|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: Về tuyển tập ca khúc "Quê hương xứ rượu Hồng Đào"
Tác giả: Nay Thơ

Tay em mời chén Hồng Đào

Để ai say tỉnh với màu mắt ai...
Những suối khe róc rách giữa đại ngàn Trường Sơn trên đường tìm về Cửa Đại đã làm nên những Thu Bồn, Trường Giang, những bãi bờ phù sa xanh ngắt. Những ngọn gió hoang vu mang hương sắc biển Đông rồi cũng thổi ngược về phía đỉnh Ngọc Linh, xua tan lớp sương mù cho những bản làng rực ánh nắng mai. Trên những phiến đá mòn thoai thoải triền đồi trung du vẫn còn in dấu bước chân cha ông ngày xưa đi mở cõi. Và đâu đó trên những khúc sông khuya vẫn còn day dứt điệu hát lí thương nhau... Tất cả hồn thiêng sông núi, tất cả lịch sử nhọc nhằn giữ làng vỡ đất, tất cả những lời hát nồng ấm yêu thương đã lặn sâu vào trong tâm thức của cộng đồng cư dân trên mảnh đất này để làm nên tâm hồn và khí chất Quảng Nam. Và để bây giờ tất cả lại lần lượt nảy mầm thành những giai điệu, những lời ca, những thanh âm của ngày mới.

Tuyển tập ca khúc Quê hương xứ rượu Hồng Đào do Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam ấn hành là một tập hợp được tuyển chọn từ hàng trăm ca khúc của anh chị em hội viên Chi hội Âm nhạc. Mỗi giai điệu và lời ca là một lời tỏ tình, một niềm tri ân, một cảm thức riêng của từng người về mỗi miền đất quê hương xứ Quảng. Họ hát lên và mong nhận được sự đồng điệu của những người đang hoặc đã từng chọn nơi này làm quê hương. Và đây cũng là một sản phẩm chung của những người sáng tác nhạc Quảng Nam mong được đóng góp vào gia tài âm nhạc của đất nước.

Qua tuyển tập ca khúc này, người yêu âm nhạc sẽ có cơ hội nhận diện được một không gian của rừng thẳm núi cao chạy dài theo dải Trường Sơn bạt ngàn huyền thoại, từ ngọn Pôl Gơ lê Zang hùng vĩ đến dòng Đăk My cuộn tràn sức sống; có dịp trở lại những con đường, những miền quê đầy ắp yêu thương dọc theo những dòng sông lớn Vu Gia, Thu Bồn, Trường Giang... Đồng thời, lại có thể cảm nhận được từ hào khí dáng đứng Núi Thành đến vẻ trầm tư của một phố cổ Hội An trên bến sông Hoài... Và cái đọng lại sau cùng có lẽ là những hoài niệm, những thổn thức về một Quảng Nam xưa và những ước mơ về một Quảng Nam tươi đẹp mai sau.

Cũng qua tuyển tập này, người yêu âm nhạc còn được gặp lại những nét giai điệu mềm mại trữ tình, thấm đẫm chất thôn dã của các nhạc sĩ mà hầu hết công chúng âm nhạc trong tỉnh đã quen thuộc như Phố núi gọi tôi về của Hoàng Bích; Quê tôi của Tiến Dũng hay Chiều Bông Miêu của Huỳnh Ngọc Hải... Ở một số tác phẩm khác, có thể cảm nhận được chất sử thi bảng lảng trong mỗi dòng ca từ được chuyển tải trên nền chất liệu âm nhạc của các dân tộc miền núi. Không gian trong các ca khúc đó gợi cho mỗi người suy ngẫm về những điều còn mất trong hành trình văn hóa của các cộng đồng cư dân nơi ấy. Bởi nếu trong Hồn núi, trên nền một tiết tấu rắn rỏi phảng phất âm điệu cồng chiêng, Dương Trinh ngưỡng mộ niềm kiêu hãnh của văn hóa rẫy nương: “...Nơi đại ngàn chông chênh bên dòng suối mát, người miền núi quen với gian lao rồi, lưng vai trần đôi chân lang thang trên rẫy đại ngàn...” , thì trong Lời ru đại ngàn, Trần Cao Vân lại ưu tư về những bi kịch môi trường trong lời mẹ ray rứt ru con: “...Vì sao người ơi nắng đốt thịt da người? Vì sao người ơi thác lũ về cuốn trào, không còn lối con nai về, không còn lối con chim về, à con Vứch ơi à con Vứch ơi!”.

