|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: VĂN HÓA GIAO TIẾP CỦA NGƯỜI QUẢNG NHÌN TỪ THƠ CA DÂN GIAN
Tác giả: Bùi Thị Lân


1. Nói trắng

Người Quảng vốn chân chất, thật thà, không thích cầu kì, dài dòng, họ thường chọn cách trình bày thẳng vấn đề. Vì vậy, trong giao tiếp, nói trắng là cách được người Quảng ưa dùng nhất. Đọc lại thơ ca dân gian sẽ thấy rõ điều này. Người Quảng thường chọn cách nói trắng có thể để tâng bốc, tôn vinh thể diện: “Trầu vàng nhỏ lá, rau giáp cá nhai giòn/ Khéo khen phụ mẫu sanh em mặt tròn dễ thương”([1]) hay để đe dọa thể diện người nghe: “Thấy ăn chạy đến nhận phần/ Còn thấy việc mần thì bỏ chạy xa”...

Có hai kiểu nói trắng: kiểu nói toạc (bald on record) và kiểu nói trắng có hành vi bù đắp (with redressive action). Trong nhiều trường hợp, người Quảng thường sử dụng hình thức nói toạc còn gọi là lối nói trắng không có hành vi bù đắp (without redressive action). Họ thích nói thẳng vào vấn đề và dùng những hành động ngôn ngữ trực tiếp. Ngay cả khi nói về tình yêu, hôn nhân gia đình, người Quảng cũng cũng chọn cách thể hiện theo kiểu nói trắng như vậy. Ví dụ:

Duyên ta nợ bạn không thành

Bạn nắm tay bạn rị chín mười phần cũng xa.

Hay:

Bạn nói với ta bạn chưa có hiền thê

Bây chừ hiền thê mô đứng đó, bạn trả lại lời thề cho ta.

Hãy so sánh với ca dao ở các vùng miền khác sẽ thấy rõ hơn đặc trưng này. Ca dao Việt Nam về tình yêu thường không trình bày theo kiểu chỉ có nghĩa câu chữ như vậy mà thường là cấu trúc có hàm ý, thường chọn cách trình bày theo kiểu nói kín (hoặc dùng ẩn dụ), thường mượn các hình ảnh đa dạng trong cuộc sống để diễn tả tình yêu. Ví dụ:

- Gặp đây mận mới hỏi đào

Vườn hồng có lối ai vào hay chưa?

- Mận hỏi thì đào xin thưa

Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.

Ca dao Quảng Nam không có lối nói hình ảnh như vậy. Bản chất thẳng thắn, không thích cầu kì của con người xứ Quảng đã thể hiện rất rõ qua cách thổ lộ tình cảm rất đỗi chân chất, thật thà. Chẳng hạn:

- Cô kia má đỏ hồng hồng

Cho tui hỏi thử có chồng hay chưa?

- Có chồng năm ngoái, năm xưa

Năm nay chồng để như chưa có chồng.          

Vì quá thẳng thắn, đôi lúc tỏ ra cục cằn thô lỗ, thiếu tế nhị:           

Gặp đây anh nắm cổ tay

Anh hỏi câu này: có lấy anh không?

Hay có thể so sánh lời trách móc người yêu trong ca dao Quảng Nam với ca dao địa phương khác sẽ thấy rõ hơn lối nói trắng của người xứ Quảng.

Người xứ Bắc thường nói năng khéo léo, nhẹ nhàng và do vậy họ thường chọn cách trình bày có hàm ý:

Em tưởng giếng nước sâu, em nối sợi gàu dài

Ai ngờ giếng nước cạn, em tiếc hoài sợi dây.

Nếu có trình bày theo kiểu nghĩa bề mặt thì lời lẽ cũng nhẹ nhàng, mềm mại hơn rất nhiều. Ví dụ sau là lời trách móc người yêu phụ tình của thơ ca dân gian Bắc bộ:

Nhớ khi xưa em nằm bãi cát

Em bỏ mâm vàng hứng bát chuối xanh

Bây giờ nên tiếng nên danh

Chê ta quán nát lều tranh không ngồi.

