|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: Nhà cổ Hội An - Những lâu đài trang trí nghệ thuật
Tác giả: Trần Ánh


Có thể nói, trong các giá trị lịch sử - văn hóa của di sản kiến trúc nhà cổ Hội An, từ những giá trị đặc trưng cơ bản của kiến trúc truyền thống Việt Nam đến những giá trị lịch sử kiến trúc của một đô thị ngoại thương thời trung đại, từ những giá trị tạo nên cảnh quan của quần thể phố cổ đến những giá trị về công năng sử dụng và tổ chức không gian, từ những giá trị về kết cấu, kiểu thức kiến trúc đến những giá trị về việc sử dụng hợp lý nguồn vật liệu và nhân công tại chỗ... thì giá trị tiêu biểu nhất, đặc trưng nhất và độc đáo nhất chính là những giá trị về trang trí nghệ thuật. Nhiều nhà nghiên cứu về mỹ thuật kiến trúc cả trong và ngoài nước không thể không ca ngợi trước những vẻ đẹp huyền diệu của các đề tài trang trí trong mỗi ngôi nhà.

PGS. Trần Lâm Biền, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng về mỹ thuật kiến trúc trong các ngôi nhà cổ ở Hội An, đã rút ra nhận định: “Nhìn chung, với cả nước, thì những ngôi nhà tư nhân có giá trị điêu khắc nghệ thuật hiện rất hiếm gặp. Vì thế, nhà cổ Hội An đã có một giá trị đích thực vượt qua tính địa phương để trở thành điểm sáng văn hóa của dân tộc”([1]). PGS. Chu Quang Trứ thì cho rằng kiến trúc ở Hội An “được người thợ xây dựng khoác cho bộ áo nghệ thuật lộng lẫy” đến nỗi “nghệ sĩ đã chạm tất cả những chỗ cần chạm và có thể chạm được, khiến người xem tưởng đang xem những tờ tranh và bức chạm treo trên nó”([2]) và ông đã không ngần ngại khi ví von “một số nhà chạm khắc trang trí công phu trở thành những lâu đài nghệ thuật(3). Còn GS. TS Hoàng Đạo Kính, sau hàng chục năm nghiên cứu kiến trúc trong cả nước, thì khẳng định: Trong loại hình di tích “nhà cổ” ở Việt Nam (Hà Nội, Huế, Nam Định...) có lẽ sự nguyên vẹn về trang trí kiến trúc chỉ còn lại ở Hội An(4). Ngôi nhà cổ ở đây không chỉ được trang trí nội thất để làm cho không gian bên trong thêm sống động mà cả ở ngoại thất, người ta cũng quan tâm trang trí, làm cho không gian bên ngoài cũng rất giàu nghệ thuật.

Trước tiên, hãy xin chú ý đến những bờ hồi. Có thể nói Hội An là nơi mà bờ hồi của những ngôi nhà được làm cầu kỳ vào loại nhất nước. Thông thường, bờ hồi của những ngôi nhà cổ, người ta chỉ cần đắp gờ bằng vôi vữa chạy men theo hình chữ A của hai bờ mái là đủ đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, nhưng nhà cổ ở Hội An thì không chỉ dừng lại ở đó, bàn tay tài hoa của người thợ đã làm cho những bờ hồi thô cứng thành những đường cong mềm mại, tạo nên sự uốn lượn, bay bổng cho mỗi ngôi nhà. Cùng với bờ hồi của các công trình tôn giáo, tín ngưỡng khác, bờ hồi trong các ngôi nhà cổ là một trong những đặc trưng nổi bật của di sản kiến trúc phố cổ Hội An. Chủ yếu cũng chỉ dùng những đường thẳng và đường cong nhưng sự bố trí, sắp đặt chúng theo một trật tự nào đó, hoặc chỉ cần thay đổi độ dài ngắn của đường thẳng, độ cong của đường cong là có thể tạo nên rất nhiều kiểu trang trí bờ hồi.

Nhà cổ Hội An có bốn kiểu trang trí bờ hồi cơ bản nhưng sự biến thể của chúng thì tạo nên rất nhiều kiểu dáng. Kiểu trang trí đơn giản nhất là trang trí thẳng, nghĩa là chỉ làm gờ mái có xoi chỉ chạy thẳng theo bờ mái từ nóc đến diềm. Kiểu trang trí này ít có giá trị nghệ thuật và chỉ xuất hiện rải rác trong quần thể kiến trúc Hội An, nhất là trong các ngôi nhà có phong cách Pháp được xây dựng muộn. Kiểu trang trí thứ hai là trang trí cong, bắt đầu tạo đường cong nhưng chỉ là đường cong liền, cũng còn đơn giản. Người ta làm cho đỉnh nóc của hai bờ mái không tạo bằng một góc thẳng mà là tạo dáng cong cong trước khi chạy thẳng xuống diềm. Kiểu trang trí thứ ba tương đối phức tạp, cũng trên cơ sở của kiểu thứ hai nhưng là những đường cong kép, nghĩa là trang trí cong có nhiều bậc, tạo cho bờ hồi uốn lượn giàu nhịp điệu. Và kiểu trang trí cuối cùng là trang trí giật cấp phức tạp nhất do kết hợp cả đường thẳng và đường cong. Kiểu trang trí này làm cho bờ hồi của ngôi nhà có những biến tấu sinh động và giàu thẩm mỹ.

