|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: ÔNG NGÀ
Tác giả: Hoàng Kim Tám

Truyện ngắn



Gà đã gáy rộ đến hồi thứ ba. Trời sắp sáng. Ông Ngà trải qua một đêm không ngủ. Cái việc mất ngủ của ông cũng là sự thường đối với một người đã xấp xỉ sáu mươi. Nhưng đêm nay ông không ngủ vì lý do khác kia. Thằng Bè, con trai út của ông đột ngột về thăm cha sau 5 năm đi biền biệt. Cái thằng thật lạ, chuẩn bị đi  mà chẳng hề hé răng lấy nửa lời, chỉ đến khi sắp đi mới kéo ông ra gốc mít sau vườn mà thầm thì vào tai ông gọn đúng một câu:

- Con đi bộ đội.

- Bao giờ đi?

- Ngay đêm nay.

Ông ớ người:

- Việc trọng đại như rứa mà chẳng chịu nói trước để mẹ còn sắm sửa chút chi trước lúc lên đường.

- Nói với mẹ để mẹ bù lu bù loa lên thì bọn ngụy trên Thượng Đức xuống tống con vào lính chắc?

Nó nói cũng phải. Tính bà Ngà thì ông biết, chẳng việc chi giữ kín nổi huống hồ là việc con sắp đi vào chỗ hòn tên mũi đạn. Lỡ bả không kìm nổi lại khóc ầm lên thì bể chuyện. Ở trong lòng địch, hớ ra một chút là chết ngay. Thế là đành để con đi. Sau này bà Ngà biết chuyện cứ trách ông mãi. Cứ mỗi một chuyện con đi mà không sắm cho nó được một bữa ăn khác với dưa muối ngày thường cũng làm bà áy náy suốt mấy năm trời. Chiều chiều, bà hay đứng nhìn về hướng núi mà lẩm nhẩm một mình: “Cái thằng, như cái mụt măng...”. Bà héo hon dần, rồi mất. Nhà vắng, chỉ còn mình ông. 

Đêm nay ông thèm có một người để trò chuyện biết bao. Giá như bà Ngà còn sống. Giá như thằng Bè về sớm được nửa năm để mẹ nó thấy được “cái mụt măng” một lần trước khi nhắm mắt.

Cả ngày hôm qua tự nhiên ông bồn chồn đến lạ. Đêm xuống, ngả mình trên chiếc chõng tre ông cứ trằn trọc mãi. Cho đến nửa đêm, nghe tiếng con gì cào cào  cửa phên mấy lần, ông lấy làm lạ. Khi bưng cái đèn hột vịt xuống gần, ông nghe một tiếng gọi khẽ thoáng qua như một cơn gió: Cha!

Ông giật thót, không tin vào tai mình. Trống ngực đổ hồi, ông run tay làm ngọn đèn tắt phụt. Tiếng gọi vẫn rất khẽ và tha thiết:

- Cha, con là Bè đây!

Ôi, đúng là thằng Bè rồi. Cái giọng đồng của nó thì bao nhiêu năm ông cũng không lầm được. Ông mở cửa, tay quờ quạng tìm cái bật lửa mà cứ tưởng mình đang nằm mơ. Đã gần 5 năm rồi, không một lần thư từ, một lời nhắn thăm ông, nay tự dưng lại lù lù đứng trước mặt ông đây. Thỉnh thoảng ông có nghe nói hình như nó đang chỉ huy một đơn vị trinh sát trong bộ đội chủ lực. Biết vậy để mà mừng thầm trong bụng, chứ chẳng dám nói với ai. Thằng Bè thầm thì:

- Cha đừng thắp đèn, nhớ quá, con lén về thăm cha một chút rồi đi ngay. Cha phải hết sức bí mật, không được hé lộ cho ai.

Điều này thì thằng Bè không nói ông cũng biết. Ở trong cái gọng kèm của bọn ngụy quyền Thượng Đức khét tiếng gian ác này lâu rồi, ông chẳng lạ gì chúng nó. Dạo thằng Bè mới đi được ít lâu, chúng đánh hơi được, đã hành hạ ông mấy bận. Mãi rồi chúng cũng thôi.

