|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: Không bằng trời tính
Tác giả: Đặng Toán
Truyện ngắn

Hắn khó nhọc di chuyển ra cửa bằng chiếc nạng gỗ. Căn nhà vắng vẻ đến lạnh lẽo. Cái ngõ gạch như dài hun hút, chiếc cổng sắt sơn màu hắc ín, vẫn đóng im ỉm. Mẹ kiếp! Giờ này còn chưa thèm vác mặt về! Hắn lẩm bẩm. Mụ vợ hắn, không hiểu sao dạo này hay lấy cớ ra khỏi nhà. Lại còn học đòi “vôi ve sơn phết” nữa chứ! Nhìn cái bản mặt mụ đến là ghét. Người ta nói “Mắt một mí chẳng đĩ cũng gian”. Cấm có sai!
Bất giác, hắn nhớ tới Thu, người vợ trước của hắn. Thu không đẹp, nhưng ưa nhìn. Hắn gặp Thu ở phiên chợ huyện, khi hắn đi mua vịt đẻ. Hôm đó, hắn cho Thu đi nhờ tới hiệu sửa xe, vì xe cô xịt lốp. Lúc phải rút tờ năm nghìn đồng ra trả tiền vá xe hộ Thu, hắn cảm thấy xót lắm. Thật đúng là của thiên trả địa. Lúc mua vịt, hắn phải nài nỉ mãi thằng cha bán vịt mới bớt cho được đúng hai nghìn. Mẹ cha cái thằng kẹt xỉ. Hắn cứ đứng thần cả người, mãi lúc Thu chào để ra về, hắn mới giật mình, cười gượng gạo...
Không bỏ lỡ cơ hội, ngay tối hôm sau hắn đã mò đến nhà Thu. Biết cô là con độc nhất, hắn cảm thấy mình thật may mắn. Không như mấy thằng bạn, chỉ riêng cái khoản bim bim, kẹo mút để “nịnh” mấy đứa em của người yêu, cũng tốn kém ra phết. Mưa dầm thấm đất mà, mẹ hắn vẫn hay bảo thế! Bố Thu là ông giáo làng, về hưu lọ mọ chơi cây cảnh. Chắc đau lưng, chưa tối đã đi ngủ. Thế lại hóa hay. Hắn thầm nghĩ. Nếu không, bao thuốc lá mình mang đi chả mấy tối mà hết nhẵn. Bà mẹ Thu to béo xởi lởi. Cứ thấy hắn đến lại cầm cái quay và mớ đay xé dở sang nhà hàng xóm, vừa xe vừa xem nhờ ti vi. Vậy là hắn tha hồ trong căn nhà vắng vẻ. Điều mà hắn thấy sướng nhất là hộp chè của ông giáo già. Hình như từ dạo có hắn đến chơi, nó chẳng lúc nào vơi? Không biết ông cụ “thửa” đâu ra loại chè ngon đến thế? Ở nhà hắn, quanh năm suốt tháng rặt có nước sôi. Thi thoảng, mẹ hắn mới mua được mớ chè bồm, uống vào cứ chát sin sít.
Ban ngày hắn đánh đàn vịt dong bộ hơn hai cây số đến thả vào ruộng lúa nhà Thu, rồi vào nhà vừa xem ông bố uốn cây, vừa uống nước chè. Tối đến, hắn lại vừa uống nước chè, vừa ngắm Thu xe đay. Thật đúng là nhất cử lưỡng tiện.
...Con Vện, xích ở góc hiên chợt ư ử trong cổ họng. Tưởng mụ vợ về, hắn lặng lẽ trở vào buồng.
- Mẹ ơi! - Con gái hắn vừa gọi vừa xồng xộc vào nhà. 
- Mẹ chưa về hả bố? 
- Chưa! - Hắn đáp cụt lủn.
- Không biết thùng thóc giống, mẹ bảo cho con để ở đâu nữa? - Con gái hắn vừa nói vừa đưa mắt sục xạo khắp nhà. 
Thật đúng là mẹ nào con nấy. Tham như mõ. Hắn cảm thấy bực lắm. Mình đau ốm thế, nó không thèm hỏi một câu. Cái đồ con gái cái bòn. Gả chồng rồi mà chưa yên với nó.
- Tối mẹ mày về, sang mà lấy.
