|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: CON ĐƯỜNG TRONG MÂY
Tác giả: Nguyễn Tam Mỹ


Truyện ngắn

Đỉnh núi A Rung cứ tím sẫm lại. Ánh ngày đã nhạt dần. Chẳng còn mấy chốc nữa, ông mặt trời đi ngủ. Làng Ch’Boóck đã chuẩn bị xong xuôi mọi thứ cho đêm hội Cha ha’roo t’mêê([1]). Mọi người đều đã ăn uống no say. Già làng Alăng Hiên đưa tay ra hiệu, C’lâu Tía cầm ngọn đuốc làm bằng lõi cây thông dầu châm vào đống củi to chất giữa sân. Củi khô nỏ nhanh chóng bắt lửa cháy bùng lên. Tiếng cồng chiêng ngân vang núi rừng. Từng tốp nam nữ thanh niên nối bước nhau đi quanh đống lửa, nhún nhảy vũ điệu tâng tung da dắ. Già làng Alăng Hiên cười mãn nguyện. Lâu lắm rồi dân làng Ch’Boóck mới được mùa lớn, mở hội lớn. Lũ con trai cởi trần, đóng khố. Lũ con gái mặc váy thổ cẩm thêu hoa văn choàng ngang ngực. Những khúc hát giao duyên của người Cơtu khiến lũ con trai, con gái vừa cuồng nhiệt với vũ điệu tâng tung da dắ, vừa đưa mắt nhìn nhau lúng liếng cười.

Ngồi nơi dãy bàn ghế kê tạm bằng mấy tấm gỗ ở phía trước nhà gươl, già làng Alăng Hiên nhìn lũ con trai con gái đi quanh đống lửa giữa sân và nhún nhảy theo nhịp điệu cồng chiêng. Gương mặt già làng chợt đăm chiêu. C’lâu Tía lo lắng hỏi: “Già làng có chuyện không vui?”. Alăng Hiên nói: “Ngó lũ con trai, con gái nhảy múa, C’lâu Tía có thấy gì không?”. C’lâu Tía chăm chú nhìn những gương mặt hồng lên vì rượu tr’đin, vì ánh lửa bập bùng. Anh khẽ lắc đầu bởi không phát hiện ra điều gì bất thường cả. Alăng Hiên trầm giọng, bảo: “Thiếu muối ăn, chân tay lũ con trai không săn chắc; chân tay lũ con gái không mềm mại...”. Thì ra là thế! C’lâu Tía nói: “Ch’Boóck nằm gần biên giới Việt - Lào, núi cao chất ngất xếp chồng lên nhau. Không có đường đi, người Cơtu mới thiếu muối ăn...”. Im lặng một lát rồi già làng Alăng Hiên cất giọng buồn bã: “Bây giờ chiến tranh đã lùi xa qua bao mùa rẫy, người Cơtu không thể tiếp tục sống trong cảnh đói cơm lạt muối như hồi đánh Mỹ...”. C’lâu Tía làm thinh. Nỗi băn khoăn trăn trở của già làng Alăng Hiên cũng chính là nỗi băn khoăn trăn trở của mọi người. Hồi chiều, C’lâu Tía nhìn thấy những lá chuối rừng đựng đầy thịt nai luộc bày ra giữa sàn nhà gươl chỉ vơi quá nửa, anh hiểu ngay nguyên cớ vì sao. Thịt nai luộc thơm ngon nhưng không có muối chấm ăn thành ra dở. Lũ con trai sức dài vai rộng mượn rượu tr’đin thay muối nhưng vẫn nuốt không trôi. Lũ con gái lấy rau ađhắt([2]) ăn kèm song vị đắng chát không thể nào thay thế được vị mặn mòi của muối...

