|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: TAM KỲ, THÀNH PHỐ TRẺ
Tác giả: Phan Chí Anh


Theo quy luật tự nhiên, trải qua thời gian, mọi thứ đều phải già đi. Ấy vậy mà với Tam Kỳ, từng ngày sống và yêu và gắn bó, tôi lại thấy mảnh đất này càng lúc càng trẻ ra, duyên dáng và xinh đẹp...

1. Với những quê xứ mình từng yêu và gắn bó, không phải chỉ đến khi chia xa mà nhiều lúc, ngay khi mình chưa dời chân đi đã thấy nhớ. Những nỗi nhớ đột hiện miên man... Như với Tam Kỳ, cứ nhắc đến là tôi lại thấy nhớ. Nhớ  con đường hoa sưa chạy cặp bờ sông, mỗi mùa hoa về là rực vàng những mong ước lãng mạn tinh khôi. Nhớ làng bún Phương Hòa, mỗi sáng lại xuất hiện một đoàn người đạp xe chở bún tỏa đi. Nhớ nhà ga liu riu, khoảnh sân không quá rộng nhưng lúc nào cũng có cảm giác mênh mang. Nhớ những đường kiệt hun hút dẫn về phía những xóm làng chân phương, hắt lên một nỗi quê kiểng hồn hậu giữa lòng phố xá đang từng ngày huyên náo...

Gần 20 năm trước, khi vừa trở thành thị xã tỉnh lỵ của Quảng Nam, Tam Kỳ rất mực “chân quê”. Nhỏ bé, khiêm nhường, chật chội. Phố phường vá víu, nhếch nhác. Và nghèo. Và thiếu thốn đủ thứ... Nhiều bạn bè tôi, sau chừng nửa năm về nhận công tác ở Tam Kỳ, đã tìm đường rút lui. Họ chưa kịp yêu, hoặc là cũng đã yêu Tam Kỳ rồi, nhưng dường như tình yêu ấy chưa đủ sâu đủ chín để họ kiên lòng ở lại với vùng đất "ba sông, ba bến, ba cồn" hồn hậu và nhiều kỳ tích. Nhưng vẫn có hơn hai nghìn người, diện “cán bộ chia tỉnh”, đã ở lại. Vì công việc, hẳn rồi. Và còn vì một điều quan trọng hơn, ấy là họ dám đặt kỳ vọng vào đất này, tin một ngày Tam Kỳ “thoát xác”...

Nhớ và yêu Tam Kỳ, trước hết là nhớ và yêu cái khiêm nhường, “chân quê” một thời. Từ trong khói lửa bước ra với bao chật vật, khó nhọc, người Tam Kỳ ai mà không mong một ngày quê mình hóa thân, làng xanh nếp làng, phố ra dáng phố. Những năm đầu sau ngày Tam Kỳ thành trung tâm hành chính của tỉnh, cảnh trâu bò chạy long nhong trên phố, cảnh những chiếc xe kéo chở rơm lam lũ diễu qua những dãy nhà vừa lên tầng là không hiếm. Trên đường, xe máy nhiều hơn xe đạp và ô tô. Người vượt đèn đỏ cũng nhiều. Những ngôi nhà cao tầng mới xây vươn cao kiêu hãnh là vậy nhưng lại có phần khép nép vì mình vẫn là thiểu số... Thấy và chợt se lòng. Làm sao có thể ép bà con nông dân chỉ sau một đêm phải lột xác, phải trở thành thị dân. Và cũng không thể ép thị xã tỉnh lẻ, từng bị xếp vào hàng kém phát triển, ngày một ngày hai thoát thai thành thành phố với đầy đủ những yếu chất cần có...

2. Và trên thực tế thì Tam Kỳ luôn vận động, hối hả và quyết liệt, cả trên bình diện chung lẫn trong từng ngóc ngách nhỏ của mỗi góc phố, mỗi gia đình. Đề án xây dựng, phát triển đô thị được chỉnh sửa, bổ sung nhiều lần; có một số phần việc làm xong rồi bỏ, làm lại trong day dứt, tiếc rẻ. Đâu đó ở An Sơn, An Xuân, những khu vườn lài ngát hương bị thu hẹp lại hoặc biến mất, nhường chỗ cho những khu phố mới, cho các khu tái định cư... Mọi thay đổi đều phải trả giá. Đắt hay rẻ thì đâu dễ nói ngay được?! Nhiều gia đình 4 đời làm ruộng, sau một thời gian ngẩn ngơ vì phải nhường đất nông nghiệp để làm khu công nghiệp, để quy hoạch đô thị rồi cũng vừa lòng khi con cái họ trở thành công nhân. Một số người lớn tuổi, không có cơ hội vào nhà máy, thì xoay ra mở hàng tạp hóa. Lại nhớ, khi Siêu thị Co-opMart mọc lên chỗ ngày xưa là bến xe Tam Kỳ nhếch nhác, nhiều thanh niên vai u thịt bắp vô công rỗi nghề quanh đó đã “vào vai” nhân viên bảo vệ rất tròn, trông vừa nghiêm vừa lành!...