Nhận xét về tính đa dạng trong trang trí bờ hồi các ngôi nhà cổ Hội An, PGS. Chu Quang Trứ viết: “Các hồi nhà, nơi cong võng, chỗ cong úp, nơi lại thẳng chéo để rồi trên đỉnh hoặc nhọn hoắt, uốn mũ hay cắt chéo, tất cả luôn tạo sự đổi thay phong phú”([4]). Họa sĩ Lưu Công Nhân cũng cảm nhận: “Hãy leo lên một gác cao nhìn xuống những đầu hồi của hai dãy phố anh mới thấy được cái tài hoa về nghệ thuật đô thị của cha ông ta thuở xưa”([5]) .

Nói đến trang trí nhà cổ Hội An, chúng ta khổng thể bỏ qua một đặc trưng hết sức thú vị và độc đáo, đó là trang trí mắt cửa. Ai đã một lần ngang qua Phố Hội, dù vô tình hay hữu ý ngước nhìn mặt tiền những ngôi nhà cổ, ngay bên dưới mái ngói rêu phong, có một chi tiết kiến trúc - tín ngưỡng độc đáo, khác lạ mà người Hội An quen gọi là “Mắt cửa”. Về cấu tạo, mắt cửa là một khoanh gỗ liền dài chừng 30-35cm, được chia làm hai phần: Phần thân to, thường tròn có đường kính từ 15-25cm, dày từ 5-8cm; phần chuôi như chốt có mặt cắt hình chữ nhật, dài chừng 25-27cm.

Mắt cửa bao giờ cũng gắn thành đôi trên bộ cửa chính ra vào. Có lẽ ban đầu, đây chỉ là hai chốt gỗ có công năng kiến trúc là chính, vì hai chốt này xuyên qua hai thanh gỗ đà thượng của bộ cửa đi và khóa chặt chúng lại để hai cánh cửa bản có chỗ gắn bản lề. Từ công năng chủ yếu như vậy, dần dần người ta tạo hình, tạo dáng rồi chạm trổ trang trí các đề tài phù hợp và cuối cùng là khoác lên mình chúng những ý nghĩa tâm linh. Dẫu sao thì “mắt cửa ở Hội An vẫn là một sáng tạo, vừa giữ nguyên tính chất kỹ thuật, lại mang thêm ý nghĩa tín ngưỡng và giá trị nghệ thuật đặc sắc”([6]).

Nếu như đối với các ngư dân vùng sông nước Quảng Nam, đôi mắt ghe (thuyền) có ý nghĩa tâm linh đến mức nào khi bồng bềnh trên bao la biển cả, thì đối với các thương nhân trên phố thị, đôi mắt cửa cũng hàm chứa những quan niệm tín ngưỡng không kém về sự tồn vong, suy thịnh của mỗi ngôi nhà. Trong tâm thức người Hội An ngày xưa (và cho đến bây giờ cũng vậy), đôi mắt cửa chính là nhãn quan, là tầm nhìn, là sự định hướng phát triển đi lên cho một ngôi nhà, đồng thời, đó còn được xem như một cơ quan giám sát vô hình, có thể thấu hiểu, thấu nhìn mọi suy nghĩ và hành vi của các thành viên gia đình trong quan hệ nội bộ. Hai tấm vải điều luôn được gắn lên đôi mắt cửa cũng là để tăng thêm tính huyền bí, uy lực thâm nghiêm của đôi mắt cửa. Đối với du khách thập phương, khi đối diện với đôi mắt cửa trước các ngôi nhà cổ Hội An, có người suy nghĩ rằng: “Ngôi nhà như thể có một tâm linh vừa âm thầm vừa man mác buồn về một quá khứ xưa cũ”([7]).

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An, hiện nay trong phố cổ Hội An có hơn 200 đôi mắt cửa gắn trên những ngôi nhà cổ và các công trình tôn giáo, tín ngưỡng khác như miếu, đình, chùa, hội quán... Về chủng loại, nếu xét cho cùng thì mỗi đôi mắt cửa đều là độc bản, nghĩa là có đến hơn 200 loại mắt cửa khác nhau, tuy nhiên, căn cứ vào những nét tương đồng cơ bản, có thể xếp mắt cửa Hội An thành 29 loại, trong đó, riêng nhà cổ có 17 loại.