Ông trăng mới ló lên đến lưng chừng trời. Hãy còn sớm chán. Đống lửa giữa sân được cho thêm củi vẫn cháy bập bùng. Tiếng cồng chiêng vẫn ngân vang núi rừng biên giới. Có điều, vũ điệu tâng tung da dắ do lũ con trai, con gái nhảy múa không còn cuồng nhiệt sôi nổi. Tiếng hú hét “hế! hế! hế!...” cũng không còn vang vọng vào vách núi, lan xa... Tất cả là vì thiếu muối. Zơrâm Nhiết và Bh’nướch Ron mồ hôi nhễ nhại trên tấm lưng trần, tách khỏi vòng xoay ngược chiều kim đồng hồ của điệu dân vũ, đến ngồi bên cạnh C’lâu Tía. Zơrâm Nhiết cười: “Không có muối ăn, múa không nổi!”. Bh’nướck Ron thật thà nói: “Rượu tr’đin dẫu có uống nhiều cũng không thể làm cho đôi chân khỏe lên...”. Già làng Alăng Hiên đưa tay cầm tẩu thuốc ngậm trên miệng, quay sang bảo C’lâu Tía: “Amây([3]) là người làng Ch’Boóck, lại là cán bộ của Đảng, của Bác Hồ. Amây phải nghĩ cách gì đi chứ! Đất nước hòa bình thống nhất đã được mấy mùa rẫy rồi nhưng người Cơtu vẫn khổ, vẫn không có muối ăn...”. C’lâu Tía im lặng. Già làng Alăng Hiên nói đúng. Anh là đảng viên, là cán bộ cách mạng, nhưng chẳng giúp được gì cho dân làng Ch’Boóck. Học lớp y tá cấp tốc sau ngày quê hương giải phóng cùng với kiến thức về đông y tích lũy qua thực tiễn công tác, anh chỉ giúp dân làng chữa trị được những căn bệnh thông thường mà thôi. “Ơ... C’lâu Tía! Amây nói gì đi chứ!”. Già làng Alăng Hiên nhắc lại. C’lâu Tía cười: “Người Kinh có câu: “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại thành hòn núi cao”. Một mình C’lâu Tía này, không thể nào vạch lối mở đường được đâu!”. “Ơ... Amây khỏi phải lo. Có lũ con trai con gái. Có cả lũ làng giúp sức...”. “Nếu vậy, C’lâu Tía này xin hứa, sau ba mùa rẫy nữa, sẽ tìm ra con đường dễ đi nhất từ vùng biên dẫn về xuôi...”.

*

*          *

Lời hứa đó do C’lâu Tía nói hay rượu tr’đin mượn mồm miệng anh nói? C’lâu Tía cũng không biết nữa! Anh cảm thấy lo lắng vô cùng. Người Cơtu rất coi trọng lời hứa. Hình ảnh cây dụ([4]) sắc lẹm được già làng Alăng Hiên cắm phập xuống đất trong đêm hội Chaha’roo t’mêê, biểu trưng cho ý chí của lũ con trai con gái và cả lũ làng Ch’ Boóck ủng hộ anh, kề vai sát cánh với anh trong việc mở lối tìm đường về xuôi, khiến C’lâu Tía ăn không ngon ngủ không yên. Đành rằng, C’lâu Tía là người thông thuộc đại ngàn như lòng bàn tay, hiểu rõ từng con suối, từng ngọn núi, từng thung sâu... Đi rừng lâu năm, từ thuở còn là cậu bé mười một, mười hai tuổi theo ama([5]) săn bắn con chồn con cheo... bây giờ C’lâu Tía đã trở thành người đàn ông trung niên tráng kiện. Rừng không giấu giếm được C’lâu Tía điều chi. Đi lấy mật con ong déo([6]) ở cánh rừng nào, anh biết! Cây ba kích tím mọc nơi nao, anh biết! Đâu là mái núi cao có bao cây thuốc quý chữa bệnh cứu người, anh biết! Ngay cả giang sơn của loài dã thú như báo đốm, gấu ngựa... anh cũng không lạ gì! Đi rừng lâu năm, khám phá và tích lũy được nhiều kinh nghiệm, C’lâu Tía ngỡ nắm rõ những bí mật của rừng, ai hay đại ngàn vẫn còn che giấu con đường về xuôi. Núi xếp chồng lên núi tạo nên đỉnh A Rung cao chạm trời. Những mái núi gần như dựng đứng. Những thung sâu nhìn thấy rợn người. Biết tìm con đường về xuôi ở đâu giữa điệp trùng núi dựng? C’lâu Tía không khỏi nản lòng.

