|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: Nữ hoàng nhạc Twist
Tác giả: Trần Trung Sáng


(Trích tiểu thuyết)

34. Ngày hòa bình đầu tiên

Hôm qua chưa nhận một viên đạn

Hôm nay nhận những lỗ thủng

Anh về quê không mang súng

Vũ khí lúc này

Hai bàn tay...

(Ngày hòa bình đầu tiên - Thơ Phùng Khắc Bắc)

Sau những giây phút lo âu, bỡ ngỡ khi nhìn thấy những đoàn quân cách mạng với mũ tai bèo, dép cao su bước tiến vào thành phố, giờ đây, mọi sinh hoạt của người dân đang trở lại bình thường. Thậm chí, đường phố càng trở nên đông vui, nhộn nhịp, háo hức theo một ý nghĩa mới mẻ, khác lạ. Rải rác nhiều nhóm người túm tụm trên các vỉa hè, hỏi han, cười đùa, buồn tủi lẫn lộn.

Cũng như hầu hết các văn nghệ sĩ đang sinh sống tại Sài Gòn, Túy Phượng từng bước làm quen trở lại với các hoạt động sân khấu, ca nhạc. Đồng thời, cô cũng tham dự một số buổi học tập chính trị, chủ yếu là nghe các diễn giả nói chuyện về văn hóa nghệ thuật xã hội chủ nghĩa. Một lần, ấn tượng nhất, là khi một nhạc sĩ từ miền Bắc vào, với phong cách tuềnh toàng, áo bỏ ngoài quần, ông ta say sưa phân tách về những cái độc hại của nhạc “vàng”, nhưng chủ yếu là đào sâu về nhạc Trịnh Công Sơn - tác giả mà quần chúng thường nghĩ rằng thuộc về phía cách mạng.

Ông dẫn chứng một số lời ca, chẳng hạn: “em sẽ cho tôi, cho tôi bầu trời, kể từ khi em muôn đời nằm xuống” (Ca khúc Em đã cho tôi bầu trời) chứng tỏ tác giả có một tình yêu hẹp hòi, ích kỷ, rất cá nhân, nên mới mong người yêu mình chết đi, để giữ lại cái bầu trời riêng tư ấy dành cho mình. Hoặc ở bài Như cánh vạc bay: “vai em gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xôi...” là cách diễn tả rất thiếu thẩm mỹ về phụ nữ. Bởi vì một cô gái đã “gầy”, rồi “guộc”, và lại “nhỏ” thì là hình ảnh của một que tăm, chứ làm sao đẹp được? Do đó, bên cạnh loại nhạc phản chiến, áp đặt cái nhìn sai lệch về cuộc chiến, nhạc tình của Trịnh Công Sơn cũng tạo nên thị hiếu xấu cho thế hệ trẻ miền Nam(!).

Nghe ông nói xong, trong giờ giải lao, nhiều nghệ sĩ ngồi lại xì xào:

- Kiểu này, nhạc Trịnh Công Sơn chẳng một bài nào được phép hát. Thế mà lâu nay cứ tưởng anh ấy làm nhạc cho cách mạng.

- Nói dzậy mà hổng phải dzậy đâu! Nếu dẹp hết nhạc Trịnh Công Sơn và không cho hát lại một số bài hát lành mạnh ở miền Nam, thì nay mai sân khấu chỉ có chơi nhạc hòa tấu. Để rồi coi!

Trong những phút đùa vui, người ta còn kể nhau nghe những câu chuyện khá ly kỳ vào các ngày đầu tiên sau hòa bình. Từ chuyện mấy ông nhạc sĩ và cán bộ văn hóa cách mạng phải đánh xe đến gặp gỡ tại nhà riêng các danh ca Lệ Thu, Thanh Lan... để nài nỉ họ ra sân khấu, nhưng đã bị tránh né, từ chối, vì họ cho là nhạc cách mạng “cao” quá, hát chưa quen. Đến chuyện nghệ sĩ Kim Cương, thường xuyên tới nhà khách Ban Tuyên huấn Trung ương mời nhà văn Nguyễn Công Hoan bữa xem kịch, bữa dự hội thảo, bữa tham quan... và mời ông tới nhà dùng một bữa cơm. Rồi ngay khi ông Nguyễn Công Hoan vào nhà, nghệ sĩ Bảy Nam (mẹ Kim Cương) đã đứng ngay đó ôm lấy Nguyễn Công Hoan và nói: “Đây, người xưa của tôi... Bao nhiêu năm trông đợi, bây giờ mới được giáp mặt...”. Nghệ sĩ Bảy Nam tiết lộ, những tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan được chuyển thể cải lương và nối theo duyên nghiệp của người chị là nghệ sĩ Năm Phi, bà sắm những vai chính và nổi lên như những đào hát thượng thặng trước đây.