Về hình dáng, mắt cửa thường có dạng hình tròn, hình tròn có cắt khấc, hình bát giác, hình lục giác, hình vuông, hình bán cầu,... Phần lớn trên các ngôi nhà cổ, người ta hay chọn đôi mắt cửa hình tròn, cắt khấc thành 6 hoặc 8 đầu cánh hoa xoáy tròn, phía trong là hình bát quái rồi đến vòng tròn lưỡng nghi tại tâm điểm. Có mắt cửa khắc 5 con dơi quay đầu vào tâm mắt với ý nghĩa “ngũ phúc lâm môn”. Có mắt cửa được khắc chữ “thọ” với 5 con dơi bao quanh nhằm cầu mong “ngũ phúc viên thọ”. Có mắt cửa “được xem như bông hoa cúc mãn khai, những hình tròn và sáng rực rỡ trên mặt cửa hàng vuông tối([8]).

Cho đến tận bây giờ và mãi đến ngàn sau, đôi mắt cửa vẫn luôn được tôn kính, trân trọng, bởi vì từ trong sâu thẳm của tâm thức con người Phố Hội, nó như một vị thần bảo hộ đầy quyền năng cho một ngôi nhà, một gia đình. Hãy nhìn thẳm sâu vào đôi mắt cửa Hội An bằng cái nhìn đầy mẫn cảm văn hóa, ta mới cảm nhận được hồn phố, mới thẩm thấu những bí ẩn kỳ diệu như bức thông điệp của tiên tổ lưu truyền cho các thế hệ mai sau.

Cũng như kiến trúc gỗ ở nhiều nơi khác, không gian nội thất của ngôi nhà cổ trong phố cổ Hội An là môi trường lý tưởng cho sáng tạo nghệ thuật của các nghệ nhân. Mặc dù trong giai đoạn này, luật Gia Long có những điều quy định nghiêm ngặt như: “không được sơn vẽ và trang trí... cấm chạm trổ các vì kèo... kiểu nhà làm đẹp quá thì bị tội lộng hành”([9]) nhưng sức sống của nền nghệ thuật dân gian đã phản kháng những điều ràng buộc vô lý đó, vẫn tự do sáng tác và để lại cho đời những tác phẩm giá trị. Tại đây, trên các bộ vài, trên các bức vách, trên các tai cột... đều để lại những tác phẩm điêu khắc gỗ hết sức phong phú, sinh động, làm cho ngôi nhà có thể được xem như những “lâu đài nghệ thuật” ngày càng ngời sáng, vững bền.

Trừ bộ vài luôn thường không được trang trí hoặc trang trí không đáng kể, các kiểu vài còn lại trong ngôi nhà cổ như vài chống, vài trính chồng - trụ cột, đặc biệt là vài vỏ cua, luôn được chạm trổ trang trí rất tỉ mỉ, công phu.

Trong bộ vài chồng, ngoài việc tạo dáng “thanh mảnh gọn gàng”, từng thanh kèo còn được trau chuốt, chạm khắc hình hoa lá hoặc con giao, làm cho ta hình dung là mỗi bên có một đàn giao gồm ba con, đuôi con dưới gác lên đầu con trên để cùng trườn xuống theo chiều bờ mái và vươn ra hiên trước, hiên sau của một ngôi nhà. Nhất là con giao dưới cùng nối với đầu cột hiên, người thợ đã tập trung trang trí làm cho nó thật sống động. Chúng ta biết rằng, con giao là cách gọi tắt con giao long, mà giao long là một loài lưỡng thể phi thực, tượng trưng cho sự hòa hợp âm () dương (giao) để dẫn tới sự phát triển bền vững, ổn định. Bộ khung của một nếp nhà cổ ba gian làm kiểu vài chồng có cả một đàn giao long đến 24 con, lại trườn ra bên ngoài trong tư thế linh hoạt như vậy, rõ ràng thể hiện ước muốn của gia chủ về sự phát triển mạnh giàu.

Bộ vài trình chồng - trụ đội còn được trang trí nhiều đề tài hơn trên cả những thanh trính chống và trụ đội. Trụ đội là thanh gỗ liền khối, tạo dáng tròn, đầu to, phía dưới gối lên thân trính, phần nhỏ vươn lên đỡ đòn tay ở trên. Thông thường, trụ đội phần dưới được tạo hình trái bí đỏ (bí rợ, bí ngô) tròn dẹt, có nhiều múi (còn gọi là trụ trái bí), dọc hai bên thân trụ có gắn thêm hai bông gỗ thon thả hình chữ triện, hồi văn hoặc hoa lá cách điệu. Còn các thanh trính nằm ngang thì được chạm nổi các đề tài bát bửu, hoa lá, mây xoắn và hai đầu cũng được trang trí thành đầu con giao. Bát bửu (8 đồ vật quý) dù được thể hiện thành nhiều hình thức khác nhau theo nhiều quan niệm khác nhau nhưng dù đó là những đồ vật gì chăng nữa thì việc thể hiện chúng trên những bộ vài này cũng không ngoài mục đích cầu mong sự giàu sang phú quý, sự tài hoa và học hành đỗ đạt([10]). Ngoài các hoa văn, các kiểu mộng liên kết giữ trụ và trính cũng được làm hết sức chính xác và giàu tính nghệ thuật.

