|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: NHỮNG ĐỘT PHÁ... LÃNG MẠN!
Tác giả: Phan Phú Mỹ


Mấy năm gần đây, “thực hiện các nhiệm vụ đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư” là các cụm từ thường được nhắc rất nhiều đến trên các diễn đàn quan trọng của tỉnh Quảng Nam. Các hội nghị triển khai, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các địa phương hằng quý, nửa năm, một năm; các phiên họp thường kỳ của HĐND các cấp, chúng được nhắc, được nhấn mạnh thường xuyên. Đây cũng là đề tài của nhiều cuộc tranh luận, thảo luận, chất vấn tại các hội nghị, hội thảo... Trong các chuyến làm việc tại Quảng Nam, một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ cũng nhắc đến “các nhiệm vụ đột phá” kể trên. Hôm về dự lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng tỉnh Quảng Nam và tham dự lễ khánh thành, khởi công một số công trình trọng điểm của tỉnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhiều lần nhắc đến các cụm từ ấy. Phó Thủ tướng nhắc nhở, đại ý: Chúng ta đã đặt ra đây là những nhiệm vụ “đột phá”, nếu không đạt được những mục tiêu cơ bản như kế hoạch ban đầu thì ý nghĩa của nó sẽ mất đi, nhịp độ phát triển kinh tế xã hội của địa phương sẽ bị ảnh hưởng và thậm chí, niềm tin, sự kỳ vọng của nhân dân sẽ giảm sút...

Tuy nhiên, có một điều rất đáng mừng là, trong các năm qua, “các nhiệm vụ đột phá” kể trên không chỉ được nói suông, bàn suông ở các diễn đàn, trong các cuộc họp mà đã được làm thật, làm liên tục, làm quyết liệt trên thực tế. Qua đó, cơ bản đạt được các định hướng, mục tiêu đã nêu trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XX của Đảng bộ tỉnh.

Bằng quyết tâm chính trị, bằng nỗ lực và sáng tạo của chính quyền các cấp trong tỉnh, kết cấu hạ tầng đã và đang được đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ. Mạng lưới giao thông được ưu tiên đầu tư nâng cấp, tạo điều kiện kết nối thuận lợi giữa các vùng ở từng huyện; giữa các huyện, thị xã, thành phố với nhau, hình thành mạng lưới giao thông thông suốt từ trung tâm tỉnh lỵ đến tất cả các huyện, thị xã, thành phố và trung tâm các xã. Mấy năm trước, đường về các xã vùng cao Nam Trà My, về khu 7 Tây Giang là nỗi ám ảnh với mọi người, vì phần nhiều phải đi bộ, trèo đèo lội suối rất vất vả. Có mấy chuyến lên vùng biên giới Tây Giang đi thực tế sáng tác, anh em văn nghệ sĩ phải tăng bo từng chặng, phải ăn nhờ ở đậu các bản làng ven đường. Bây giờ, chạy xe máy từ trung tâm huyện chỉ mất một buổi đường là đã tới vùng biên... Nhìn rộng ra, hệ thống giao thông của tỉnh giờ đây còn được kết nối khá hoàn chỉnh với các địa phương khác trong khu vực và cả nước, thậm chí là kết nối quốc tế. Từ vùng đồng bằng của tỉnh muốn đi các tỉnh Tây Nguyên giờ đã có mấy tuyến đường để lựa chọn và tuyến nào cũng đẹp, phẳng lỳ. Muốn ra các tỉnh phía Bắc đường cũng đã thông ở cả mạn Tây, mạn Đông. Hệ thống đường tỉnh, đường huyện và quốc lộ kết nối với hệ thống đường xuyên Á cũng đã làm cho nước bạn Lào, Thái Lan trở nên gần hơn... Một người bạn làm việc trong ngành thống kê của tỉnh cho biết, trước đây công việc khá nhàn, vì có thể nửa năm mới cập nhật số liệu một lần vẫn không sao. Còn bây giờ, tình hình thay đổi từng tuần, từng tháng. Thì đấy, 5 năm qua, đã có một loạt các công trình cầu đường có quy mô đầu tư lớn - mà với nhiều người dân trong khu vực có dự án là “công trình trong mơ”, đã được xây dựng, nâng cấp. Đó là Quốc lộ 1A, cầu Cửa Đại, cầu Kỳ Phú 1 & 2, đường Nam Quảng Nam, cầu Gò Nổi, cầu Ái Nghĩa... Số liệu cập nhật đến giữa năm 2015 cũng cho biết, từ năm 2010 đến nay trên địa bàn tỉnh còn có 30 tuyến đường ô tô đến trung tâm xã với tổng chiều dài hơn 464 km được xây dựng; gần 1.500 km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa... Hiện tại, lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông của tỉnh vẫn đang còn những công trình lớn. Cầu Giao Thủy đang được triển khai thi công để kết nối các địa phương phía Tây Bắc của tỉnh. Các cơ quan chức năng của tỉnh và các địa phương liên quan cũng đang phối hợp tốt với các đơn vị của Trung ương đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (đoạn qua Quảng Nam) và tuyến đường Đông Trường Sơn.

