|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ II - Tôn vinh những giá trị đặc sắc của đất và người quê hương
Tác giả: (Trích báo cáo tổng kết)


Giải thưởng Văn học Nghệ thuật (VHNT) Đất Quảng là giải thưởng có uy tín, quy mô, tầm cỡ lớn, được tổ chức 5 năm một lần. Đây là giải thưởng nhằm khuyến khích, cổ vũ, động viên sự lao động sáng tạo của các văn nghệ sĩ; tôn vinh các tác giả có những sáng tác VHNT về đất và người Quảng Nam có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật. Sau thành công của Giải thưởng lần thứ nhất được tổ chức năm 2010, Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ II (2009-2013) đã được triển khai thực hiện và đến giờ này đã thành công tốt đẹp.

Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ II có 185 tác phẩm thuộc 9 loại hình VHNT của 130 tác giả/ nhóm tác giả trong và ngoài tỉnh gửi về tham dự. Trong đó, Văn học có 54 tác phẩm của 45 tác giả/ nhóm tác giả; Mỹ thuật có 35 tác phẩm của 20 tác giả; Sân khấu có 06 tác phẩm của 06 tác giả/ nhóm tác giả; Điện ảnh có 07 tác phẩm của 07 tác giả/ nhóm tác giả; Nhiếp ảnh có 43 tác phẩm của 20 tác giả; VHNT các dân tộc thiểu số-miền núi có 02 tác phẩm của 02 tác giả/ nhóm tác giả; Múa có 01 tác phẩm; Âm nhạc có 27 tác phẩm của 20 tác giả; Văn nghệ Dân gian có 11 tác phẩm của 8 tác giả/ nhóm tác giả.

Để xét giải, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3387/QĐ-UBND ngày 30/10/2014 thành lập Ban Sơ khảo và Quyết định số 3346/QĐ-UBND, ngày 28/10/2014 thành lập Hội đồng xét chọn Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần II. Hội đồng xét chọn Giải thưởng gồm 20 thành viên là những người có tên tuổi và uy tín, có học hàm học vị, có khả năng, trình độ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm. Trên cơ sở các quyết định của UBND tỉnh, vào các ngày 13, 17 và 19/11/2014, Ban Sơ khảo đã tiến hành sơ loại những tác phẩm không đúng Thể lệ, thống nhất đề nghị đưa vào xét giải 171 tác phẩm của 126 tác giả/ nhóm tác giả. Tiếp đó, từ ngày 19/12/2014 đến 21/1/2015, các tiểu ban giám khảo thuộc Hội đồng xét chọn Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần II đã tiến hành làm việc tập trung tại Tam Kỳ. Việc chấm giải diễn ra nghiêm túc, đúng quy trình, khách quan, chặt chẽ; kết quả xếp giải có sự đồng thuận cao của các thành viên.

Nhìn chung, các tác phẩm gửi dự Giải thưởng VHNT đất Quảng lần thứ II đều được các tác giả/ nhóm tác giả sàng lọc, lựa chọn khá kỹ càng; đảm bảo đúng với quy chuẩn và điều kiện xét giải của Ban Tổ chức. Nhiều tác phẩm phản ảnh được hiện thực cuộc sống sinh động trên quê hương đất Quảng thân yêu; khai thác các mảng đề tài truyền thống, đề tài chiến tranh cách mạng và những đề tài đương đại nóng hổi bằng ngôn ngữ nghệ thuật đặc trưng của từng chuyên ngành. Nhiều tác phẩm đã thể hiện được dáng vóc và năng lực phô diễn cái đẹp vốn có của VHNT nói chung và VHNT xứ Quảng nói riêng, tôn vinh và khẳng định được những giá trị đặc sắc, riêng có của đất và người quê hương.