Và, có lẽ điều đáng lưu tâm hơn cả là nghệ thuật trang trí trên các vài vỏ cua. Đây là một cấu kiện được làm bằng một tấm gỗ nguyên khối khá nặng nề để đỡ vòm mái hiên, nhưng dưới bàn tay của người thợ, nó biến thành những tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ. “Vỏ cua Hội An không chỉ đẹp hơn so với vỏ cua Huế. Còn có thể coi vỏ cua Hội An là một bộ phận kiến trúc được trang trí đẹp nhất trong số các kiến trúc gỗ còn lại tại Hội An([11]).

Xét về tính đa dạng của các đề tài trang trí, “nếu như ở Huế đề tài trang trí trên bộ vài vỏ cua dừng ở hoa lá, mây xoắn thì ở Hội An đề tài mở rộng hơn nhiều, nào: song kiếm, song ngư, hổ phù, hoa lá cách điệu, ngũ phúc viên thọ...”(3). Trong đề tài song kiếm chẳng hạn, chúng ta thấy hình tượng hai thanh kiếm cong bắt chéo vào nhau và quấn quanh chúng là dải lụa mềm; phải chăng người xưa đã gửi gắm vào đây một triết lý sống lấy sự hài hòa giữa mềm với cứng, giữa âm với dương, giữa nhu với cương... làm tảng nền cho quan hệ xã hội! Trong đề tài song ngư, hình đôi cá chép tựa đuôi vào cột quân và cột hiên ở hai bên rồi cùng chụm đầu vào giữa, vây quanh đôi cá là những đường lượn cong sóng nước; đề tài này, ngoài sự cầu mong dư giả, giàu có, gợi nguồn nước và sắp thành đạt, còn là sự dẫn đường trên biển tin cậy cho các thuyền buôn([12]). Trong đề tài hoa cúc mãn khai, ta thấy trên nền hoa văn mây trời cách điệu thành những đường vuông xoắn, nổi bật lên là một hình hoa cúc lớn nở xòe hết cỡ với những cánh hoa tươi tắn, mềm mại. Theo quan niệm thẩm mỹ truyền thống, hoa cúc còn là hiện thân của mặt trời, là biểu tượng của nguồn sáng, là sức mạnh của thiên nhiên trong tín ngưỡng nông nghiệp; còn đối với tôn giáo, hoa cúc là biểu tượng Phật pháp đầy tôn quý, thanh cao. Trong đề tài bảo vật, các nghệ nhân lại chọn một số đồ vật chính giữa là hình hòm sách, bên trái hình bầu rượu, bên phải hình bút lông, chúng được nối liền một cách rất đẹp mắt bằng các dải dây uốn lượn thật mềm nhằm cầu mong sự no đủ, trường tồn, toàn vẹn...

Còn khá nhiều đề tài khác nữa được chọn lựa để tạo nên bộ vài có chất lượng cao về kỹ thuật - mỹ thuật này, làm cho cái tên dân dã, mộc mạc “vài vỏ cua” không còn tầm thường như tên gọi của nó, bởi lẽ “hiện thực của nghệ thuật không phải là một thứ hiện thực trần trụi. Mà nó phải mang lại cho người xem những rung cảm lành mạnh, những khao khát vươn tới ngày mai”([13]).

Bên cạnh đôi mắt cửa và các bộ vài, các bức vách gỗ trong ngôi nhà cũng là “đất dụng võ” để các nghệ nhân thi thố tài năng trang trí. Cách trang trí đơn giản nhất ở đây là người ta chia những bức vách gỗ ra thành nhiều ô vuông, chữ nhật, tam giác, tròn... với nhiều kích cỡ khác nhau và mỗi ô đó đều xoi gờ kẻ chỉ, rồi ghép chúng lại theo một bố cục hài hòa. Các bức vách gỗ ở mặt tiền (phần trên cửa đi và cửa lùa), ở xung quanh bàn thờ, ở dưới vài vỏ cua, dưới vài trính chồng - trụ đội hoặc vách trước nhà cầu... thường được trang trí như vậy.

Đặc biệt, đối với một số ngôi nhà tiêu biểu, phần vách gỗ xung quanh sân trời - nơi tiếp giáp giữa ba hạng mục kiến trúc: nhà trước, nhà cầu và nhà sau - lại được trang trí rất kỹ lưỡng. Có thể xem đây là trang trí ngoại thất cũng được nhưng đó là ngoại thất của nội thất, bởi vì khoảng không gian hữu hạn đó chính là mảnh trời riêng của mỗi ngôi nhà.

