|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin tức

HÀ ĐÌNH NGUYỄN THUẬT - MỘT CON NGƯỜI CỦA VĂN CHƯƠNG, NGHỆ THUẬT
Ngày đăng: 25/09/2015 .Lượt xem: 1828 lượt.
Ngoài tư cách một vị đại thần, một sử gia, một nhà giáo... Hà Đình Nguyễn Thuật còn là một nhà thơ kiệt xuất của lịch sử văn chương Việt nửa cuối thế kỷ XIX.


Hội thảo khoa học "Hà Đình Nguyễn Thuật - Danh nhân văn hóa" được tỏ chức tại Thăng Bình quê hương ông vào ngày 15/5/2015.
Ảnh: TTX VN

Nếu nhìn nhận một cách toàn diện, so với các tác gia cùng thời như Nguyễn Thông (1827-1884), Phan Thận Duật (1825-1885), Nguyễn Trọng Hợp (1834-1902), Bùi Dị (1832-1895), Đào Tấn (1845-1907), Dương Khuê (1839-1902), Dương Lâm (1851-1920)... Hà Đình Nguyễn Thuật vẫn là một “khuôn mặt lớn” chẳng kém cạnh ai. Thơ Nguyễn Thuật giàu thi tính, nhiều thi ảnh đẹp, luôn có nội hàm sâu lắng, thơ có sự vang động của cái “ngôn ngoại”, cái-không-nói vì tác giả chỉ gợi (ý tại ngôn ngoại). Hà Đình là một nhà thơ nắm vững phép tắc của thơ, nhất là thơ Đường luật, ông rất sành việc “lấy cái động để nói cái tĩnh, lấy cái hữu hình để nói cái vô hình, cái cụ thể để nói cái trừu xuất và ngược lại” - vận dụng được cái yếu tính “đối lập” cốt lõi của thi pháp thơ Đường. Dù là thơ ngôn chí, thơ tức sự, thơ vịnh phong cảnh, thơ thù tạc... bài nào của ông cũng lưu tâm đến hiệu quả bề sâu trong cảm nhận.

Tác phẩm thơ chữ Nôm của Nguyễn Thuật có một số bài hát nói “nói lên được cái sâu lắng mà hùng hồn, thản nhiên mà tự tại của kiếp nhân sinh giữa cõi đời đầy hệ lụy. Tứ thơ nhẹ nhàng, phơi phới đều được ngọn bút tài hoa cộng với một tâm hồn phóng khoáng phô bày một cách nhàn nhã mà hào hùng trong thi mạch Nôm của mình”(1).

Phận anh hùng (trích)

Trời sinh đấng anh hùng hào kiệt

Ắt trao cho những việc khó khăn

Đã ra đời nào ngại gian nan

Dẫu vinh nhục thăng trầm thôi cũng mặc

Sơn hải quan ân thù vị đắc

Phong ba thế cuộc hận nan bằng(2)

Chữ Nhàn (trích)

Trời cho ta riêng một chữ nhàn

Nay Bàn A mai lại Kim Sơn(3)

