|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: BÊN CẦU CỬA ĐẠI
Tác giả: Hồ Duy Lệ

Bút ký



Quê ngoại tôi là quê cát. Gọi quê cát, tôi muốn nhắc đến nhiều người, nhắc đến những tên thôn, tên làng tên người vẫn còn in đậm trong tôi nhờ có một tuổi thơ trên quê mẹ. Mỗi khi nhớ về quê mẹ, nơi tôi sinh ra, đi học, lớn lên, tôi luôn nhớ về những con đường trên cát - những con đường in đậm dấu chân tuổi học trò. Đó là những con đường không có tên đưa tôi từ nhà ở làng Tú An, đến trường Chùa Thánh, năm tôi học lớp Hai và lớp Ba, thuộc làng Hưng Mỹ, xã Bình Triều. Dù sống xa quê, song mỗi lần nhắc đến má tôi, thì hình ảnh một làng cát bỗng hiện lên. Những bãi cát trắng lóa mắt, mấy xóm nhà dân, những bờ thổ cao như những bức tường thành bằng cát. Năm lên lớp Bốn, trường học trong một ngôi đền, thuộc xã Bình Sa. Trường do thầy giáo Nguyễn Dưỡng dạy, có ông từ giữ đền, lưng còng, không biết ai nói mà bọn học trò chúng tôi gọi là ông Từ Mài. Mỗi lần đi học, lội mỏi chân qua hai động cát không một bóng cây. Đi học về trưa, mùa nắng, khi nào trên tay cũng cầm theo một nhành lá, có khi lá dương liễu, có khi lá mù u, vừa đi, vừa chạy, mệt quá thì thả nhành lá xuống đất, đứng lên trên lá, nghỉ cho khỏi nóng hai bàn chân.

Một con đường trên cát quen thuộc, nhiều kỷ niệm là con đường theo má tôi từ nhà đến chợ Hưng Mỹ, cách nhà chừng bốn cây số. Bây giờ là con đường trải nhựa rộng hơn 5 mét dành cho người đi bộ, rất ít người đi xe đạp, không nhiều lắm cho người đi xe máy và thỉnh thoảng có những chiếc xe ôtô con của những người đi làm ăn xa về thăm quê. Năm học lớp Bốn, lớp Năm, tôi quen hai bạn học, nhà ở gần đầu chợ Hưng Mỹ, là Trần Tiến và Nguyễn Ngọc Trác. Tôi không gặp lại Nguyễn Ngọc Trác, sau chiến tranh chống Mỹ, mà gặp anh trai của Trác trên chiến trường Khu V, là anh Nguyễn Ngọc Báu - tên cha mẹ đặt cho nhà báo Nguyên Ngọc, thành nhà văn nổi tiếng từ khi có “Đất nước đứng lên”, “Rừng xà nu”, “Đường chúng ta đi”. Còn Trần Tiến, thuở nào cùng học ở ngôi trường trên cát, chính là nhà báo Chu Cẩm Phong, anh thành nhà văn với ngàn trang “Nhật ký chiến tranh”. Anh từ biệt mọi người ở tuổi ba mươi, từ ấy gọi anh là liệt sĩ - nhà văn và sau này là Anh hùng LLVT nhân dân Chu Cẩm Phong.

Năm lớp Năm tôi học ở rừng Bồng - Thăng Tú (nay thuộc xã Bình Chánh). Từ nhà đi lên, theo con đường đất chừng ba cây số thì qua đường cái (là đường quốc lộ 1, bấy giờ rộng hơn 5 mét, thời chống Mỹ, mở rộng đến 10 mét mà thấy rộng như một đường băng, nay đã mở rộng đến 40 mét cho hai làn xe ngược chiều). Ngày ấy, đi qua đường cái thì xuống ruộng lúa theo con đường mòn nhỏ, quanh co trên bờ ruộng, qua mấy cánh đồng, đến một con đập bổi, gọi là đập Ngọc Phô (nay thuộc xã Bình Tú). Lại qua một cánh đồng, rồi qua một khu rừng, gọi là rừng Bồng. Đường đi đất sỏi cấn đau hai bàn chân non. Từ rừng Bồng đi chừng vài cây số thì đến nhà dì Bốn của tôi. Nghỉ hè, má tôi thường cho mấy anh em tôi lên thăm dì, lần nào má cũng bảo anh em tôi xách lên cho dì một trã cá biển. Trên đường đến nhà dì Bốn, qua một cái chợ, gọi là chợ Đo Đo. Ai có thể ngờ, con đất toàn sỏi và cát pha, gieo lúa trì chờ uống nước trời, bên cái chợ quê ngày ấy, có một bà mẹ nghèo, sinh được một đứa con trai, thuở nhỏ chỉ biết đi học và giữ bò với trẻ con trong làng, sau này trở thành nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, một nhà văn viết không hề cạn ký ức về tuổi thơ! 

