|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: Như vẫn đang nghe tiếng hát “con chim vàng”
Tác giả: Bảo Anh


Đầu tháng 6/2008, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu về thăm Quảng Nam. Trong những chuyến rong ruổi kéo dài ngót một tháng trời của ông ở quê nhà, tôi may mắn có đôi ba lần được đi cùng ông.

Là người nổi tiếng, là “thượng khách” của tỉnh, song nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu không câu nệ xe pháo đưa rước, tự mình khoác ba lô, máy ảnh mà đi. Không ghé vào những khán phòng sang trọng đầy tiếng tung hô, ông lặng lẽ tìm về với những miền quê, những cánh rừng mà ông đã từng một thời sống, chiến đấu và sáng tác... Khi ấy, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã bước sang tuổi 85, lưng đã còng xuống, dáng đi đã hơi liêu xiêu. Thấy vậy, anh em văn nghệ và cả những người mới vừa gặp ông đều tỏ ra ái ngại. Nhưng “con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam” lại cười xòa, trấn an mọi người bằng cách... hát lại một đoạn trong bài hát Giải phóng quân, sôi nổi và hừng hực khí thế: “Đoàn giải phóng quân một lần ra đi, nào có sá chi đâu ngày trở về. Ra đi ra đi bảo tồn sông núi. Ra đi ra đi thà chết chớ lui...”. Hồi viết ca khúc này, ông chưa tròn 21 tuổi, trong tay không có gì, kể cả một cây đàn cho riêng mình và cũng chưa qua trường lớp âm nhạc nào. Chỉ có lý tưởng và lòng say mê chân thành, thế là đi và sáng tác, suốt dặm dài cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và suốt quãng đường âm nhạc mênh mông... Kể xong, ông bảo: “Chừ mình có mọi thứ, đường sá mênh mông, tâm hồn sảng khoái, lo gì không đi được”.

Dọc đường ngược lên Trà My, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu dừng chân không dưới 10 lần, không phải để nghỉ lấy sức mà để hồi niệm. Nào Nước Oa, ngã ba sông Tranh, đồi Trà Đốc..., rồi Nước Xa, Nước Trầu, Nước Là... Chỗ nào ông cũng đứng như mặc niệm, gương mặt đầy xúc động. Dãy núi phía xã Trà Đốc xanh thẫm kia là nơi tác giả “Cuộc chia ly màu đỏ” ngã xuống. Cạnh một mô đá bên sông Nước Vin, điểm đầu con đường dẫn vào một cánh rừng chiến khu là nơi ông và nhà văn-liệt sĩ Chu Cẩm Phong chia tay, rồi từ đó không bao giờ còn gặp nhau nữa. Những khu vực sản xuất ngày trước giờ đây đã mất dấu dưới rừng già đại ngàn Đông Trường Sơn. Nhưng ký ức vẫn bật dậy, đủ để ông nhớ nơi nào mình cùng anh em văn nghệ khu 5 trồng sắn, nơi nào có nhiều rau dớn, rau ranh. Xuyên qua những cánh rừng ken dày cổ thụ, ông lại đứng nhìn say sưa những cây Kơnia cao ngất, tán xanh quây tròn vươn cao kiêu hãnh, như đã từng kiêu hãnh giữa đất trời, giữa trang thơ Ngọc Anh và sau đó là trong nhạc của ông. Lúc đứng bên bờ con đập phụ của Thủy điện sông Tranh đang xây dựng, tình cờ bắt gặp một bụi rau tàu bay đang trổ hoa, ông ngắt ngay một nhánh, hớn hở như bắt được vàng... Quay về, khi sắp hết địa phận Trà My, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu chép miệng, nói như cật vấn chính mình: “Tôi còn nợ xứ sở này nhiều lắm. Nợ người, nợ đất, nợ rừng, nợ cả những loài cây dại...”.

