|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ Ở XỨ QUẢNG
Tác giả: Tấn Vịnh


Cùng với kho tàng di sản văn hóa vật thể phong phú, đặc biệt là Di tích kiến trúc nghệ thuật Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, Quảng Nam còn gìn giữ, bảo lưu một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể (VHPVT) hết sức to lớn, tiềm ẩn trong đời sống dân gian. Những di sản văn hóa của quá khứ chẳng những tạo nên sức sống, dấu ấn riêng của vùng văn hóa xứ Quảng mà còn góp phần làm giàu có thêm kho tàng di sản của dân tộc Việt Nam. Di sản VHPVT thực sự là những “hòn ngọc quý” (chữ dùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh) được ông cha trao truyền lại cho con cháu. Đó là những sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, được lưu truyền bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu truyền khác, bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, tri thức về y, dược học cổ truyền, về văn hóa ẩm thực, về trang phục truyền thống dân tộc và những tri thức dân gian khác...

1. Kho tàng VHPVT ở xứ Quảng

Quảng Nam là nơi tiếp biến, giao lưu giữa các nền văn hóa khác nhau như văn hóa Việt, Ấn Độ, Chăm, Nhật... Trên nền tảng văn hóa của cha ông thời mở cõi và sự thâu nhận, tiếp thu những tinh hoa của các nền văn hóa khác, người dân xứ Quảng bao đời nay đã sáng tạo, hình thành cho mình kho tàng VHPVT hết sức đa dạng, phong phú. Xứ Quảng có sự hiện diện tương đối đầy đủ các loại hình VHPVT và từng loại hình có những nét đặc sắc riêng biệt. Các cộng đồng dân cư sinh sống từ miền duyên hải, lưu vực sông Thu Bồn, đến vùng trung du, miền núi đều có vốn di sản VHPVT thấm đậm chất nhân văn. Di sản VHPVT như mạch nguồn nuôi dưỡng, thăng hoa đời sống tinh thần của các cộng đồng cư dân.

Là một đô thị cổ nằm ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn, Hội An là một “bảo tàng sống” hiếm có trên thế giới vì có sự gắn kết bền chặt giữa con người với di tích kiến trúc, giữa văn hóa vật thể và VHPVT. Di sản VHPVT được suy tôn và phát huy trong hoạt động du lịch, lễ hội văn hóa truyền thống và thấm sâu vào trong nhịp sống, hơi thở hàng ngày. Cư dân nơi đây chẳng những nâng niu từng chi tiết, đường nét của phố cổ như bức tường rêu phong, mái ngói âm dương, không gian kiến trúc mà còn biết khơi dậy những nếp sống, sinh hoạt mang đậm truyền thống dân gian. Vào dịp lễ hội ta thấy xuất hiện áo bà ba, áo dài, khăn đóng, guốc mộc và cả các loại trang sức, mũ nón cổ xưa của cha ông. Cùng với đó, các làn điệu dân ca như hát hò khoan, hô bài chòi, hát bã trạo, hát múa sắc bùa cùng với các loại nhạc cụ truyền thống được trình diễn cũng góp phần làm nên âm sắc riêng của một vùng đất.

Đặc biệt, Quảng Nam còn có vốn văn hóa ẩm thực đặc trưng vô cùng phong phú, với yến sào Cù Lao Chàm, mỳ Quảng, Cao lầu, Xí mà, Hến trộn, chè bắp, bánh ít lá gai Hội An, Bánh khô mè Cẩm Lệ, bánh bao, bánh vạc, bánh đập, bánh su sê, bánh ít, bánh tét, bánh chưng, bánh bao, bánh nậm, đậu hủ, cơm gà, bê thui Cầu Mống, khoai lang Trà Đóa, khoai chà, phở sắn Quế Sơn... Đó là những sản phẩm dân gian bình dị và đặc sắc. Năm 2012, mỳ Quảng đã được tôn vinh và ghi danh vào Kỷ lục Châu Á.