Hắn nói như gắt, khi con gái hắn làu bàu vì tìm mãi không được, dắt xe ra về. Đúng là giống con mẹ đến cả cái tướng đi - Hắn lẩm bẩm.
...Hắn và Thu lấy nhau được mấy năm mà mãi không có con. Thu bàn với hắn đi khám. Hắn gạt phắt:
- Rách việc. Không có trước thì có sau. Đang yên đang lành, lại mang tiền đi biếu bác sĩ!
Lại nữa. Hắn thấy bảo, mấy tay bác sĩ chữa vô sinh vô xiếc gì đó cũng ghê lắm! Nhân tạo nhân tiếc gì cái bọn đó. Khéo nó lại chả đóng chặt cửa vào thì bỏ bố! Chậc... Chậc...! Hắn chả dại! Tự nhiên lại mang mỡ đến cho mèo. 
Hắn và Thu rất hay cãi nhau. Mà toàn những chuyện vớ vẩn chẳng đâu vào đâu cả. Hắn đi cày máy suốt mùa, bữa cơm độc có mấy miếng đậu trắng, bát canh suông lõng bõng nước. Vậy là cũng tốt quá rồi. Ngày xưa á, thầy hắn theo trâu cả buổi, còn nhịn chay kia kìa. Vậy mà trưa hôm đó, ở đồng về, xuống cầu ao rửa chân tay, hắn đã thấy mùi thơm nhức mũi, bay ra từ bếp. Hắn xộc vào. Thu đang rán mỡ. Nhìn chảo mỡ sôi lên sùng sục, hắn nhẩm tính, ít cũng phải năm lạng. Chết thật! Cứ cái kiểu này thì đến núi cũng phải lở... Đã thế, vợ hắn lại còn quay ra cười nữa chứ. Hí hửng nhỉ! Đúng là loại đàn bà, cười mà miệng toác đến tận mang tai thế kia. Ăn hoang phải biết!
Lần khác đi làm đồng, hắn bắt được ít cá lụn vụn, mang về đã dặn kho mặn để ăn dần. Ấy thế mà ở nhà vợ hắn đã đi mua hẳn chai dầu ăn mười nghìn đồng, lại còn thêm hai quả cà chua nữa, đổ tất vào nấu riêu. Ai đời lại tiêu pha lãng phí thế! Chỉ cần nửa quả cũng đã ngon chán! 
Điều hắn bực hơn cả, bực đến phát điên lên, lại là cái tính dại dột, dễ tin người của Thu. Ai đời, của ăn không có, có của đem cho? Hắn thức đêm, thức hôm soi ếch, soi rắn toét cả mắt ra. Vậy mà, hôm đứa em con ông chú sang mua về làm chả. Thu đã lấy rẻ hơn giá ở chợ, lại còn cân rõ tươi nữa chứ! Rồi cái bận bán thóc cũng thế. Cái ca nhỏ hơn, hắn đã cẩn thận để bên cạnh rồi. Vậy mà Thu hớ hênh thế nào lại mang cái ca to ra, đong cho người ta. Thế hỏi còn lời lãi gì nữa! Hàng xóm láng giềng, cứ ai hỏi cái gì là tông tốc mang ra. Lần ấy, hắn mới mua được cái cuốc bén lắm, đã giấu ở chái bếp kỹ thế mà Thu cũng tìm được, đem cho mượn. Hôm sau, nhìn cái lưỡi cuốc vêu vao như trêu ngươi, hắn chỉ muốn tát cho Thu một cái. Lần này có buồng chuối chín hắn sẽ đích thân mang chợ bán. Hôm ấy, chỉ còn nải rốt lãi, cái con mẹ béo như cái cối xay mà bủn xỉn cứ trả lên, trả xuống đòi bớt năm trăm đồng. Còn khuya hắn mới bán cho nhá. Thà mang về còn hơn. Các cụ vẫn bảo chồng như cái giỏ vợ như cái hom. Thu mà cứ thế này khéo hắn phải tính lại... Sau cái lần hắn viết hai câu thơ dán ở cửa “Trăm năm ở với người đần/ Không bằng một lúc tới gần người khôn”, Thu và hắn cãi nhau kịch liệt. Thu bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Thôi thì thôi, hắn cũng chẳng sang tìm. Càng nhẹ nợ.