Ông run run quờ tay sờ soạng khắp người đứa con trai út. Nỗi thèm muốn được nhìn mặt đứa con làm ông không thể cưỡng nỗi. Ông kéo thằng Bè vào một góc kín và lật đật bật chiếc thùng quẹt liên hồi. Trong ánh chớp lóe ngắn ngủi của cái bật lửa, ông cũng cảm nhận đầy đủ sự cứng cáp, từng trải toát ra từ đôi mắt sáng như sao đêm của thằng Bè. Cái mụt măng của bà Ngà đã thành cây tre cao lớn thế này rồi. Ông khấp khởi mừng. Cha con ôm nhau. Ông ghì riết lấy con. Ông muốn được ôm ấp nó mãi trong vòng tay ông như thời nó còn nhỏ. Nhưng thằng Bè đã lại nói:

- Con phải đi. Cha ở nhà mạnh khỏe. Cha nhớ giữ gìn...

Thế rồi nó vụt ra cửa. Đến lúc đó ông mới nhớ ra, nó chưa được ăn miếng gì. Nhà vẫn còn nải chuối. Sáng nay, có buồng chuối chín, ông đã định đi chợ bán hết, nghĩ sao ông để lại một nải. Giờ nải chuối còn đó mà con ông lại đi rồi. Cũng giống như bà Ngà năm xưa, suốt đêm ông lại tự trách mình. Thậm chí ông cũng chưa hỏi con được lấy một câu. Bây giờ biết nó ở đâu? Ừ, mà dẫu biết nó ở đâu ông cũng không thể đi tìm.

Ông Ngà cứ suy nghĩ miên man. Suốt những ngày sau đó, không lúc nào ông không nghĩ đến thằng Bè. Ông nhớ, cái thằng thông minh lanh lợi, học hành giỏi giang. Mới học lên trung học mà đã ối đứa con gái trong làng để ý. Ông cảm thấy vui vui. Rồi ông sực nghĩ ra, chắc là thằng Bè còn lẩn quẩn đâu đây, đang rất gần ông. Dầu chi nó cũng sẽ quay trở lại. Nải chuối vẫn còn đó, ông để dành cho nó. À, ông nhớ ra, nhà có con gà mái còn lại sau trận dịch vừa rồi, ông bắt làm thịt, lòng những mong tối nay nó lại về. Thế nào nó cũng quay trở lại. Ông đinh ninh thế.

Nhưng thằng Bè vẫn chưa quay trở lại. Ông bắt đầu hoang mang. Ông linh cảm có một điều gì đó rất hệ trọng sẽ xảy ra nay mai. Ông sống trong tâm trạng bồn chồn vừa lo sợ, vừa mong đợi cái điều mà chính ông cũng không biết.

Lại một đêm ông Ngà không ngủ. Đã gần sáng rồi mà không khí vẫn oi bức quá. Chiếc quạt mo cau phất lia phất lịa trên tay cũng không đủ xua đi cái nóng bức đến ngột ngạt của mùa hè. Ông Ngà hé cửa bước ra sân. Hình như trời sắp đổ mưa. Chợt ở phía Tây một quầng sáng chớp lóe lên, rồi hàng tràng đại bác dồn dập, tiếng súng tiểu liên nổ rộ. Bốn bề tiếng súng đủ cỡ nổ giòn như pháo giao thừa. Ông Ngà chợt hiểu: Thằng Bè về, tức là bộ đội chủ lực ta về. Bộ đội chủ lực về tất có đánh lớn. Phen này cái đồn Thượng Đức có khi bị nhổ cũng nên. Ông khấp khởi mừng thầm. Bao nhiêu năm ông chỉ chờ mong giờ phút này.