Trong những đêm sinh hoạt cộng đồng tại nhà gươl, C’lâu Tía nghe người già kể chuyện qua bh’noóch, pơr’ma([7]), anh biết rằng, trước đây người Pháp đã từng lặn lội khắp vùng rừng núi giáp biên để thăm dò tìm kiếm tài nguyên, khoáng sản. Họ phát hiện ở miền Tây đất Quảng có bảy hầm vàng. Ngăn cản họ khai thác thứ kim loại quý hiếm ấy lại là những vách núi cao sừng sững. Họ không chịu bỏ cuộc. Họ cho người Cơtu muối ăn để giúp họ khảo sát thực địa nhằm khám phá ra con đường mà đại ngàn che giấu. Sau nhiều năm kiếm tìm, họ đành bất lực đầu hàng. Người Mỹ sang xâm lược Việt Nam. Họ biết vùng rừng núi này là “yết hầu” của con đường Trường Sơn nên biến nơi đây thành “túi bom” nhưng vẫn không ngăn cản được những đoàn người, đoàn xe vận tải vào ra chiến trường. Họ tìm cách mở đường lên Ch’Boóck nhằm xây dựng căn cứ quân sự trên điểm cao sát biên giới Việt - Lào để khống chế cả một vùng rừng núi bao la trùng điệp. Và cũng như người Pháp, họ đã thất bại. Hòa bình lập lại, các đoàn cán bộ kỹ sư cầu đường ở Trung ương đã đến miền Tây đất Quảng khảo sát thực địa để mở đường lên Ch’Boóck. C’lâu Tía vẫn còn nhớ rõ, hồi đó người Cơtu nghe tin vui, ai nấy đều ưng cái bụng. Nhưng rồi, hết mùa rẫy này tới mùa rẫy khác, các đoàn cán bộ kỹ sư cầu đường Trung ương vẫn không tài nào tìm ra con đường mà rừng đại ngàn che giấu. Tất cả đều lắc đầu: “Địa hình quá hiểm trở, không mở đường được đâu!”.

C’lâu Tía là đảng viên, là cán bộ cách mạng. Mỗi lần huyện triệu tập về họp hành, anh vừa đi vừa về mất hơn mười ngày đường. Đương nhiên là có nhiều đêm anh phải ngủ giữa rừng một mình. Ngoài lương thực thực phẩm, soong nồi nấu ăn, tăng võng ni lông... anh còn phải mang theo ba vật dụng bất ly thân là con dao đi rừng, cây ná và cây dụ sắc lẹm để đề phòng thú dữ tấn công. Một mình đi trong rừng đại ngàn mênh mang, C’lâu Tía không sợ cọp beo, không sợ heo rừng nanh dài nhọn hoắt, không khiếp đảm khi gặp trăn núi to như cột nhà, không kinh hãi khi vây quanh anh là tiếng của muôn loài chim thú hòa âm nghe rờn rợn lúc ngủ giữa rừng. Mỗi lần về huyện họp hành, có hai thứ khiến anh ngán nhất. Đó là leo lên trèo xuống Cổng Trời cao vời vợi, ngửa mặt ngó lên rơi cả mũ. Vượt qua được con dốc ấy phải đi ròng rã một ngày trời. Đó là những cơn mưa núi bất ngờ ập đến, sông suối nước duềnh lên vì lũ ống, lũ quét. Không biết nhìn trời trông mây, dự đoán thời tiết, dễ chết như chơi bởi nước lũ cuốn trôi. Xuôi theo sông suối về xuôi là lối đi duy nhất đầy bất trắc hiểm nguy. Vì thế, người Cơtu ở làng Ch’ Boóck chẳng có mấy ai xuống huyện. Còn C’lâu Tía mỗi năm đi về vài ba bận. Mỗi lần anh chỉ cõng được năm, bảy cân muối đem về chia đều cho mọi nhà. Cũng chả bõ bèn gì. Vì thiếu muối ăn mà người Cơtu ở làng Ch’ Boóck hay bị bệnh bướu cổ, phù nề. C’lâu Tía biết thế. Anh chỉ có thể cứu giúp được dân làng nếu tìm ra được con đường mà rừng đại ngàn che giấu.