Thuyền một lá dạo chơi miền lưỡng mã

Khi rượu, khi trà, khi thi, khi nhạc

Khi cao bàn mãn tọa, khi hồng trục đương diên

Đâu dám trông người gọi rằng tiên

Họa may đặng thoát mà khỏi tục

Đã phú quý cho hay tri túc

Tham lam chi những cuộc ngoại thân

Kìa kìa một đám phù vân

Nguyễn Thuật, về sáng tác -theo nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng(4)- có thể chia làm hai loại sáng tác chung và riêng. Phần sáng tác riêng gồm các bộ: 1/ Hà Đình ứng chế thi sao gồm thơ Nguyễn Thuật họa lại thơ Tự Đức, hoặc làm theo đề do vua Tự Đức nêu ra; thơ họa đáp với bạn bè, vịnh sử, vịnh vật, vịnh cảnh, cảm hoài, ngôn chí... Trong bộ này có Mỗi hoài ngâm biệt tập ghi lại những bài thơ do ông sáng tác trong các chuyến đi sứ nhà Thanh năm 1881-1883; 2/ Hà Đình văn tập nằm trong bộ Hà Đình thi văn tập (gồm thơ và văn) khắc in năm Duy Tân thứ tư (Canh Tuất, 1910). Phần liễn đối gồm tập thượng và tập hạ cũng được khắc in cùng năm. Tập này gồm 244 câu đối tác giả viết trong các lễ khánh tạ, thi đỗ (Hương khoa và Hội khoa). Những người thi đỗ đều được tác giả tự ý sáng tác chúc mừng. Giá trị văn chương của câu đối Hà Đình cũng được giới văn chương đánh giá là tuyệt hảo; 3/ Hà Đình văn sao gồm một số bài Biểu, Luận, Tự, Bi, Trướng... khi ông được phong chức, tước hoặc cha, mẹ, anh, em ông được triều đình khen thưởng, một số bài ký như bài Bia Châu Phong, Bút Tháp, Minh Hương Tụy tiên đường bi kí... viết từ đời vua Tự Đức đến đời vua Thành Thái; 4/ Mỗi hoài ngâm thảo, quyển chi nhứt (quyển I) là tập thơ ông sáng tác khi sung Phó sứ năm 1881 và Chánh sứ năm 1883. Tác phẩm có hai bài tựa của hai danh sĩ Trung Hoa: Hoàng Kiến Nguyên-Bảng nhãn khoa Mậu Thìn và Trần Khải Thái-Tiến sĩ Ngự sử Hàn lâm viện; 5/ Mỗi hoài ngâm thảo quyển chi nhị (quyển II) in năm 1910, gồm 101 thi đề với hơn 118 bài, “cũng hàm chứa một nội dung bao quát về ngoại cảnh, nội tâm của người đời đang hiện hữu giữa cuộc sống với vô vàn hệ lụy”(5) ; 6/ Hà Đình Ứng chế thi sao I là một số bài thơ (sao chép lại) của ông cung kính đáp họa thơ vua (làm ra) ban cho tác giả Hà Đình; 7/ Hà Đình thi thảo trích sao, gồm một số bài ông sáng tác khi giao tiếp với các danh sĩ trong và ngoài nước, hoặc qua sinh hoạt trong cuộc sống, xướng họa với các thi hữu gồm hơn 168 bài (98 thi đề); 8/ Hà Đình thi thảo trích sao (tiếp theo), gồm một số bài thơ ông sáng tác trên đường đi sứ và thù tạc với bạn bè (26 bài); 9/ Vãng sứ Thiên Tân nhựt kí (khắc in 1910), là tập nhựt ký của sứ đoàn Việt Nam do Thượng thư Phạm Thận Duật làm Chánh sứ, Nguyễn Thuật làm Phó sứ sang Tàu do Nguyễn Thuật ghi chép; 10/ Trung Triều định lệ (Những định chế Trung Quốc, Triều Tiên phụ), được viết trong thời gian ông làm Phó sứ sang Thiên Tân, cùng thời điểm viết Nhật ký Thiên Tân; 11/ Khoái thư trích lục (bản chép tay) viết vào thời điểm ông về hưu lần thứ hai (1902)-nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng gọi là “tạp bút” - gồm những bài viết cảm nhận về văn chương nghệ thuật, về những thú vui tao nhã của kẻ sĩ nhàn tản-nghĩa là những điều khoái (đã, thích, sướng...).

