|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: Nhịp cầu trong sương
Tác giả: Huỳnh Thạch Thảo

Truyện ngắn


1. Khi Thạch bước vào phòng đến bàn làm việc đã thấy chùm lòn bon để sẵn trên tập tài liệu. Anh ngơ ngác nhìn quanh thì Quý rời chỗ ngồi đến bên, nói nhỏ: “Của sếp phó gửi cho ông khi ban sớm, quà Thái Lan đó. Nhất ông...”. Thạch im lặng mở máy tính nhưng mắt vẫn nhìn chùm lòn bon bên cạnh thì có tin nhắn qua điện thoại: “Gửi anh chùm lòn bon cho dù không phải loại lòn bon nơi anh sinh ra. Còn nữa, chiều nay sau giờ làm việc em cần gặp”. Mùa này, lòn bon nơi quê anh đã chín rộ vàng óng. Tuổi thơ Thạch nơi ấy, nơi con sông chảy ngược cùng thác Giăng mờ mịt sương phủ. Lâu rồi, lâu lắm rồi anh đã không về lại; có chăng, thoáng qua không quá một giờ đồng hồ rồi đi. Mỗi lúc vô tình đi đường bắt gặp trên sạp hàng những chùm lòn bon Nam bộ chín vàng thì anh lại nhớ...

Nửa đêm thức giấc, lần hồi đến bàn nước lại thấy chùm lòn bon của Lan tặng sáng nay, anh lại nhớ quê nhà. Nhớ khu vườn ngày cũ có bóng mẹ và những người bạn một thuở. Khi chiều, Lan bảo anh sẽ đi chuyến công tác ra Trung xem lại các dự án về cầu vượt mà tổng công ty dự định sẽ đấu thầu. Lan còn nheo mắt nhìn anh: “Có thời gian thì về quê nhưng mong anh đừng neo lại! Trong này có người đợi...”. Hình như, gió đang chao về cùng nhành cây khẽ đong đưa bên ngoài của một mùa thu thoảng qua trong thành phố này.

2. Thạch trở lại quê nhà sau khi khảo sát và kiểm tra xong dự toán cho cây cầu vượt ngoài Trung. Quãng đường từ Tam Kỳ về Tiên Phước là quãng đường với bao kỷ niệm một thời, thời của những tháng ngày đi học với mưa gió, bão lũ, với nắng nóng hanh khô cùng cái đói triền miên. Cha thì đã mất trong đợt lũ khi ông vượt sông lúc nước tràn về đột ngột mà khi ấy, không hề có một cây cầu với mênh mông nước. Mẹ thì đau yếu và mất đi khi anh vừa xong cấp hai với lời nhắn nhủ “Con gắng học, nhà chỉ mình con...”, vậy là Thạch sang nhà chú ở với công việc đồng áng, nương rẫy để có điều kiện học tiếp.

- Thưa sếp, mình nghỉ ở đâu? - Tiếng Toàn lái xe hỏi anh khi đến đoạn vào thị trấn.

- Chú hỏi xem có chỗ nào nghỉ tạm để tắm rửa. Mình còn đi công việc sẽ về trễ.

- Để em đưa đi, hay sếp dùng xe cho tiện?

- Không cần đâu, chú nghỉ cho khỏe.

Chiều Tiên Kỳ thật bình yên như những miền trung du anh từng ghé qua. Hơn 10 năm để trở lại nơi này, vùng đất đã đổi khác bởi những ngôi nhà, các con đường, hàng cây, các công sở thật khang trang, ngôi trường anh từng học đã xây mới với tên gọi của vị danh nhân yêu nước. Mặc cho gã xe ôm đang thao thao nói lúc chở anh đi một vòng quanh thị trấn và qua cây cầu mới có dòng sông chảy ngược như sông Sêrêpôk mùa cạn nước. Ngày trước anh đi học thì phải qua bờ tràn, nếu mưa lớn thì ôm sách vở nhìn con nước cuồn cuộn trôi rồi quay về.