Ở các làng quê, phố thị xứ Quảng vẫn duy trì nhiều lễ hội truyền thống gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của cư dân. Đó là lễ hội Bà Thu Bồn, lễ Rước cộ Bà Chợ Được, lễ hội cầu ngư của cư dân miền biển. Chỉ riêng Hội An đã liệt kê được 44 lễ hội truyền thống và 9 lễ hội mới, cho thấy lịch lễ hội dày đặc, hầu như tháng nào, mùa nào cũng có, đặc biệt là vào dịp xuân. Đó là Lễ cúng giỗ Tiền hiền ở các hội quán, Lễ vía Quan Thánh Đế Quân ở Quan Công Miếu, Lễ vía Thiên Hậu Thánh Mẫu ở Hội quán Phước Kiến, lễ rước Long Chu, lễ hội Cầu ngư, lễ tế cá ông ở biển Cửa  Đại và Cù Lao Chàm, Lễ Cầu bông ở làng rau Trà Quế... Đối với các dân tộc sinh sống ở miền núi, lễ hội là một loại hình VHPVT nổi trội nhất. Trong lễ hội hàm chứa một tổng thể diễn xướng và nghi lễ mang đậm dấu ấn nguyên thủy với tư duy hồn nhiên, từ cách bài trí đến các thức cúng, đến cách thức thực hiện nghi lễ và vui chơi. Lễ hội các dân tộc là sự hội tụ cao độ của các tinh hoa văn hóa, những gì hay nhất, đẹp nhất hầu như tập trung lại để từ đây, thông qua sự tham gia của các thành viên, lan tỏa trở lại cộng đồng.

Làng nghề truyền thống ở Quảng Nam cũng được bảo tồn và phát triển tương đối tốt, mà tiêu biểu là làng đúc đồng Phước Kiều, làng mộc Kim Bồng, Văn Hà, làng dệt lụa Mã Châu, làng gốm Thanh Hà, làng dệt chiếu cói Bàn Thạch, Thạch Tân, làng dâu tằm Đông Yên - Thi Lai, làng rau Trà Quế, làng trống Lâm Yên, nghề dệt thổ cẩm của người Cơ tu... Làng nghề đúc đồng Phước Kiều từ lâu đã chế tác các loại cồng chiêng để cung cấp cho đồng bào miền núi. Nghệ nhân nơi đây còn biết thẩm âm cồng chiêng, chỉnh sửa chiêng cồng bị hư hỏng, mất tiếng trong quá trình sử dụng. Làng nghề này cũng góp phần hình thành không gian văn hóa cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên.

Là tỉnh có đường biển dài hơn 130km, cư dân miền biển xứ Quảng tích lũy di sản văn hóa biển phong phú, đa dạng, nhất là di sản VHPVT. Về loại hình tri thức dân gian, đó là những kinh nghiệm sống và làm ăn của ngư dân như thiên văn, con nước, ngư trường, kỹ thuật đánh bắt... được tích tụ và truyền lại từ nhiều thế hệ, là những tri thức được tích lũy và ứng dụng thông qua sinh hoạt hàng ngày. Về tự sự dân gian, đó là dân ca, truyền thuyết, thần thoại được sáng tạo và hội nhập từ nhiều nền văn hóa và văn minh qua bao thế hệ nhờ lợi thế, vị trí của biển đảo mang lại. Về diễn xướng dân gian có hát bả trạo hay chèo cạn xuất hiện trong lễ cầu ngư. Về lễ hội có lễ cầu ngư, hội đua thuyền, lễ cúng cá ông cầu mong cho ngư dân vững vàng trên biển cả, đánh bắt được nhiều tôm cá...