Cũng nội dung trách móc, dặn dò người yêu nhưng người Quảng Nam lựa chọn cách thể hiện theo kiểu trực tiếp như sau:

Có thương thì thương cho chắc

Còn bằng trục trặc trục trặc cho luôn

Đừng làm chi như con quạ đứng đầu truông

Khi vui kha khá, khi buồn quau quau.

Các âm tiết khép chắc, trục, trặc, kết hợp với các từ láy kha khá, quau quau và phương thức điệp cú pháp đã tạo nên giọng điệu nhanh, gấp, đanh thép, dứt khoát, không thích kiểu mập mờ, nước đôi trong con người xứ Quảng. 

Người xứ Quảng vốn bộc trực, thường nói thẳng vấn đề, nói thật lòng, có sao nói vậy mà không cần né tránh, vòng vo, ngay cả những vấn đề tế nhị, khó nói. Ví dụ:

Yêu em từ thuở trong nôi

Ru em không nín anh đôi cục đường

Bây chừ em có người thương

Một, hai, ba, bốn... trả cục đường cho anh.

Đấy có thể chỉ là lời nói đùa của chàng trai xứ Quảng. Tuy nhiên, qua cách nói này cũng thể hiện phần nào văn hóa giao tiếp của người dân nơi đây. Cục đường được xem như “kỉ vật” cho tình yêu, chứng minh cho tình cảm của chàng trai dành cho cô gái. Bây giờ tình yêu không thành, hai bên không duyên nợ gì nhau nữa, vì thế anh không ngần ngại đòi lại “chứng tích tình yêu” một cách thẳng thắn: Một, hai, ba, bốn... trả cục đường cho anh. Không cần quanh co, úp mở nhiều lời. Ở đây chàng trai không những không dùng các biện pháp dịu hóa để giảm nhẹ hiệu lực đe dọa thể diện cho người nghe mà còn tăng cường hiệu lực của hành vi đe dọa thể diện bằng cách dùng biện pháp cứng rắn hóa: một, hai, ba, bốn... Có lẽ, chỉ có người xứ Quảng mới có cách nói thẳng như ruột ngựa như vậy.

Người Quảng Nam vốn thích mọi chuyện phải rõ ràng, minh bạch. Trong nhiều trường hợp, họ nặng về lí trí, thiếu mềm mỏng, uyển chuyển. Điều này thể hiện rõ trong giao tiếp hằng ngày cũng như qua thơ ca dân gian - những hành động ngôn ngữ trực tiếp được ưu tiên lựa chọn trình bày.

2. Dùng lẽ thường

Người Quảng Nam thường có kiểu nói năng thẳng thắn. Tuy nhiên, trong những trường hợp cần thiết, người Quảng cũng chọn cách nói có hàm ý để thể hiện suy nghĩ, tình cảm của mình bằng cách dùng các “lẽ thường”. Lẽ thường là những điều có tính chất kinh nghiệm, được nhiều người thừa nhận, mang đậm tính văn hóa của một địa phương hay của một dân tộc. Khi “nói kín” người Quảng Nam hay dùng các lẽ thường để thuyết phục người nghe. Trong nhiều trường hợp, người Quảng Nam đã vận dụng các lẽ thường để thể hiện hàm ý một cách khéo léo, tinh tế. Đó có thể là điều mang tính quy luật tự nhiên, là chân lí được cả dân tộc thừa nhận, đúng với mọi thời đại, chẳng hạn như:

- Kiến bò cột sắt đâu mòn

Tò vò xây tổ đâu tròn mà xây.

- Trăng mờ còn sáng hơn sao

Núi kia có lở, còn cao hơn đồi.

- Rách nhỏ không khiếu không khâu

Để cho rách lớn vá đâu cho vừa.

Đôi khi người Quảng dùng những lẽ thường rất đúng với địa phương Quảng Nam nhưng có thể là nghịch lí với các vùng khác. Ví dụ:

Đắng ổ qua, chua là chanh giấy

Dẫu ngọt cho mấy cũng tiếng cam sành.

Ai cũng biết ổ qua có vị rất đắng, chanh giấy là loại chanh quả to, vỏ mỏng rất thơm ngon và tất nhiên có vị chua. Cam sành có vỏ dày, là loại cam quả to, múi mọng, ngon, ngọt. Điều này ai cũng thừa nhận, như ca dao Việt Nam có câu:

Chẳng chua cũng thể là chanh

Chẳng ngọt cũng thể cam sành chín cây.