Ánh chiều sắp tắt, mặt trời tỏa bóng xuống dòng sông hắt ngược một màu đỏ ối rực rỡ bên hàng cây tỏa bóng. Bên kia sông, xa nữa có bóng người buông lưới và gần hơn có người phụ nữ đang cúi người bên rá gạo, rổ rau lúc chiều dần trôi yên ả. Nhà chú của Thạch là lối vào của những ngõ đá nối liền nhà này với nhà nọ bên hàng cau trải dài. So lúc trước là những hàng tre, những bụi cây um tùm ven đường bên những ruộng lúa. Ban đêm thì tù mù ánh đèn dầu le lói, giờ thì điện sáng trong những ngôi nhà tỏa ra các sân gạch. Tiếng nói cười, tiếng bát đũa va chạm khi chân anh bước vào ngõ đá quen thuộc và vấp nhẹ bậc thềm lên sân.

- Cháu đã về...

Người thím từ giếng vào nhà nghe tiếng chân nên quay lại nhận ra anh. Lại một bóng người hiện ra cửa khi nghe con mực hực nhỏ.

- Đứa mô đó? - Tiếng chú anh hỏi và nhận ra Thạch; ông đến lay vai, lắc nhẹ:

- Con về mà không báo cho chú biết để em nó đi đón?

- Con đi xe của công ty chú à! - Thạch nhìn chú mình một lát rồi hỏi tiếp:

- Chú dạo này có khỏe không? Con có đem về mấy củ sâm đợt đi công tác bên Hàn Quốc để chú ngâm rượu.

- Chú vẫn khỏe nhưng khỏe theo tuổi tác. Thím và mấy đứa nhỏ dọn cơm rồi, con ngồi vào ăn luôn cho vui, mấy khi con về.

Mâm cơm đã dọn trên bàn, chú kéo tay Thạch ngồi bên và nói nhỏ:

- Chú muốn cháu sáng mai sang vườn cũ của cháu, vườn lòn bon ra đợt trái đầu. Đợt này nắng nóng nên cũng chưa nhiều lắm.

Thạch gật, vườn thôi chứ nhà làm gì còn. Căn nhà tuềnh toàng qua bao mưa nắng đã đổ sập từ lâu trước khi anh đi và chú đã trồng lòn bon lên đấy, loại trái là đặc sản của vùng đất này, nó giống như những ngõ đá đi qua bao đời. Và đêm nay, anh sẽ nằm trên bộ ván cũ cũng qua bao đời.

- Con nhớ món này không? - Thím đưa đũa bỏ vào chén cơm của anh con cá dài bằng ngón tay trỏ vàng ươm.

- Dạ, cá Niêng ngoài suối Thung. Ngày trước, con thường đi bắt loại cá này đem về nướng thơm lừng cả ngõ đá này.

Cả nhà bật cười, thím nói thêm:

- Lúc ấy, con nghịch nhất làng này làm mẹ con khóc hết nước mắt.

Thạch nghèn nghẹn nơi cổ để quay sang nơi khác và anh nghe có tiếng chân bên ngoài đi vào.

- Nhà mình ăn cơm sớm rứa, cho con ăn với!

- Ủa, con về khi mô? Vào ăn đi con... - Tiếng thím mừng rỡ.

Thạch quay lại ngước nhìn và sững sờ. Kim! Kim bên hàng rào đá gần ngõ nhà Thạch, từng được anh đưa đi học mùa lũ và theo sau anh trong các trò chơi tuổi nhỏ.

3. Thạch cùng Kim đi dọc theo triền suối Thung để đến bãi đá Giăng. Trước mặt là đá chồng chất, lớp lớp trải dài; chỗ bằng phẳng, chỗ lởm chởm, nhấp nhô  cùng con nước chảy dọc theo các triền đá, tiếng nước vỗ nhẹ róc rách trong sương sớm lành lạnh. Kim cười, chiếc mũ vải trắng che không hết khuôn mặt ửng hồng. Đêm hôm, ngồi uống trà cùng chú, chú nhắc về Kim, về cuộc sống cô ấy cũng không trọn vẹn và đâu như đang ngóng chờ một ai đó. Thạch hướng mắt ra xa, bên kia là vùng đất khác, nơi anh thường dong trâu sang đấy vì cỏ mọc nhiều. Thạch hỏi:

- Kim này, trước kia mỗi lần muốn qua sông phải đợi đò mà mỗi mùa nước lũ thì giống như một ốc đảo, nay còn không?