Quảng Nam còn có kho tàng di sản VHPVT của nhiều dân tộc thiểu số ở miền núi như Cơ tu, Xơ đăng, Giẻ - Triêng, Cor. Chỉ riêng dân tộc Cơ tu cũng đã thấy một diện mạo phong phú về VHPVT, đó là kiến trúc nhà làng truyền thống, nghề dệt và trang phục, ẩm thực, nghệ thuật diễn xướng, lễ hội. Dân tộc Cơ tu chẳng những bảo tồn nguyên vẹn một số nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát... mà còn có trình độ nghệ thuật tạo hình, trang trí rất phát triển. Múa Tân tung Da dá, hát lý, kiến trúc, tạc tượng nhà mồ, nhà gươl... là những tinh hoa VHPVT của người Cơ tu. Người Cơ tu có nhiều hình thức lễ hội liên quan đến chu kỳ canh tác nương rẫy; lễ nghi vòng đời người; lễ hội cộng đồng... Trong lễ nghi nông nghiệp, đáng chú ý nhất là lễ ăn mừng lúa mới (cha haroo têmê). Lễ hội cộng đồng phải kể đến lễ kết nghĩa giữa hai làng (cha p’hoi), lễ mừng nhà gươl mới. Người Cor có lễ cầu mưa (đớp Mo Hwýt go đhăk), lễ giã rạ (xa a-ní), lễ hội ăn trâu (xa ố kpiêu)... Lễ hội ăn trâu là một loại lễ hội rất lớn của dân tộc Cor, ở đó hội tụ và phô bày bản sắc dân tộc một cách rõ ràng, đậm nét và hết sức phong phú. Dân tộc Xơ đăng và Ca dong có lễ hội ăn trâu huê, lễ cúng bến nước cũng như nhiều lễ khác mang đậm dấu ấn của vùng văn hóa Bắc Tây Nguyên.

Xuất phát từ nhu cầu quảng bá du lịch và hưởng thụ văn hóa của nhân dân địa phương, trong những năm gần đây, thông qua “Lễ hội Quảng Nam - Hành trình di sản” (nay là Festival Di sản Quảng Nam) những sắc màu VHPVT được thăng hoa. Những giá trị, tinh hoa của văn hóa Chăm được phục hồi ngay bên khu đền tháp thiêng liêng. Những trích đoạn Lễ hội Chăm, diễn xướng nghệ thuật dân gian với điệu múa Chàm rông, múa dâng lễ, điệu kèn Xaranai, tiếng trống Paranưng, khúc dân ca, trò chơi đội nước, ẩm thực, trang phục Chăm là những sản phẩm độc đáo mà bất kỳ du khách nào cũng say mê, yêu thích. Các lễ hội, trình diễn trang phục, diễn xướng dân gian, ẩm thực, trang phục truyền thống... của Hội An được phát huy trong tổng  thể chương trình Festival di sản.

2. Giải pháp bảo tồn và phát huy di sản VHPVT

Khi đất nước tiến vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đời sống xã hội đang có những biến đổi cơ bản và nhanh chóng. Điều đó đem đến những cơ hội và thách thức gay gắt cho số phận những di sản văn hóa vốn sinh ra và tồn tại gắn bó chặt chẽ với những điều kiện của xã hội cũ. Các tinh hoa di sản văn hóa, hoặc được giữ gìn và phát huy với ý nghĩa là giá trị của truyền thống, hoặc là phải biến đổi để thích ứng với xã hội đương đại. Cũng không loại trừ một số trường hợp di sản bị mai một. Văn hóa dân gian, đặc biệt là VHPVT chủ yếu được lưu giữ trong trí nhớ của con người theo phương pháp truyền miệng, truyền nghề. Nguy cơ mai một của di sản văn hóa dân tộc ngày càng rõ rệt, vì thế, chúng ta cần tiến hành nhiều biện pháp để bảo tồn và phát huy di sản VHPVT.