Cũng trong buổi gặp mặt ấy, bất ngờ, Thẩm Thúy Hằng gọi Túy Phượng đến nói, hôm nào rảnh ghé đến nhà cô để bàn việc làm phim cách mạng. Túy Phượng ngạc nhiên:

- Cách mạng họ có cho mình tham gia không?

- Bên điện ảnh nhiều người rất cởi mở. Không giống như ông nhạc sĩ nói từ sáng giờ đâu!

Thế rồi, Thẩm Thúy Hằng kể thêm, trong ngày đầu tiên giải phóng, một đạo diễn điện ảnh của cách mạng có tên là Đặng Nhật Minh, chẳng hiểu thế nào mà tìm ra chồng cô là ông Nguyễn Xuân Oánh lúc này ở tại khách sạn Caravelle. Đạo diễn này lại chính là con trai của bác sĩ Đặng Văn Ngữ, khi làm nghiên cứu sinh ở Tokyo cùng sinh hoạt trong Hội Việt kiều và khá thân thiết với ông Oánh. Từ đó, đến nay, Đặng Nhật Minh vẫn thường xuyên lui tới và giới thiệu Thẩm Thúy Hằng với các Hãng phim cách mạng. Sắp đến, họ đang chuẩn bị vài bộ phim truyện với nhiều gương mặt diễn viên Sài Gòn.

Lúc này, bà Túy Hoa cũng đang làm thủ tục xin phép cho đoàn kịch Tân Dân Nam hoạt động trở lại tương tự các đoàn Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng. Nghe câu chuyện Túy Phượng kể lại về buổi học tập chính trị dành cho văn nghệ sĩ, bà Túy Hoa nói:

- Má nghĩ, ít hồi mọi việc chắc cũng thuận lợi thôi. Nhiều người nói, Cách mạng họ rất quý trọng văn nghệ sĩ.

- Đó là những người như Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng. Hình như họ có quan hệ nào đó với cách mạng từ trước kia. Còn những người như mình thì... biết ra sao má?

Minh họa: TRƯƠNG BÁCH TƯỜNG

- Con khéo lo xa! Nhà mình cũng chẳng mắc míu chi với cách mạng...

- Má thì không. Con thì cũng mắc míu chút chuyện anh Minh đó chớ!

- Chuyện cũ rồi. Má thấy nó cũng vui vẻ mà. À, hôm rày nó đã kiếm chuyện chi làm chưa?

- Ảnh làm con xót ruột quá! Con chẳng hiểu nổi ảnh. Đáng ảnh phải đi rồi...

- Vậy cũng được mà. Nếu đi không lọt thì khổ lắm!

Thực ra, lúc này, ông Minh nhờ sự bảo lãnh của một người họ hàng là cán bộ cao cấp từ miền Bắc vào, nên được nhận làm công nhân ở một xí nghiệp tại Cảng Sài Gòn. Ông không phàn nàn gì về đời sống hiện tại của mình. Thế nhưng, mỗi ngày, khi nhìn thấy ông trở về với bộ quần áo lấm lem, Túy Phượng lại ray rứt:

- Thật thà như anh chỉ có thua thiệt. Nếu mà anh nhanh chân như họ thì đâu đến nỗi!

- Mỗi người đều có một số phận em ạ! Hơn nữa qua bên kia, chưa hẳn ai cũng sướng cả đâu em!

- Vậy anh chấp nhận một số phận như vậy luôn hở?

Ông Minh không trả lời. Từ đó, cô cũng không bàn tính với chồng về những chuyện biến động xã hội và thay đổi cuộc sống. Thế nhưng, cô vẫn không quên, nghe ngóng, xem chừng, những đồng nghiệp, những người quen biết cũ ai đã ra đi? ai còn ở lại?...