Nhưng ông chợt khựng lại. Nỗi lo tự nhiên xâm chiếm tràn ngập lòng ông. Ôi, thằng Tình... Tình là con trai lớn của ông, anh thằng Bè. Hắn đang ở trong đồn Thượng Đức. Có ai hiểu nỗi lòng của ông lúc này. Mấy hôm nay ông không gặp thằng Tình. Mà có gặp thằng Tình thì liệu ông có nói ra không nhỉ? Ông cũng không biết nữa. Sự thể đã đến nước này rồi, ông chỉ còn biết ứa nước mắt. Tội nghiệp thằng Tình. Hắn phải chịu thiệt thòi đủ thứ. Nhà nghèo, mấy chị, mấy em hắn là thân con gái phải lo heo quéo, đồng áng là sự thường, học hành chẳng để làm gì. Ở cái xứ này nhà nào chẳng vậy. Nhưng thằng Tình là con trai trưởng. Ông nhớ, ngày thằng Tình mới học hết lớp nhứt thì mẹ nó đổ bệnh phải chạy chữa khắp nơi. Nhà lâm vào túng quẫn. Thằng Tình nói với ông:

- Con lớn rồi, để con ở nhà làm phụ giúp cha lo cho thằng Bè ăn học.

Ông gạt nước mắt, thương con mà không còn đường nào khác. Có thằng Tình phụ giúp, nhà cũng đỡ dần. Thằng Tình vốn hiền như cục đất và có nết siêng làm, chẳng lúc nào chịu ngơi tay. Ngớt việc làm đồng, nó lại nhảy xuống khe, xuống bàu lặn lội bắt thêm con cua con ốc, cũng có chút dặm thêm vào bữa ăn. Mẹ nó cũng nhờ đó mà khỏe ra.

Rồi một hôm, bọn lính Thượng Đức kéo xuống tràn ngập xóm làng. Thằng Tình vừa vác cái bừa từ ngoài đồng về liền bị chúng bắt lại trói gô trước ngõ. Bọn lính bảo: Phải bắt lên đồn thanh lọc. Dân làng nói: Chúng bắt lính đó thôi. Tội nghiệp con ông. Lính tráng gì chứ, con ông mới chưa tròn mười bảy. Ông xấn xổ lên xã, rồi lên quận. Ở đâu ông cũng được bọn chúng bảo là thằng Tình đủ tuổi quân dịch rồi. Ông cố cãi. Chúng bảo giấy khai sinh đâu? Ông cứng họng. Từ đời nào, ông biết khai sinh là cái gì. Rồi thằng Tình đi lính thật. Nó đóng trên đồn, thỉnh thoảng có về thăm ông. Lần nào nó cũng bảo:


Minh họa: TRƯƠNG BÁCH TƯỜNG


- Phần con coi như bỏ. Cha cố lo cho thằng Bè, nhứt là đừng để nó phải đi lính.

Thằng Bè ra Đà Nẵng học, mấy đồng bạc lương lính, thằng Tình dồn hết vào việc học của em. Anh em chúng nó vẫn rất thương nhau. Nhưng thằng Bè càng lớn lên nó càng có vẻ khang khác. Những lần gặp nhau tại nhà, hai anh em nó thường ngồi thầm thì với nhau hàng giờ. Chẳng biết chúng nói điều chi, nhưng trông thằng Tình rất buồn, nó cứ cúi gằm mặt xuống. Dần dần ông cũng lờ mờ hiểu ra, càng thương cho thằng Tình. Sự đời, nào ai sắp xếp được mọi cái theo ý muốn của mình.

Súng vẫn nổ. Máy bay Mỹ vẫn quần đảo, tiếng gầm rú nhức óc. Hàng chùm bom ném xuống. Bụi, khói khét lẹt. Mảnh đạn bay rào rào, cắm phầm phập vào thân những cây chuối trong vườn. Ông Ngà lập cập chạy tìm chỗ nấp, lòng vẫn không ngớt lo âu về hai đứa con đang trong lửa đạn, lại ở hai đầu chiến trận. Đủ bốn hướng, tiếng nổ vẫn dồn dập, dữ dội. Cả một vùng xung quanh ông như một cái chảo rang. Lòng ông nóng như lửa đốt. Ông nhấp nhỏm không yên. Ông Ngà nhảy lên khỏi miệng hố, định lao về phía Thượng Đức nhưng rồi biết mình không thể làm gì, ông ngồi xuống bịt chặt hai tai. Ông bối rối, bất lực. Ông lầm rầm khấn vái, cầu cứu đến bà Ngà: “Bà sống khôn, thác thiêng phù hộ cho thằng Tình, thằng Bè đều được bình yên...”. Lời cầu khấn của ông có lẽ đã đến được với bà Ngà. Tiếng nổ ngơi dần. Lòng ông có dịu đi đôi chút.