Cạnh đó, Nguyễn Thuật có phần viết chung (in chung) với các vua tiền triều như Lê Thánh Tông, Lê Chiêu Thống, Thiệu Trị, Tự Đức... cùng các đại thần, các bạn đồng liêu nổi tiếng là những văn nhân dưới triều Nguyễn như Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Trương Quốc Dụng, Trần Tử Mẫn, Vũ Phạm Khải, Trương Trọng Hữu, Bùi Dị, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Siêu, Cao Bá Quát, Phạm Quý Thích, Hoàng Quỳnh, Phan Thanh Giản, Nguyễn Trọng Hợp, Hoàng Diệu, Hoàng Hữu Xứng, Phạm Thận Duật, Cao Xuân Dục, Nguyễn Đức Đạt, Vũ Trinh... Trong những bộ sách viết chung này, có bộ do ông biên tập rồi trình lên vua cho chỉ dụ khắc in, có bộ ông tham gia theo chỉ dụ của vua, cùng một số quan ở Cơ mật viện, Lục bộ nội các, Sứ quán, Quốc tử giám đồng biên tập. Tác phẩm ông viết chung gồm: 1/ Chư đề mặc, gồm thơ văn từ các đời còn lưu lại trên bia, vách đá, tại các thắng cảnh, di tích lịch sử; 2/ Cung kỷ luân âm, gồm các bài châu phê, sắc, dụ, thơ, văn của vua Tự Đức ban cho Nguyễn Thuật khi ông làm việc tại Cơ Mật viện và được cử đi sứ Trung Hoa; 3/ Dã sử, gồm 214 truyện dân gian cùng với thơ, minh, phú, câu đối của Nguyễn Thuật về Lê Chiêu Thống, Phạm Phú Thứ, Bùi Dị, Nguyễn Thượng Hiền...; 4/ Danh công thi thảo gồm thơ của các tác giả nổi tiếng triều Nguyễn như Châu Giang Công Bùi Dị, Lập Trai tiên sinh Phạm Quý Thích, Khả Am tiên sinh Nguyễn Đức Đạt, Nguyễn Thuật, Tùng Thiện Vương, Tốn Phủ Hà Tôn Quyền, Tuy Lý Vương, Mai Am; 5/ Danh sơn thắng thủy thi (còn gọi là Đại Nam danh sơn thắng thủy thi đề tập), gồm 93 bài thơ vịnh những phong cảnh nổi tiếng của danh nhân các đời như Lê Thánh Tông, Trịnh Thánh Tổ, Phạm Lập Trai, Vũ Trinh, Nguyễn Thuật, Bùi Dị; 6/ Đại Nam cương giới vựng biên là tập bản đồ Việt Nam bao gồm bản đồ tỉnh Thừa Thiên, bản đồ các tỉnh, các thuyết về biên giới, sông, vịnh, các nước giáp giới và bài khảo về Vạn Tượng, Chiêm Thành, Chân Lạp. Biên soạn quyển này gồm năm tác giả: Hoàng Hữu Xứng, Nguyễn Hữu Độ, Phan Đình Bình, Nguyễn Thuật, Hoàng Hữu Thường; 7/ Đại Nam Quốc cương vựng biên (còn gọi là Đại Nam cương giới vựng biên lược sao) nội dung khảo về địa danh, diên cách, diện tích, cương giới của các nước láng giềng và các tỉnh, 8/ Đại Nam Quốc sử tàng thư mục nội dung tập thành mục lục sách của thư viện Quốc sử quán triều Nguyễn, gồm 103 loại sách, do năm vị biên tập gồm: Trương Quang Đản, Nguyễn Thuật, Hoàng Hữu Xứng, Cao Xuân Dục và Ngô Huệ Liên; 9/ Hoàng Gia cẩm thuyết, gồm thơ văn của vua Tự Đức và quần thần trong đó có một số bài của Nguyễn Thuật; 10/ Ngự chế Việt sử tổng vịnh, gồm 212 bài thơ vịnh đế vương, hậu phi, tôn thần, hiền thần, các bậc trung nghĩa, văn thần, võ tướng, liệt nữ, kẻ tiếm vị, bọn gian thần, những điều hay, việc tốt trong lịch sử. Nguyễn Thuật bổ chú cùng 13 văn thần; 11/ Tây Tra thi thảo, gồm 69 bài thơ của Nguyễn Trọng Hợp làm trong khi đi sứ tại Pháp, vịnh phong cảnh cửa biển Cần Giờ, Tân Gia Ba, Cô-lông-bô, Hồng Hải, Kênh Suez, thành Paris, xem mặt trời mọc, xe máy lên núi... Sách được Nguyễn Thuật đề tựa; 12/ Quốc triều danh nhân mặc ngấn gồm 7 tập thơ của danh nhân triều Nguyễn mà tập thứ nhất là “Thanh Hóa Tổng đốc Hà Đình thi sao” có 11 bài thơ tả cảnh, tức sự; 13/ Thi Thảo tạp biên, gồm 494 bài thơ của Nguyễn Phi Khanh, Trần Danh Án, Phạm Phú Thứ, Tuy Lý Vương, Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Đức Đạt, Trần Tử Mẫn, Nguyễn Thuật, Bùi Dị...; 14/ Tì Bà Quốc âm tân truyện, là bản diễn Nôm thể thơ lục bát vở “Tỳ bà kí” của Cao Minh. Các “Tựa, Bạt, Đề, Từ...” do Khiếu Năng Tĩnh, Nguyễn Thuật, Dương Khuê, Nguyễn Khắc Vỹ, Bùi Khánh Diễn soạn; Hà Đình viết tựa.

Tài năng sáng tác thơ của Hà Đình không những được văn nhân trong nước ca ngợi mà còn được các danh sĩ nước ngoài trọng vọng. Bảng nhãn Trung Hoa Hoàng Kiến Nguyên cho rằng thơ Hà Đình “bút lực mạnh mẽ có một sức riêng. Thơ ông giãi bày thẳng những gì nung nấu trong lòng. Lời thơ cứng mạnh, tuôn ra đều đúng ý theo đó, nhưng vẫn có quy củ bao trùm ở trên. Tài của ông tinh tế vào cõi thơ, há bỏ qua sự việc mà không vẽ ra được ư?”(6).