35. Chuyện ở ngôi nhà một “mạnh thường quân”

Nhà hàng của ông chủ có tên Phồn, người Hội An gốc Hoa tại Chợ Lớn, hiện vẫn là địa chỉ được giới nghệ sĩ thường xuyên lui tới, nhất là những ai muốn thăm hỏi tin tức người thân, bạn bè ở miền Trung. Chẳng những thế, qua ông Phồn, người ta còn nắm được rành rọt chuyện “người đi, kẻ ở” trong giới nghệ sĩ Sài Gòn. Mới đây, Túy Phượng đã nghe ông ta tiết lộ:

- Hồi tháng 5/1976 tại Los Angeles, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã tổ chức một chương trình văn nghệ một năm xa xứ phối hợp cùng nhóm nhạc Nam Lộc; ca sĩ Jo Marcel. Trong khi đó, chủ báo Việt Đình Phương cùng Lê Quỳnh, Kiều Chinh cũng tổ chức, qui tụ được nhiều ca sĩ vừa qua như: Khánh Ly, Thanh Thúy, Mai Hương, Thúy Nga, Hoài Trung, Vũ Huyến, Bùi Thiện, Ngọc Bích, Thanh Tuyền, Mai Lệ Huyền...

Nghe tin đó, Túy Phượng rất háo hức, lại càng thường xuyên lân la đến nhà hàng ông Phồn thăm hỏi đường đi nước bước. Sau nhiều lần trò chuyện, ông Phồn cẩn thận dặn dò:

- Vào thời điểm này, đi ở Sài Gòn là không thuận lợi. Cô chịu khó đợi chờ, tôi giới thiệu về gặp người quen ở Đà Nẵng thì tốt hơn...

Thực vậy, lúc này, Sài Gòn - nơi đã được Quốc hội quyết định đổi tên thành “Thành phố Hồ Chí Minh” (từ ngày 2 tháng 7 năm 1976), người ta cũng ít nghe bàn tán đến các vụ “ra đi”.

*

*          *

Người quen của ông Phồn tại Đà Nẵng chính hiệu là một “mạnh thường quân” của giới nghệ sĩ. Y là một trong những tay thầu xây dựng ít ỏi đang làm ăn phát đạt tại miền Trung. Gia đình y có một ngôi biệt thự rộng rãi nằm ngay giữa trung tâm thành phố vốn mua lại từ bác sĩ Trần Đình Nam(*), vừa yên tĩnh, lại vừa thuận lợi cho việc đi lại, giao dịch. Mời Túy Phượng ngồi vào phòng khách, y vừa nhai trầu bỏm bẻm vừa nói:

- Hồi nhỏ tôi và ông Phồn học một lớp ở Trường Trần Quý Cáp, Hội An. Do đó, với bà con có dính líu tới Hội An mình, tụi tôi coi như người nhà. À, tiếc là hồi cô về đó thì tôi đi lính rồi. Nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ thiếu tá Minh. Ông ấy ra sao rồi? Không về đây với cô lần này sao?

Túy Phượng đùa xã giao:

- Ông ấy bây giờ... theo cách mạng rồi. Ổng đang làm ở cảng Sài Gòn, không cần theo tôi nữa...

Vị “mạnh thường quân” cười khục khục bảo:

- Rứa thì cô cứ ở đây chơi thoải mái, việc chi đó tính sau... Chắc ông Phồn cũng nói cô biết rồi, anh em nghệ sĩ trong đó như Duy Khánh, Nhật Trường, Thanh Tuyền, Giao Linh... mỗi lần về đây diễn đều thích đến ở nhà tôi chơi. Thành thử cô cứ tự nhiên, đừng khách sáo chi hết nghe!

Y lại cười vui:

- Ờ cô hãy nhớ, cô đang ngồi trong ngôi nhà trước kia là của một nhân sĩ nổi tiếng Quảng Nam. Cho nên tôi mời đến nhà toàn những người nổi tiếng hết đó!...

Thế là tất cả số vàng dành dụm được từ các chuyến lưu diễn miền Tây từ mấy năm qua Túy Phượng liều một phen, gởi gắm hết cho vị “mạnh thường quân”. Mặc dù, y không phải là người trực tiếp tổ chức vượt biển, nhưng y nói: “chẳng qua là mình có quan hệ rộng rãi, anh em tin cậy. Do đó, giúp ai được thì mình gắng mà giúp chu đáo, an toàn. Họ đi được, rồi họ sẽ nhớ đến mình...”.