Đề tài trang trí trong khoảng không gian này cũng vô cùng phong phú và sinh động. Bên cạnh các ô hộc làm nền, các bức vách được chia thành các mảng rộng hẹp, dài ngắn khác nhau để chạm trổ các hình tượng tứ bình, tứ quý hoặc vui nhất là cảnh sinh hoạt của tứ dân. Các nghệ sĩ điêu khắc đã khéo léo thể hiện những bức tranh bằng gỗ hình tượng ngư - tiều - canh - độc (ngư ông câu cá, tiều phu gánh củi, nông dân cày ruộng và kẻ sĩ đọc sách) sống động như hiện thực, cũng có đủ không gian bầu trời với mây bay và chim chóc, có cả mặt đất với nhà cửa, đồng ruộng, đường đi, ao hồ,...

Trong thế kỷ XIX, đề tài con người thể hiện trên điêu khắc “tuy có xu hướng tiến tới tả thực, nhưng vẫn chọn lọc kỹ càng, chúng đã giữ lại được tinh thần vui tươi, hồn hậu, nhân bản của truyền thống”([14]). Tác phẩm “tứ dân” ở đây cũng vậy, các nghệ nhân đã chạm người theo hướng chính diện nhưng chạm đất như từ trên cao nhìn xuống, ví dụ như chiếc bàn vừa thấy hai bên vừa thấy cả mặt bàn. “Các hình chỉ để gợi, người - trâu - chim to bằng nhau, phi lý nhưng thuận mắt”([15]). Cảnh sinh hoạt tứ dân là sự đề cao giá trị của lao động, đề cao các ngành nghề trong xã hội nhưng cũng thi vị hóa nó trong quá trình lao động đầy gian lao, vất vả.

Ở một ngôi nhà khác, bức vách gỗ nhà cầu chạm hình chữ thọ tròn lớn ở giữa và bốn góc chạm bốn con dơi quay đầu vào tâm theo đề tài “tứ phúc viên thọ” nhằm cầu mong sự hạnh phúc, trường thọ. Nhất là hình tượng con dơi được thể hiện rất phổ biến trên các bức vách gỗ dưới nhiều tư thế sống động: dơi hàm thọ, dơi hàm ngọc, dơi cặp đôi, cặp ba, cặp tư, cặp năm (dơi ngũ phúc) nhằm gởi gắm mong ước phú - quý - thọ - khang - ninh hoặc chí ít cũng là lời chúc phúc... Ngoài ra, trên cửa sổ nhìn ra sân trời, người ta còn làm những chấn song tạo dáng thành những đốt trúc - biểu trưng cho người quân tử, thẳng ngay, trường xuân, bất diệt...

Xung quanh không gian này, nơi cột hiên tiếp giáp với phần cuối mái và trong phòng khách kế cận của nếp nhà trước, tại vị trí giao nhau vuông góc giữa kèo (hoặc xuyên, trính) và cột, ngôi nhà cổ còn được điểm tô nghệ thuật bằng những con ke gỗ với nhiều đề tài.

Xuất hiện khá nhiều là hình tượng con cá chép, được điêu khắc theo dạng tượng tròn, ngực tì vào cột hiên bằng mộng, đầu hướng ra phía trước và đuôi quẫy lên để nâng cây đòn tay dưới cùng của mái. Đây là một dạng bẩy hiên độc đáo, vừa đảm bảo công năng chịu lực (nâng đỡ đòn tay) nhưng vừa là một tác phẩm trang trí mang tính nhân văn. Hình tượng cá chép trong những trường hợp này được các nghệ nhân thể hiện thêm các chi tiết của con rồng ở râu, vảy và vây theo đề tài cá chép hóa rồng.

Cá chép hóa rồng là một truyền tích phổ biến ở Việt Nam, Trung Hoa, liên quan đến cội nguồn cấu trúc và chức năng của con rồng huyền thoại, liên quan đến việc thi cử của Nho giáo, sự thành đạt trong Nho học. Đó là quá trình rèn luyện, phấn đấu đầy gian khổ, thử thách của con cá chép cho đến khi vượt qua được “long môn” (vũ môn) thì mới hóa thân thành rồng, nghĩa là đạt được thành quả cuối cùng như mong muốn.

Ý nghĩa chung là vậy, song điều sâu sắc trong cách trang trí con cá chép ở Hội An là ở chỗ: Nó phải tựa thân vào cột, đuôi nâng đỡ một sức nặng đáng kể của mái ngói âm dương để nỗ lực vươn lên chuyển hóa thành rồng. Đối với con người trong cuộc đời cũng vậy, muốn thành đạt điều gì bao giờ cũng phải trải qua quá trình khổ luyện theo gương con cá chép. Từ ý nghĩa này, hình tượng con cá chép trong những ngôi nhà cổ đã góp phần tích cực trong việc giáo dục con người.