Tập thơ Mỗi hoài ngâm thảo quyển I có thật nhiều những bài hay, tương truyền có nhiều người cho rằng tuyệt bút là hai bài Lên lầu Hoàng HạcĐề lầu Hoàng Hạc.

Đăng Hoàng Hạc Lâu

Trần mộng hoang hoang bất khí thâu

Hoàng địa lão thượng tư tự lâu

Tiên ông hà xứ thừa vân hạc

Tha khách kim triêu thướng đẩu ngưu

Giang khoát ngư long ba tiệm trướng

Xuân thâm Anh vũ thảo do sầu

Đăng lâm khước lạc Đường nhân hậu

Doanh đắc kỳ quan viễn hải chu

Dịch thơ:

Cõi mộng mơ màng biết mấy thu

Trời già đất cỗi vẫn nguyên lầu

Tiên lên trời đã chìm mây hạc

Khách cỡi bè nay vượt Đẩu Ngưu

Làn sóng cá rồng sông dẫy nước

Bài xuân Anh Vũ cỏ vương sầu

Lên đây say nhượng người Đường trước

Vượt biển ta giành cuộc thắng du

(Hoàng Tạo dịch)

Một nhà nghiên cứu đã nhận định: “Sau Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu (bài thơ mà đến cả Lý Bạch cũng đành gác bút), nào có mấy bài về Hoàng Hạc Lâu không thẹn với thi tài Thôi Hiệu như bài này?”.

Đề Hoàng Hạc Lâu

Ngọc dịch thanh tàng nhứt hạc phi

Giang phong vô dạng nhập song suy

Linh hòa lại hướng thiên gian ngữ

Ba tịnh yên phù đại tác nghi

Cảnh đáo tình dư kham nhập họa

Bút tùng các hậu cánh vô thi

Bạch vân diêu chỉ tây nam ngoại

Thủy biện nga phân khả dương quy

Dịch thơ:

Ngọc địch tàn rồi chim hạc bay

Cây bàng cửa sổ gió lay lay

Chuông vang sáo thổi trời trong khoảng

Sóng nổi khói ùn đất mịt thay

Sau lúc tạnh rồi hơn bức vẽ

Đã đành gát bút khó đề thơ

Xua ngoài mây trắng tây nam đó

Mới thấy rằng đây rõ cảnh này

(Nguyễn Q. Thắng dịch)

Bài Thính viên thể hiện nỗi đau đời, nỗi lo nước của ông:

Nham tùng yên lãnh nguyệt vi minh

Ngũ dạ hảo viên giảo khách tình

Bình nhật dĩ trừ tam phó lệ

Bất quan thính nhĩ đáo tam thanh

Dịch thơ: Nghe vượn kêu

Trăng mờ khói lạnh cây lưng núi

Vượn hót năm canh não dạ người

Vốn sẵn ở đời ba vốc lệ

Há vì ba tiếng mới tuôn rơi

(Hoàng Tạo dịch)

Nỗi niềm lo dân, lo nước canh cánh khôn nguôi thể hiện trong bài Tức sự II:

Tráng du nhân tận xỉ khinh phì

Dục hiệu thừa sà sự dĩ phi

Viễn hải khinh khan ngưu mã cập

Đồng minh thùy niệm phụ xa y

Vệ cầm hàm thạch không điền hận

Việt điểu sào nam cảm quyện phi

Văn nhạc bất phương trùng bái giáo

Tần đình ưng vị phú Vô Y

Dịch thơ: Nói chuyện trước mặt

Áo cừu ngựa mập khách du phương

Chuyện cỡi bè xưa đã dở dang

Đất cách ghe cho trâu ngựa gặp

Nước gần ai nghĩ bánh xe nương

Biển sâu đã lấp chưa nguôi giận

Ổ cũ chim về vẫn thuộc đường

Nghe nhạc thiệt lòng mong đợi nhỉ

Sân Tần quân viện thuở nào sang?

(Huỳnh Thúc Kháng dịch)

Mai Quốc Liên bình: “Nhưng Trung Quốc lúc bấy giờ chẳng phải là nước Tần có thể cứu viện nước Sở... để ông (Hà Đình) trút lệ ở Tần đình. Vì thế mà ông buồn. Ông nói với nhân sĩ Trung Quốc mình là “Vong cơ ông” (Ông lão quên đời) mà “thế cục” thì như “phù vân” (mây nổi). Đó là tâm sự bi quan yếm thế của cả một giai cấp lúc suy tàn. Do đó mà đi qua Ngọc Long Cương (nơi Khổng Minh ở ẩn), ông có câu thơ buồn ảo não: Ưng thiên nhất phó anh hùng lệ/ Thu thảo hoang lương Lạc phượng pha (Khóc đấng anh hùng phải thêm nguồn lệ nữa/ Kìa cỏ thu trên sườn đồi Lạc Phượng hoang vắng thê lương).