Trong khi lo chỉnh trang đô thị, với mức đầu tư bình quân mỗi năm không dưới 5 tỷ đồng, Tam Kỳ còn phải xoay vần lo sinh kế cho hàng trăm hộ dân bị giải tỏa; lo xây chợ, lo làm đường nối từ phố ra quê. Chuyện lình xình, kiện cáo cũng có phát sinh chỗ này chỗ kia, lúc này lúc khác. Cũng là lẽ thường trong cuộc bươn bả, vươn mình nhiều đụng chạm. Nhưng quý là ở chỗ lãnh đạo Tam Kỳ chịu nghe, chịu sửa, chịu “kinh lý” về những nơi “có chuyện”, về những “điểm nóng”, trực tiếp chịu chất vấn của dân và trực tiếp đối diện với những hệ lụy khách quan hoặc chủ quan. Một chuyện khác, cũng hay không kém: Không ít người dân Tam Kỳ mang đơn đi khiếu kiện đòi quyền lợi này kia, quyết liệt và nộ khí ngất trời, thế mà khi ai đó vô ý có lời không hay về Tam Kỳ, lập tức họ cãi lại rất hăng, để bênh vực cho Tam Kỳ của mình. Họ yêu và tin vào quê hương rạch ròi và mạnh mẽ đến vậy đấy! Ở một góc độ nào đó, nếu dân mà cứ im thin thít, thấy chính quyền làm gì cũng mặc thì câu chuyện phát triển e cũng khó tròn. Dân có tốt họ mới lên tiếng, giúp chính quyền cân nhắc, nghiên cứu, để nếu thấy sai thì sửa...

3. Năm 2006, Tam Kỳ được Bộ Xây dựng công nhận là thành phố thuộc tỉnh. Một điểm mốc tự hào nhưng cũng đầy thử thách, không ít người khi nghe chuyện còn tỏ ra... kinh ngạc. Thì rằng, so với 10 năm trước, Tam Kỳ đã lớn, đã đẹp hơn nhiều, ra “phố” hơn nhiều, nhưng những chệch choạc, xộc xệch vẫn còn đâu đó và hẳn nhiên, tiến trình “phố hóa” thì còn rất dài phía trước. Thêm nữa, cùng với sự đẹp lên của phố xá, còn phải làm thế nào cho lòng dân đồng thuận, cho đời sống người dân không ngừng được nâng lên...

Và rồi, như những chặng đường đã trải, người Tam Kỳ lại tiếp tục chung tay hành động, làm mới và sửa sai (nếu có) được nhiều cái rất kịp thời; góp phần làm cho thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn. Đặc biệt là trong 5 năm trở lại đây, bất chấp những ảnh hưởng bất lợi do suy thoái chung, nhịp độ phát triển của Tam Kỳ vẫn ổn định. Ví như trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tổng mức lưu chuyển hàng hóa đạt mức tăng bình quân 24,6%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 17,44%/năm; trong đó đã xuất hiện rõ một số nhóm ngành ưu trội và thành phố có lợi thế, như chế biến, chế tạo, công nghiệp may và sản xuất trang phục, công nghiệp da và sản phẩm từ da. Chưa thật sự trở thành thành phố công nghiệp-thương mại và dịch vụ, nhưng chừng đó cũng đủ để thấy Tam Kỳ đã chọn hướng đi hợp lý, đúng hướng và có sức thuyết phục... Trong khi đó, với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp-đô thị; tăng cường đầu tư hạ tầng, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, thử nghiệm các mô hình trồng trọt, chăn nuôi,... giá trị sản xuất ngành nông nghiệp cũng đạt mức tăng bình quân 6,26%/năm. Tất cả những điều này, cộng với nhiều yếu tố khác nữa, đã góp phần lý giải vì sao 5 năm qua, tổng thu ngân sách của thành phố đạt mức tăng bình quân 8,56%. Ngược lại, cũng nhờ đó và từ đó, vấn đề phát huy nội lực cũng thể hiện rõ rệt hơn. Trong giai đoạn 2011-2015, tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 9,98%; trong đó chi đầu tư phát triển chiếm 42,7% và chi thường xuyên chiếm 48,8% tổng chi ngân sách.

Hòa nhịp và cùng góp phần vào sự phát triển chung của thành phố, các thiết chế văn hóa cũng được đầu tư sửa chữa, xây mới, đáp ứng sinh nhu cầu hoạt của nhân dân. Đến nay, 100% thôn, khối phố đã có nhà văn hóa; 13/13 xã, phường có hội trường quy mô 150-200 chỗ ngồi kết hợp dùng làm Nhà văn hóa xã, phường. Với giáo dục, một loạt nhiệm vụ quan trọng được tập trung thực hiện. Đến nay, toàn thành phố có 30 trường đạt chuẩn quốc gia; 13 xã, phường đạt phổ cập giáo dục bậc trung học; 32 trường mầm non-mẫu giáo, tiểu học, THCS được tầng hóa, kiên cố hóa. Đặc biệt, chương trình giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm đã thu được nhiều kết quả khả quan. Từ năm 2011 đến nay, bình quân mỗi năm tạo việc làm cho trên 4.600 lao động; tỉ lệ lao động qua đào tạo chiếm 65%. Các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện tốt, góp phần cải thiện một bước công tác an sinh xã hội; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,5%...