Khi trường rừng Bồng dời về làng Tất Viên - Bình Phục, đi học lại phải lội qua hai trảng cát của ông Trợ Mân và của ông Tú Lan. Sau này, tôi biết ông Trợ Mân bán trảng cát rộng hàng trăm hecta của mình cho ba tôi là ông Ba Từ. 

Trên một trảng cát mênh mông vậy mà ông Tú Lan dựng nên một cơ nghiệp lớn trong làng, với một bầy con, trong đó, có một người con trai tên là Nguyễn Đức Dũng. Các lớp học trò trong kháng chiến Một, các cô, chú, dì tôi luôn nhớ đến thầy dạy văn Nguyễn Đức Dũng. Sau khi có Hiệp định Genève năm 1954, bị kẻ thù truy đuổi, không thể dạy nữa, không thể hoạt động cách mạng, phải đổi vùng, Nguyễn Đức Dũng rời quê cát. Trong lẩn trốn và viết báo để mưu sinh nơi quê người, thầy giáo, nhà báo Nguyễn Đức Dũng trở thành nhà văn Vũ Hạnh - Vũ Hạnh là tên của một người bạn chiến đấu, một nhà cách mạng kiên cường quê xã Bình Nguyên huyện Thăng Bình. Mang bút danh Vũ Hạnh, Nguyễn Đức Dũng viết báo, viết văn, trở thành một nhà văn nổi tiếng làm rạng rỡ quê cát!

Ngày xa xa ấy, hầu như ngày nào má tôi cũng đi chợ Hưng Mỹ, không đi chợ buổi sáng thì đi chợ buổi chiều. Chỉ đi chợ Kế Xuyên, xa hơn, thì phải lội qua những đoạn đường mòn chạy quanh co qua mấy cánh đồng lúa trì, để mua ngọn giống, khi đến vụ trồng khoai lang. Tôi hỏi má tôi, rằng mình xứ khoai lang vì sao phải lên tận vùng đất đồi gò này để mua ngọn giống thì má tôi giải thích: “Khoai đất lạ, mạ đất quen”. Mỗi lần đi lại trên những con đường làng quen thân ngày ấy, tôi nhớ đến những ngày ba tôi đã đi thật xa, tận bên kia vĩ tuyến 17. Mỗi khi nhắc đến ba tôi, má tôi hay nói, chỉ cần qua cây cầu có tên Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải thì có thể gặp ba, nhưng không biết bao giờ mới khơi thông cây cầu Hiền lành và Lương thiện ấy? Ngày chia tay ba tôi - những ngày vui ít buồn và lo nhiều ấy má tôi không tin “hai năm” thì cây cầu bắc qua sông Bến Hải được khơi thông nối hai miền Nam Bắc. Chúng tôi không biết khi nào thì ba tôi mới có thể về lại quê nhà. Đêm nằm, lòng má tôi rưng rưng, trong khi mấy anh em tôi thì ôm nhau ngủ như chết. Ngày ngày một mình má tôi chạy ngược, chạy xuôi, trên những con đường trên cát lo cho năm đứa con ăn học. Để má bớt vất vả, ngoài giữ bò, cắt cỏ, làm những việc lặt vặt trong nhà, sáng nào anh em tôi cũng lo dậy sớm học bài, thay nhau giúp má gánh rau xuống chợ bán lấy tiền mua mắm, mua cá, gánh khoai lên nguồn đổi lúa... Má tôi làm việc từ sớm tinh mơ đến khuya lơ, lo cho chúng tôi được ăn no, có áo quần đủ ấm. Dù đi lại trên những con đường làng vất vả, trường học chỉ là những ngôi chùa, đình làng, dù ăn uống còn kham khổ, “cơm cõng khoai”, thức ăn là rau, mắm, dưa, muối, thương má, anh em tôi luôn tâm niệm phải học tập chuyên cần, học giỏi là quà tặng làm má tôi vui nhất.