Kim gật, trông theo hướng Thạch nhìn:

- Còn chứ, cho dù vùng đất này đã thay đổi nhiều nhưng vẫn còn nghèo. Vùng trung du còn thiếu đủ thứ, những đứa trẻ như mình ngày trước có cuộc sống tốt hơn nhưng cũng vất vả. Bên ấy, các em đi học phải qua cầu tạm hoặc mùa hạn thì lội qua nơi khúc sông cạn, năm lũ vừa rồi...

Thạch im lặng, anh vẫn nhớ nhà anh khi ấy và chỉ có một cách là học để mong thoát khỏi sự cơ cực cùng ý nghĩ trong đầu là sẽ không trở về.

- Nơi này, anh còn nhớ? - Kim ngước mắt nhìn anh hỏi nhỏ trong gió ban mai và tia nắng lung linh đang tỏa xuống dòng sông.

- Nhớ chứ, nhớ lúc học trên thị trấn về có Kim đợi nơi này. Khi ấy, Kim là cô nhóc gầy gò, đen nhẻm và rất... mít ướt! Mùa lòn bon thì trưa nào cũng lén mẹ sang tìm anh để rủ đi hái trộm, anh chui qua rào thì em trông chừng chó!

Kim lại cười, chiếc răng khểnh he hé bên chiếc cằm lẹm có nút ruồi nhỏ khi mắt đang dõi theo cánh chim bay phía xa rồi mất dần bên kia sông. Thạch thở dài, nơi này đối với anh có biết bao kỷ niệm, trong đó có Kim. Lúc đấy, Thạch rất nghịch cho dù học rất giỏi và bày trò cũng chẳng vừa. Những trận đòn của mẹ và chú khi có người đến nhà mách lại là Thạch trốn ra bờ sông nơi những gộp đá này thì bao lần Kim đều đi tìm dẫn về “Thạch bớt nghịch đi, em mong...”.

- Nơi này, anh còn nhớ? - Kim lại hỏi.

Thạch im lặng, những hình ảnh cứ quay ngược trong nỗi vui thì ít, buồn thì nhiều. Những buổi rong trâu, những ngày suốt cá niêng, những lúc hái lòn bon hay tìm dâu đất chín và cả những lúc lên đồi vác từng viên đá về dồn lại cho chú để giờ đây nơi này trở thành một điểm đến đầy hấp dẫn vì có những ngôi nhà cổ, những ngõ đá, tường đá, giếng đá hay cả những ngôi mộ đá bên hàng cau mát rượi. Nhưng có điều anh không thể quên, mãi mãi không thể quên, đó là ngày anh vào phương Nam để tiếp tục học và cũng sẽ đón đợi những gì phía trước. Lúc ấy, bên ngõ đá phía sau nơi anh đứng, Kim đã đợi từ lúc nào để chia tay và tiễn anh ra bờ sông lúc trời chưa rạng, lúc cơn mưa đầu đông lại chuẩn bị đổ xuống vùng đất hai mùa mưa nắng. Kim nói nhỏ trong sương sớm “Anh đi, rồi về, em đợi”. Khi ấy, Thạch chỉ im lặng choàng vai chiếc ba lô bạc thếch của chú và quay nhìn Kim nước mắt đang lưng tròng, cười nhẹ “Em ở nhà, học giỏi, anh đi”. Chuyến đi ấy, đến khi về hôm nay đã gần mười lăm năm.

Chiếc cổng làm bằng thân tre đực mở rộng khi Thạch đến nơi, anh nhường Kim vào trước còn mình thì nhìn chung quanh. Khu vườn ngày xưa có ngôi nhà nhỏ được bao quanh bởi bức tường đá và bóng mẹ ra vào giờ chỉ xanh bóng cây cùng tiếng chim hót. Những chùm trái lòn bon vàng ửng bám đều theo cành nhánh trên mỗi thân cây trông thật đẹp mắt. Bên kia là vườn nhà chú và bên kia nữa là vườn của Kim. Thạch miên man ngắm, không biết chú anh đã ra đứng bên.