Trước hết, ở chuyên ngành Văn học, điều đáng mừng và cũng là một thách thức cho các thành viên Hội đồng xét giải là sự đa dạng, phong phú của các tác phẩm dự giải. Trong số 49 tác phẩm được đưa vào xét có 21 tập thơ, 03 tự truyện và hồi ký, 06 tập truyện ngắn, 07 tiểu thuyết (trong đó 01 tiểu thuyết lịch sử-chương hồi), 03 tập bút ký, 01 tập lý luận phê bình, 01 tập ký chân dung, 02 tập trường ca, 01 truyện vừa và 4 tập tản văn. Chất lượng tác phẩm nhìn chung khá chuẩn mực; cảm hứng sáng tạo trong sáng; một số trường hợp có tư duy nghệ thuật rất hiện đại... Hầu hết các tác giả có tác phẩm dự giải khá quen thuộc với bạn đọc Quảng Nam và cả nước; một số người đã thành danh, nổi tiếng, từng được nhiều giải thưởng văn học các cấp, như Nguyễn Bảo, Đỗ Viết Nghiệm, Nguyễn Kim Huy, Trần Trung Sáng, Tiêu Đình, Lê Trâm, Nguyễn Tam Mỹ, Phùng Tấn Đông, Huỳnh Minh Tâm, Đỗ Thượng Thế, Nguyễn Nho Khiêm, Trần Duy Phương, Nguyễn Hải Triều, Phạm Thông... Nhiều tác phẩm rất xứng đáng được nhắc đến, xứng đáng được đặt vào những vị trí trang trọng trong đời sống văn học đất nước nói chung, đời sống văn học Quảng Nam nói riêng...

Chẳng hạn, với tiểu thuyết “Đỉnh máu”, tác giả Nguyễn Bảo thuyết phục người đọc ở sự điêu luyện của bút pháp, bởi vốn sống phong phú và bởi nguồn tư liệu ngồn ngộn. Đây là cuốn tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng đặc biệt hơn những tiểu thuyết cùng đề tài ở chỗ khai thác khá thành công tâm lý của phe đối phương - điều mà lâu nay nhiều người thường bỏ qua. Trong “Đỉnh máu”, chiến tranh và con người, với từng mối quan hệ, từng sự lựa chọn hành vi đạo đức được đặt ra chân thật, qua đó xác lập được tiềm năng đạo đức của từng con người tham chiến... Còn ở tiểu thuyết “Máu và tội ác”, tác giả Nguyễn Tam Mỹ đã thành công khi phục dựng lại được một cách chân thực, sinh động về một hiện thực đau thương và ác liệt ở vùng quê Quảng Nam. Những vụ thảm sát ở vùng Sơn-Cẩm-Hà (Tiên Phước) mà mỗi người đã từng nghe, từng biết qua các phương tiện thông tin đại chúng được tác giả kể lại bằng nghệ thuật tiểu thuyết thật sinh động và xúc động. Chính sử hình như lấn át dã sử, và đây chính là thế mạnh của tiểu thuyết này. Với thơ, đáng chú ý là tập thơ “Như cỏ dại, như lá úa, như cây xanh” của nhóm tác giả Huỳnh Minh Tâm, Phùng Tấn Đông, Đỗ Thượng Thế, Phạm Tấn Dũng, Nguyễn Chiến. 5 tác giả có 5 giọng điệu riêng nhưng lại có điểm chung quan trọng là chững chạc, có nghề, qua đó làm nên một tập thơ hay, đa diện, đa thanh, kết hợp khá tốt giữa tư duy thơ truyền thống và hiện đại.