Cầu Cửa Đại bắc qua sông Thu Bồn dài 1,48km, rộng 38 mét. Đoạn đường từ chân cầu bên này nằm trên đất Cẩm Thanh với rừng dừa Bảy Mẫu của thành phố Hội An dài 4,78km. Đoạn đường từ chân cầu bên kia nằm bên bến đò chợ Nồi Rang với những rừng thông chắn cát thuộc đất của xã Duy Nghĩa huyện Duy Xuyên dài 12,4km. Con đường mang tên đường Thanh Niên làm xong mấy năm nay chờ cầu Cửa Đại hoàn thành thì người và xe có thể chạy theo cát ven biển đến các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành. Đứng dưới chân cầu Cửa Đại, nhìn mặt nước xanh mênh mông, lặng im nghe sóng biển vỗ ì ầm, tôi đưa mắt nhìn những rặng dừa lấn ra sông, cố hình dung một thời, những chiến sĩ giải phóng đêm đêm từ phía Duy Nghĩa vượt qua vùng sông nước mênh mông này đột nhập vào hang ổ quân thù làm cho chúng ăn không ngon, ngủ không yên. Nhìn mấy chiếc thuyền chở khẳm người chạy qua lại trên sông, tôi bỗng nhớ nghỉ hè năm lớp Bốn, lần đầu tiên theo thuyền trên sông Trường Giang ra phố Hội An thăm ông ngoại. Từ nhà dì Năm ở đầu chợ Hưng Mỹ, ăn cơm chiều, dì dẫn xuống bến đò ở cuối chợ, lên thuyền, nằm ngủ một giấc, sáng ra thì thấy phố Hội.

Trời đất phú cho Quảng Nam một nguồn lâm đặc sản dồi dào và vô tận như quế, tiêu, đồi mồi, sa nhân... từ đầu nguồn sông Mẹ Thu Bồn, nên tàu bè ngoại quốc đánh hơi tấp nập vào Cửa Đại Chiêm, nay là Cửa Đại, cập bến sông Hoài - Hội An. Cùng với tài nguyên rừng quí hiếm, còn có củi và nước ngọt. Ngày trước, tàu chạy bằng sức nóng của lò hơi nước. Để lò hơi nước luôn sôi sùng sục thì phải có củi đun lên. Thời ấy chưa nấu bằng bếp dầu, bếp điện, bếp ga... mà trên các tàu, thuyền cũng phải dùng bếp chụm củi. Từ Cửa Đại lên chợ Củi có bến Trà Nhiêu, một bến sông sâu, luôn đông đúc tàu bè. Từ đây, tàu ngược dòng lên bến chợ Củi mua củi, lấy nước ngọt trước khi tàu lại ra viễn dương... Sông chợ Củi luôn đón một nguồn hàng vô cùng dồi dào từ thượng nguồn đổ về, trong đó có rất nhiều... củi. Sông chợ Củi một thời là nơi đóng đại thủy quân của Chúa Nguyễn - lực lượng thủy quân từng đánh bại các đại quân của Hà Lan vào giữa thế kỷ XVII. Theo các nhà nghiên cứu, thì sông chợ Củi đời Tự Đức thứ 3 đổi tên là Sài Thị, được liệt vào hàng sông lớn, được ghi vào điển thổ.