- Vào đi cháu, sau ngày cháu đi thì hai năm sau chú mới chọn gốc để trồng, hơn mười năm chọn lọc bỏ bớt đến giờ đã cho lứa đầu tiên nhưng cũng nhiều so với vườn khác. Nhờ có...

Kim đã đến bên nên chú Thạch không nói nữa và Kim chìa cho anh chùm lòn bon vừa hái. Một mùi thơm của ngày cũ, vị ngọt ngày cũ hiện về khiến anh ứa nước mắt. Tất cả những gì mà Thạch khi đi đã nghĩ giờ chợt bay biến khi anh cầm trên tay chùm lòn bon và tựa người vào bức tường đá rêu phong. Nỗi buồn, niềm đau, sự mất mát tan biến, nó như hòa vào khoảng trời xanh chen trong kẽ lá, hòa vào cơn gió mặt sông rười rượi thổi vào, hòa vào vùng đất anh đã lớn lên như bức tường đá này cứ cao dần theo độ tuổi nhỏ của anh mà lúc ấy anh dựng lên từng đoạn một, từng đoạn cao dần và anh đi thì vết tích ấy vẫn còn vì nó ngang tầm ngực của anh bây giờ.

- Ngọt và thơm hả anh? - Kim hỏi.

Thạch gật đầu, ngọt dịu trong lưỡi và thơm nồng nơi mũi. Kim cười, giọt mồ hôi đọng ở khóe cằm khiến anh định lau cho Kim nhưng chợt mỉm cười. Kim đâu phải ngày xưa và đâu phải là cô bé lẽo đẽo theo anh để đi rong như lúc nhỏ.

- Anh cười gì? - Kim ngơ ngác hỏi.

- Nhớ ngày xưa em theo anh đi hái dâu da và lòn bon chín, trưa nắng về mẹ đánh và bảo “Mi theo nó luôn đi!”.

Kim đỏ cả mặt, nhìn anh thật nhanh và nghe có tiếng gọi nơi cổng rào liền nói vội:

- Em phải về nơi nhà, người cân lòn bon đến rồi.

Thạch nhìn theo bóng Kim. Kim không còn là cô bé mà mỗi lần anh nhớ về nơi này khi ở thành phố. Kim đẹp ra, thân hình tròn lẳn, dáng đi thanh thoát đúng như nhiều người từng nói về các cô gái tắm trên dòng sông chảy ngược quê anh.

- Nhờ có Kim mà có khu vườn này đó cháu!

Người chú đã đứng bên anh từ lúc nào và khi anh chưa hết ngạc nhiên thì chú nói tiếp:

- Kim bảo chú nên trồng lòn bon vì đất vườn cháu phù hợp; vả lại, nó còn bảo cháu sẽ trở về. Kim chọn giống và kể cả khi đi học vẫn thư về nhắc chú chăm sóc.

Thạch im lặng nhìn từng gốc lòn bon trong nắng ban mai, nắng đã xuyên qua kẽ lá đổ bóng lung linh trên mặt đất và trong sự tĩnh lặng ấy, bầy chim từ hướng sông bay vào các khu vườn như những lần đang mùa trái chín.


Minh họa: TRẦN ĐỨC

Nhóm bạn thời tuổi nhỏ rong trâu, cắt cỏ và học trường làng có đứa đi xa, đứa ở lại đều làm công việc mà trước đây gia đình cả bọn đã làm. Chỉ có Thành và Kim đã lên huyện, mà huyện thì không bao xa. Nghe Thạch về, Thành đến. Nó khác xưa, chững chạc hẳn, không còn tếu táo, không còn tóc rễ tre và quần cộc đầy phèn. Gặp nhau, Thành ôm vai anh lắc nhẹ:

- Về thăm nhà hả ông? Nay trông ngon lành dữ ha. Gặp Kim chưa, nó nhắc ông hoài, nó...