...Hắn quyết định đi tìm “một nửa” thực sự của mình cho Thu biết tay. Công bằng mà nói, hắn cũng đẹp giai đấy chứ. Thân hình hắn không cao lắm nhưng lực lưỡng, rắn chắc, làn da nâu khỏe khoắn. Và đôi mắt thì như có lửa. Mụ vợ bây giờ của hắn đã chết mê chết mệt, khi lần đầu tiên người mai mối dẫn hắn đến. Còn hắn thì... thú thực cũng không cảm tình mấy. Người gì cứ nần nẫn như đẵn mía, mắt một mí hum húp, gò má đã cao lại gầy, như chẳng có anh em họ hàng gì với thân hình của mụ. Được cái mụ có cái miệng nhỏ. Loại này căn cơ ra phết đây! Hơn nữa, cái vốn liếng buôn rau, buôn cá bao nhiêu năm của mụ nghe đâu cũng kha khá. Vậy là hắn ô-kê!
Cưới chưa được năm, vợ hắn tòi ra một con vịt giời. Hắn đã bảo mà, nom là biết mụ mắn lắm. Con bé nhà hắn, được cái mát da mát thịt, chỉ cơm nước mắm mà cứ lớn như thổi. Quay đi quay lại, đã tí tớn đòi lấy chồng. Ừ thì cho mày lấy. Đỡ được một miệng ăn!
...Ngay cái hôm đầu tiên mụ vợ trổ tài buôn bán, hắn đã thầm bái phục. Bắp cải mua về, mụ khéo léo lấy mũi dao nhỏ, rạch những nhát rất kín đáo. Sau đó, thả ngâm nước một đêm. Hôm sau đem bán, gì chứ cứ một cân thành cân ba, cân tư như bỡn. Mẹ nó đúng là kinh nghiệm đầy mình. Hắn vừa nịnh vợ vừa định cầm cái bắp cải bé như nắm tay đem luộc. Vợ hắn nhỏ nhẻ: “Ấy, thầy nó để em bán kiếm đồng, mình luộc đám lá già cũng ngon chán. Phải tiết kiệm chứ, thầy em nhỉ?”. Cái hôm bà bác họ sang mua mấy cân đỗ xanh về có giỗ, thấy vợ cân xong, hắn lại thúng bốc thêm một nắm định bỏ vào cho bà bác. Vợ hắn giữ ngay lại, nguýt một cái rõ dài, rin rít qua kẽ răng: “Tôi không cân thiếu đã là tốt lắm rồi!”.

Minh họa: TRẦN ĐỨC
Dạo này hàng xóm cũng ít đến nhà hỏi mua tôm cá, rắn ếch của hắn. Hôm thì vợ hắn nói, tối qua “giở giời” chả kiếm được gì. Bữa thì mụ mang một mớ toàn những con thải loại đui, què, sứt mẻ ra... Nhiều lần như vậy, không còn ai đến “mua rẻ” của nhà hắn nữa.
*
* *
Hắn đang chạy xe đi cất hàng cho vợ. Thôi chết. Công an! Nghĩ đến cái xe máy đã mua từ lâu mà chưa có giấy tờ. Hắn ngoặt xe quay đầu chạy. Một chiếc xe cùng chiều không tránh kịp tông vào. Hắn văng ra, cái chân phải bị đè gẫy.
...Lão bác sĩ có khuôn mặt dữ tợn, mắt xếch, hàm râu quai nón chưa kịp cạo, lởm chởm như bàn chải, lạnh lùng:
- Chân của anh, muốn lành lặn như cũ, phải mổ ra, ghép xương đóng đinh nội tủy, hết khoảng mười triệu.
Hắn nghe mà thót hết cả tim. Những mười triệu kia á?... Nhưng... còn người thì còn của... Hắn phân vân. Thôi, coi như số tiền mình ky cóp lâu nay đổ cả xuống ruộng! Hắn lại do dự... Cái mặt cha bác sĩ này nghi lắm. Gì mà đắt khiếp thế? Có mỗi một đoạn chân gãy mà hết những hơn hai tấn thóc?