Một điều rất đáng ghi nhận là, trong Quê hương xứ rượu Hồng Đào, nhiều ca khúc đã thể hiện được sự sáng tạo của tác giả trong quá trình đổi mới chất liệu âm nhạc và tư duy ca từ. Đó là chất thơ thấm đẫm niềm đời trong Chở nắng của Hồ Xuân Hương hay Ngược dòng của Ngọc Phước. Đó dường như là những ca khúc của sự trải nghiệm qua thăng trầm, buồn vui giữa cuộc đời của chính tác giả. Với những mẩu giai điệu thường có bước nhảy xa kết hợp với những hợp âm rải tạo nên cảm giác bừng tỉnh, Hồ Xuân Hương viết: “...Chở nắng về, ngược dòng đời cuốn xoay, mặc thế gian đổi thay. Có nắng về, dù qua bao đắng cay, vẫn thiết tha yêu cuộc đời này”. Còn với Ngọc Phước, sau khi đã lội ngược dòng, lội đam mê, lội mệt nhoài, lội hoang vu... lại tìm thấy hơi ấm bình yên nơi từ đó ra đi: “...Phơi mình trên lá cây, thản nhìn mây trắng bay, quê nhà nắng mới lên, hoa vàng mơn gió xuân”. Ngoài ra, trong tập này những ca khúc được phỏng tác từ thơ, phổ thơ cũng chiếm một tỉ trọng khá lớn: 11/32 bài. Con số đó phần nào thể hiện được sự chủ động “bén duyên” cùng thơ của các nhạc sĩ Quảng Nam. Có thể kể ra: Lỗi tại buổi chiều, thơ Lệ Hà - nhạc Xuân Trúc; Ánh trăng, ý thơ Huỳnh Minh Tâm - nhạc R’Tuân; Tự hỏi, thơ Tô Hoàn - nhạc Nguyễn Huy Hùng; Chuyện tình phố núi, thơ Thái Nguyên Tài - nhạc Xuân Bá; Khát, thơ Hoàng Minh Nhân - nhạc Xuân Thắng; Níu bóng thời gian, thơ Phạm Vân Anh, nhạc Mạc Ly; Tình nơi biên cương, ý thơ Bríu Liếc - nhạc Huy Hoàng; Tam Tiến quê tôi, ý thơ Nguyễn Nay - nhạc Xa Văn Hùng; Không dấu bến bờ, ý thơ Nguyễn Giúp - nhạc Ngọc Phước; Tiễn đưa, thơ Bùi Tự Lực - nhạc Nguyễn Đăng Vinh; Giấc mơ hạ trắng, thơ Lê Thành Văn - nhạc Tiến Dũng. Có lẽ đây là một điều nên tiếp tục, nhất là những khi cảm thấy cần có sự sẻ chia "gánh nặng" nhạc và lời.

Ngoài ra, có một điều có lẽ cần phải suy nghĩ là một số ca khúc viết về những mảng đề tài cụ thể trong tuyển tập này vẫn còn nặng tính công thức như liệt kê hoặc hô khẩu hiệu, điều đó dễ dẫn đến cảm giác khiên cưỡng về cảm xúc sáng tác. Bên cạnh đó cũng ghi nhận sự góp mặt của một vài tác phẩm có tiết tấu hoạt náo, sôi động, tạo nên cảm giác hưng phấn như Tôi là trưởng thôn, một đề tài ít “đụng hàng” của Huỳnh Ngọc Hải; hoặc Nông Sơn đường về mùa xuân, một ca khúc được sáng tác riêng cho tam ca nam của Phan Văn Minh.

Dù sao, để viết nên tác phẩm, các anh em Chi hội Âm nhạc Quảng Nam đã trải qua khá nhiều những cuộc đi - về với các vùng miền quê hương xứ rượu Hồng Đào để hòa nhập tâm hồn mình vào tình đất tình người, với ý thức và tâm thức của những cư dân từng gắn bó thiết tha với mảnh đất này. Tuy nhiên, do sự khác biệt và đa dạng về phong cách, một số ca khúc có thể chưa đủ độ chín về xúc cảm nghệ thuật hoặc chưa đáp ứng được thị hiếu thẩm mỹ của mọi tầng lớp công chúng.

Dù vậy, có một điều đọng lại sâu đằm trong tâm hồn mỗi người là, tuyển tập ca khúc này là một giá trị chung nhất có thể được mọi người công nhận, đó là tình yêu đối với quê hương xứ sở.

N.T
Quay về
Văn
Có một lời thề
Biển đêm
Khai trường, chợt nhớ...
Những mảnh ghép
Không bằng trời tính
Mênh mang...
Gió
Đồng hành mưa
Người đánh bắt giấc mơ
Vẫn còn...
Thơ
Người lính già trước biển
Trong xanh thẳm Đăk Tô
Ký ức
Dù mình không còn trẻ
Về quê
Ngọn rau đắng
Tự vấn
Một mình
Khúc đêm
Hạ Long ngẫu Rap
Khúc ru
Linh khí ở Bảo tàng Quang Trung
Giấc mơ dừa kỳ ảo giữa Tam Quan
Đại Hồng(*)
...Còn bên này sông
Người đánh bắt giấc mơ
Nhạc
Vầng trăng của bé
Văn học nước ngoài
Con chó già
Nghiên cứu-Lý luận-Phê bình
Những gam màu ấn tượng của mỹ thuật Quảng Nam
Về tuyển tập ca khúc "Quê hương xứ rượu Hồng Đào"
Vài âm vọng lục bát Nguyễn Bá Hòa
Góc nhìn người trong cuộc
Văn học và... thời trang
Văn học-Học văn
Mũ đồ chơi(*)
Một thoáng Mỹ Sơn(*)
Nhip sống văn nghệ-Hộp thư
Nhịp sống văn nghệ
Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật hướng đến kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015) và kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2015)
Hộp thư