*

*          *

Sau nhiều ngày đêm trăn trở, C’lâu Tía bất chợt phát hiện ra Cổng Trời cao vời vợi, ngửa mặt nhìn lên rơi cả mũ, chính là “thủ phạm” ngăn chia người Cơtu dal([8]) với người Cơtu phương([9]). Tại sao anh không cất công tìm kiếm con đường vòng tránh Cổng Trời? C’lâu Tía gặp già làng Alăng Hiên giãi bày những suy nghĩ của mình. Già làng Alăng Hiên vỗ đùi cười: “Đúng rồi! Cũng vì con dốc ấy mà vùng cao và vùng thấp bị ngăn chia cách trở từ bao đời nay. Ơ... C’lâu Tía! Amây đã khám phá ra con đường mà đại ngàn che giấu...”. “Chưa đâu, già làng ơi! Đó mới chỉ là ý nghĩ khác mà thôi!”. “Nghĩ được, làm được...”. Già làng Alăng Hiên nói chắc như cây dụ sắc lẹm cắm phập vào thân gỗ. Và C’lâu Tía thêm vững tin vào những suy tính dự định của mình. Dù rằng, không ít người ở làng Ch’Boóck bán tín bán nghi. Họ cũng có cái lý của họ. Vòng về phía Nam sẽ qua địa phận huyện khác. Quanh lên hướng Bắc là đất A Lưới. Bởi dãy núi có Cổng Trời án ngữ ngay trước mặt với rất nhiều thung sâu nhìn thấy rợn người.

Mở lối tìm con đường về xuôi dễ nhất, khỏe nhất, bắt đầu từ đâu? Câu hỏi ấy cứ xoáy sâu vào tâm trí C’lâu Tía. Và rồi anh quyết định từ hai hướng: Dưới lên và trên xuống. Đi họp hành ở huyện, lúc quay về, anh tìm đường lên. Khi rảnh rỗi ở làng Ch’Boóck, anh luồn rừng kiếm ngõ xuống.

Con đường về xuôi mà đại ngàn che giấu được C’lâu Tía tìm kiếm bằng linh cảm của một người đi rừng từng trải, nhằm vén bức màn bí mật của rừng. C’lâu Tía rất vui khi được người vợ yêu quý tin tưởng, cổ vũ, động viên. Mỗi chuyến đi rừng kéo dài chừng mươi, mười lăm ngày. Cái gùi anh mang trên lưng chỉ đựng gạo muối, áo quần, tăng võng, một số thuốc sốt rét phòng thân, cuốn sổ tay và cây bút bi để ghi chép, vẽ sơ đồ theo cách riêng của mình. Thực phẩm, rừng cho, khỏi phải lo. Cá cua ở suối. Thịt tươi có chim trời, thú hoang. Măng rau nơi nào cũng đầy ra đấy. Cây ná quàng vai. Cây dụ sắc lẹm cầm tay trái. Con dao đi rừng cầm tay phải để chặt cây phát cành. C’lâu Tía đi lang thang khắp các triền núi cao hết ngày này qua ngày khác. Anh đánh dấu bằng mắt những tán cổ thụ đứng sừng sững ở lưng chừng núi, đánh dấu bằng dao vào những thân cây. Từ làng Ch’Boóck, anh quành sang mạn Bắc. Mất nhiều thời gian và công sức lội rừng nhưng bù lại, những triền núi bên ấy không có độ nghiêng lớn. Chúng liên kết với nhau, nhiều chỗ quanh co gấp khúc song địa hình vẫn có thể mở đường băng qua được. Chuyến đi khảo sát thực địa đầu tiên khiến C’lâu Tía mừng vui khôn xiết. Những nếp núi xếp liền kề vẫn có ngã rẽ dần về nơi người Cơtu phương sinh sống. Đó là những hẻm núi mà C’lâu Tía hoàn toàn không ngờ tới.