Thế nhưng, vùng đất Quảng Nam vốn có khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi nên cam sành cho quả bé, vỏ rất dày, múi nhỏ, và đặc biệt là rất chua. Do vậy, cam sành được người dân nơi đây dùng làm chuẩn để nói đến vị chua của một loại trái cây. Nhắc đến cam sành người ta thường nghĩ ngay đến vị chua khó quên của nó. Điều này khác hẳn với suy nghĩ của con người địa phương khác, nhất là những nơi chuyên trồng loại trái cây ngon này. Chính vì vậy, chân lí phổ quát của người dân vùng này là: Dẫu ngọt cho mấy cũng tiếng cam sành. Và họ đã dùng lẽ thường này để hàm ý: con người vốn có một đặc điểm tốt hay không tốt nào đấy đã được mọi người biết thì dù có thay đổi theo chiều hướng ngược lại thì cũng ít được người khác thừa nhận.

Có thể thấy, trong giao tiếp, người Quảng Nam dùng cả những lẽ thường mang tính dân tộc và những lẽ thường mang tính địa phương để thể hiện quan điểm của mình. Và thơ ca dân gian là minh chứng rõ ràng nhất.

3. Dùng dẫn ngữ

Người Quảng Nam từ xưa đã được mệnh danh là “hay cãi”. Nhiều người còn cho rằng người Quảng Nam không những “hay cãi” mà còn “cãi hay”. Và vì vậy, để “cãi” được đòi hỏi phải có lí lẽ vững vàng. Để thuyết phục được người nghe, người Quảng Nam thường nặng về lí trí, nói năng thường dựa trên cơ sở vững chắc. Chính vì vậy, khi giao tiếp, việc dùng dẫn ngữ có lẽ cũng là một minh chứng rõ ràng cho tính “nói có sách, mách có chứng” của họ.

Thành ngữ, tục ngữ, danh ngôn, điển cố, điển tích... là những phương tiện ngôn ngữ có giá trị, được nhiều người biết đến và có ý nghĩa tu từ cao. Việc sử dụng những phương tiện ngôn ngữ này vào lời nói để thay thế cho cách diễn đạt thông thường, trung hòa về sắc thái biểu cảm được gọi là dẫn ngữ. Dẫn ngữ hợp lí sẽ làm tăng thêm sức thuyết phục người nghe, lời nói thêm hàm súc, giàu hình tượng.

Các dẫn ngữ được sử dụng trong thơ ca dân gian Quảng Nam rất phong phú, bao gồm thành ngữ, tục ngữ, điển cố, điển tích, thơ văn xưa và các sử sách khác.

Thành ngữ và tục ngữ thường chứa đựng những kinh nghiệm được đúc kết từ thực tế, được nhiều người thừa nhận, có tính dân tộc, tính hàm súc cao. Việc sử dụng thành ngữ, tục ngữ trong lời ăn tiếng nói hằng ngày vừa thể hiện sự am hiểu của người nói vừa có sức thuyết phục. Trong nhiều bài ca dao, tác giả dân gian Quảng Nam đã dẫn ra các thành ngữ một cách nhuần nhuyễn:

Chẳng đi thì nhớ thì thương

Đi thì dãi nắng dầm sương sao đành.

Khi nhận xét về việc người và việc đời trong cuộc sống và cả khi nói về tình yêu, hạnh phúc, người Quảng Nam thường dùng dẫn ngữ. Như thế sự nhận xét đánh giá có cơ sở và mang tính khách quan hơn. Ví dụ:

Ơn cha nặng lắm ai ơi

Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang...

Họ không chỉ dùng những câu thành ngữ vốn quen thuộc với đời sống người lao động mà còn cả những thành ngữ Hán - Việt tưởng như khó hiểu đối với người bình dân. Dẫn ngữ Hán - Việt được người dân Quảng Nam dẫn vào lời ăn tiếng nói hằng ngày cũng như trong thơ ca dân gian một cách nhuần nhuyễn... Ví dụ:

Chữ rằng “Hổ tử lưu bì

Làm người phải để danh gì hậu lai.