Cũng cùng nỗi buồn ấy, ông nhìn sông Hán và cảm thấy “giang lưu chung cổ tống tà dương” (Dòng sông muôn thuở vẫn đuổi theo bóng tà dương). Ông đổ mình là khách xa quê: “Thiên nhai huống thị khách tha hương” không phải chỉ vì thế. Tất cả những tình cảm đau buồn ấy ông như trút vào những thi tứ trầm thống và mênh mông trong bài thơ mà tôi cho là hay nhất của ông, bài Đăng Hoàng Hạc Lâu(8).

Hà Đình cũng thành công về câu đối. Những câu đối chúc phúc nhân mùa xuân của ông đã trở thành mẫu mực cho các Nho sĩ đương thời, như các câu đối sau:

- Nhơn thích lạc dao phong vật mỹ/ Xuân hồi đại địa tuế hoa tân (Người vui thích gió đồng nội cái gì cũng đẹp đẽ/ Xuân về tết đến, hoa nở sáng lại đất bao la).

- Nhơn tại xuân đài diên tuế nguyệt/ Thế tư đức thọ phước nhi tôn (Người sống trên đền đài, mùa xuân kéo dài năm tháng/ Từng đời lan mãi cây đức hạnh là phước của cháu con).

Câu đối mừng thi đỗ của Hà Đình chiếm số lượng khá lớn trong các sáng tác của ông. Một số câu đối được truyền tụng như câu đối chúc mừng em rể là Tú tài Võ Khánh: Quân gia nghi hữu văn nhơn đường hốt ấm di tam thế hậu/ Ngô môn hỉ đắc khoái tế hòe vi thu nhứt danh sơ (Nhà anh đã có người làm quan nổi tiếng phước che ba đời/ Cửa ta vui được rể quý đậu đạt khóa Thu đầu tiên).

Câu đối chúc mừng Tú tài Lê Văn Tự (Quế Sơn) thi đậu: Đường thượng di nhan huỳnh quyển thanh đăng tân khổ hậu/ Bàng quang khởi sắc mặc trì tuyết lãnh phẩm bình gian (Chủ nhà phát vui sau gian khổ đèn xanh, quyển vàng/ Bảng đề chói sáng, ao mực đỉnh núi tuyết khen mãi phẩm cao).

Câu đối mừng cử nhân Nguyễn Quang, người làng Ngọc Phố, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình: Ngô châu lãnh hương giải chỉ lục nhơn năng cư kì kiệt/ Đại gia tích thư công giả tam thế thỉ phát ư kim (Châu ta đậu Hương giải chỉ sáu người, ông trong số đó/ Nhà anh chứa sách, công học ba đời mới phát sáng hôm nay).

Hà Đình có những thành tựu lớn ở mảng câu đối phúng điếu các anh hùng, danh sĩ, quan chức đồng liêu, người thân, tri kỷ. Câu đối điếu Hoàng Diệu tuẫn tiết khi thành Hà Nội thất thủ là một câu đối hay: Khởi bất niệm cao đường thánh chủ ân thâm nghi tử báo/ Thẩn năng nhiếp cường địch nhơn hoàn danh trọng tức sanh vinh (Bởi không quên ơn chúa sâu nặng như nhà lộng lạc nên chết để báo đền/ Vì trọng danh dự, không sợ cường địch, dám chết ấy là người sống vinh).

Câu đối Hà Đình điếu cư sĩ Trần Viết Thọ, người Quảng Trị, từng đỗ Phó bảng, từng làm Chủ sự Bộ Lại, sung Cơ mật viện hành tẩu, Án sát sứ Quảng Nam, Đốc học Quảng Nam, bổ Thị giảng, xin về hưu, tu Phật và chọn cách “tự hóa hỏa” được sách Đại Nam chính biên liệt truyện ghi chép, như sau: Tu đáo thử, khởi vô nhân, mạc vấn sinh thiên tiến thành Phật hậu/ Tử như hà, bất tất biện, chỉ tranh khẳng khái dị thung dung nan (Tu được thế, há ai người, chẳng phải hỏi trước lên trời sau thành Phật/ Chết thế nào, không cần biện, chỉ vì tranh dễ khẳng khái khó thung dung).