Mụ vợ hắn, bảo chạy đi mua cho hắn mấy quả cam, mãi chẳng thấy về. Hắn biết ngay mà. Con mụ này nó mà kì kèo thêm hai bớt một thì hắn đến chết khát mất! Kia rồi! Cái tiếng bước chân thình thịch như nện đất đóng gạch ấy, lẫn vào đâu được.
- Gớm. Khiếp! Ở trên tỉnh, cái gỉ cái gì cũng đắt -Mụ vợ hắn ca thán- Những mười nghìn đồng một cân cam. Trả bã bọt mép, cái con mẹ bán cam kẹt sỉ mới bớt cho năm trăm bạc. 
Nghe hắn bảo cái giá bác sĩ đưa ra, vợ hắn như đỉa phải vôi:
- Thôi. Thôi. Về. Về! Cứ xuống ông lang Hưởng ở làng Bùi bó lá, giỏi lắm hết một triệu -Nói rồi, vợ hắn ngồi xuống, xoa xoa cái chân gãy của hắn, thẽ thọt- Thầy em nghĩ kỹ mà xem. Bó cái lá cây vừa mát lại vừa dễ chịu, không phải đau đớn. Ai đời cái chân như thế lại mổ mổ, đóng đóng, nghe mà phát khiếp. Thầy nó nghe em. Mình đứt một tí tay còn đau chả chịu nổi nữa là!
Hắn thấy cũng có lý.
Nhưng vết thương của hắn, do không được vệ sinh cẩn thận, nhiễm trùng. Chỗ xương gẫy không liền, nên thành tật, phải đi lại bằng nạng. Thật đúng là tiền mất tật mang! 
Nhớ cái hôm cô y tá thôn đến vận động mua thẻ bảo hiểm y tế, hắn còn đang suy nghĩ, mụ vợ hắn đã xoe xóe: “Tiền ăn còn chẳng có, lấy đâu ra tiền mà mua bảo hiểm”. Cô ta vừa ra đến cổng, mụ đã nguýt theo, rin rít: “Rõ là rách việc! Chẳng ai dại gì, đang tự yên, lại đem tiền ra cho đứa khác nó xơi! Đây mà có ốm á? Còn lâu nhé!”. Cái số hắn đúng là khốn nạn. Giá hôm ấy mà mua thì...
Từ ngày bị tai nạn chẳng đi đâu được, suốt ngày luẩn quẩn trong nhà, không hiểu sao hắn lại cứ vẩn vơ nghĩ đến Thu. Nhớ cái lần đi soi đêm dính mưa, chỉ nhức đầu, cảm mạo sơ sơ, vậy mà sáng hôm sau, vừa ngủ dậy, hắn đã thấy Thu băm chan chát dưới bếp. Thu mua thịt nạc nấu cháo tía tô, rồi hai quả trứng vịt lộn nữa. Hắn tiếc của, cố ăn bằng hết. Nghĩ mà xót, thế là đi toi một đêm soi ếch! Giờ nhớ lại hắn cứ thấy thèm thèm... Giá mà... Thật đúng là miếng ngon nhớ lâu...
Hắn không đi làm được nữa, thu nhập kém đi. Mụ vợ dạo này hay cáu bẳn, thỉnh thoảng còn xa xôi, bóng gió “Người ăn thì có, người làm thì không”. Hắn điên lắm. Mẹ kiếp! Lúc đếm tiền bán ếch, bán rắn hàng mấy trăm thì cười như ma làm. Hắn chỉ muốn phang cho mụ một nạng.
Con gái hắn, mặc dù lấy chồng ngay làng bên, nhưng cũng ít qua lại. Thật rõ là cái đồ “vịt giời” ăn hại. Chỉ lúc nào nó cần xin xỏ mình cái gì thì mới thò mặt đến!
...Con Vện lại rên lên ư ử. Lần này thì vợ hắn về thật. Chỉ cần nghe tiếng xích ở khóa cổng xoang xoảng, tiếng bước chân thình thịch, tiếng vòi nước ở chái nhà xoe xóe, cũng đủ biết.
- Gớm! Khiếp! Đúng là người khôn của hiếm. Càng ngày càng khó làm ăn.
Cái giọng rin rít của mụ cất nên, làm hắn khẽ rùng mình. 