Trong định hướng cơ cấu kinh tế của Quảng Nam, nông nghiệp là lĩnh vực sẽ có tỷ trọng giảm dần. Giảm nhưng phải gia tăng về mặt giá trị, hiệu quả, chất lượng... Cũng vì lẽ đó, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp đã tiếp tục được tỉnh quan tâm đầu tư, với 19.578 tỷ đồng trong vòng 5 năm. Tính đến đầu năm 2015, đã có 124 công trình hạ tầng các loại được đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp. Trong đó, có nhiều hồ chứa nước lớn, kiên cố hóa trên 42 km kênh loại II, 300 km kênh mương nội đồng, xây dựng 119 công trình thủy lợi hóa đất màu và nhiều công trình thủy lợi nhỏ khác. Một số khu vực thường xuyên thiếu nước tưới ở Thăng Bình, Quế Sơn, Hiệp Đức... đã chủ động được nước tưới. Tại các địa phương vùng Đông của tỉnh, tình trạng úng ngập vào mùa mưa ở một số khu vực đã cơ bản được khắc phục.

Cũng nằm trong định hướng đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng, việc quy hoạch, rà soát hệ thống thủy điện theo hướng đảm bảo an toàn và sử dụng hợp lý tài nguyên nước cũng đã được triển khai. Nguồn lợi kinh tế từ thủy điện mang lại rất lớn, song không vì thế mà bất chấp tất cả để xây dựng. Một số dự án thủy điện sau khi đưa ra đánh giá tổng thể về nhiều mặt, tỉnh đã mạnh dạn loại bỏ ra khỏi quy hoạch, do không thể đánh đổi những lợi nhuận trước mắt bằng những tác hại lâu dài, nhất là về môi trường và dân sinh. Hiện tại, trong tổng số 42 dự án thủy điện với tổng công suất 1.600 MW đã có 17 dự án được đầu tư và phát điện với tổng công suất thiết kế 1.000 MW. Trong đó, từ năm 2011 đến nay có 10 dự án phát điện với tổng công suất 714 MW. Với việc quy hoạch hợp lý và đưa vào vận hành an toàn các công trình thủy điện, Quảng Nam đã góp phần đáng kể bảo đảm an ninh năng lượng của quốc gia, phục vụ phát triển sản xuất và đời sống nhân dân... Cùng với đó, mạng lưới điện cao thế, hạ thế được đầu tư mới và nâng cấp, bảo đảm cung cấp điện sinh hoạt đến 98,3% địa bàn dân cư và cho sản xuất ở các khu, cụm công nghiệp.

Một lĩnh vực hạ tầng khác không kém phần quan trọng trong việc phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng là việc xây dựng, hoàn thiện, nâng cấp hệ thống bưu chính, viễn thông. Cách đây mấy năm, người sử dụng điện thoại di động khi lên đến các xã vùng cao, biên giới là coi như ra ngoài vùng phủ sóng. Còn bây giờ, mạng di động đã được phủ sóng toàn tỉnh; đường truyền cáp quang nối đến 98% số xã với chất lượng ổn định, đảm bảo phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc của người dân và công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Hiện tại, toàn tỉnh có gần 1.500 trạm thu, phát sóng di động; 1,5 triệu thuê bao điện thoại với 700 điểm phục vụ viễn thông, 40.000 thuê bao internet, 350 điểm phục vụ internet công cộng; gần 20 điểm đại lý cung cấp dịch vụ bưu chính và 208 điểm bưu cục, bưu điện văn hóa xã...

Không chỉ chú trọng xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, nhiều công trình có ý nghĩa về văn hóa - xã hội lớn đã được đầu tư xây dựng. Cuối tháng 8 vừa rồi, công trình vườn tượng nghệ thuật tại Quảng trường 24/3 đã được khánh thành, tạo ra một địa chỉ văn hóa ấn tượng cho đô thị tỉnh lỵ. Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng sự ra đời của vườn tượng nghệ thuật này là một chỉ dấu cho cái nhìn tinh tế về xây dựng môi trường văn hóa và là một động thái văn hóa mà không phải địa phương nào - cho dù mạnh về gạo, bạo về tiền - cũng có thể làm được. Một công trình khác thu hút sự chú ý của nhân dân cả nước, được người dân khắp nơi tìm về chiêm bái là Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Đây không chỉ là công trình của riêng Quảng Nam mà là công trình về sự tôn kính, tri ân của cả nước đối với những hy sinh to lớn của các bà mẹ Việt Nam anh hùng... Cùng với đó, các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân cũng được phát triển đa dạng, đều khắp hơn. Bằng nhiều hình thức đầu tư khác nhau, đến nay 100% huyện, thị xã, thành phố đã có đủ các thiết chế văn hóa; 60% số xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa; 80% số thôn, khối phố có nhà văn hóa đạt chuẩn.