Câu văn Hà Đình vừa súc tích, khẳng khái vừa cận nhân tình, đơn cử như trường hợp viết biểu tạ ơn vua, dù là một đại thần, ông vẫn hết sức khiêm cung “thần gia thế nghèo hèn, học thức tầm thường”. Viết văn điếu Nguyễn Dục -người bạn đồng hương Quảng Nam, vốn là một nhà giáo trong cung- dạy học ở Dục Đức Đường, ông bình: “Nước có hạng người như thế mới dạy cho kẻ sĩ điều chân chánh. Nước không có hạng người ấy thì kẻ hậu tấn lấy gì làm khuôn mẫu. Ai thanh liêm không tham, ai lập dậy kẻ yếu? Quan hệ với thế đạo nào phải cạn cợt mà được. Há là để riêng một châu tôi thương tiếc hay sao?”. Viết tản văn cảm và luận về cái Đẹp, văn ông vừa thanh đạm vừa khinh khoái. Ông viết về chim nhạn: “Nhạn nên bay qua trời, bay qua viễn phố, qua bến bãi sông, nên bay qua quan san cùng mảnh trăng, nên bay qua vạn nhà đập chày giặt áo, đưa tiếng mùa thu đi xa, nên bay qua vạn dặm lau lách, lạnh vì sắc sương” (Linh động - Khoái thư trích lục). Viết về hoa sen - loài hoa mà ông chọn làm hiệu danh: “Hoa sen hương thơm tỏa ngát xa, sáng sương đọng như hạt châu, áo xanh dường như khói, trang điểm màu hồng trên mặt nước” (Rừng thơm - Khoái thư trích lục). Viết về thơ: “Thi ca đẹp hơn hoa đẹp, vượt hơn như người đẹp khuynh thành, hòn ngọc trong suốt chiếm hơn sắc đẹp liên thành” (Không đề - Khoái thư trích lục).

Nhà văn Vũ Ngọc Phan trong hồi ký có nói trong nhà ông hồi trước có giữ một đôi câu đối khắc chữ của Nguyễn Thuật. Nguyễn Thuật “viết chữ tốt nổi tiếng mà thơ hay cũng nổi tiếng”(9). Đặc biệt ông còn có tài năng hội họa. Nổi bật nhất và tác phẩm duy nhất còn lưu lại là bức “Trùng du Bàn A sơn” (Lại đi chơi núi Bàn A). Nhà phê bình mỹ thuật Thanh Loan nhận xét: “...Họa phẩm “Trùng du Bàn A sơn” được vẽ bằng màu nước trên giấy lúc ông (Nguyễn Thuật) làm Tổng đốc Thanh Hóa (1887-1893). Căn cứ nội dung, bài thi nhất là thủ bút của tác giả được viết trên gỗ vào năm Thành Thái Nhâm Thìn Thu (1892) hiện còn lưu trữ tại nhà hậu duệ của ông; tác phẩm được thực hiện vào năm 1892 (hoặc có thể sớm hơn). Xem họa phẩm ta thấy màu chủ đạo là màu xanh nhạt, đây là kiểu tạo màu “đạm thái” của Trung Quốc họa. Nó có thể xuất phát từ “khinh phất đan thanh” (nhẹ phớt màu sắc) của Ngô Đạo Tử (680-?). Quan sát các ngọn núi Bàn A trong tranh ta thấy sự thể hiện không gian, màu sắc thật tinh tế. Ngọn núi gần thấy lớn, được tạo thành bằng những nét đậm nhạt cho thấy cả hình khối, sự hùng vĩ của ngọn núi. Các cây trên đỉnh núi hình thành bằng những nét chấm phá một cách phóng khoáng nhưng không thiếu sự tinh vi về cách phân bổ. Quả là “thạch phân tam diện-thụ phân tứ kỳ”. Ngọn núi xa thì nhỏ hơn, chỉ thấy những rặng cây xanh xanh ở chân núi. Đỉnh núi cũng được dùng màu đen đậm hơn, không thấy được bề của ngọn núi. Ngọn núi xa nhất thì nhỏ hơn cả và được chuyển qua màu xanh nhạt nhẹ, cho thấy như đã giao hòa với đất trời. Màu đen, xanh đậm, nhạt của nước cho thấy sự sâu thẳm chuyển động. Vì “nước trong tranh không chảy chỉ là nước chết” (Quách Hy, 1020-1090). Một con thuyền đơn chiếc nhưng trông bình an giữa vùng nước bao la, đây là lối tả ý cho thấy sự sống đang dâng trào dưới khung cảnh êm đềm, mơ mộng dù không xuất hiện bóng con người. Hàn lâm đồ họa viện của Tống Huy Tôn trong một kỳ thi họa diễn ý câu thơ “Đạp hoa quy khứ mã đề hương” (con ngựa giẫm hoa trở về móng còn thơm), tác phẩm đạt giải là bức tranh những con bướm bay theo gót chân ngựa. Đây là đặc điểm của lối tả ý trong hội họa Trung Hoa. Như Tông Bình (375-443) trong luận họa sơn thủy đã nói: “Đó là vì cách xa cảnh thì càng thấy nhỏ”, ở đây họa gia, danh thần Nguyễn Thuật đã “lấy màu sắc vốn có mà vẽ nên tranh”. Ông vận dụng tinh thông phép thấu thị, tam viễn trong sơn thủy họa đã hòa nhập vào thiên nhiên với sự quan sát tinh tường và lòng yêu mến quê hương sâu sắc để sáng tác. Ông đã trải núi lòng qua bài thi trên họa phẩm Trùng du Bàn A sơn: Hà niên câm khiếu thủy vân ôi/ Liêm sử phong lưu vị dịch tài/ Triều thị kỷ canh sào tự tại/ Giang sơn như tạc ngã trùng lai/ Nghinh huân tọa tảo nham hoa lạc/ Chữ mính tuyền phân thạch tỉnh khai/ Dịch dịch thế đồ nhơn diệc lản/ Bất phương trụ trượng địch phù ai (Nghĩa: Lại đi chơi Bàn A sơn: Năm nào vùng nước lạnh căm xa vắng/ Khiến phong lưu không trổ được tài/ Làm quan hay làm dân bao lần vẫn tự tại/ Giang sơn như cũ ta lại đến đây/ Đón hơi thơm, ngồi quét hoa rơi bên hang đá/ Nấu trà nước suối, sẵn đây giếng mời/ Mãi lo toan, đường đời ai cũng mệt/ Ngại gì chống gậy chơi giặt sạch bụi mù).