Sông Thu Bồn chảy đến đất Duy Xuyên và Điện Bàn thì tách thêm một nhánh sông mang tên Bà Rén tạo nên Gò Nổi - vùng bãi bồi cho cây xanh, cho nghề trồng dâu nuôi tằm một thời nổi tiếng, làm giàu cho người dân các xã Điện Quang, Điện Phong, Điện Trung, với hàng vạn dân sinh sống, trước khi ra biển. Sông Thu Bồn rộng, nhiều đoạn sâu thẳm, nước xanh, nước từ thượng nguồn đổ về đến đây bỗng hoài nhớ và đợi chờ tạo nên vùng dân cư, thành thị trấn Vĩnh Điện, thành Thành tỉnh Quảng Nam, thành những bến giao lưu như bến Bàn Thạch, bến Thanh Hà, bến Trà Nhiêu. Trà Nhiêu là một vùng sông nước mênh mông, vốn gọi là vũng Trà Nhiêu. Ngày xưa là bến dành cho tàu thuyền, ghe bầu. Rất nhiều ghe bầu nối Hội An với Nha Trang, Phan Thiết, Sài Gòn... Chính những tuyến giao thương này làm cho Hội An trở thành phố thị một thời phồn vinh.

Bến Bàn Thạch cũng là bến sông sâu, nhiều tàu bè lui tới giao lưu buôn bán hình thành nên chợ Bàn Thạch. Chợ Bàn Thạch ở tại làng Vĩnh Nam xã Duy Vinh. Ngày trước có xóm dân cư đông đúc gọi là xóm Cây Trổ, nằm sát bờ sông. Trà Nhiêu - Bàn Thạch là vùng hợp lưu của sông Thu Bồn và sông Trường Giang - một con sông - con đường thủy cho giao lưu một thời của dân cư ven sông từ Tam Kỳ ra Thăng Bình, Duy Xuyên, Hội An... Gần chợ, gần sông... là bàn đạp giao lưu buôn bán tiếp sức cho cảng thị Hội An nên có nhiều người làm ăn phát đạt. Không có chợ nào vui bằng chợ Bàn Thạch. Không có lạch nào hẵm bằng lạch Bùng Binh.

Lạch Bùng Binh nằm phía bên đất Duy Thành. Ngoài thuyền bè, tàu ngoại quốc, vùng sông nước ngày chưa xa ấy có một loại ghe mà chỉ Quảng Nam mới có, đó là ghe bầu. Loại ghe to, chuyên chở buôn bán đường dài: Ghe bầu trở lái về Đông. Con gái theo chồng bỏ mẹ ai nuôi.

Chủ ghe bầu thì giàu có nhưng anh em vạn đò, bạn ghe thì vô cùng vất vả: Lấy khách Quảng Đông ăn hồng với táo. Lấy bạn ghe bầu ăn cháo gạo lương.

Thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã mở cửa giao lưu buôn bán với các nước châu Á và phương Tây. “Châm ngôn của người Đàng Trong là không sợ sệt bất cứ nước nào trên thế giới”. Bất cứ nước nào mang quân đến xâm lăng thì “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Giặc Pháp đến Hội An - Quảng Nam, rồi giặc Mỹ thay chân giặc Pháp đến Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên... trên đoạn sông này, đêm đêm, các chiến sĩ giải phóng quân theo thuyền rời Xuyên Mỹ, Xuyên Tân, Xuyên An, Xuyên Nghĩa, Bình Dương, Bình Đào, Bình Triều... trong đêm đen, trên sóng nước bập bềnh lạnh thấu xương... đột nhập vào Cẩm Thanh, Cẩm Hà, Cẩm Nam, Cẩm Phô... xây dựng cơ sở, lập các đội biệt động, cùng với du kích, bộ đội không cho quân Mỹ - Sài Gòn một ngày yên ổn. Từ các xã ven sông, trong ấp “tân sinh”, trong “ấp chiến lược” đầy kẽm gai và thuốc nổ, cùng tay sai kèm kẹp ngày đêm, bức ép đủ trò, vậy mà bà con các xã bạn Xuyên An, Xuyên Long, Cẩm Kim, Cẩm Nam, Cẩm Thanh... tụ tập hàng vạn người, tay dây, tay gậy lên hàng trăm chiếc thuyền, tràn qua sông Hoài, lên bờ cùng với nhân dân các phường nội thị Hội An xuống đường cướp chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1945, rồi hai mươi ba năm sau cùng với bộ đội và nhân dân nội thị làm cuộc nổi dậy long trời lở đất trong mùa Xuân Mậu Thân - 1968...