Minh họa: NGUYỄN DŨNG


Từ dưới tìm đường lên, C’lâu Tía chọn địa điểm xuất phát tại Ch’lang. Trở ngại lớn nhất là tầm nhìn hạn chế. Khắc phục điều đó không phải là chuyện dễ. Và trong cái khó ló cái khôn. Anh trèo lên ngọn cây cao đoán hướng, ước lượng khoảng cách bao nhiêu “quăng rựa”... rồi tụt xuống, đi xiên trên những triền núi thâm u nối tiếp nhau trải dài vô tận. Chẳng có nhiều kiến thức về toán học, đồ họa, anh tự mày mò vẽ trong sổ tay con đường bằng những nét nguệch ngoạc, người khác trông thấy sẽ không hiểu đấy là gì? Ngày đi. Đêm nghỉ. Anh cẩn trọng khảo sát thực địa, “phóng tuyến” con đường tương lai qua những vết dao khắc trên thân cây chò, cây lim, cây sến, cây huỷnh... Dạn dày kinh nghiệm đi rừng nhưng C’lâu Tía vẫn không tránh khỏi những tình huống oái oăm. Có lần, đi bộ hoài mệt quá, anh ngồi nghỉ chân cạnh mô đất phủ đầy lá mục. Anh gối đầu lên cái rễ cây to nổi lên mặt đất, hai mắt lim dim nhìn bầu trời xanh qua tán lá xanh um. Bất chợt cái rễ cây động đậy. Ngoái cổ lại nhìn, anh mới hay đấy là con trăn núi vừa xơi gọn con mồi, vội giấu mình dưới lớp lá mục để ngủ. Hú hồn! Lần khác, C’lâu Tía leo lên ngọn cây cao nhắm hướng mở đường. Trên cây có tổ ong mật. Con gấu ngựa nặng gần cả tạ cũng phát hiện ra trên cây có thức ăn mà chúng đặc biệt khoái khẩu. Nó lỳ lợm trèo lên. Ngồi trên chạc ba, C’lâu Tía cầm cây dụ sắc lẹm chĩa xuống. Nó không chịu bỏ cuộc, cứ trèo lên trụt xuống mãi. Cả hai vờn nhau, thi gan với nhau. Cuối cùng, con gấu ngựa hậm hực bỏ đi. Và C’lâu Tía cũng nhanh chóng rời khỏi giang sơn của loài gấu.

Sau ba mùa rẫy, C’lâu Tía đã “khớp nối” được con đường tương lai từ dưới tìm lên, từ trên kiếm xuống, tại đỉnh đèo Lộng Gió. Anh không ngờ hai dãy núi cao chạm trời lại có một nơi chúng tựa vào nhau theo hình “chữ X”. Bên trái là cái vực sâu hun hút. Bên phải cũng là một cái vực sâu hun hút. Giữa hai cái vực sâu hun hút ấy là đỉnh núi hẹp ngó giống hệt sống trâu, rộng chừng ba chục mét, dài chừng trăm mét. C’lâu Tía đặt tên cho điểm “khớp nối” của con đường tương lai là đỉnh đèo Lộng Gió. Bởi suốt ngày đêm gió cứ lồng lộng thổi qua. Lúc ầm ào dữ dội như bão. Khi liu riu tựa ngọn nồm nam. Từng dải mây trắng bồng bềnh từ vực sâu bên này trồi lên, tràn qua đỉnh núi, rồi nhẹ nhàng sà xuống vực sâu bên kia. Và ngược lại. Tùy theo hướng gió. Cứ ngỡ C’lâu Tía khó có thể tìm ra con đường tương lai mà rừng đại ngàn che giấu. Nào ngờ sau ba mùa rẫy lang thang khắp các triền núi chênh vênh ở vùng giáp biên, anh khám phá ra điểm “khớp nối” duy nhất của con đường tương lai tại đỉnh đèo Lộng Gió. C’lâu Tía mừng vui khôn xiết. Anh đã giữ đúng lời hứa với già làng Alăng Hiên, với lũ con trai con gái và cả lũ làng Ch’Boóck. Anh quỳ xuống, ngửa mặt lên trời, khum hai bàn tay đưa lên miệng làm loa hét lên sung sướng: “C’lâu Tía đã tìm ra con đường về xuôi mà rừng đại ngàn che giấu, lũ làng ơi! Người Cơtu ở vùng núi cao biên giới Việt - Lào rồi sẽ có đủ muối ăn...”.