Dù nhà nước phong kiến lúc bấy giờ có những quyết định nghiêm ngặt về trang trí kiến trúc, nếu vi phạm, sẽ bị ghép vào tội “lộng hành” và đầu có thể bị lìa khỏi xác, vậy mà, các nghệ nhân dân gian ở Hội An vẫn táo bạo điêu khắc những con rồng và chủ nhà cũng liều lĩnh cho gắn những con rồng đó vào tai cột nhằm cầu mong quyền uy và sức mạnh. Cho dù, về hình thức, đây chỉ là những con rồng lá đơn giản, nhưng về nội dung, ý nghĩa, con rồng Việt thường biểu trưng cho quyền thế của nhà vua, cho nguồn gốc dân tộc, cho nguồn nước và sự phồn thịnh quốc gia, Phật pháp nên việc trang trí nó trong một ngôi nhà tư nhân đã là sự “phạm thượng”.

Nhưng, nền nghệ thuật dân gian là vậy, “nếu nghệ nhân được chọn lựa đề tài và tự do sáng tác theo cảm hứng của mình thì tác phẩm sẽ thành công rực rỡ”([16]). Mà suy cho cùng, trong quan niệm của nhân dân lao động thì rồng là “biểu tượng cho lòng nhân ái, cho cái thiện, mang lại hạnh phúc yên lành cho mọi người”(2) và “rồng có sức mạnh phi thường... tạo ra mưa thuận gió hòa cho mùa màng tươi tốt”(3) sao nó lại không có quyền xuất hiện trong những công trình kiến trúc dân dụng, đặc biệt là các ngôi nhà cổ trong Phố cổ Hội An?

Cũng nằm trong “tứ linh”, con lân thường được chạm dưới dạng phù điêu để trang trí chủ yếu trên những khám thờ hoặc đôi khi đó là con long mã. Theo các nhà nghiên cứu mỹ thuật, lân là hình tượng được du nhập từ bên ngoài, nó mang ý nghĩa vũ trụ “để chở che tâm tưởng của thời đại bay theo ước vọng”, “là hiện thân của sức mạnh tầng trên, là sự hội tụ của dòng siêu lực tiềm ẩn, là hiện thân của sự vận động và tĩnh tịch”(4), ngoài ra, lân còn là biểu trưng của thái bình thịnh trị, của những điềm lành.

Sóc - nho cũng là đề tài thường gặp trong trang trí nhà cổ và thường đặt ở vị trí tai cột nhằm gợi lên khả năng nhanh nhẹn, thông minh, tốc độ và cầu sự no đủ, hạnh phúc toàn vẹn... Ngay dưới phần mái ngói và trên đà cửa, ngôi nhà có gắn những bức chạm nhỏ hình quả đào tiên, quả lựu, quả mãng cầu... Quả đào tượng trưng cho huyền lực có thể trừ ma quỷ([18]), nó còn biểu hiện cho sự thánh thiện, cho nhân duyên và ước mong trường thọ([19]). Quả lựu, quả mãng cầu (na) thì nói lên sự sinh sôi nảy nở nhằm cầu chúc bội thu mùa màng, đông đúc cháu con (quả bí ngô trên bộ vài trính chồng - trụ đội cũng mang ý nghĩa tương tự) để thay nhau nối dõi tông đường.

Về kỹ thuật điêu khắc trên gỗ, các nghệ nhân tài hoa của làng mộc Kim Bồng đã biết kết hợp nhuần nhuyễn cả khắc chìm lẫn chạm nổi để tạo cho hình mẫu sự hài hòa, trọn vẹn. Đặc biệt, có nhiều bức chạm trên vách gỗ hoặc trên những thanh kèo chồng, “kỹ thuật chạm lộng, chạm kênh bong đã tạo ra những không gian chiều sâu với nhiều tầng, nhiều lớp”([20]). Về bố cục trang trí, dù vẫn tuân thủ tính đăng đối như là một nguyên tắc bắt buộc, nhưng ở đây “các nghệ nhân dân gian đã vận dụng nó, bố cục của họ chỉ đăng đối. Hay nói cách khác, đối xứng ở đây chỉ còn là đối ứng mà thôi”(4).

Ngoài gỗ ra, các viên đá tán ở chân cột cũng được chạm khắc khá cầu kỳ để làm cho ngôi nhà đẹp từ mặt đất. Dù đá tán là khối vuông hay khối trụ, các đề tài trang trí hay gặp là các dạng hồi văn, dấu chấm nổi hoặc hình lá sen, lá đề,... Hình tượng hoa sen hoặc lá sen, theo các nhà nghiên cứu thì thường gắn với Phật giáo, nó là hiện thân của sự trong sạch, tinh khiết, nhân quả luân hồi, sự nối truyền liên tục, sinh lực dồi dào, thịnh vượng nhưng cũng vừa trang nhã, thùy mị, là cõi cực lạc, mang yếu tố âm,... Còn lá đề tượng trưng cho sự giác ngộ Phật pháp, đánh dấu sự kiện Đại Giác của Đức Phật.