Danh nhân Nguyễn Thuật để lại nhiều tác phẩm sơn thủy họa nhưng do thời gian và chiến tranh nên hầu hết đã mai một, trong đó có tác phẩm về núi Kim Sơn (Thanh Hóa) hư hỏng do mưa lũ trong thập niên 80-thế kỷ XX. Ông cũng là vị đại phu để lại nhiều tác phẩm thư pháp, bi ký cả trong và ngoài nước”(10).

Hà Đình là nhà văn hóa lớn. Hồi còn tại thế, vua Tự Đức viết về ông: “Nguyễn Thuật là người tuổi trẻ tân tiến, hiếu học, thông minh đĩnh ngộ, biết lẽ phải, không a dua theo kẻ khác” (sắc phong). Danh sĩ Đào Tấn-tác gia tuồng lỗi lạc sinh thời rất quý trọng tài năng, nhân cách ông và có tặng ông bài thơ Ký hoài Hà Đình Công: Tuế mộ hoài nhân ký viễn thư/ Hà Đình phong cảnh cận hà như/ Niên niên kỷ thủ nham đầu nguyệt/ Thập nhị hồi viên đáo tác cư (Dịch thơ: Nhớ ông Hà Đình gởi thư thăm: Năm tàn nhớ bạn gởi thư thăm/ Ra sao rồi nhỉ cảnh nhà sen?/ Đầu ghềnh anh giữ vầng trăng sáng/ Tròn mười hai nguyệt chiếu nơi tôi. Nam Diêu dịch).

Trong bài Phú Tỉnh Quảng Nam của Nguyễn Đình Hiến (Phó bảng làng Trung Lộc, Quế Sơn) có câu truyền tụng như sau: “...Võ cao nhứt phương bồng thủ, Hồ Thượng Công chế khổn tài năng/ Sương nghiêm lưỡng độ hoàng hoa, Nguyễn Thiếu Phó đương triều vỹ lược...” (Tạm dịch: Một phương trọng trấn, Hồ Thượng Công ân đức thấm nhuần/ Hai độ sứ trình, Nguyễn Thiếu Phó tài ba lỗi lạc (Hồ Thượng Công là Hồ Lệ; Nguyễn Thiếu Phó là Nguyễn Thuật).

Nguyễn Thuật được hậu thế tôn xưng là người có năng lực phi phàm “tú ngữ đoạt sơn lục” (lời đẹp hớp hồn núi xanh).