*

*          *

Nhà gươl làng Ch’Boóck đông vui như hội bởi mọi người đều tập trung tới khi nghe tin C’lâu Tía đã tìm ra con đường về xuôi mà rừng đại ngàn che giấu. Người Pháp đầu hàng. Người Mỹ chịu thua. Cán bộ kỹ sư cầu đường Trung ương cũng bó tay. Vậy mà C’lâu Tía đã tìm ra con đường... Bếp lửa giữa nhà gươl bập bùng cháy sáng. C’lâu Tía lật giở từng trang sổ tay vẽ sơ đồ con đường về xuôi bằng những đường nét lạ lùng với những dấu sao, dấu móc, dấu hoa thị, dấu mũi tên chỉ lên, chỉ xuống... Mọi người xúm vào xem. Chẳng ai hiểu nổi. Pơloong Tép lắc đầu: “C’lâu Tía đi rừng nhiều quá nên bị con ma rừng nó ám mất rồi! Vẽ thế này, ai mà biết được con đường ra sao?”. Bh’riu Ton cũng nói chen vào: “C’lâu Tía ơi! Đừng làm cả lũ làng Ch’Boóck mừng hụt, không tốt đâu...”. Những gương mặt rạng rỡ bất giác trở nên đăm chiêu tư lự. C’lâu Tía giảng giải mỏi miệng nhưng chẳng có ai chịu hiểu cho. Anh ngồi bó gối buồn xo. Già làng Alăng Hiên nãy chừ im lặng, hắng giọng nói: “Với người Cơtu, tai nghe không bằng mắt thấy. Đầu óc C’lâu Tía bị rừng đại ngàn làm cho hoang tưởng, hay cả lũ làng Ch’Boóck không hiểu công việc mà C’lâu Tía đã làm suốt ba mùa rẫy? Hỡi những chàng trai sức dài vai rộng! Ngày mai ai đi theo C’lâu Tía để xem có thực đã tìm ra con đường về xuôi đã được đánh dấu cây hay chưa?”. Mọi người ồ lên: “Đúng đấy! Già làng nói đúng đấy! Tai nghe không bằng mắt thấy...”.

Đấy là năm 1982. C’lâu Tía nhớ mãi. Sáng hôm ấy, C’lâu Tía dẫn đầu lũ trai làng Ch’Boóck đi kiểm tra việc khảo sát thực địa: Bh’nướch Ron, Zơrâm Nhiết, Pơloong Tép, Bh’riu Ton và Alăng Bơ. Tất cả đều mang theo những vật dụng cần thiết để sống trong rừng khoảng năm ngày. C’lâu Tía dự tính cả đi lẫn về chỉ ngần ấy thời gian. Mang vác không nặng, lại đi theo con đường tương lai đã được C’lâu Tía “phóng tuyến” sẵn nên ngày đầu tiên cả nhóm đã vượt hơn nửa chặng đường. Khi ông mặt trời đi ngủ, mọi người cũng đã cơm nước xong xuôi, mắc võng quanh đống lửa to, nằm trò chuyện với nhau. Pơloong Tép nói: “Đây là khu vực của loài gấu ngựa”. Bh’riu Ton góp lời: “Và của loài báo đốm nữa! Mấy mùa rẫy vừa qua, C’lâu Tía một mình tìm kiếm con đường về xuôi mà không sợ à?”. Bh’nướch Ron cười: “Với C’lâu Tía, rừng đại ngàn là nhà...”. Zơrâm Nhiết thêm: “Nếu C’lâu Tía sợ, làm sao tìm được con đường về xuôi để bây giờ chúng ta đi kiểm tra và nói lại với lũ làng...”. C’lâu Tía cười. Lát sau, anh trầm giọng bảo: “Người Cơtu sống giữa đại ngàn hoang vu, do thiếu muối ăn mà sinh lắm bệnh, mình không chữa được, thương lắm! Và mình âm thầm tìm lối về xuôi. Bởi có đường đi thì mới vận chuyển được gạo muối và nhiều thứ khác nữa...”. Alăng Bơ nhớ lại thái độ hoài nghi của mình, khi C’lâu Tía báo tin đã tìm ra con đường về xuôi, hối hận: “Cái đầu em nghĩ ngắn như con suối mùa khô. Em sai rồi”. C’lâu Tía cười: “Nhiều người cũng nghĩ như vậy mà!”.