Thạch gật lia lịa để ngăn bớt câu hỏi tuôn ào ào mà anh không kịp trả lời. Nó còn bảo Thạch hãy về, bao năm đi xa rồi giờ về quê nhà vì nơi này đang cần những người như anh nhưng Thạch vẫn im lặng. Một sự bối rối lẫn ngượng ngùng vì trong tâm trí vẫn nghĩ mình sẽ không về nơi này, nó để lại bao ký ức tuổi thơ sự nhọc nhằn và mất mát...

Vô tình hay sự dẫn dắt của Thành mà cả hai sang nhà Kim. Khu vườn rộng được bao bọc bởi hàng chè tàu xanh mướt cùng những cọc tiêu thẳng hàng. Tiêu vùng này ngon nổi tiếng với vị cay đậm và thơm lừng mà từ nhỏ anh đã biết. Kim đón cả hai dưới gốc bưởi giữa vườn cùng nụ cười tươi khi Thành nheo mắt chỉ Thạch nói:

- Hắn đang chần chừ nửa đi, nửa ở đó Kim.

- Hãy để cho ảnh đi, khi nào cảm thấy mệt mỏi thì về, đất và người vẫn đợi!

Thạch chưa kịp trả lời thì chuông điện thoại reo. Sếp phó Lan nhấm nhẳng trong máy:

- Anh đang làm gì? Có về không hay định đóng cọc bê tông ngoài đó! Công việc bù đầu còn anh bù khú cả ngày. Sao, nói đi...!?

Thạch nóng bừng cả mặt vì cảm giác Thành và Kim đã nghe câu nói của Lan, anh nhẹ nhàng trả lời:

- Tôi đã gọi cho sếp Tổng rồi, vả lại đã chuyển fax vào công ty. Có dịp ra ngoài này, sẵn tiện về quê...

- Được thôi, cứ ở khi nào muốn vào thì vào! Tôi cho tài xế đi rồi, anh...

Lần này thì Thạch đóng máy và quay người bước ra khỏi vườn nhà Kim. Anh ra thẳng bờ sông, tìm góc khuất nơi có gộp đá nhô cao và chợt nhận ra gộp đá ngày cũ mỗi lần trốn mẹ mà mình thường đến.

4. Anh hai Quý bên huyện ủy cụng nhẹ ly rượu với mọi người, nói oang oang:

- Vậy là Thạch giúp địa phương mình nghe, hay là về ở luôn đi! Huyện này luôn chiêu hiền đãi sĩ mà. Vả lại, Thạch là dân vùng này, từng đi học vượt lũ vì không có cầu, đúng không? Mình vẫn biết nơi thành phố có điều kiện hơn, công trình tầm cỡ...

Thạch nhìn mọi người khẽ gật. Lúc chiều, ngồi trên gộp đá, anh suy nghĩ rất nhiều nhưng quyết định thì nhanh. Thành nắm tay Thạch siết nhẹ lúc Kim đưa mắt nhìn anh rồi cúi mặt cười. Anh hai Quý giơ chùm tiêu xanh của Kim mang sang nhà chú thím trong buổi tối chia tay Thạch, vừa nhìn Kim vừa nói:

- Cắn hạt tiêu xứ Tiên, cay nồng đến ba ngày nên tôi mới lấy vợ đất này! Đất lành chim đậu đúng không ông kỹ sư? Đó là chưa nói đến lòn bon đó nghe!

Hôm sau, trời còn mờ sương. Kim tiễn Thạch đến đoạn bờ sông bên gộp đá có xe của huyện đứng chờ. Kim đưa gói lòn bon cho Thạch, bảo “Em gửi cho chị nào đó hôm gọi cho anh!”. Thạch cười nhìn Kim “Lần này anh đi và sẽ về, mong từng nhịp cầu trong sương mai sẽ đón các em qua sông không như anh, ngày cũ...”.

Xe qua đoạn rẽ, anh thấy bóng Kim vẫn đứng trong làn sương mờ như những lần tiễn anh lên phố huyện để học ngày nào...

H.T.T

Quay về
VĂN
Đi tìm huyền thoại cho đất!
Mùi đốt đồng
Phượng xưa
Nhịp cầu trong sương
Luật trời
THƠ
Thơ tôi không kịp lớn với quê hương