Hay:

Họa hổ họa bì nan họa cốt

Tri nhơn tri diện bất tri tâm

Nhìn xa mới thấy là lầm

Trên khô suối chảy dưới đầm đá khô.

Sự có mặt của các thành ngữ Hán - Việt này đã làm tăng tính cô đọng, súc tích và lời nói trở nên trang trọng, tao nhã hơn.

Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp, điển cố, điển tích cũng được người Quảng sử dụng khá thành thạo. Việc sử dụng nhiều điển tích, điển cố trong lời nói hay trong thơ ca thể hiện sự uyên bác của người nói. Dẫn ngữ thành ngữ, tục ngữ được các tác giả dân gian sử dụng nhiều khi nói về đạo lí làm người; dẫn ngữ điển tích, điển cố được dùng nhiều hơn ở đề tài tình yêu, hôn nhân. Trong lời hát nhân ngãi sau đây, tác giả dân gian đã sử dụng điển tích chim Ô Thước, cầu Ô Thước để chỉ sự cách trở, thương nhớ:

Ngủ dậy sớm mai ra vườn tưới nước

Nghe con chim Ô Thước

Kêu chèo chèo chẹt chẹt hỡi thậm hay

Một là quạ gửi chim bay

Con chim Ô Thước hôm rày đem tin

Giở sách ra phải chữ bạn tình

Đời mô cận liễu vấn vương nhành tùng

Bên cạnh những điển tích, điển cố Hán học như tích Khổng Tử, tích Nghiêu Thuấn, Kim Bình Mai, Tích Hàn Tín... những điển tích, điển cố của dân tộc cũng được sử dụng để diễn đạt những tình cảm sâu đậm, thủy chung, thường được biểu đạt thông qua các câu chuyện như: Lưu Bình Dương Lễ, Phạm Công Cúc Hoa, Thúy Kiều - Kim Trọng, Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, Tống Trân Cúc Hoa... Tùy theo ngôn vực và thoại trường giao tiếp mà người nói lựa chọn dẫn ngữ phù hợp.

Ngoài ra, những dẫn ngữ từ văn học và các sử sách khác cũng thường được người Quảng lựa chọn để trình bày. Văn học cổ vốn mang nhiều tính ước lệ, tượng trưng. Nhiều từ ngữ trong thơ văn cổ có tính quy ước rất cao. Chẳng hạn, các từ tùng, thông dùng để chỉ sự mạnh mẽ, rắn rỏi, hay chỉ khí phách nam nhi; liễu, mai, đào có tính yếu ớt, thường dùng để chỉ người phụ nữ, vẻ đẹp của phụ nữ...

Để thể hiện tình cảm nhớ thương, trong một lời hát nhân ngãi, tác giả dân gian đã sử dụng điển tích hoa mẫu đơn:

Lựu lê đào lí trổ bông

Mẫu đơn tứ quý biết hằng điểm son

Tứ bề nhành quế nhành non

Trăng còn nhành liễu, măng còn nhành tre.

Trong văn học, điển tích hoa mẫu đơn dùng để chỉ sự giàu sang hay chỉ người con gái đẹp. Điển tích này được dẫn ở đây thể hiện sự nhớ thương về người con gái đẹp. Hoặc đây là một bài ca khác có dẫn ngữ văn học:

Trăng tà tà như hoa phải lứa

Duyên ba sinh hương lửa mơ màng

Cho phần gần gũi tấc gan

Gạ niềm thương nhớ để cho nàng tỏ hay.

Câu ca trên có sử dụng đến hai dẫn ngữ văn học là ba sinh hương lửa. Ba sinh được hiểu theo giáo lí đạo Phật là ba kiếp sống luân hồi: kiếp trước, kiếp này và kiếp sau. Trong văn học cổ, ba sinh thường được dùng để chỉ mối duyên nợ ràng buộc hai người, mối duyên nợ từ kiếp trước truyền lại, như Truyện Kiều có câu: Ví chăng duyên nợ ba sinh/ Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi. Hương lửa là hương và lửa dùng để đốt cúng thần linh mà thề nguyền với nhau. Văn học cổ thường dùng hương lửa để chỉ tình nghĩa vợ chồng, duyên nợ vợ chồng: May mà hương lửa bén duyên/ Cũng vì mấy chữ trúc tiên thơ đồ (Nữ Tú Tài); hay để chỉ lời thề nguyền, mưu toan làm việc lớn: Thân xưa hương lửa chăng còn ước/ Chí cũ công danh đã phỉ nguyền (Nguyễn Bỉnh Khiêm). Điển tích này được dùng trong bài ca trên để thể hiện tình cảm vợ chồng sâu sắc không gì thay đổi được. Hay:

Thảm thay gà trống nuôi con

Nhớ lời hẹn ước nước non hẹn thề. 