Sau những Trầu cau, Tình trong lá thiếp, Giải phóng quân, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã hòa nhịp bước và cảm hứng sáng tạo của mình vào dòng chảy hào hùng, bi tráng và lãng mạn của đất nước và dân tộc. Để rồi, hàng chục ca khúc nối nhau ra đời, tỏa sáng và làm say đắm lòng người bằng sự bất tận của ca từ, trong tầng tầng không gian đẹp của giai điệu. Ông viết tình ca cho người ra trận, ông viết tình ca cho người đang cầm súng diệt thù trên chiến tuyến, ông viết cho những đôi lứa đang yêu nhau trong khung cảnh thanh bình, và viết cả những niềm hân hoan trẻ thơ cho lớp lớp măng non... Tất cả đều có sự rung động tươi mới và hồn nhiên, tinh tế và mẫn cảm, tha thiết và nồng nàn. Những Ta sẽ cưới nhau, Bóng cây Kơnia, Anh ở đầu sông em cuối sông, Thuyền và biển, Sợi nhớ sợi thương, Những em bé ngoan, Đội kèn tí hon... chính là những dấu ấn đậm nét Phan Huỳnh Điểu. Cả những tác phẩm viết theo thể hành khúc như Cuộc đời vẫn đẹp sao, Hành khúc ngày và đêm cũng vẫn trữ tình lai láng... Từ “Cầm lá thiếp này lòng hướng vô Nam. Dù xa muôn trùng nhưng tình anh vẫn nghìn năm không mờ hình em  bên lòng trong mối tình chung” (Tình trong lá thiếp) đến “Từ bao mái nhà đèn hoa sáng ngời, bầu trời thêm vào muôn vì sao sáng. Tôi ngắm bao gia đình lửa ấm tình yêu. Nghe máu trong tim hòa niềm vui lâng lâng lời ca” (Những ánh sao đêm) là một khoảng thời gian khá dài. Nhưng sự thiết tha, niềm tin yêu rạo rực, bồi hồi thì dường như vẫn vậy.

 Được rong ruổi cùng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu lúc mà ông đã bước sang tuổi 85, thằng thanh niên trong tôi không khỏi kinh ngạc khi nhận ra rằng ông vẫn đang "đi" bằng trái tim rạo rực và tươi trẻ, trong sự thôi thúc của tình yêu và giai điệu. Đứng ở đầu nguồn sông Thu, ông thành kính gọi đây là “sông Mẹ” và tự nhận mình còn mắc nợ dòng sông, ít nhất là một bài tụng ca. Viếng các nghĩa trang liệt sĩ, ông nghiêng người trầm mặc và lại tự nhận mình còn mắc nợ, với những người đã ngã xuống và với những người mẹ đã sinh ra những người con trung kiên... Để rồi, ông bảo ông còn phải viết, viết và viết... Ông nói: “Trong sáng tác âm nhạc, tôi không muốn ai “đặt hàng” với tôi cả, tôi tự “đặt hàng” với chính mình”.

Ngày đó, dù đã bước sang phía bên kia triền dốc đời người, dù lưng đã còng, nhưng bóng dáng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vẫn sừng sững trên đỉnh đèo âm nhạc Việt Nam hiện đại. Và bây giờ, khi thân thể ông đã hòa vào lòng đất mẹ, bóng dáng ấy cũng vẫn còn sừng sững. Đâu đây, tôi vẫn như đang nghe “con chim vàng” cất cao tiếng hát: “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao...”.

B.A 
Quay về
VĂN
Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ II - Tôn vinh những giá trị đặc sắc của đất và người quê hương
Máu và tội ác
Nữ hoàng nhạc Twist
Vết rạn
Như vẫn đang nghe tiếng hát “con chim vàng”
Chút kỷ niệm với người nhạc sĩ tài hoa
THƠ
Đi tìm đồng đội
Giọt nghĩa tình
Nghe người thương binh hát
Mắt chiều
Bạn cũ
Người già đi nhảy
Giấc mơ người đàn bà không muốn khóc
Anh là chiếc bình cắm loài hoa bất tử
Những đứa trẻ tái sinh trên tay chị tôi gầy
Mảng phố
Trước bức tranh đồng chiều
Khoảng vắng
Vẫn chảy sông ơi!
Thu xa
Khoảnh khắc khi anh ở ngoài em
Trườn qua phía bóng tối
40,1oC
Em về
Đứa con của rừng
Giấc mơ đại ngàn
NGHIÊN CỨU-LÝ LUẬN-PHÊ BÌNH
Nhạc sĩ sánh duyên cùng thi ca
Nhà cổ Hội An - Những lâu đài trang trí nghệ thuật
Gam màu đẹp của mỹ thuật thiếu nhi xứ Quảng