Với chuyên ngành mỹ thuật, nhìn chung các tác phẩm dự giải thuộc nhiều loại hình (hội họa, đồ họa, điêu khắc...) có chất lượng tương đối đồng đều; nhiều tác phẩm kích thước lớn, chất liệu bền vững. Nội dung của hầu hết tác phẩm bám sát được yêu cầu mà Ban Tổ chức Giải thưởng đề ra. Một số tác giả có tìm tòi trong ngôn ngữ nghệ thuật, qua đó cho thấy mỹ thuật Quảng Nam có bước phát triển cả về đội ngũ và chuyên môn. Trong đó, ở mảng điêu khắc, một số tác giả đã khai thác, xử lý hình khối khá tốt, có tính khái quát, đơn giản về mảng khối nhưng tạo được nhịp điệu cho bố cục, tạo được cái hồn và sự sinh động, làm cho tác phẩm có tổng thể hài hòa cả hình thức lẫn nội dung... Mảng hội họa cũng khá đa dạng về phong cách, bám sát hiện thực đời sống, vừa khai thác được vốn truyền thống vừa vận dụng được ngôn ngữ hội họa hiện đại... Các tác giả như Nguyễn Văn Hàm, Nguyễn Hữu Thấu, Nguyễn Thượng Hỷ, Trần Văn Binh, Nguyễn Văn Huy, Lê Nguyên Chính, Nguyễn Trọng Dũng, Lê Bùi Cung Vũ... tiếp tục gây chú ý bởi những tác phẩm có nghề, có tính chuyên nghiệp cao. Trong đó, có thể kể đến tác phẩm “Đôi mắt”, tượng đồng của tác giả trẻ Nguyễn Văn Huy. Tác phẩm có lối diễn đạt chân thực, có xúc cảm và thể hiện được tinh thần của nhân vật; bố cục tác phẩm chặt chẽ, có phong cách riêng... Bức tranh sơn dầu “Đầu sóng ngọn gió” của Trần Văn Binh là một tác phẩm có tìm tòi về ngôn ngữ tạo hình, có mảng, nét và hòa sắc đẹp; nội dung đề cập đến vấn đề nóng hiện nay là chủ quyền biển đảo, thể hiện được sự vươn lên và tinh thần bất khuất của người dân với những thử thách trước cuộc sống.

Ở chuyên ngành Nhiếp ảnh, các tác phẩm dự giải đa dạng, phong phú, bám sát đề tài, phản ánh được những nét đặc trưng về quê hương, đất và người Quảng Nam. Tính nghệ thuật của các tác phẩm dự giải khá cao, ứng dụng được công nghệ số, giúp hình ảnh được trau chuốt, mượt mà; có những góc nhìn mang tính phát hiện. Các tác giả như Ông Văn Sinh, Lê Vấn, Thái Bích Thuận, Trương Văn Thế, Dương Phú Tâm, Huỳnh Hà, Mai Thành Chương, Đặng Kế Đức... tiếp tục khẳng định được mình bằng những tác phẩm cụ thể, có chất lượng nội dung và nghệ thuật cao. Trong đó, tác phẩm “Ngày trở về” của Lê Vấn có ánh sáng, bố cục tốt, có sáng tạo trong cách thể hiện, bấm máy đúng lúc, được xử lý kỹ thuật tốt và nội dung tư tưởng rõ ràng, miêu tả rõ nét tính cách nhân vật. Tác phẩm “Dưới mưa” của Mai Thành Chương cũng là một tác phẩm có yếu tố thẩm mỹ cao, màu sắc đẹp, độ tương phản hài hòa, bố cục mạnh mẽ, mới lạ, thể hiện được sự độc đáo trong sáng tạo.