Sông Thu Bồn bắt nguồn từ vô số những con suối nhỏ róc rách chảy xuống từ ngọn núi Ngọc Linh ở chỗ giáp hai tỉnh Quảng Nam - Kon Tum, len lỏi qua những vùng núi non hiểm trở mạn Tây Quảng Nam ở đoạn này có tên là sông Tranh, rồi đổ xuống các cánh đồng phì nhiêu Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An, ra gặp biển Đông ở Cửa Đại. Từ ngàn xưa, con người vốn hội tụ ven những dòng sông lớn. Và cũng ven những dòng sông lớn, diễn ra những cuộc chiến đấu vô cùng anh dũng của con người. Những anh chị em làm văn học nghệ thuật, đồng nghiệp, đồng đội, đồng chí của họ đã hy sinh suốt cuộc chống Mỹ trên chiến trường Quảng Nam, tất cả đều đã nằm lại dọc hai bờ sông này, từ ngọn nguồn cho đến nơi sông gặp biển. Họ hiến thân mình góp phần làm nên ngày đại thắng và hòa xương thịt mình vào nguồn phù sa màu mỡ cho cuộc sống Quảng Nam hôm nay. Ở đầu nguồn, bên suối Đák Ta (xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My) là nơi nhà thơ trẻ Nguyễn Mỹ - tác giả của “Cuộc chia ly màu đỏ” từ biệt đất này ngày 16/5/1971, trong một trận chống địch càn vào căn cứ Khu ủy Khu V. Ở cuối sông, người con gái Hà Nội Dương Thị Xuân Quí nằm lại nơi quanh năm lồng lộng gió mặn biển Đông cùng sóng nước Thu Bồn. Giữa họ, xuôi dòng sông Tranh về đến Phước Trà, Hiệp Đức là nơi yên nghỉ của họa sĩ trẻ Hà Xuân Phong. Đến Vinh Cường, xã Duy Tân, Duy Xuyên, bên bờ con suối chảy ra sông Thu Bồn, Chu Cẩm Phong cùng các chiến sĩ từng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Đến La Tháp, Duy Châu thì nghệ sĩ múa Võ Thị Phương Thảo nằm lại không về, và tiếp theo là nhà báo Nguyễn Trọng Định, nhà văn Nguyễn Hồng, nhạc sĩ Văn Cận, nhà báo Trần Văn Anh... và gần hết một đoàn văn công Quảng Đà hy sinh chỉ mấy ngày trước chiến dịch Xuân Mậu Thân - 1968.

Hội An quê mẹ, nơi Trần Tiến - Chu Cẩm Phong yêu quí, nhớ nhung biết chừng nào. Anh ghi trong Nhật ký: “Mình nhớ những ngày xa xưa, tụi mình còn bé xíu, những buổi chiều, mình theo mẹ ngồi thuyền từ trên Phố về Cẩm Phô thăm bà ngoại. Hồi đó đất Cẩm Phô cũng mượt xanh và rất nhiều cau. Ngồi trên thuyền nhìn những hàng cau lướt lướt, mình cứ ngạc nhiên mãi: không biết tại làm sao những cây cau kia không có chân mà đi được. Về Cẩm Phô, lại nghe tiếng khung cửi tay của bà ngoại, và có những đêm ăn cơm tối, ngoài trời tối mịt, cái đĩa đèn kê ở khung cửi, ngọn đèn lay động theo nhịp thổ của khổ go. Những ngày ở đó, hai chị em mình cùng với các chị con cậu Tám, ngồi dưới gốc mít nhặt lá mít chơi đủ trò. Cẩm Phô ơi, cái gốc mít ấy còn không, những hàng cau thanh tú ấy có còn không: quân thù man rợ đã làm hoen ố bức gấm lộng lẫy đó của ta!”.

Từ bến đò Nồi Rang - Duy Nghĩa, năm 1965, sau khi rời Hà Nội về lại Quảng Nam, Chu Cẩm Phong bám theo giao liên và du kích về Hội An thăm mẹ. Ở với du kích Cẩm Thanh, Cẩm Hà gần một tháng mà Chu Cẩm Phong không tài nào liên lạc để mẹ qua được sông thăm con. Anh chỉ biết đứng bên bến đò Cẩm Thanh nhìn sang phố Hội. Và cho đến ngày hy sinh, 1 tháng 5 năm 1971, Chu Cẩm Phong cũng chưa một lần gặp lại mẹ!