Trước tiên, việc điều tra, sưu tầm, lưu giữ chúng ngày càng trở nên cấp bách. Song song với công tác sưu tầm nhất thiết phải làm một cuộc điều tra cơ bản để biết được thực trạng của kho vốn di sản, cái gì đã từng có, cái gì đã mất, cái gì tuy đã lâu không được thực hành nhưng vẫn còn khôi phục được, cái gì đang được duy trì, các nghệ nhân đang sống và có khả năng truyền dạy v.v... Nếu trước đây, chúng ta chỉ biết tập trung “điều tra”, “sưu tầm” thì bây giờ cần chú ý việc “kiểm kê” di sản VHPVT. Thuật ngữ này đã được bổ sung trong Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 và nêu rõ “Kiểm kê di sản văn hóa là hoạt động nhận diện, xác định giá trị và lập danh mục di sản văn hóa”. Mục tiêu tổng quát của việc kiểm kê là bảo vệ di sản. Theo đó, hoạt động cụ thể của kiểm kê là nhận diện; xác định giá trị, sức sống của di sản và đề xuất khả năng bảo vệ. Kiểm kê không phải là đếm và lập danh sách mà xác định các yếu tố, các vấn đề liên quan để bảo vệ di sản. Cơ quan thực hiện điều tra và người làm việc này phải nói được hình thức, đặc điểm và giá trị di sản; các vấn đề về khả năng tồn tại, sức sống và nguy cơ mai một.

Trước yêu cầu cấp bách đó, ngày 30/6/2010, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 04 “Quy định việc kiểm kê di sản VHPVT và lập hồ sơ khoa học di sản VHPVT để đưa vào Danh mục di sản VHPVT quốc gia”. Đối tượng kiểm kê là di sản VHPVT đang tồn tại, bao gồm các loại hình: ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội); lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian... Thực hiện Thông tư trên, tỉnh Quảng Nam đã kiểm kê được 150 phiếu, lập trên 40 hồ sơ khoa học thuộc 4 loại hình di sản VHPVT như lễ hội truyền thống, diễn xướng dân gian, làng nghề thủ công, nghệ thuật trang trí... Đến nay, 6 di sản của tỉnh Quảng Nam đệ trình đều được ghi vào danh mục Di sản VHPVT cấp Quốc gia như: Hát bả trạo của cư dân miền biển, Hát bài chòi đầu xuân, Nghề dệt thổ cẩm dân tộc Cơ tu, Vũ điệu Tân tung Da dá của dân tộc Cơ tu; Nghi lễ dựng cây nêu và bộ gu của dân tộc Cor, Lễ hội Rước cộ Bà Cợ Được. Nhiều di sản đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận trong thời gian đến như Hát lý- nói lý Cơ tu, Nghề mộc Kim Bồng, Nghề khai thác yến sào Thanh Châu, Làng nghề đúc đồng Phước Kiều, Lễ hội Bà Thu Bồn...

Bảo vệ di sản VHPVT là kế thừa văn hóa sống, bảo vệ con người, cộng đồng, nhóm người hoặc cá nhân sở hữu- nghệ nhân dân gian- chủ thể văn hóa. Họ là “báu vật nhân văn sống”; bảo tồn và phát huy giá trị VHPVT còn đồng nghĩa với việc bảo vệ các “báu vật sống” đó. Nhà nước và cộng đồng thừa nhận những tài năng dân gian, tôn vinh họ, tạo những điều kiện tốt nhất trong hoàn cảnh có thể, để họ sống lâu, sống khỏe mạnh, phát huy khả năng của mình trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tryền thống. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi cho các nghệ nhân sáng tạo, truyền dạy cho thế hệ trẻ các di sản văn hóa được tích lũy trong cuộc sống; điều tra và lập danh sách công nhận danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú. Nghị định 62/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trên lĩnh vực VHPVT là cơ hội để tôn vinh, khuyến khích đội ngũ nghệ nhân phát huy tài năng đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Sự trọng vọng của xã hội sẽ động viên họ ra sức cống hiến và khuyến khích thế hệ trẻ phấn đấu noi theo.