Ở chuyên ngành Âm nhạc, hầu hết các tác phẩm dự giải đều có chất lượng nội dung và nghệ thuật tốt. Nhiều tác phẩm giàu sức diễn cảm, có ca từ đẹp, giai điệu mượt mà; tập trung phản ảnh về quê hương Quảng Nam anh hùng bằng giai điệu khi hào hùng, lúc sâu lắng, thiết tha; một số tác phẩm đã vận dụng nhuần nhuyễn chất liệu dân ca Quảng Nam, qua đó phác họa được phần nào thực tiễn cuộc sống phong phú; làm sáng rõ hơn hình tượng con người và mảnh đất Quảng Nam trung dũng kiên cường. Nhiều tác phẩm có sự bứt phá, như hợp xướng “Quê hương trên tầng cao mới” của Hoàng Bích, ca khúc “Rừng gọi A Sơn Dun” của Phan Văn Minh, ca khúc “Bắc Trà My yêu thương” của Thái Nghĩa; các chùm ca khúc “Những miền yêu thương” của Nguyễn Duy Khoái, “Khát vọng đại ngàn” của Trần Cao Vân, “Quảng Nam trong tôi” của Huỳnh Ngọc Hải, “Những miền quê xứ Quảng” của Lê Xuân Bá... Đặc biệt, chùm ca khúc “Những miền yêu thương” của Nguyễn Duy Khoái đã khai thác được âm hưởng dân ca Quảng Nam, lại tạo ra được giai điệu và tiết tấu mới, ca từ giàu tính văn học, có sức lan tỏa rộng. Hợp xướng “Quê hương trên tầng cao mới” của Nguyễn Hoàng Bích thật sự có tư duy, ngôn ngữ và bút pháp của thể loại hợp xướng - một thể loại thanh nhạc khó viết và chưa được phổ biến nhiều. Tác phẩm khái quát được hình ảnh Quảng Nam trong quá khứ và khát vọng vươn tới tương lai; có ngôn ngữ trong sáng, chọn lọc. Ca khúc “Rừng gọi A Sơn Dun” của Phan Văn Minh là một tác phẩm có sáng tạo, có sự tìm tòi độc đáo về giai điệu và tiết tấu, có màu sắc riêng về miền núi Quảng Nam, mang hơi thở mới trên nền âm nhạc dân gian... Riêng với Múa, tác phẩm duy nhất dự giải là “Học trò xứ Quảng” của tác giả Lê Huân có đề tài mang tính dân tộc, vùng miền khá rõ, thể hiện được ý chí tuổi trẻ xứ Quảng với những con người mang dòng máu anh hùng. Tác phẩm có sự sáng tạo và thể hiện tốt về biên đạo và thể hiện sân khấu.

Với 2 chuyên ngành Sân khấu-Điện ảnh, về cơ bản các tác phẩm có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, đã trải qua thử thách trên sàn diễn và trong công chúng. Ví như vở diễn “Biển và bờ” của Đoàn Ca kịch Quảng Nam đã đề cập đến một vấn đề rất thời sự hiện nay là chủ quyền biển đảo, về chống tham nhũng được thể hiện bởi một dàn diễn viên có nghề. Vở diễn “Hai người mẹ” của Nguyễn Ngọc Quyền là câu chuyện có thật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có bố cục chặt chẽ, phản ánh được mối tình kết nghĩa keo sơn giữa Quảng Nam và Thanh Hóa, nêu bật được hình ảnh bà mẹ Việt Nam sẵn sàng hy sinh những đứa con thân yêu của mình cho Tổ quốc. Bộ phim tài liệu “Phong trào Duy tân và bộ ba xứ Quảng” của nhóm tác giả Đình Phương, Ngô Văn Minh, Quang Phi có nội dung tốt, có sự kết hợp hài hòa giữa âm thanh, hình ảnh và lời bình. Bộ phim tài liệu “Khát vọng canh tân” của Nguyễn Vinh Quang & Ngô Hòa đã xây dựng thành công nhân vật Phạm Phú Thứ cương trực, đổi mới.