Cả nhóm quay trở về làng Ch’Boóck sau năm ngày đi kiểm tra thực địa con đường tương lai do C’lâu Tía “phóng tuyến” bằng cách đánh dấu cây trong rừng. Cả lũ làng Ch’ Boóck ùa ra vây lấy họ. “Có con đường về xuôi thật không?”. “Nó có dễ đi hay phải bò qua đèo, phải leo lên dốc?”. “C’lâu Tía nói đúng chứ?”. Vân vân... Mọi người tranh nhau hỏi. Già làng Alăng Hiên đưa tay cầm cái tẩu thuốc ngậm trên miệng, kéo dài giọng nói như hát lý: “Ơ... lũ làng! Hãy để Bh’nướch Ron, Zơrâm Nhiết, Pơloong Tép, Bh’riu Ton và Alăng Bơ thuật lại những điều tai nghe mắt thấy...”. Năm chàng trai lần lượt kể cho mọi người nghe tất cả. Cuối cùng, họ nói: “C’lâu Tía đã tìm ra con đường về xuôi mà rừng đại ngàn che giấu. Nó chạy chênh vênh bên những triền núi nhưng không phải bò qua đèo, không phải leo lên dốc. Nó đi được cả hai mùa mưa nắng vì chẳng men theo bờ sông bờ suối”. “C’lâu Tía đã có công lớn với dân làng Ch’Boóck, với người Cơtu ở vùng cao biên giới...”. Già làng Alăng Hiên tuyên bố. Bày tỏ niềm vui, lũ con trai con gái vừa hú hét vang trời, vừa nhún nhảy vũ điệu tâng tung da dắ... Cái tin C’lâu Tía đã tìm ra con đường về xuôi nhanh chóng lan ra khắp các bản làng trải dài theo biên giới Việt - Lào. Cấp ủy và chính quyền địa phương quyết định huy động sức dân mở đường về Ch’lang vào mùa con ong đi lấy mật.

Tất nhiên, C’lâu Tía được giao nhiệm vụ cùng lũ trai làng đánh dấu cây và “cắm mốc” trên các ngọn cổ thụ bằng những mảnh vải đỏ hình đuôi nheo cột trên đầu sào. Tùy theo từng bản làng có nhiều hay ít người mà giao khoán từng đoạn dài hay ngắn để chặt cây, phá đá, đào đất... mở con đường có bề rộng khoảng 1,5m. Mọi người miệt mài lao động với những dụng cụ hết sức thô sơ như dao rựa, cuốc xẻng, xà ben, quang gánh... Nhiều hôm nắng cháy da người, ai cũng mồ hôi nhễ nhại. Lắm bữa mưa núi nghiêng trời dội nước, tất cả đều ướt sũng. Mọi người vẫn không nao núng tinh thần. Nhất là lũ con trai con gái ở các bản làng. Lao động mệt nhọc nhưng khi màn đêm buông xuống, họ đốt lửa múa hát giao duyên. Nhiều cặp đôi đã nên vợ nên chồng sau đó. Khó khăn vẫn không nản chí. Vì ngày mai tươi sáng, hơn một ngàn người Cơtu ở các bản làng đã thi gan với rừng đại ngàn. Sau ba tháng đào bới, san lấp, con đường về xuôi đã được khai mở, uốn lượn quanh các triền núi chênh vênh trên vùng cao dẫn xuống phía xã Lăng. Nhìn con đường dài gần bốn mươi cây số giống hệt con trăn núi khổng lồ trườn bò dưới tán rừng đại ngàn, C’lâu Tía ngẩn ngơ hoài. Anh là người khảo sát, thiết kế, “phóng tuyến” bằng cách đánh dấu cây, cắm mốc vải điều cột đầu sào cắm trên ngọn cổ thụ và cùng với bà con dân làng tham gia mở lối về xuôi. Khi mọi việc hoàn tất, C’lâu Tía lại “không tin được dù đó là sự thật”, cứ nghĩ mình đang nằm mơ giữa ban ngày...