Trên những mảng tường ở sân trời hoặc ở phía sau cổng, nơi tiếp giáp bờ sông, những ô thông gió thường được trang trí hoa chanh, hoa thị hoặc đồng tiền. Loại vật liệu tạo thành hoa văn này có thể là những khuôn sành tráng men xanh vàng làm sẵn, mua về từ Đồng Nai hoặc là những viên ngói cong xếp từng cặp song song để tạo hình bằng đường cong của mép ngói. Dù được làm bằng gì chăng nữa, các hoa văn này cũng không chỉ có tác dụng thông gió, thông khí cho ngôi nhà mà điều chính yếu là chủ nhà muốn gửi gắm vào đây lòng tin về sự giàu sang, thịnh vượng, bởi vì hoa chanh, hoa thị là hình ảnh của mặt trời, là nguồn sáng và tượng trưng cho thất bảo (vàng, bạc, san hô, thủy tinh, hổ phách, mã não, ngọc) theo quan niệm của người xưa...

Cũng trong khoảng không đầy ắp nghệ thuật này, người thợ đã khéo léo bố trí giếng nước (thiên tỉnh) hoặc bể cá cảnh với hòn non bộ bên trong; đàng sau, trên mặt đứng của bức tường, người ta lại tô đắp bằng vôi vữa, sành sứ thành một bức bình phong hình cuốn thư giàu thẩm mỹ. Tất cả cùng góp phần tạo nên một không gian nên thơ, ấm cúng làm thư giãn tâm hồn.

Chưa dừng lại ở đó, trong nội thất của những ngôi nhà cổ hình ống Hội An còn được các thế hệ gia chủ bổ sung, tô điểm, làm đẹp thêm bằng hệ thống các hoành phi, trướng nghi, liễn đối,... Nghi trướng được treo trên bàn thờ tổ tiên, hoành phi được treo đăng đối trên các đà thượng, còn liễn đối thì treo dọc theo chiều đứng của cột và thường quay mặt theo hướng nhà.

Các bức hoành, liễn ở đây, ngoài việc sơn son thếp vàng, ngoài việc chạm khắc các chữ Hán bằng nghệ thuật thư pháp điệu nghệ, chúng còn được cẩn khảm trai ốc và trang trí rất tỉ mỉ, tinh vi. Thậm chí, có đôi liễn khảm trai lấp lánh hai câu thơ thất ngôn, mỗi chữ được tỉa tót thành mấy con chim theo nhiều tư thế để cả bộ sẽ hợp thành “bách điểu” - hiện thân của sự thăng tiến, danh giá, đủ đầy, bổng lộc([21]). Trên một bộ liễn khác, mỗi chữ Hán được tạo dáng thành một cây cảnh uốn thế, làm cho cả bộ như một bộ sưu tập phong phú về các kiểu dáng bon sai...

Cũng cần phải nói thêm rằng, ngoài bản thân kiến trúc mang tính bất động sản vốn đã rất giàu nghệ thuật như vậy, nội thất của các ngôi nhà cổ Hội An còn là nơi để sắp đặt, bố trí hợp lý các đồ gia dụng cao cấp như tủ, giường, bàn, ghế... tất thảy đều bằng gỗ và được chạm trổ trang trí hết sức cầu kỳ. Rồi những bức tranh thủy mặc, những bức họa chân dung được lồng khung sang trọng treo trong phòng khách. Rồi những chiếc lồng đèn bằng gỗ, tre, giấy, vải,... tạo thành khối tròn, dẹt, lục giác, bát giác... được treo cân đối trên trần nhà. Rồi những cổ vật giá trị như bình, lọ, lư, tượng... đặt trong những lồng kính đầy trân trọng và để ở những vị trí trang trọng... Toàn bộ không gian ngôi nhà như hòa quyện vào nhau trong sắc màu nghệ thuật huyền diệu, lung linh.

Như vậy, mỗi ngôi nhà cổ trong phố cổ Hội An thực sự là một “lâu đài nghệ thuật”. Đó là sự tổng hòa một cách có ý thức và sự kết hợp tài tình của kỹ thuật và nghệ thuật, “các đề tài trang trí được chọn lọc và dường như khá thống nhất theo quy định... Một đặc điểm nổi bật khác là trang trí bằng kỹ thuật cao phối hợp với tạo hình các cấu kiện kiến trúc”([22]). Từ bờ mái, bờ hồi uốn cong mềm mại đến những bộ vài kèo mà độc đáo nhất là vài vỏ cua, từ những đôi mắt cửa huyền bí đến những bức vách, mảng tường,... ngôi nhà cổ Hội An là một kho sử liệu nghệ thuật, là bức thông điệp thẩm mỹ mà các lớp cha ông thuở trước đã truyền lưu liên tục cho các thế hệ tương lai.

T.A



Trích từ công trình nghiên cứu Không gian văn hóa nhà cổ Hội An - giải A Giải thưởng Văn học-Nghệ thuật Đất Quảng lần thứ II.

([1]) Trần Lâm (2001), Một thoáng Hội An, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (6).

([2]), (3) Chu Quang Trứ (1991), “Hội An nhìn từ Mỹ thuật”, Đô thị cổ Hội An, NXB KHXH, Hà Nội.