Cuối cùng, với chuyên ngành VHNT các dân tộc thiểu số-miền núi và Văn nghệ dân gian, điều cần ghi nhận trước hết là tinh thần khoa học, tâm huyết của mỗi tác giả/ nhóm tác giả thể hiện trên từng tác phẩm, công trình. Hầu hết các tác phẩm, công trình dự giải có hàm lượng khoa học cao, có tư duy chuyên ngành rõ nét, được thực hiện bài bản, công phu, chuyên nghiệp, tâm huyết. Chẳng hạn, với tác phẩm “Không gian văn hóa nhà cổ Hội An” của tác giả Trần Ánh, mặc dầu chỉ dành 98/286 trang để đi sâu nghiên cứu hơn 90 ngôi nhà cổ trong phố cổ, nhưng những phân tích của tác giả rất thuyết phục và nhất là đã đi sâu làm rõ đặc trưng không gian văn hóa nhà cổ Hội An - chứ không phải đặc trưng nhà cổ Hội An. Đây là một công trình chuyên khảo công phu, khoa học, chuyên sâu về nghệ thuật, kỹ - mỹ thuật kiến trúc truyền thống ở các ngôi nhà cổ Hội An. Tác phẩm “Ghe bầu trong đời sống văn hóa ở Hội An xứ Quảng” của Trần Văn An cũng khá độc đáo. Xuất phát từ góc nhìn dân gian để khảo tả về chiếc ghe bầu Hội An, từ nguồn gốc, tên gọi đến hình dáng, cấu trúc, tác giả đã mở rộng khảo cứu về nghề buôn bằng ghe bầu và nghề đóng ghe bầu cũng như tập tục, lễ hội dân gian liên quan đến ghe bầu. Qua đó, cung cấp được nhiều tư liệu quý về nghề và làng nghề đóng ghe bầu ở Hội An xưa, phản ánh một phần về giao thương, tín ngưỡng, lễ thức văn hóa xung quanh chiếc ghe bầu. Tập sách ảnh “Người Cor ở Việt Nam”, hai tác giả Trần Tấn Vịnh và Cao Chư đã thành công khi kết hợp nhuần nhuyễn giữa kênh chữ và kênh hình để giới thiệu về văn hóa dân gian dân tộc Cor, mở ra một hướng nghiên cứu và quảng bá văn hóa dân gian đầy triển vọng. Sách được biên soạn công phu; thể hiện được tầm nhìn và thái độ ứng xứ văn hóa của người làm sách.

Bằng tinh thần làm việc khách quan, trung thực, Hội đồng xét giải Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ II đã chọn ra được những tác phẩm thật sự xứng đáng để trao giải. Trong số 171 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo Giải thưởng VHNT đất Quảng lần thứ II, Hội đồng đã chọn ra 5 giải A, 14 giải B, 20 giải C và 22 giải khuyến khích. Cùng với Giải thưởng VHNT đất Quảng lần thứ 2, Tặng thưởng VHNT Quảng Nam năm 2014 cũng đã được xét chọn qua hai vòng sơ khảo và chung khảo. Ban Tổ chức và Hội đồng giám khảo đã làm việc nhiều phiên và đi đến nhất trí cao về việc xét giải. Trong số 15 tác phẩm lọt vào chung khảo trong tổng số hơn 60 tác phẩm dự xét Tặng thưởng, Hội đồng đã quyết định trao 2 giải A, 4 giải B và 6 giải C.

Xin chúc mừng các văn nghệ sĩ đã đoạt giải tại Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ II và Tặng thưởng VHNT Quảng Nam năm 2014. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong lễ trao Giải thưởng VHNT đất Quảng lần thứ 3 và lễ trao Tặng thưởng VHNT Quảng Nam trong các năm tiếp theo./.


Trích báo cáo tổng kết do nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích-Chủ tịch Hội VHNT Quảng Nam kiêm Phó trưởng Ban Tổ chức Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ II trình bày tại Lễ trao giải. Đầu đề do tòa soạn đặt.


Quay về
VĂN
Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ II - Tôn vinh những giá trị đặc sắc của đất và người quê hương
Máu và tội ác
Nữ hoàng nhạc Twist
Vết rạn
Như vẫn đang nghe tiếng hát “con chim vàng”
Chút kỷ niệm với người nhạc sĩ tài hoa
THƠ
Đi tìm đồng đội
Giọt nghĩa tình
Nghe người thương binh hát
Mắt chiều
Bạn cũ
Người già đi nhảy
Giấc mơ người đàn bà không muốn khóc
Anh là chiếc bình cắm loài hoa bất tử
Những đứa trẻ tái sinh trên tay chị tôi gầy
Mảng phố
Trước bức tranh đồng chiều
Khoảng vắng
Vẫn chảy sông ơi!
Thu xa
Khoảnh khắc khi anh ở ngoài em
Trườn qua phía bóng tối
40,1oC
Em về
Đứa con của rừng
Giấc mơ đại ngàn
NGHIÊN CỨU-LÝ LUẬN-PHÊ BÌNH
Nhạc sĩ sánh duyên cùng thi ca
Nhà cổ Hội An - Những lâu đài trang trí nghệ thuật
Gam màu đẹp của mỹ thuật thiếu nhi xứ Quảng