*

*          *

Truyện ngắn này tôi viết sau khi đi dọc biên giới Việt - Lào thuộc miền Tây đất Quảng vào mùa thu 2014. Tôi xin mạn phép “tái bút” đôi dòng gọi là “vĩ thanh”. “Con đường C’lâu Tía” - con đường trong mây, bây giờ đã được mở rộng, nâng cấp, trở thành tuyến giao thông huyết mạch dẫn lên miền biên ải xa xôi ở độ cao trên 1.500m so với mặt biển. Mạng lưới điện quốc gia cũng đã “ăn theo” “con đường C’lâu Tía” với nhiều  nhánh rẽ tỏa về các bản làng. Người Cơtu dal ở miền Tây đất Quảng chẳng những hết “đói muối” như một thời gian dài đã qua, mà còn có “bóng đèn chúc ngược” để thắp sáng lúc màn đêm buông xuống, có cả những cái “a lô cầm tay” để liên lạc với nhau... Điều nhiệm màu đó, có sự đóng góp không nhỏ của C’lâu Tía trong việc khám phá ra con đường về xuôi mà rừng đại ngàn che giấu rồi cùng bà con các bản làng chung lưng đấu cật khai mở con đường trong mây vào những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX... 

N.T.M



(*) Tác phẩm đoạt giải Ba cuộc vận động sáng tác về đề tài giao thông vận tải 2014-2015 do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải tổ chức.

([1]) Lễ hội mừng lúa mới.

([2]) Rau cỏ hoang, người Kinh gọi là xuyến chi.

([3]) Mày.

([4]) Vật dụng giống cây mác dùng để săn bắn thú hoang của người Cơtu

([5]) Cha.

([6]) Ong mật.

([7]) Nói lý, hát lý.

([8]) Người Cơtu ở vùng cao.

([9]) Người Cơ tu ở vùng thấp.

Quay về
VĂN
NHỮNG ĐỘT PHÁ... LÃNG MẠN!
CON ĐƯỜNG TRONG MÂY
BÊN CẦU CỬA ĐẠI
KHU VƯỜN CỦA MẸ
THƠ
ĐẶT TAY LÊN NGỰC TRỐNG ĐỒNG
DƯỚI CHÂN TƯỢNG ĐÀI MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG
KHÚC TỰ TÌNH CUỐI SÔNG
CHỖ QUAY VỀ
TẠ LỖI QUÊ NHÀ
CÁI ÔM TÌNH NGƯỜI
VŨ ĐIỆU CỦA RỪNG + KHÚC CA CỦA NÚI
CHO EM & HOA CỎ MAY NGÀY LẬP ĐÔNG
ĐÊM SÔNG TIÊN MẤT NGỦ
NƠI PHỐ CỔ
NHẬT KÝ ĐẮK ỐC
THỊ HIỆN + RÁC THẢI
RƯỢU NÚI + BẢN SAO
KHOẢNG TRỐNG + CÁI NHÌN
KHÔNG PHẢI MÙA THU + DƯỚI CHÂN TRỜI TÍM RỤNG
DÒNG CHẢY VĂN HÓA
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ Ở XỨ QUẢNG
NGHIÊN CỨU-LÝ LUẬN-PHÊ BÌNH
VĂN HÓA GIAO TIẾP CỦA NGƯỜI QUẢNG NHÌN TỪ THƠ CA DÂN GIAN
HÀ ĐÌNH NGUYỄN THUẬT, MỘT CON NGƯỜI CỦA VĂN CHƯƠNG, NGHỆ THUẬT
TRÀ DƯ TỬU HẬU
CHO HAY LÀ GIỐNG HỮU TÌNH...
VẮN HỌC-HỌC VĂN
TÊN CHO CON GÁI