PHÙNG TẤN ĐÔNG

(1) Hà Đình-Tác phẩm (Nguyễn Q. Thắng giới thiệu, biên dịch), NXB Tổng hợp Tp HCM-2005.

(2) Câu “Sơn hải quân ân thù vị đắc-Phong ba thế cuộc hận nan bằng”: ơn của vua như núi, biển khó (chưa) trả được/ cuộc đời sóng gió hận không làm yên được.

(3) Bàn A, Kim Sơn: Núi Vồm, núi Kim Sơn - hai địa danh có phong cảnh đẹp của Thanh Hóa.

(4),(5),(6) Hà Đình-Tác phẩm, Sđd.

(7),(8),(9) Mai Quốc Liên, Hai danh sĩ đất Quảng, Tạp chí Đất Quảng (Hội Văn học-Nghệ thuật QN-ĐN) số 55 (1/12/1988).

(10) Thanh Loan, Trùng du Bàn A sơn, Tạp chí sông Hương, số 240 (Tháng 2/2009).

[Trở về]
Các tin mới hơn:
HỘI THẢO "HÀ ĐÌNH NGUYỄN THUẬT-DANH NHÂN VĂN HÓA" (Ngày đăng: 16/09/2015 )
Các tin cũ hơn:
VUI BUỒN VĂN HỌC THIẾU NHI (Ngày đăng: 16/07/2015 )

Ấn phẩm mới

Liên kết website

 Cũng như thung lũng cho ngọn núi chiều cao, khổ đau cho lạc thú ý nghĩa; cũng như mạch nước là nguồn của suối, nghịch cảnh sâu sắc có thể là châu báu.
William Arthur Ward


Sự mất mát khiến chúng ta trống rỗng - nhưng hãy học cách không để sự đau khổ đóng lại trái tim và tâm hồn mình. Hãy để cuộc đời đổ đầy lại bạn. Dưới đáy u sầu, dường như điều đó là không thể - nhưng những niềm vui mới đang chờ đợi để lấp đầy khoảng trống
Pam Brown

Hãy yêu tôi khi tôi ít xứng đáng với tình yêu ấy nhất, Bởi đó là lúc tôi thực sự cần nó.
Tục ngữ Thụy Điển

Đừng đếm những gì bạn đã mất, hãy quý trọng những gì bạn đang có và lên kế hoạch cho những gì sẽ đạt được bởi quá khứ không bao giờ trở lại, nhưng tương lai có thể bù đắp cho mất mát.
Khuyết danh

Đôi lúc cũng cần thiết dừng chân trong cuộc hành trình theo đuổi hạnh phúc, và chỉ đơn giản là cảm thấy hạnh phúc.
Guillaume Apollinaire

Tôi, không phải tình huống, có sức mạnh làm tôi hạnh phúc hay bất hạnh ngày hôm nay. Tôi có thể chọn nó sẽ thế nào. Ngày hôm qua đã chết. Ngày mai còn chưa tới. Tôi chỉ có một ngày, Hôm nay, Và tôi sẽ hạnh phúc với nó.
Groucho Marx

Khi một cây sồi đổ, cả khu rừng vang vọng tiếng đổ của nó, nhưng hàng trăm hạt sồi được cơn gió thoảng qua lặng lẽ gieo.
Thomas Carlyle

Thứ duy nhất có thể cứu được thế giới là phục hồi nhận thức của thế giới. Đó là công việc của thi ca.
Allen Ginsberg

Tình yêu là trạng thái mà khi đó hạnh phúc của một người khác trở nên cực kỳ quan trọng đối với hạnh phúc của bạn.
Robert A Heinlein

Với những kẻ độc ác, mọi thứ đều là cái cớ.
Voltaire

Kẻ yếu không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm chất của kẻ mạnh.
Mahatma Gandhi

Chúng ta ai cũng sẵn sàng tàn nhẫn cho một động cơ nào đó. Điểm khác biệt giữa người tốt và người xấu nằm ở sự lựa chọn động cơ.
William James

Không ai yêu một người phụ nữ vì nàng đẹp hay nàng xấu, ngu ngốc hay thông mình. Chúng ta yêu vì chúng ta yêu.
Balzac

Đàn ông không bao giờ bằng được phụ nữ ở tinh thần phụng sự không vụ lợi mà tự nhiên đã ban tặng cho nàng.
Mahatma Gandhi

Con đường an toàn nhất là không làm gì trái với lương tâm. Với bí mật này, chúng ta có thể hưởng thụ cuộc sống và không sợ chết.
Voltaire