Bên cạnh công tác kiểm kê, cần quan tâm triển khai thực hiện những đề tài, dự án nghiên cứu, sưu tầm VHPVT của các dân tộc tỉnh Quảng Nam, làm tiền đề cho chiến lược phát triển văn hóa của tỉnh. Trước mắt, cần tập trung nghiên cứu các mảng VHPVT như: Nghề dệt vải và nghề đan lát; văn hóa ẩm thực các dân tộc; dân ca và âm nhạc; nghệ thuật tạo hình; trang phục truyền thống... Chú trọng việc nghiên cứu, bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc đang có nguy cơ bị mai một như Cor, Ca dong, Giẻ- Triêng..., tích cực vận động nhân dân tham gia bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc mình. Tổ chức các cuộc hội thi, hội diễn, lễ hội văn hóa- thể thao các dân tộc miền núi.. để các nghệ nhân, diễn viên có cơ hội giao lưu, kích thích sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của chính đồng bào. Đồng thời, thực hiện đề án bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

VHPVT là linh hồn của di sản văn hóa. Một di tích hay một quần thể di tích còn lưu giữ, phát triển các nhân tố, loại hình VHPVT như lễ hội, truyền thuyết, hình thức tín ngưỡng, tâm linh... thì di tích ấy có sức sống, thu hút và gắn kết cộng đồng. Hội An vẫn là Di sản thế giới nằm trong Tốp 10 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á từ năm 2008 đến nay bởi vì có sự bảo tồn và phát huy, có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố vật thể và phi vật thể, trong đó VHPVT được xem là hồn cốt của di sản Hội An. Festival Di sản Quảng Nam được tổ chức hai năm một lần cũng là cơ hội để tôn vinh di sản VHPVT, giới thiệu đến bạn bè gần xa những giá trị tiềm ẩn của truyền thống nhân văn, tinh hoa văn hóa xứ Quảng.

T.V


(*) Tiến sĩ, giảng viên Trường Đại học Quảng Nam.

Quay về
VĂN
NHỮNG ĐỘT PHÁ... LÃNG MẠN!
CON ĐƯỜNG TRONG MÂY
BÊN CẦU CỬA ĐẠI
KHU VƯỜN CỦA MẸ
THƠ
ĐẶT TAY LÊN NGỰC TRỐNG ĐỒNG
DƯỚI CHÂN TƯỢNG ĐÀI MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG
KHÚC TỰ TÌNH CUỐI SÔNG
CHỖ QUAY VỀ
TẠ LỖI QUÊ NHÀ
CÁI ÔM TÌNH NGƯỜI
VŨ ĐIỆU CỦA RỪNG + KHÚC CA CỦA NÚI
CHO EM & HOA CỎ MAY NGÀY LẬP ĐÔNG
ĐÊM SÔNG TIÊN MẤT NGỦ
NƠI PHỐ CỔ
NHẬT KÝ ĐẮK ỐC
THỊ HIỆN + RÁC THẢI
RƯỢU NÚI + BẢN SAO
KHOẢNG TRỐNG + CÁI NHÌN
KHÔNG PHẢI MÙA THU + DƯỚI CHÂN TRỜI TÍM RỤNG
DÒNG CHẢY VĂN HÓA
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ Ở XỨ QUẢNG
NGHIÊN CỨU-LÝ LUẬN-PHÊ BÌNH
VĂN HÓA GIAO TIẾP CỦA NGƯỜI QUẢNG NHÌN TỪ THƠ CA DÂN GIAN
HÀ ĐÌNH NGUYỄN THUẬT, MỘT CON NGƯỜI CỦA VĂN CHƯƠNG, NGHỆ THUẬT
TRÀ DƯ TỬU HẬU
CHO HAY LÀ GIỐNG HỮU TÌNH...
VẮN HỌC-HỌC VĂN
TÊN CHO CON GÁI