Cùng với việc dồn sức cho phát triển hạ tầng, việc phát triển nhân tố con người cũng được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Quảng Nam là vùng đất sản sinh ra nhiều người tài, nhiều người có trình độ chuyên môn cao ở nhiều lĩnh vực, nhưng đồng thời Quảng Nam cũng từng là một trong những địa phương nằm trong  nhóm bị chảy máu chất xám nhiều nhất. Thiếu người tài, thiếu nguồn nhân lực có trình độ thì các chính sách phát triển dù ưu việt đến đâu cũng khó có thể đưa vào thực hiện và thực hiện có hiệu quả. Bởi vậy, chủ trương phát triển nguồn nhân lực gắn với chăm lo phát triển giáo dục-đào tạo đã được thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ với tư cách là một mũi đột phá trong triết lý phát triển của Quảng Nam. Và trên thực tế, những nỗ lực này đã bước đầu có kết quả tốt. Ví như thông qua việc thực hiện Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020 và các đề án, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, Quảng Nam đã thu hút được gần 100 bác sĩ bổ sung vào hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân.  Các đề án đào tạo, thu hút bác sĩ; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức giai đoạn 2011-2015 định hướng đến năm 2020; đào tạo cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học; đào tạo ngoại ngữ theo tiêu chuẩn quốc tế cho cán bộ, công chức, viên chức hiện đang tiếp tục được thực hiện. Riêng Đề án tuyển chọn 500 sinh viên để tạo nguồn cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn đã tuyển chọn, đào tạo và bố trí việc làm được 418 trường hợp và hiện đang mở lớp đào tạo tiếp theo với 108 học viên.

Trong khi đó, trên lĩnh vực giáo dục, đào tạo, cùng với việc quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp phù hợp với hệ thống giáo dục quốc dân và tình hình thực tế của địa phương, quy mô các ngành học, cấp học cũng tiếp tục được mở rộng; tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia đạt được nhanh hơn dự kiến... Dạo qua một số địa phương khu vực đồng bằng như Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Tam Kỳ,... có thể dễ dàng nhận thấy rất nhiều ngôi trường cấp 4 đã biến mất, thay vào đó là những dãy trường cao tầng khang trang. Ở vùng cao, việc kiên cố hóa trường lớp cũng đã được thực hiện đều khắp ở các xã..., góp phần cải thiện chất lượng giáo dục và nâng chuẩn cho hệ thống các trường. Hiện nay, toàn tỉnh có 780 trường học từ cấp mầm non đến trung học phổ thông; trong đó, có 408 trường đạt chuẩn, đạt tỷ lệ trên 52%. Kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở tiếp tục được duy trì, đang triển khai thực hiện phổ cập giáo dục bậc trung học phổ thông. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông trúng tuyển vào đại học, cao đẳng và đoạt giải học sinh giỏi quốc gia hàng năm đều tăng. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông hằng năm đạt trên 98%, cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Đặc biệt, mạng lưới trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề phát triển khá nhanh về số lượng cũng như ngành đào tạo. Là địa phương có nhịp độ phát triển công nghiệp khá cao, tình trạng thiếu lao động đã qua đào tạo ở Quảng Nam xảy ra thường xuyên. Với sự bổ sung mạng lưới kịp thời, gắn với từng bước nâng cao chất lượng và đa dạng hóa loại hình đào tạo, nhất là đào tạo nghề, gần đây Quảng Nam đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu lao động cho các doanh nghiệp, làng nghề, các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh. Có thể nhìn thấy điều này khá rõ ở đơn vị “đầu tàu” về sản xuất công nghiệp ở địa phương hiện nay là Khu Liên hợp sản xuất-lắp ráp ô tô Chu Lai-Trường Hải. Trong những năm đầu, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật ở đây chủ yếu là người từ các nơi khác. Còn bây giờ, nhiều vị trí quan trọng ở đấy đã được người Quảng Nam thay thế.