Một cái mùi tanh tanh, khăn khẳn len vào tận trong buồng. Vợ hắn tay cầm mấy mớ rau héo, tay xách túi ni lông đựng mấy con cá khô bước vào:
- Sao? Hôm nay ông thấy có khá hơn tí nào không? -Giọng mụ nghe chừng đã hở hở cái răng ra được chút- Chợ với búa cấm có cái gì ra hồn mà mua. Thôi ông cố ăn tạm cá khô, rồi mai sẽ tính.
Mụ vợ hắn ân cần, rót cốc nước nguội ngơ nguội ngắt, chắc đun từ mấy hôm trước, đưa cho hắn, rủ rỉ:
- Em nghe đài nói, người gãy xương rất cần can xi. Mà cái giống cá khô này cứ ăn cả đầu cả đuôi cũng tốt lắm thầy nó ạ.
Hắn muốn khóc mà mắt cứ khô khốc. Hắn không ngờ, vợ hắn dạo này lại còn đọc cả báo, nghe cả đài nữa!
Hai hôm trước cũng thế. Thấy hắn kêu nhạt mồm, mụ đon đả:
- Để em nấu cho thầy nó nồi cháo nhé. 
Nghe thế, hắn đã mường tượng ra tô cháo thịt tía tô thơm ngan ngát. Nước miếng chực ứa ra... Trước khi đi chợ mụ vợ đứng ngoài sân, dặn với vào:
- Cháo em nấu để ở chạn ấy. Thầy nó ở nhà cố mà ăn cho hết. Hôm nọ, thấy báo họ viết người ốm ăn cháo trắng vừa lành, lại vừa có chất “lu-cô” gì gì ấy. Tốt lắm đấy.
Vậy là cả ngày hôm đó, hắn được ăn ba bữa cháo trắng mặn như nước mắt. Hình ảnh mấy quả trứng vịt lộn trắng bóc, nhúm rau răm xanh mướt, những lát gừng thái chỉ, rồi mùi cháo thịt tía tô ngan ngát, cứ luẩn quẩn đâu đây... Cánh mũi hắn phập phồng, phập phồng.
Từ dạo hắn bị liệt, mụ vợ đâm đổ đốn. Mụ nói phải đi buôn đường dài, chứ cứ quẩn quanh ở mấy cái chợ xã, chợ huyện thì có mà ăn cám. Có đời thủa nhà ai, đi buôn rau buôn cá mà cũng tô môi, kẻ lông mày? Hắn đi guốc trong bụng mụ! Dạo ấy, mụ chẳng chết mê, chết mệt hắn vì cái gì, hắn còn lạ sao?
Hắn nằm vắt tay lên trán, trân trân nhìn lên trần nhà... Đúng là người tính không bằng trời tính. Hắn cay đắng nghĩ. Mắt chợt nhòa đi... Hình như ở cuối cánh đồng lúa xanh mướt xa xa, Thu đang đứng cười cười, tay vẫy vẫy...
Đ.T
Quay về
Văn
Có một lời thề
Biển đêm
Khai trường, chợt nhớ...
Những mảnh ghép
Không bằng trời tính
Mênh mang...
Gió
Đồng hành mưa
Người đánh bắt giấc mơ
Vẫn còn...
Thơ
Người lính già trước biển
Trong xanh thẳm Đăk Tô
Ký ức
Dù mình không còn trẻ
Về quê
Ngọn rau đắng
Tự vấn
Một mình
Khúc đêm
Hạ Long ngẫu Rap
Khúc ru
Linh khí ở Bảo tàng Quang Trung
Giấc mơ dừa kỳ ảo giữa Tam Quan
Đại Hồng(*)
...Còn bên này sông
Người đánh bắt giấc mơ
Nhạc
Vầng trăng của bé
Văn học nước ngoài
Con chó già
Nghiên cứu-Lý luận-Phê bình
Những gam màu ấn tượng của mỹ thuật Quảng Nam
Về tuyển tập ca khúc "Quê hương xứ rượu Hồng Đào"
Vài âm vọng lục bát Nguyễn Bá Hòa
Góc nhìn người trong cuộc
Văn học và... thời trang
Văn học-Học văn
Mũ đồ chơi(*)
Một thoáng Mỹ Sơn(*)
Nhip sống văn nghệ-Hộp thư
Nhịp sống văn nghệ
Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật hướng đến kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015) và kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2015)
Hộp thư