Bà vợ của vị chủ nhà cũng là một phụ nữ rất ái mộ nghệ sĩ, tuổi xấp xỉ Túy Phượng. Bởi vậy, vừa gặp Túy Phượng là bà ta đã tỏ ra hết sức sốt sắng, nồng nhiệt. Tuy nhiên, bà không mấy quan tâm đến mục đích sự hiện diện của cô ta. Thường xuyên, bà ngồi túc trực bên một sòng bạc nằm khuất phía sân vườn cuối nhà, với những con bạc nghe nói có máu mặt nhất nhì của Đà Nẵng. Thỉnh thoảng, bà sang phòng Túy Phượng trò chuyện về âm nhạc, hoặc tản bộ vào chợ mua sắm.

Ở Đà Nẵng lúc này, dĩ nhiên, phố xá không thể đông đúc như Sài Gòn, nhưng không khí chộn rộn, xôn xao, tấp nập như buổi giao thời gần như còn rất nguyên vẹn. Hầu hết trên nhiều vỉa hè, người ta đều bày bán trải dài nhiều thứ hàng hóa lộn xộn, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là các loại khung xe đạp, máy radio casette... Những anh bộ đội lang thang trên đường phố, dường như chuẩn bị về thăm quê nhà với món quà không thể thiếu thường là con búp bê nhựa thô vụng trên chiếc ba lô. Lẩn quẩn, ve vãn bên họ, là các chị phụ nữ trên tay cầm bộ quần áo cũ hoặc mấy chiếc đồng hồ nhiều dáng kiểu...

Chiều hôm ấy, Túy Phượng cùng bà chủ nhà đi chợ về gần đến ngã tư đường đầu cổng nhà thì đột nhiên cả hai đều khựng lại: rải rác nhiều người mặc đồng phục công an từ mấy chiếc xe jeep liên tục vào ra, vây kín ngôi việt thự của vị “mạnh thường quân”. Bà chủ mặt tái mét, thầm thì: “Thôi, chết rồi! Có người hại tôi rồi!”. Túy Phượng cũng hồn vía bay bổng, cảm nhận sự việc đang có gì đó liên quan trực tiếp đến mình. Cả hai chưa biết ứng xử ra sao, thì ngay lúc ấy, đứa bé gái giúp việc dường như đứng chờ sẵn từ bao giờ, hối hả níu áo bà chủ kéo về phía xa. Nó nói:

- Họ đang lập biên bản bắt quả tang sòng bạc. Chú dặn cô sắp xếp đưa cô Túy Phượng ở tránh đâu vài bữa, để rồi chú tính...

T.T.S



Tác phẩm đoạt giải C Giải thưởng Văn học-Nghệ thuật Đất Quảng.

(*) Bác sĩ Trần Đình Nam (1896-1974) nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ chính phủ Trần Trọng Kim.

Quay về
VĂN
Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ II - Tôn vinh những giá trị đặc sắc của đất và người quê hương
Máu và tội ác
Nữ hoàng nhạc Twist
Vết rạn
Như vẫn đang nghe tiếng hát “con chim vàng”
Chút kỷ niệm với người nhạc sĩ tài hoa
THƠ
Đi tìm đồng đội
Giọt nghĩa tình
Nghe người thương binh hát
Mắt chiều
Bạn cũ
Người già đi nhảy
Giấc mơ người đàn bà không muốn khóc
Anh là chiếc bình cắm loài hoa bất tử
Những đứa trẻ tái sinh trên tay chị tôi gầy
Mảng phố
Trước bức tranh đồng chiều
Khoảng vắng
Vẫn chảy sông ơi!
Thu xa
Khoảnh khắc khi anh ở ngoài em
Trườn qua phía bóng tối
40,1oC
Em về
Đứa con của rừng
Giấc mơ đại ngàn
NGHIÊN CỨU-LÝ LUẬN-PHÊ BÌNH
Nhạc sĩ sánh duyên cùng thi ca
Nhà cổ Hội An - Những lâu đài trang trí nghệ thuật
Gam màu đẹp của mỹ thuật thiếu nhi xứ Quảng