Đã thấy thấp thoáng bóng người. Cán bộ cách mạng thông báo đã tiêu diệt được nhiều cứ điểm và yêu cầu nhân dân sơ tán để tránh phi pháo địch. Cả làng đều đi cả, ông không thể không đi. Hòa theo dòng người gồng gánh, bồng bế đi sơ tán, ông bước thấp, bước cao, đầu óc trống rỗng. Ra đến bến sông, trong cái không khí huyên náo, chộn rộn chen lấn nhau lên ghe, ông Ngà chợt bừng tỉnh. Đi đâu? Sống chết với ông chừ có nghĩa chi. Thằng Tình, ừ, thằng Tình có thể chạy thoát được, nhất định nó sẽ về nương nhờ ông. Ông sẽ che đỡ cho nó. Nó là con ông. Thằng Bè sau khi thắng trận có thể sẽ ghé thăm ông. Mà lỡ hai anh em nó về cùng một lúc, hai anh em đụng nhau trong tình huống trớ trêu này thì... Ông không dám nghĩ nữa. Lúc này, chúng nó cần ông biết bao. Làm sao ông có thể đi cho đành.

Ông rẽ ngoặt vào một đám dâu, rồi men theo bờ tre lén lút trở về. Giờ cả làng chỉ còn lại mình ông đối diện với sự hoang vắng đến rợn người. Không một tiếng gà, không một tiếng người, không còn sự chộn rộn thường ngày. Thay vào đó là tiếng gầm rít của những quả đạn pháo bay qua đầu ông, nổ ì ùm đâu đó, lúc xa, lúc gần và tiếng vò vè của mấy chiếc tàu rà thỉnh thoảng xuất hiện lượn đảo, dòm ngó láo liên. Không khí chết chóc bao trùm lấy ông. Có lúc ông Ngà cảm thấy sợ hãi muốn trốn chạy khỏi làng nhưng rồi có một sợi dây vô hình nào đó níu giữ ông lại.

Ông Ngà vẫn dõi mắt về hướng Thượng Đức, những mong thằng Tình có thể chạy về với ông. Nhưng suốt mấy ngày chẳng thấy bóng dáng thằng Tình đâu. Cả thằng Bè nữa. Nồi thịt gà đã lên mùi thiu thiu. Nải chuối thì chín nẫu ra đen ngòm. Đã bảy, tám ngày rồi ông không đụng đũa đến nhưng vẫn hâm giữ nồi thịt. Không có chúng nó về thì có giữ cũng chẳng để cho ai. Ông chẳng thèm tiếc.

Lại một đêm qua đi trong đợi chờ vô vọng. Gần sáng, trong một thoáng thiếp đi, ông thấy bà Ngà về. Bà Ngà đứng đó, chẳng nói, chẳng rằng. Đôi mắt nhìn ông nửa như trìu mến, nửa như hờn trách. Ông muốn nói với bà bao điều nhưng chẳng nên lời...

Một tiếng nổ long trời. Rồi hàng tràng tiếng nổ dậy vang. Ở hướng đồn Thượng Đức những cột khói cao ngất cuộn lên. Đạn pháo bay. Tiếng nổ. Mảnh đạn rào rào găm lốp bốp vào đâu đó. Ông Ngà vẫn đứng dõi về hướng Thượng Đức. Đầu óc ông hoàn toàn trống rỗng, không nghĩ ngợi, không một chút sợ hãi. Ông đứng đó bao lâu, ông cũng không biết nữa.

Khi ông Ngà tỉnh dậy, ông thấy mình nằm dưới gốc cây ổi trước sân. Cây ổi bị mảnh bom cắt đi nửa thân, đổ gục xuống, cành lá phủ lên người ông. Ông Ngà gượng dậy, lồm cồm bò ra, nghe trong người đau ê ẩm. Trời đã ngả về chiều. Xung quanh im ắng, một sự thanh bình rất lạ lùng. Ông còn nghe được cả một tiếng chim tu hú vọng ra từ phía bìa rừng.