Trong văn học, nước non được dùng nhiều và có nhiều nghĩa: chỉ giang sơn đất nước, chỉ cơ nghiệp, hay chỉ sự xa xôi như có núi sông ngăn cách, đôi khi lại là lời thề bền vững hoặc lời tri kỉ, tri âm. Nước non ở bài ca dao này chỉ lời thề bền vững như núi, như sông, không gì lay chuyển được. Đó cũng là cốt cách con người xứ Quảng.

Việc sử dụng nhiều dẫn ngữ trong giao tiếp và đặc biệt là trong thơ ca đã tạo dựng nên một không gian thơ mộng, lí tưởng, thoát khỏi thế giới thực tại để bước vào một thế giới khác thi vị hơn. Nghệ thuật này đã làm tăng thêm màu sắc văn chương, đem lại giá trị nghệ thuật cao hơn cho thơ ca dân gian của vùng đất khắc nghiệt này.

Nói năng có hàm ý, có rào đón trước sau vốn không phải là cách giao tiếp của người Quảng. Trong giao tiếp họ thường chọn cách nói ngắn gọn, vào thẳng vấn đề, khi cần thuyết phục, người Quảng thường dùng các lẽ thường đã được mọi người thừa nhận và dẫn ngữ từ sử sách để lí lẽ thêm chặt chẽ. Các đặc điểm về cách thức nói năng đó đã phần nào hé lộ tính cách con người Quảng Nam nhanh nhẹn, vồn vã, bộc trực, thẳng thắn và cũng rất trọng nghĩa tình.

B.T.L



(*) Tiến sĩ, giảng viên Trường Đại học Quảng Nam.

([1]) Những ngữ liệu làm dẫn chứng trong bài viết này chủ yếu được lấy từ: Nguyễn Văn Bổn (2001), Văn học dân gian Quảng Nam - tập 1, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam.

Quay về
VĂN
NHỮNG ĐỘT PHÁ... LÃNG MẠN!
CON ĐƯỜNG TRONG MÂY
BÊN CẦU CỬA ĐẠI
KHU VƯỜN CỦA MẸ
THƠ
ĐẶT TAY LÊN NGỰC TRỐNG ĐỒNG
DƯỚI CHÂN TƯỢNG ĐÀI MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG
KHÚC TỰ TÌNH CUỐI SÔNG
CHỖ QUAY VỀ
TẠ LỖI QUÊ NHÀ
CÁI ÔM TÌNH NGƯỜI
VŨ ĐIỆU CỦA RỪNG + KHÚC CA CỦA NÚI
CHO EM & HOA CỎ MAY NGÀY LẬP ĐÔNG
ĐÊM SÔNG TIÊN MẤT NGỦ
NƠI PHỐ CỔ
NHẬT KÝ ĐẮK ỐC
THỊ HIỆN + RÁC THẢI
RƯỢU NÚI + BẢN SAO
KHOẢNG TRỐNG + CÁI NHÌN
KHÔNG PHẢI MÙA THU + DƯỚI CHÂN TRỜI TÍM RỤNG
DÒNG CHẢY VĂN HÓA
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ Ở XỨ QUẢNG
NGHIÊN CỨU-LÝ LUẬN-PHÊ BÌNH
VĂN HÓA GIAO TIẾP CỦA NGƯỜI QUẢNG NHÌN TỪ THƠ CA DÂN GIAN
HÀ ĐÌNH NGUYỄN THUẬT, MỘT CON NGƯỜI CỦA VĂN CHƯƠNG, NGHỆ THUẬT
TRÀ DƯ TỬU HẬU
CHO HAY LÀ GIỐNG HỮU TÌNH...
VẮN HỌC-HỌC VĂN
TÊN CHO CON GÁI