Mỗi khi có dịp về thăm quê, tôi hết sức ngạc nhiên và cũng thật vui được đi trên những con đường bê tông qua trảng cát, không chỉ xe máy mà cả xe ô tô cũng chạy được. Mỗi lần dừng lại nhìn những con đường bê tông trên cát, nhìn các em học sinh đạp xe tung tăng đến các ngôi trường trong xã, trong thôn, bỗng nhớ và thương sao tuổi nhỏ của chúng tôi! Chắc má tôi rất vui khi biết những người nông dân quê cát không còn quá cực như xưa, khi đã thay quang gánh bằng những chiếc xe máy, xe ba gác, đưa phân ra tận ruộng, đưa lúa về tận nhà.

Những cây cầu tre gập ghềnh cong cong bắc qua con sông Trường Giang đã được thay bằng những chiếc cầu bê tông cốt sắt, cho cả xe ô tô chạy qua, nối Chợ Bà, chợ Hưng Mỹ với Duy Nghĩa, Bình Dương, Bình Đào, Bình Minh, nối những con đường xương cá làm bằng bê tông trên cát vào tận nhà, ra tận ruộng... Biết bao nhiêu cố gắng và công sức đã góp phần làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn, trong đó có những con đường bê tông trên cát.

Từ ngày nghe tin một có một cây cầu sẽ bắc qua sông Thu Bồn nối Cửa Đại với vùng đông Duy Xuyên, Thăng Bình làm người dân quê tôi rất vui. Tôi thật sự mừng khi đứng dưới chân cầu Cửa Đại tận mắt nhìn những chiếc xe chuyên dụng to đùng nặng nề chở vật tư, thiết bị chạy ra chạy vào, thấy anh em công nhân đội nắng đội mưa trên công trường. Và, mọi người vui hơn từ buổi chiều ngày 28 tháng 9 năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ Thủ đô Hà Nội bay vào Đà Nẵng, theo đường ô tô vào chứng kiến lễ hợp long cầu Cửa Đại. Thủ tướng vui mừng nói: Đây là tuyến đường kết hợp nhiều mục tiêu, vừa bảo đảm an ninh quốc phòng ven biển, vừa kết nối du lịch Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Khu Kinh tế mở Chu Lai...

H.D.L


(*) Giải Khuyến khích cuộc vận động sáng tác văn học đề tài giao thông vận tải 2014-2015 do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải tổ chức.

Quay về
VĂN
NHỮNG ĐỘT PHÁ... LÃNG MẠN!
CON ĐƯỜNG TRONG MÂY
BÊN CẦU CỬA ĐẠI
KHU VƯỜN CỦA MẸ
THƠ
ĐẶT TAY LÊN NGỰC TRỐNG ĐỒNG
DƯỚI CHÂN TƯỢNG ĐÀI MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG
KHÚC TỰ TÌNH CUỐI SÔNG
CHỖ QUAY VỀ
TẠ LỖI QUÊ NHÀ
CÁI ÔM TÌNH NGƯỜI
VŨ ĐIỆU CỦA RỪNG + KHÚC CA CỦA NÚI
CHO EM & HOA CỎ MAY NGÀY LẬP ĐÔNG
ĐÊM SÔNG TIÊN MẤT NGỦ
NƠI PHỐ CỔ
NHẬT KÝ ĐẮK ỐC
THỊ HIỆN + RÁC THẢI
RƯỢU NÚI + BẢN SAO
KHOẢNG TRỐNG + CÁI NHÌN
KHÔNG PHẢI MÙA THU + DƯỚI CHÂN TRỜI TÍM RỤNG
DÒNG CHẢY VĂN HÓA
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ Ở XỨ QUẢNG
NGHIÊN CỨU-LÝ LUẬN-PHÊ BÌNH
VĂN HÓA GIAO TIẾP CỦA NGƯỜI QUẢNG NHÌN TỪ THƠ CA DÂN GIAN
HÀ ĐÌNH NGUYỄN THUẬT, MỘT CON NGƯỜI CỦA VĂN CHƯƠNG, NGHỆ THUẬT
TRÀ DƯ TỬU HẬU
CHO HAY LÀ GIỐNG HỮU TÌNH...
VẮN HỌC-HỌC VĂN
TÊN CHO CON GÁI