Đầu tư cho phát triển là một câu chuyện dài. Tỉnh Quảng Nam đang viết câu chuyện ấy theo cách của riêng mình, vừa thận trọng, vừa quyết liệt. Thận trọng khi chọn ngành, lĩnh vực để đầu tư và kêu gọi đầu tư. Quyết liệt khi thực hiện các bước đi mang tính nền tảng để huy động nguồn lực. Trong đó, cải thiện môi trường đầu tư được xem là một khâu đột phá, và hẳn nhiên là được thực hiện quyết liệt, đồng bộ và thường xuyên. Trong mấy năm gần đây, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Nam được duy trì ở nhóm khá và tốt trên bình diện chung cả nước. Gần đây nhất, trong kết quả xếp hạng PCI năm 2014 Quảng Nam đứng vị trí thứ 14 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố cả nước.

Vị thứ PCI không phải tự nhiên mà có, mà được cải thiện, mà trước hết phải xuất phát từ những nỗ lực của bộ máy hành chính. Trong mấy năm qua, công tác quy hoạch liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư được rà soát, điều chỉnh và bổ sung kịp thời, góp phần hạn chế được tình trạng quy hoạch treo. Chương trình cải cách hành chính cũng đã có những bước cải cách cơ bản: Tất cả các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đều thực hiện cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân. Trong khi đó, một số cơ chế khuyến khích đầu tư đã được ban hành và phát huy hiệu quả, ưu tiên phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, các ngành giày da, may mặc và mây tre lá. Ở một phía khác, nhiều doanh nghiệp khi vào làm ăn ở Quảng Nam cũng tỏ ra hài lòng khi được giải quyết nhanh các thủ tục để cấp giấy chứng nhận đầu tư; được đối xử công bằng và được áp dụng đầy đủ, kịp thời các chính sách về miễn, giảm, gia hạn nộp thuế và các vấn đề khác. Đặc biệt, việc cải thiện chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của Quảng Nam mấy năm gần đây không hề chỉ mang tính biểu tượng, không phải để “làm sang” mà đã có những biểu thị cụ thể trên thực tế. 5 năm qua có gần 3.200 doanh nghiệp trong nước, 46 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Quảng Nam. Tổng số vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong các năm 2011-2015 đạt hơn 76.700 tỷ đồng (trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư hơn 5.100 tỷ đồng), gấp gần hai lần so với giai đoạn 2006-2010, đạt mức tăng bình quân 10,2%/năm.

Chọn 3 mũi đột phá để thực hiện, Quảng Nam đã và đang tạo ra những nền tảng cần thiết nhất để phát triển. Trải qua một nhiệm kỳ công tác, cả 3 mũi vẫn chưa bị mòn vẹt, xơ tướp do được giũa mài thường xuyên. Và trên hết, 3 mũi đột phá ấy đã và đang tạo ra nhiều hướng, nhiều mũi đột phá khác, mạnh mẽ và không kém phần... lãng mạn, khi hiện thực được làm sáng lên, đẹp lên, mở đường cho những ước mơ về tương lai...

P.P.M
Quay về
VĂN
NHỮNG ĐỘT PHÁ... LÃNG MẠN!
CON ĐƯỜNG TRONG MÂY
BÊN CẦU CỬA ĐẠI
KHU VƯỜN CỦA MẸ
THƠ
ĐẶT TAY LÊN NGỰC TRỐNG ĐỒNG
DƯỚI CHÂN TƯỢNG ĐÀI MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG
KHÚC TỰ TÌNH CUỐI SÔNG
CHỖ QUAY VỀ
TẠ LỖI QUÊ NHÀ
CÁI ÔM TÌNH NGƯỜI
VŨ ĐIỆU CỦA RỪNG + KHÚC CA CỦA NÚI
CHO EM & HOA CỎ MAY NGÀY LẬP ĐÔNG
ĐÊM SÔNG TIÊN MẤT NGỦ
NƠI PHỐ CỔ
NHẬT KÝ ĐẮK ỐC
THỊ HIỆN + RÁC THẢI
RƯỢU NÚI + BẢN SAO
KHOẢNG TRỐNG + CÁI NHÌN
KHÔNG PHẢI MÙA THU + DƯỚI CHÂN TRỜI TÍM RỤNG
DÒNG CHẢY VĂN HÓA
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ Ở XỨ QUẢNG
NGHIÊN CỨU-LÝ LUẬN-PHÊ BÌNH
VĂN HÓA GIAO TIẾP CỦA NGƯỜI QUẢNG NHÌN TỪ THƠ CA DÂN GIAN
HÀ ĐÌNH NGUYỄN THUẬT, MỘT CON NGƯỜI CỦA VĂN CHƯƠNG, NGHỆ THUẬT
TRÀ DƯ TỬU HẬU
CHO HAY LÀ GIỐNG HỮU TÌNH...
VẮN HỌC-HỌC VĂN
TÊN CHO CON GÁI