Ông lần dò ra ngõ, rồi men ra phía bến sông. Ở đó, ông có thể nhìn xa về mọi hướng. Ồ, cờ giải phóng. Trên mấy ngọn cây cao phía bên kia sông những lá cờ xanh, đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Cả phía bên này sông cũng vậy. Ông nhìn lên đồi Thượng Đức, ở đó cũng đã thấp thoáng những bóng cờ. Thượng Đức được giải phóng thật rồi. Gió sông mát rượi, khoan khoái. Cái sức mạnh nào ở trong ông tự nhiên trỗi dậy, ông thấy mình như khỏe hẳn ra.

Có một sự thôi thúc mãnh liệt từ bên trong, hướng ông về phía Thượng Đức. Ông bước gấp gáp, rồi ông chạy. Ông như trong cơn mộng du. Có ai đó gọi ông đứng lại, rồi một cánh tay nắm lấy vai ông giật ngược. Ông ngơ ngác nhìn xung quanh. Một toán bộ đội đang giữ ông lại.

- Ông cụ ở đâu đến? Ông cụ đi đâu đây? Tại sao dân đã đi sơ tán cả mà cụ lại ở đây? Có ai ở địa phương biết ông cụ này không?

Những câu hỏi dồn dập. Ông Ngà nghe như từ một cõi xa xăm nào vọng về. Cuối cùng ông cũng bật ra được mấy tiếng:

- Con tôi...

- Con cụ ở đâu? Làm gì?...

- Thằng Tình ở đồn Thượng Đức. À, mà còn thằng Bè đi bộ đội chủ lực. Hắn cũng đang ở đây. Các anh có biết chúng không?

Mọi người nhìn nhau. Chẳng ai có thể trả lời ông được.

Người ta bảo ông quay trở lại. Ông lẳng lặng về. Nhưng rồi, bằng một lối khác bước chân lại dẫn ông về hướng đồn Thượng Đức.

Bây giờ ông Ngà đã biết mình đi đâu. Cứ thấy người là ông lao đến hỏi thằng Tình, thằng Bè của ông.

Chẳng ai có thể trả lời ông được.

H.K.T

Quay về
VĂN
ÔNG NGÀ
CÔ GÁI ẤY
PHÍA CUỐI CON ĐƯỜNG
TAM KỲ, THÀNH PHỐ TRẺ
CÒI TÀU HÚT GIÓ VÀO GA...
THƠ
MẦM HẠT + HỎI
KHÔNG ĐỀ VỀ HOA XẤU HỔ + GÓC KHUẤT TRÁI TIM ANH
OSAKA + CÂY BẢN ĐỊA
NƠI TA NGỒI IM LẶNG + BÀI CHO CON YÊU
NGƯỜI ĐÀN BÀ TRONG ĐÊM + NHẶT GIẤC MƠ XƯA
QUÊ TÔI + DẮT TAY CON
THÀNH PHỐ BÊN SÔNG + NGÀY MỚI
PHỐ SƯA
TAM KỲ PHỐ
TAM KỲ LÀM SAO XA?!...
CÙNG CHIỀU
MỘT THOÁNG HƯƠNG XƯA
TAM KỲ - BẤT CHỢT MƯA
VỀ CÙNG THƯƠNG NHỚ
DÒNG CHẢY VĂN HÓA
NGHĨ VỀ TRỤC VĂN HÓA THANH CHIÊM - HỘI AN TRONG LỊCH SỬ
NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH
THẾ SỰ TRONG THƠ SAU 1975 CỦA THẾ HỆ CÁC NHÀ THƠ CHỐNG MỸ
MỘT NỒNG NÀN, MỘT NHỚ THƯƠNG...
GÓC NHÌN NGƯỜI TRONG CUỘC
MẤY "GÓC NHÌN" VỀ MỘT LIÊN HOAN ẢNH
VĂN HỌC - HỌC VĂN
MỘT HƯỚNG TIẾP CẬN BÀI THƠ "ĐÀN GHITA CỦA LORCA"