lơ đi, tránh phiền phức!... Em tiu nghỉu bước, ra đến cửa em lại vào: Em nghĩ, mình phải có kế hoạch cụ thể, như phụ đạo chẳng hạn để giúp những em học sinh này “ngồi đúng chỗ”. Chúng ta có thể thông báo tình hình này để bên tiểu học rút kinh nghiệm. Học sinh làm sao ngồi nhầm được, có chăng do... Em nói rất nhiệt tình, tôi thì ghét nhất là lệnh đưa ra không thực hiện liền mà cứ nhì nhằng này nọ, tôi gằn mạnh từng tiếng như cố đuổi em ra khỏi phòng làm việc của mình: Rút ngắn danh sách lại đi!...

Cuối năm, số học sinh yếu kém phải thi lại nhiều, môn em phụ trách. Tôi bực mình: Kết quả học lực của học sinh phần nào phản ánh năng lực dạy dỗ của giáo viên. Bực thì nói cho đã miệng chứ tôi hoàn toàn tin vào năng lực của em. Sau khi thi lại, số học sinh ở lại lớp nhiều, gấp đôi chỉ tiêu đầu năm. Tôi không trao đổi với em, vì tôi biết với tính cách đó thì em sẽ không bao giờ chấp nhận. Đầu năm học, em lao thẳng vào phòng tôi thắc mắc:

- Em nhớ học sinh ở lại lớp nhiều lắm, nhưng sao giờ dạy em chỉ thấy có một hai em học sinh cũ, có nhầm lẫn gì không thưa thầy?

Tôi khẳng định nhát gừng, cộc lốc:

- Không nhầm!

Em không phục, ấm ức:

- Nếu anh làm như vậy thì anh cũng mắc bệnh thành tích đó!

Tôi bực mình, đập mạnh tay xuống bàn:

- Em lấy tư cách gì để phê bình tôi đây?

5. Hiệu trưởng có đợt tập huấn dài ngày. Mùa đông, tôi thừa lệnh ra quyết định thành lập đội phòng chống bão lụt, tên em có trong danh sách. Có người ý kiến, bảo em là nữ, vậy tại sao lại có tên trong đó. Tôi bảo, trường ít người, mấy cô nữ khác con nhỏ. Em vô đội, lo hậu cần cho anh em.

Rồi một ngày, những trận mưa như trút. Nước dâng lênh láng, ngập ruộng đồng, ngập nhà cửa, nhìn đâu đâu cũng chỉ thấy nước và nước. Mọi người leo lên mái nhà, tiếng la hét vì mất của cải, tiếng than vãn vì gia cầm, gia súc bị nước dập lềnh bềnh, tiếng kêu la khóc thét vì con cái bị đuối nước...

Em áo phao, lăn lộn trong lũ. Đến một ngôi nhà gần sông, thấy học sinh đang “giã gạo”, em lao ra kéo và hô hoán đội cứu hộ. Cô bé được đưa lên xe ca, mọi người đưa tay kéo lên nhưng em lắc đầu, vội khom xuống nước vớt sách vở đang dập dềnh trong nước, trôi xa... trôi xa... Em lao tới chụp quyển sách. Một tiếng “ầm”, chỗ em đứng đã rơi tõm xuống dòng nước lũ đục ngầu...

*

*          *

Bước... bước... bước. Chân dừng lại nơi em nằm. Đặt trước mộ một nhành hoa em thích. Ra đi thanh thản em nghen! - tôi đang nói với em như nói với... mình.

N.T.B.N

Quay về
VĂN
NỢ DUYÊN
CÔ GIÁO NHƯ EM
CHUYỆN NHỎ CỦA MỘT THỜI VÀ CỦA MỘT ĐỜI
ĐA ĐOAN DUYÊN NỢ
THƠ
EM NHỚ CHO...
NGÔI NHÀ TRÁI ĐẤT
BỨC TƯỢNG VŨ NỮ
LÀ EM
GIỌT MƯA ĐÊM
CỘT
GIẤC MƠ
MÙA XƯA ĐÂU NỮA?
RU ĐỜI
CÁNH ĐỒNG LÀNG
KHOẢNG CÁCH + NHÀ BỌC KÍNH
VŨNG TÀU + DẤU THIÊNG
THƠ GỬI NGƯỜI MẮT ĐEN + BAY TRÊN CÁNH SÓNG
KÝ TỰ BIỂN + MẮC NỢ
CON ĐÃ VỀ + KHÔNG ĐỀ
PHÍA BIỂN + THẦN DƯỢC
VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI
ĐƯỜNG TỚI THIÊN ĐÀNG
NGHIÊN CỨU-LÝ LUẬN-PHÊ BÌNH
HAI PHƯƠNG DIỆN CON NGƯỜI TỪ HẢI
PHAN DUY NHÂN, TRÁI TIM NHƯ HẠT GIEO RỒI...
VỀ BÀI CÂU KẾT BÀI THƠ TỐNG BIỆT HÀNH
VĂN HỌC-HỌC VĂN
CƠM TRONG TỤC NGỮ VIỆT NAM