Kinh tế phát triển ổn định đã tạo đà cho nhiều vấn đề quan thiết của đô thị trẻ Tam Kỳ phát triển theo. Chẳng hạn như trên lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng được đầu tư mạnh hơn theo tiêu chí đô thị loại II; bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, sạch, đẹp. Cùng với đó, thành phố đã xây dựng định hướng phát triển không gian đô thị gắn với quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và khớp nối hạ tầng; mạnh dạn điều chỉnh, hủy bỏ các đồ án quy hoạch không còn phù hợp, từng bước chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, xanh, sạch. Nhiều công trình trọng điểm có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và tạo cảnh quan đô thị được xây dựng hoàn chỉnh. Ở nách phía đông thành phố, công trình cầu Kỳ Phú 1 và 2 hoàn thành đã xóa được nét vẹo vọ ám ảnh suốt mấy chục năm. Hơn 20km vỉa hè, hơn 100km đường bê tông nông thôn và kiệt hẻm nội thị được xây mới và nâng cấp... đã tạo ra những không gian phố xá thật sự. Một số công trình công cộng được đầu tư từ nhiều nguồn, như Quảng trường 24/3, Khu công viên tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng, Nhà Văn hóa thiếu nhi thành phố đã góp phần tạo cho đô thị ngày càng văn minh, hiện đại, xanh sạch hơn. Việc triển khai đề án phát triển cây xanh đô thị nhằm xây dựng đô thị Tam Kỳ thành “thủ phủ xanh” đã nâng cao được tỷ lệ cây xanh tại các tuyến đường, các hồ điều hòa, các tiểu hoa viên trên địa bàn.... Trong khi đó, việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt cũng được đẩy mạnh, tỷ lệ chất thải rắn nội thị được thu gom, xử lý hiện đã đạt 90%. Đến cuối năm 2015, Tam Kỳ đã đạt được 44/49 tiêu chí của đô thị loại II...

Vâng, Tam Kỳ đang từng ngày lớn lên, vạm vỡ và trẻ trung hơn. Đi trong lòng phố tấp nập đông vui, chợt thèm ghé qua con đường hoa sưa bên sông Tam Kỳ; chợt muốn ngắm thật lâu những hàng cây đang xanh trong lòng phố; chợt muốn thả bao ước mơ bay lên cùng những ngôi nhà mới đang nối nhau vươn tầng... Và, chợt muốn cất lên câu hát yêu thương: “Tam Kỳ hướng về biển rộng, phố nhà cao vời lồng lộng. Những dòng sông êm trôi, để người thương nhớ người. Đường chiều vàng hoa sưa, gọi về mùa xuân năm xưa, dịu dàng bờ tóc em, để lại một dáng Tam Kỳ” (Tam Kỳ dáng phố biển xanh - Phan Văn Minh).

P.C.A


Quay về
VĂN
ÔNG NGÀ
CÔ GÁI ẤY
PHÍA CUỐI CON ĐƯỜNG
TAM KỲ, THÀNH PHỐ TRẺ
CÒI TÀU HÚT GIÓ VÀO GA...
THƠ
MẦM HẠT + HỎI
KHÔNG ĐỀ VỀ HOA XẤU HỔ + GÓC KHUẤT TRÁI TIM ANH
OSAKA + CÂY BẢN ĐỊA
NƠI TA NGỒI IM LẶNG + BÀI CHO CON YÊU
NGƯỜI ĐÀN BÀ TRONG ĐÊM + NHẶT GIẤC MƠ XƯA
QUÊ TÔI + DẮT TAY CON
THÀNH PHỐ BÊN SÔNG + NGÀY MỚI
PHỐ SƯA
TAM KỲ PHỐ
TAM KỲ LÀM SAO XA?!...
CÙNG CHIỀU
MỘT THOÁNG HƯƠNG XƯA
TAM KỲ - BẤT CHỢT MƯA
VỀ CÙNG THƯƠNG NHỚ
DÒNG CHẢY VĂN HÓA
NGHĨ VỀ TRỤC VĂN HÓA THANH CHIÊM - HỘI AN TRONG LỊCH SỬ
NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH
THẾ SỰ TRONG THƠ SAU 1975 CỦA THẾ HỆ CÁC NHÀ THƠ CHỐNG MỸ
MỘT NỒNG NÀN, MỘT NHỚ THƯƠNG...
GÓC NHÌN NGƯỜI TRONG CUỘC
MẤY "GÓC NHÌN" VỀ MỘT LIÊN HOAN ẢNH
VĂN HỌC - HỌC VĂN
MỘT HƯỚNG TIẾP CẬN BÀI THƠ "ĐÀN GHITA CỦA LORCA"