(4) Hoàng Đạo Kính, Vũ Hữu Minh (1991), “Phân tích và đánh giá hiện trạng di tích kiến trúc cổ Hội An”, Đô thị cổ Hội An, NXB KHXH, Hà Nội.

([4]) Chu Quang Trứ (1991), “Hội An nhìn từ Mỹ thuật”, Đô thị cổ Hội An, NXB KHXH, Hà Nội.

([5]) Lưu Công Nhân (2002), “Hội An, cái làm tôi mê say”, Hội An - Thành phố anh hùng (2), BCH Đảng bộ thành phố Hội An, NXB Trẻ.

([6]) Chu Quang Trứ (1998), Hội An - Nơi hội tụ các yếu tố nghệ thuật, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (170).

([7]) Phạm Hoàng Hải (2001), Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An, HXB Thế giới, Hà Nội.

([8]) Chu Quang Trứ (1991), “Hội An nhìn từ Mỹ thuật”, Đô thị cổ Hội An, NXB KHXH, Hà Nội.

([9]) Chu Quang Trứ (2000), Tìm hiểu các nghề thủ công điêu khắc cổ truyền, HXB Mỹ thuật, Hà Nội.

([10]) Lý Lược Tam, Huỳnh Ngọc Trảng (1999), 800 mẫu hoa văn đồ cổ Trung Quốc, NXB Mỹ thuật, Hà Nội.

([11]), (3) Nguyễn Quốc Hùng (1995), Phố cổ Hội An và việc giao lưu văn hóa ở Việt Nam, NXB Đà Nẵng.

([12]) Chu Quang Trứ (1991), “Hội An nhìn từ mỹ thuật”, Đô thị cổ Hội An, HXB KHXH Hà Nội.

([13]) Nguyễn Du Chi (2001), Trên đường tìm về cái đẹp của cha ông, NXB Mỹ thuật, Viện Mỹ thuật, Hà Nội.

([14]) Trần Lâm Biền (chủ biên) (2001), Trang trí mỹ thuật truyền thống của người Việt, NXB Văn hóa Dân tộc - Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội.

([15]) Chu Quang Trứ (1991), “Hội Anh nhìn từ mỹ thuật”, Đô thị cổ Hội An, NXB KHXH, Hà Nội.

([16]), (2), (3) Nguyễn Du Chỉ (2001), Trên đường tìm về cái đẹp của cha ông, NXB Mỹ thuật, Viện Mỹ thuật, Hà Nội.

(4) Trần Lâm Biền (chủ biên) (2001), Trang trí mỹ thuật truyền thống của người Việt, NXB Văn hóa Dân tộc - Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội.

([18]) Trần Lâm Biền (chủ biên) (2001), Trang trí mỹ thuật truyền thống của người Việt, NXB Văn hóa Dân tộc - Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội.

([19]) Lý Lược Tam, Huỳnh Ngọc Trảng (1999), 800 mẫu hoa văn đồ cổ Trung Quốc, NXB Mỹ thuật, Hà Nội.

([20]), (4) Nguyễn Du Chỉ (2001), Trên đường tìm về vẻ đẹp của cha ông, NXB Mỹ thuật, Viện Mỹ thuật, Hà Nội.

([21]) Lý Lược Tam, Huỳnh Ngọc Trảng (1999), 800 mẫu hoa văn đồ cổ Trung Quốc, NXB Mỹ thuật, Hà Nội.

([22]) Hoàng Đạo Kính, Vũ Hữu Minh (1991), “Phân tích và đánh giá hiện trạng di tích kiến trúc cổ Hội An”, Đô thị cổ Hội An, NXB KHXH, Hà Nội, Tr.353.

Quay về
VĂN
Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ II - Tôn vinh những giá trị đặc sắc của đất và người quê hương
Máu và tội ác
Nữ hoàng nhạc Twist
Vết rạn
Như vẫn đang nghe tiếng hát “con chim vàng”
Chút kỷ niệm với người nhạc sĩ tài hoa
THƠ
Đi tìm đồng đội
Giọt nghĩa tình
Nghe người thương binh hát
Mắt chiều
Bạn cũ
Người già đi nhảy
Giấc mơ người đàn bà không muốn khóc
Anh là chiếc bình cắm loài hoa bất tử
Những đứa trẻ tái sinh trên tay chị tôi gầy
Mảng phố
Trước bức tranh đồng chiều
Khoảng vắng
Vẫn chảy sông ơi!
Thu xa
Khoảnh khắc khi anh ở ngoài em
Trườn qua phía bóng tối
40,1oC
Em về
Đứa con của rừng
Giấc mơ đại ngàn
NGHIÊN CỨU-LÝ LUẬN-PHÊ BÌNH
Nhạc sĩ sánh duyên cùng thi ca
Nhà cổ Hội An - Những lâu đài trang trí nghệ thuật
Gam màu đẹp của mỹ thuật thiếu nhi xứ Quảng